Ngân hàng HSBC trong một báo cáo mới đây cho rằng nhu cầu được cải thiện tại các nền kinh tế phương Tây sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, quốc gia vốn phụ thuộc vào xuất khẩu.
Qua báo cáo có tựa đề “2014: Năm của xuất khẩu”, HSBC kỳ vọng trong năm 2014 khu vực xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng 20%, cao hơn mức tăng 15,4% của năm ngoái.
Đồng thời, những diễn biến lạc quan tại khu vực này sẽ giúp tăng trưởng kinh tế cả năm 2014 của Việt Nam đạt 5,6%, tuy thấp hơn chỉ tiêu 5,8% của chính phủ nhưng cao hơn mức dự đoán 5,4% mà ngân hàng này đưa ra hồi tháng 11-2013.
Tăng trưởng tại khu vực xuất khẩu cũng được cho là yếu tố có thể giúp Việt Nam thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong năm 2014.
Mặc dù lạc quan về xuất khẩu, HSBC cho rằng mức thặng dư thương mại 900 triệu USD mà Việt Nam có được trong năm 2013, vốn đã góp phần giúp ổn định vĩ mô, vẫn là biểu hiện cho sự yếu kém của nhu cầu nội địa mà nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng trong nước và đầu tư thấp.
Nợ xấu cũng là một vấn đề nữa đang ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu trong nước và ngân hàng này cho rằng công ty quản lý tài sản của Việt Nam (VAMC) vẫn chưa giúp giải quyết những vấn đề mấu chốt về tài chính.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với đài BBC, ông Alfred Chan, giám đốc định chế tài chính tại châu Á của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch’s Ratings cho rằng VAMC không thể giúp toàn hệ thống tiếp cận được nguồn vốn mới.
Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tỷ lệ nợ xấu cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2013, tổng nợ xấu trong toàn hệ thống là hơn 140 ngàn tỉ đồng và hiện đang là nguyên nhân chính hạn chế khả năng cho vay của các ngân hàng trong nước. Năm 2013, tăng trưởng tín dụng trong nước chỉ đạt 8,83% so với năm 2012, cách khá xa so với chỉ tiêu 12%.
Trong một diễn biến liên quan, VAMC đã lên kế hoạch mua thêm khoản nợ xấu trị giá 70-100 ngàn tỉ đồng trong năm 2014, cao gấp đôi tổng số nợ xấu 38,9 ngàn tỉ đồng mà công ty này đã mua vào năm 2013.
Gia Minh tổng hợp