Ở ngưỡng cửa tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều bạn trẻ vẫn còn có hình dung khá mơ hồ về thị trường lao động, nên gặp nhiều bối rối trong vấn đề định hướng và chọn ngành cho tương lai. Đây là vấn đề mà tất cả bạn trẻ đều gặp phải, dù lựa chọn đi du học hay học tập trong nước. Ngay cả các bậc phụ huynh cũng chịu nhiều áp lực trong vấn đề hướng dẫn con mình bởi thị trường tuyển dụng đang thay đổi từng ngày tùy theo tình hình của nền kinh tế. Chính vì lý do này, Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với chị Lê Thị Hoàng Yến – Giám đốc Nhân sự Hội đồng Anh để tìm hiểu về những xu hướng của thị trường cũng như yêu cầu từ các nhà tuyển dụng, từ đó giúp các phụ huynh và học sinh có cái nhìn toàn cảnh hơn về thị trường lao động ở Việt Nam.
Chị có thể chia sẻ những nhận định của mình về thị trường lao động hiện tại ở Việt Nam?
Nhìn chung hiện nay nền kinh tế vẫn chưa được hồi phục sau một giai đoạn khó khăn, bức tranh toàn cảnh vẫn chưa được sáng sủa ở nhiều ngành, đặc biệt là các ngành mũi nhọn như ngân hàng, tài chính, bất động sản,… Tuy nhiên về tổng thể, lực lượng lao động trẻ của Việt Nam đang rất dồi dào và có tiềm năng, mặc dù xét về tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm lao động tuổi dưới 25 thì tỷ lệ này cao gần gấp ba lần tỷ lệ thất nghiệp chung (theo báo cáo của Tổng cục Thống kê quý III năm 2013). Việc có sự khác biệt giữa nhóm tuổi mới ra trường và nhóm có kinh nghiệm là xu hướng thông thường trên thế giới, nhưng tỷ lệ khác biệt cao ở Việt Nam là điều cần lưu tâm. Điều này đặt ra vấn đề về sự chênh lệch giữa chất và lượng, giữa cung và cầu và đó là điều các bạn trẻ cần lưu ý để quyết định học cái gì mà thị trường cần, trang bị kỹ năng gì mà các nhà tuyển dụng lựa chọn.
Hiện nay có thể dễ dàng nhận thấy xu hướng dịch chuyển khá rõ nét về cung và cầu giữa các ngành, chủ yếu do ảnh hưởng của sự bất ổn kinh tế. Các ngành hóa dược, y tế, kinh doanh tiêu dùng, công nghệ đang chiếm ưu thế trong mọi bảng khảo sát về thu hút nhân tài và chính sách đãi ngộ của các công ty khảo sát nhân sự lớn như Mercer, Hays, TowersWatson. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn rộng hơn là nhìn vào một thời điểm. Với phần lớn các nền kinh tếở mọi thời điểm, tài chính – ngân hàng – bảo hiểm thường xuyên là ngành mũi nhọn. Còn cụ thể với Việt Nam thì thế mạnh (so với nhiều thị trường khác) nghiêng nhiều về các ngành sản xuất, xây dựng, công nghệ thông tin và tiềm năng nữa là các ngành dịch vụ. Nói như vậy để thấy rằng không có ngành nào là yếu thế cả, quan trọng là các bạn trẻ lựa chọn và theo đuổi ngành đã chọn như thế nào mà thôi.
Theo chị, những ngành nghề có thể có nhu cầu lớn trong thời gian tới?
Với các thông tin ở trên thì nhu cầu về nhân lực có chuyên môn thực tếở Việt Nam vẫn luôn có ở tất cả các ngành. Các ngành nghề tài chính – bảo hiểm, công nghệ thông tin, kinh doanh và phát triển thị trường sẽ có nhu cầu với số lượng lớn, tiếp theo đó là các ngành y – hóa dược, dịch vụ, sản xuất. Một điều thú vị mà tôi nhận thấy sinh viên trong các ngành kỹ thuật (công nghệ thông tin, điện tử, y, dược) trên thực tế có ít nhất gấp ba lần cơ hội việc làm trong đúng chuyên ngành của họ: ví dụ kỹ sư hóa dược có thể tham gia vào nghiên cứu phát triển sản phẩm; điều hành sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường; hoặc tham gia vào hệ thống dịch vụ công, nếu họ có các kỹ năng bổ sung phù hợp với ngành họ chọn. Càng ngày các ngành kỹ thuật càng được chú trọng và phát triển, bên cạnh các ngành mũi nhọn khác.
Là một giám đốc nhân sự, chị tìm kiếm những nhóm kỹ năng và kiến thức căn bản cần có nào từ người đi xin việc?
Đây là câu hỏi mà chúng tôi rất hay nhận được khi thực hiện các buổi trao đổi với sinh viên thực tập hoặc với sinh viên các khóa cuối. Trong khi thực tế, tôi nghĩ các bạn cần nghĩ đến ngay điều này trong quá trình học của mình, thay vì chờ đến khi sắp ra trường mới vội vã tìm hiểu rồi vội vã bổ sung kỹ năng vào nghề. Đây là điểm chưa mạnh của hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung, trong khi sinh viên học ở các trường quốc tế hoặc các hệ thống giáo dục tiên tiến trên thế giới lại không vướng vào vấn đề này.
Ngân hàng Thế giới mới đây công bố Báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 với tựa đề “Phát triển kỹ năng: Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam” nhấn mạnh rằng bản chất công việc trong một nền kinh tế thị trường hiện đại sẽ thay đổi và trở nên phức tạp hơn. Ngày nay, người sử dụng lao động Việt Nam đang tìm kiếm một tập hợp các kỹ năng nhận thức, hành vi và kỹ thuật chất lượng cao. Nhóm kỹ năng nhận thức thường bao gồm kỹ năng làm việc trong môi trường đa ngôn ngữ, kỹ năng tư duy phản biện, phân tích vấn đề và đề xuất giải pháp. Nhóm kỹ năng hành vi có thể bao gồm ý thức trách nhiệm, tinh thần làm việc nhóm, tính cam kết. Còn kỹ năng kỹ thuật chất lượng cao là kỹ năng kết hợp nhuần nhuyễn lý thuyết và thực hành. Biết được điều này, các bạn trẻ cũng có thể tự đoán ra lộ trình đào tạo cho chính mình ngay từ khi bắt đầu chọn ngành, nghề.
Nhận định của chị ra sao về khả năng làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp của các bạn trẻ mới ra trường cũng như đã có vài năm kinh nghiệm?
Ngày nay chúng ta hay nói về khả năng làm nghề (employability) vì đây đúng là vấn đề của lớp lao động trẻ Việt Nam. Tất nhiên không thể phủ nhận rằng các thế hệ sinh viên mới ra trường có tính nhiệt huyết, khả năng học hỏi rất cao và cũng rất chăm chỉ. Tuy nhiên, thực trạng giáo dục đại học và dạy nghề của Việt Nam chưa bắt kịp với xu thế mới và các bạn trẻ chưa chủ động trong việc nhìn nhận “đầu ra” cho chính mình. Ở góc độ nhà tuyển dụng, chúng tôi cũng cần các bạn đã trang bị cho mình các kỹ năng hành vi và nhận thức cần thiết như đã nói ở trên để lĩnh hội các kỹ năng chuyên môn và chuyên sâu của mỗi nghề, để phát huy được tiềm năng nghề nghiệp và bắt kịp các xu hướng mới của ngành. Với nhà tuyển dụng ngày nay, những kỹ năng về nhận thức và hành vi quan trọng tương đương kỹ năng chuyên môn mà bạn được đào tạo chính.
Những lời khuyên của chị dành cho các học sinh trung học phổ thông khi cân nhắc chọn ngành?
Hãy chọn ngành theo khả năng và thế mạnh của bản thân, đồng thời xem xét đến tầm nhìn dài hạn của thị trường. Tôi muốn chú trọng đến cả hai khía cạnh này vì đó chính là cung và cầu mà chúng ta nói đến. Nếu bạn đã cân nhắc kỹ khả năng và thế mạnh của mình, đừng lo ngại khi bạn theo học một ngành kỹ thuật trong khi các bạn của bạn đổ xô đi học kinh tế. Hãy tự tin vào bản thân và tham khảo ý kiến tư vấn của những người có kinh nghiệm. Tôi đã chứng kiến một bạn trẻ thi vào ngành kiểm toán chiều theo ý bố mẹ, trong khi thế mạnh của bạn là về logic và hệ thống. Sau hai năm học, bạn bị stress vì bản chất không hề thích làm việc với các con số, tính toán, bảng biểu và kết cục là bạn đã bỏ học và xác định thi lại đại học vào đúng ngành mà bạn thấy thực sự yêu thích và phát huy được các thế mạnh – ngành tự động hóa. Với tôi, đó là một quyết định khó khăn nhưng dũng cảm và đúng đắn, vì nếu bạn cứ học rồi làm cái nghề mà mình không hề thích thì có lẽ con đường sự nghiệp sẽ phụ thuộc nhiều vào may rủi. Lựa chọn của bạn có đầu vào thì cũng cần xem xét luôn đầu ra, và như vậy lại trở lại câu chuyện của bản sơ đồ kỹ năng.
Cảm ơn chị.
Nhật Hà thực hiện