Nền kinh tế đang gặt hái nhiều “trái ngọt” là kết quả của quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng từ năm 2016 đến nay.
Báo cáo tại phiên họp 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế vĩ mô đã đi vào ổn định, lạm phát được kiểm soát đã thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm việc làm. Ông dẫn chứng nhiều số liệu chứng minh thành quả này. Chẳng hạn năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể, tăng đều qua các năm, đồng thời Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Bình quân ba năm 2016-2018 năng suất lao động tăng 5,62%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015 và đạt mục tiêu đề ra (tăng trên 5,5%). Hiệu quả đầu tư cũng được cải thiện, thể hiện qua chỉ số ICOR giảm xuống còn 6,42 năm 2016, và 6,11 vào năm 2017.
Một điểm sáng khác là cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của khai khoáng. Vậy là bài toán khó nhiều thập niên qua đã có được lời giải. Điều đáng nói là tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Cơ cấu ngành công nghiệp đã dịch chuyển theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (từ 13,8% vào năm 2014 lên 15,28% vào năm 2018) và giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng (từ 10,82% năm 2014 xuống 7,47% năm 2017). Trong khi đó vai trò của khu vực tư nhân gia tăng, thể hiện qua tỷ trọng của khu vực này trong GDP cũng như đầu tư phát triển toàn xã hội. Cụ thể đầu tư toàn xã hội tăng từ 12,1% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 12,5% năm 2016, 13,5% năm 2017 và 13,6% trong sáu tháng năm 2018.
Lĩnh vực nông nghiệp cũng được đánh giá cao xét ở góc độ chuyển dịch cơ cấu nội ngành có tác động tích cực lên năng suất lao động. Đây cũng là lĩnh vực có khả năng hoàn thành các mục tiêu quan trọng trong tái cơ cấu đặt ra cho giai đoạn 2016-2020. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao xuất hiện, đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp gia tăng, bao gồm đầu tư của các tập đoàn doanh nghiệp lớn. Cơ cấu khu vực nông-lâm-thủy sản cũng có sự dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản. Thu nhập bình quân đầu người/năm và đời sống của dân cư nông thôn được nâng cao, tăng từ 18,6 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 32 triệu đồng năm 2017. Tuy nhiên, Chính phủ nhìn nhận thể chế liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tập trung, tích tụ đất đai chưa thay đổi, chưa thực sự thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, hiện đại và công nghệ cao.
Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm, đó là một tín hiệu tích cực thể hiện trong báo cáo của Chính phủ vừa được gửi đến Quốc hội.
Chính phủ nêu một số kết quả đáng kể. Năm 2018 có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu tăng theo từng năm đã có tác dụng răn đe, từ đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng chống tham nhũng tại đơn vị mình phụ trách (năm 2018 tăng 17 người so với năm 2017, năm 2017 tăng 28 người so với năm 2016). Bộ Tài chính có 19 người bị xử lý, Bộ Công an hai người, An Giang một người, Hậu Giang ba người, Cần Thơ hai người và nhiều tỉnh khác có từ một đến năm người.
Tòa án đã xét xử sơ thẩm 200 vụ, 472 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,5% (giảm 8,2% so với cùng kỳ). Đã tuyên phạt chín án tử hình, tù chung thân (tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017). Tuy vậy, công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng chống tham nhũng vẫn còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng.
Ngoài ra, theo Chính phủ, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng vẫn chưa làm tốt. Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch, cung cấp thông tin trong hoạt động các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ. Trong khi đó, tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả.
Dự báo của Chính phủ là trong thời gian tới, tham nhũng từng bước sẽ được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và giảm bớt. Một số biểu hiện như “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau” vẫn có thể xảy ra cần được tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm, nhất là trong các lĩnh vực như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; cổ phần hóa, quản lý doanh nghiệp nhà nước.
- Xem thêm: Xử lý các vướng mắc cho nền kinh tế
Có thể nói, cải cách hành chính có hiệu quả tích cực nhiều mặt là việc xóa bỏ hộ khẩu, trước mắt sẽ tiết giảm 1.600 tỉ đồng/năm cho người dân. Việc triển khai đồng bộ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 được khẳng định là khả thi.
Bộ Công an cho biết, hiện nay có trên 2.700 thủ tục hành chính có yêu cầu các thông tin cơ bản về công dân; trong 5.400 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, có khoảng 1.273 thủ tục hành chính yêu cầu khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân; khoảng 70 thủ tục hành chính yêu cầu xuất trình giấy khai sinh hoặc bản sao giấy khai sinh, khoảng 18 thủ tục hành chính yêu cầu giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản sao giấy chứng nhận kết hôn. Như vậy, nếu quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân và khai thác thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc xuất trình các loại giấy tờ như hiện nay, sẽ cắt giảm được các thủ tục hành chính và giảm được những chi phí mà người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả.
Theo tính toán sơ bộ, khi ứng dụng công nghệ thông tin (cập nhật thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỉ đồng/năm từ việc không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện thủ tục hành chính chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân như trước đây.
Sử dụng số định danh cá nhân vào quản lý dân cư sẽ là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử, mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành trên một thẻ (hoặc phương tiện điện tử). Thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành được cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư ngân sách nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.