“Nhớ thời iPhone 7Plus, tại nơi tôi làm việc, nhiều bạn trẻ với mức lương còn thấp nhưng hôm trước sản phẩm có mặt trên thị trường thì sáng hôm sau đã có vài người sử dụng. Hỏi ra mới biết họ sử dụng hình thức trả góp để được sở hữu dòng smartphone cao cấp ấy. Chiêu bán lẻ trả góp thật vi diệu, lôi cuốn khách hàng rất dữ” – bà B.H, trưởng bộ phận truyền thông của một công ty phân phối lớn kể.
Không khó để nhận thấy người tiêu dùng, nhất là khách hàng trẻ, ngày càng sử dụng nhiều sản phẩm “đỉnh” như Samsung Galaxy S8 hay S8+, iPhone 7Plus cũng như laptop hạng sang bằng hình thức trả góp. Nhiều nhà sản xuất và kênh bán lẻ đã và đang áp dụng hình thức trả góp để khai thác năng lực chi tiêu của nhóm khách hàng này.
Trả góp – xu hướng tiêu dùng mới?
Lượng laptop bán ra trong mùa tựu trường năm nay xem ra thua sút so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 20%. Để giữ được doanh thu laptop trong mùa mua sắm đặc biệt này, nhiều hãng sản xuất cùng với nhà bán lẻ đã áp dụng chiêu bán hàng trả góp với lãi suất 0% để thu hút giới sinh viên mua hàng trước khi nhập học.
Ông Nguyễn Minh Đức – Giám đốc sản phẩm của HP Inc. Việt Nam cho biết: “HP Việt Nam và các nhà bán lẻ áp dụng chính sách bán hàng trả góp với lãi suất 0%. Các bạn sinh viên không còn phải lo cho đủ tiền để mua máy mà chỉ cần có 30% số tiền đối ứng ban đầu, phần còn lại sẽ trả góp trong sáu tháng”. Ông Đức tiết lộ rằng tỷ lệ laptop bán theo hình thức trả góp với 0% lãi suất đã chiếm 50% tổng lượng máy bán ra của HP trong dịp tựu trường năm nay.
Ông Bùi Minh Hiếu – người phụ trách phát triển sản phẩm máy tính cá nhân của Lenovo Việt Nam cũng xác nhận hình thức trả góp với lãi suất 0% dành cho sinh viên, học sinh khi mua laptop là hình thức bán hàng quan trọng mà Lenovo đang kết hợp với các nhà bán lẻ thực hiện. Bà Nguyễn Bạch Điệp – Tổng giám đốc FPT Shop cũng cho biết xu hướng mua hàng trả góp ngày càng gia tăng trong hệ thống FPT Shop: “Hiện nay, trên toàn hệ thống, tỷ lệ trả góp dao động từ 35 đến 40% với nhiều hình thức khác nhau”. Với mặt hàng laptop và smartphone, FPT Shop áp dụng hình thức xét duyệt hồ sơ trả góp cho sinh viên rất đặc biệt: duyệt hồ sơ ở quê của khách hàng, sau đó giao máy tại TP. Hồ Chí Minh!
Thế Giới Di Động hiện có hàng trăm sản phẩm laptop, smartphone được bán trả góp với lãi suất 0%. Ông Lê Huy Toàn – Giám đốc khối dịch vụ của công ty này cho biết rằng hiện tỷ lệ doanh thu giữa trả góp và trả tiền mặt một lần là 50/50, trong đó phần trả góp của nhóm hàng điện tử và smartphone chiếm khoảng 40%, còn điện lạnh khoảng 34%.
Với mức lãi suất 0%, nhà bán lẻ và nhà sản xuất, kể cả ngân hàng sẽ cùng chia nhau khoản lãi đó để kích thích sức mua. Giả định, với lãi suất 0%, mỗi bên sẽ chịu khoảng 1 – 1,5%/sản phẩm. Còn với hình thức trả góp có lãi suất, khách hàng chịu hoàn toàn phần lãi theo quy định của các tổ chức tín dụng trong khoảng thời gian từ 12 đến 18 tháng.
Nguyễn Kim đi tiên phong về dịch vụ mua hàng trả góp. Nhà bán lẻ này có mối quan hệ chặt chẽ với các ngân hàng lớn như ANZ, Viettinbank, Sacombank… để thu tiền trả góp qua thẻ MasterCard dành cho những sản phẩm kỹ thuật số, điện tử, điện lạnh đã nhiều năm nay. Đại diện Nguyễn Kim cho biết, tỷ lệ trả góp các mặt hàng điện tử, nhất là những món hàng có giá trị ngày càng tăng.
Hãy hiểu rõ những điều khoản trong hợp đồng!
Với hình thức trả góp lãi suất 0%, ngoài số tiền ban đầu khách hàng phải trả cho nhà bán lẻ (khoảng 30% giá trị sản phẩm), phần còn lại khách hàng phải trả trong khoảng thời gian vay (tối đa là sáu tháng). Lựa chọn hình thức này, mỗi tháng, khách hàng phải trả số tiền khá lớn vì các hãng sản xuất chỉ áp dụng cho những sản phẩm có giá trị cao (thông thường từ 10 triệu đồng trở lên). Còn với hình thức trả góp có lãi suất, ngoài việc phải trả số tiền ban đầu, khách hàng phải trả mức lãi suất hằng tháng dao động từ 1,49 đến 1,7%/tháng, kèm thêm phí dịch vụ thu giùm phần vốn góp và lãi suất hằng tháng cho ngân hàng hay tổ chức tín dụng. Nhưng bù lại, vì thời gian trả góp kéo dài từ sáu đến 24 tháng nên số tiền góp mỗi tháng thấp hơn. Hình thức này phù hợp với những đối tượng có thu nhập thấp.
Tại các kênh bán lẻ hàng kỹ thuật số, điện máy lớn tại thị trường Việt Nam, HD Saison, FE Credit, Home Credit là những tổ chức tín dụng sẵn sàng cho khách hàng mua hàng trả góp có lãi suất bằng những hợp đồng cho vay tiền mặt. Khi chọn HD Saison, tùy theo mặt hàng mà số tiền trả trước dao động từ 10 đến 20% giá trị sản phẩm, mức lãi suất trong thời gian vay là 1,49%/tháng. Còn FE Credit áp dụng cho vay bằng hình thức trả góp tại các kênh bán lẻ hoặc cho vay tiền mặt để khách hàng mua hàng với lãi suất 1,7%/tháng. Giả sử khách hàng vay 10 triệu đồng trong sáu tháng thì mỗi tháng khách hàng phải trả 1,85 triệu đồng.
Ngoài các khoản vay trả góp để mua những mặt hàng có giá trị thấp, HD Saison còn cho vay lên đến 500 triệu đồng để mua xe hơi, 40 triệu đồng để mua xe máy phân khối lớn với lãi suất 1,03% trong thời gian 24-36 tháng (chưa kể khoản tiền trả góp hằng tháng).
Home Credit cũng là tổ chức tài chính cho vay trả góp tại các kênh bán lẻ điện máy, điện thoại di động, xe máy…, lãi suất cũng tương đương với mức của hai tổ chức trên. Theo cách tính của Home Credit, lãi suất mà khách hàng phải trả là 1,74%/tháng. Giả sử khách hàng vay 20 triệu đồng trong mười tháng thì mỗi tháng phải góp 2,348 triệu đồng.
Chịu sức ép của các nhà bán lẻ, báo chí và khách hàng, gần một năm nay, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất khá mạnh so với vài năm trước (35 – 45%, thậm chí có lúc lên tới gần 60%). Dù lãi suất đã giảm nhiều nhưng ông Lê Huy Toàn có lời tư vấn: “Dù mua trả góp với hình thức nào, có hay không có lãi suất, khách hàng cần phải đọc kỹ những yêu cầu về mức tiền đóng ban đầu, mức tiền đóng hằng tháng, những khoản phí dịch vụ mà người mua phải đóng cho nhà bán lẻ trong thời gian trả góp trước khi ký vào hồ sơ trả góp”.
- Minh Tú