Ngay sau đó, làng đã được đưa vào chương trình nghiên cứu của Hội và nhiều chuyên gia kiến trúc đã coi sự phát hiện Phước Tích tương đương với sự phát hiện phố cổ Hội An.
Được hình thành từ thế kỷ XV, Phước Tích từng có thời gian dài thịnh vượng với nghề làm gốm. Sự giàu có về vật chất và văn hóa của làng thể hiện qua những căn nhà rường được xây dựng công phu, tỉ mỉ. Đánh giá cao các giá trị này, nhiều tổ chức quốc tế như SNV (Hà Lan), Viện Di sản Bỉ, JICA (Nhật Bản) đã giúp làng triển khai các dự án về trùng tu di tích, phục hồi nghề gốm, đầu tư cơ sở hạ tầng, quảng bá, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về du lịch… Gần đây, đại diện Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã khảo sát và hứa hẹn hỗ trợ dự án về phát triển nguồn rau sạch ở Phước Tích để phục vụ du lịch. Trong các kỳ Festival Huế, Phước Tích cùng nghề gốm xưa luôn được tích cực giới thiệu đến các đoàn khách quốc tế… Nhận được nhiều sự quan tâm như vậy, nhiều người từng hy vọng làng quê này sẽ sớm trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình đến với Huế. Tuy nhiên, sau mười năm nhìn lại, kết quả đạt được còn quá khiêm tốn so với mong muốn đó.
Một kiến trúc cổ ở Phước Tích
Theo số liệu thống kê của Ban quản lý Du lịch Làng cổ Phước Tích, trong sáu tháng đầu năm 2013, lượng du khách quốc tế theo đoàn đến làng là 492 khách, lượng khách tự do là 3.500 khách, tổng doanh thu đạt trên 85 triệu đồng. Như vậy, bình quân mỗi khách đến làng chỉ chi tiêu hơn 21 ngàn đồng (trong đó đã bao gồm 10 ngàn đồng vé tham quan làng). Đây là một con số quá thấp cho ngôi làng được nhiều giới chuyên môn đánh giá là di sản quý giá và hiếm hoi của cả Việt Nam này. Theo Giáo sư Hiromichi Tomoda – người phụ trách dự án “Hỗ trợ phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững ở Việt Nam thông qua du lịch di sản” của Nhật Bản, một trong những mục tiêu chính của dự án là làng Phước Tích phải được bảo tồn, cuộc sống người dân phải được cải thiện bằng chính du lịch di sản. Mục tiêu này hiện vẫn chưa đạt được vì lượng khách đến làng còn thưa thớt, đã vậy hầu hết du khách đến đây chỉ lưu lại làng vài giờ đồng hồ. Nguyên nhân thì như nhiều công ty lữ hành ở Huế phàn nàn: Việc làm tour đến Phước Tích gặp nhiều khó khăn từ phương tiện, hạ tầng, dịch vụ, thủ tục lưu trú, sự thiếu chuyên nghiệp của chủ nhà vốn chưa có kinh nghiệm làm du lịch, bên cạnh đó việc quảng bá từ phía chính quyền thì gần như chưa có gì…
Để kéo dài thời gian lưu trú của du khách, Ban quản lý di tích, kiến trúc, nghệ thuật làng cổ Phước Tích cũng như UBND huyện Phong Điền đã và đang nghiên cứu để cải tạo, xây dựng các khu vui chơi giải trí và tổ chức các dịch vụ du lịch như hệ thống nhà hàng, bơi thuyền, câu cá, múa rối nước. Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Ban quản lý di tích, kiến trúc, nghệ thuật làng cổ Phước Tích cho biết: “Sự liên kết với các hãng lữ hành du lịch, xây dựng chương trình tour tuyến tham quan hợp lý, nhằm thu hút khách du lịch đến với làng cổ hết sức quan trọng. Hiện có ba chủ nhà của làng cổ tổ chức được chương trình đón du khách lưu trú qua đêm. Thời gian tới, sẽ tiếp tục có thêm bảy chủ nhà nữa làm công việc này. Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, là chủ nhân các làng cổ cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động”.
Muốn tìm hiểu đời sống xưa và những nét văn hóa đẹp của Huế, du khách hay nhà nghiên cứu có thể đến với làng cổ Phước Tích. Tuy nhiên bên cạnh nghề gốm đã mai một, hầu hết ngôi nhà rường quý hiếm đang xuống cấp mà người dân không có tiền để phục hồi nhà theo phong cách xưa. Việc khai thác du lịch ở làng cổ sao cho hiệu quả và góp phần giúp người dân bảo tồn được các kiến trúc quý giá là bài toán khó cho ngành du lịch Huế.
Cẩm Tú tổng hợp