Lần đầu tiên khi tôi đi châu Âu vào giữa năm 2002, Louise – một người bạn – hỏi tôi thăm được những đâu ở Anh rồi. Khi biết tôi mới đi được Luân Ðôn, cô cười: “Luân Ðôn thì không tính. Ðó là thành phố quốc tế (Metropolitan), không có gì đặc trưng cho nước Anh hết. Muốn biết nước Anh ra sao, bạn phải đi York kia!”.
Vậy là chuyến đi thứ hai đến Anh theo học khóa MBA mới đây, tôi quyết tâm đi York cho bằng được. Tôi ở Southampton, một thành phố miền Nam, còn York lại ở xa lắc, tít tận đầu miền Bắc. May sao, tôi có cô bạn thân Fiona (tên thân mật là Fi) ở Manchester. Sau hai ngày với Fi và Paul – bạn trai cô – dạo khắp thành phố công nghiệp rộng lớn này với những tòa nhà to sừng sững và những đại lộ rộng thênh thang, tôi nằng nặc đòi đi York ngay vì từ Manchester đến đó chỉ cách hai tiếng chạy xe hơi. Fi rảnh nên đồng ý dẫn tôi đi, còn Paul phải đi làm. Buổi sáng, thấy anh xách cặp đi mà mặt ỉu xìu: “Ghét đi làm quá, phải chi được đi York chơi!” mà thấy tội nghiệp.
Ba của Fiona, chú Andrew, đón hai đứa tôi tại căn hộ của Fiona và Paul ở đường Hathersage bằng một câu chào rất Ăng-lê: “Trời bữa nay đẹp quá ha!” với giọng ngán ngẩm. Bầu trời sáng đó xám xịt, ướt sũng nước, lâm thâm mưa. Tôi hỏi Fi có phải người Anh lúc nào gặp nhau cũng nói chuyện thời tiết không, cô ngượng ngập: “Ừ, nhiều lúc muốn tránh mà không tránh được, thành thói quen rồi. Tại thời tiết ở Anh khá xấu so với những nước châu Âu khác, lại thay đổi liên miên, nên đó là chủ đề dễ nói nhất”.
Xe chúng tôi đi qua những đồng cỏ xanh mướt trải dài hoa dại li ti nở trắng. Những ngọn núi cao và những quán rượu kiểu Anh rải rác trên đường. Ba của Fi chỉ: “Ðường kia đi Scarborough, nhưng cách khá xa York. Mình chỉ đi được một ngày, chứ có thời gian ta ghé đó chơi!”. Tôi hớn hở: “Scarborough hả? Có phải địa danh trong bài Scarborough Fair (Giàn thiên lý đã xa) không?”. “Ừ! Mà bây giờ ở đó không còn hội chợ như trong bài hát nữa đâu”. Tôi ỉu xìu: “Uổng quá! Vậy làm sao nhờ người hỏi thăm cô gái tôi yêu được nữa đây? Remember me to one who lives there. She once was a true love of mine”. Cả Fi và ba cô cùng bật cười.
York không khác bao nhiêu so với trí tưởng tượng của tôi về một thành phố yên bình, có giáo đường uy nghiêm cùng những quán rượu xây bằng đá, những tòa nhà xưa treo nhiều giỏ hoa tươi đủ màu. York đón chúng tôi ở cổng vào với mái vòm bằng đá rêu phong và ánh nắng đầu ngày hắt những tia lấp loáng. Mỗi bước đi ở thành phố nhỏ bé và yên tĩnh này, tôi như thấy hồn nước Anh nơi lối đi lát đá, trên những ngôi nhà gạch đỏ hay kiểu Tudor bằng gỗ trắng đen, và nhất là ở York Minster, nhà thờ kiểu Gothic nguyên thủy lớn nhất Bắc Âu với tòa tháp đôi vươn lên nền trời, bên những rặng cây xanh thẳm.
Bên ngoài York Minster đã đẹp, nhưng bên trong mới thật sự là những gì tinh túy nhất của nghệ thuật kiến trúc châu Âu có cách đây đã gần ngàn năm. Nhà thờ được xây hình chữ thập, tượng trưng niềm tin vào Chúa Giêsu chết trên thánh giá. Bên trong có những bức tượng, mái vòm, cửa sổ được chạm khắc tinh xảo và ghép từ những mảnh kính màu đẹp như tranh vẽ. Tôi dừng lại để thắp nến trên bậc thềm. Những ngọn nến làm tan đi cái lạnh từ các vách đá và làm không gian bừng sáng, ấm áp hẳn lên.
Ra khỏi nhà thờ, tôi bắt gặp ở xa bức tường đá và tòa nhà đá đã đổ nát bên những luống hoa giống hồng tường vy nở trắng bên thảm cỏ xanh mượt. Quả thật, chúng gợi tôi nhớ đến những điều đã được đọc về thời hoàng kim của châu Âu những thế kỷ trước.
Fiona trước đây là sinh viên Ðại học York nên cô rất rành thành phố này. Rời York Minster, chúng tôi bắt gặp cửa hiệu bán kẹo có cái tên khá ngộ là Bếp Kẹo Dẻo (Fudge Kitchen). Fi bảo đây là một trong những cửa hiệu kẹo dẻo nổi tiếng nhất ở Anh. Tôi thích thú nhìn những cô gái mặc trang phục miền quê nước Anh làm kẹo ngay tại quán – có lẽ vì thế mà quán có tên ngộ như vậy – và nếm thử những viên kẹo hình vuông cắm trên que tăm đặt trên mặt kính làm quà cho khách đến thăm cửa hàng. Fi mua một ít kẹo có vị cà phê Ý cappucino, bảo để phần cho Paul tội nghiệp.
Mặc dù rất thích ở lại coi làm kẹo, nhưng chúng tôi phải rời Fudge Kitchen vì còn rất nhiều nơi để đi thăm nữa. Chúng tôi dạo bước trên những khu phố đẹp như tranh, với những cửa hàng treo bảng bên ngoài trên những thanh sắt uốn lượn có hoa nở tươi tắn trên đầu những người dân địa phương đi mua sắm ngày cuối tuần. Khác với Manchester nhộn nhịp xe cộ, York có rất nhiều khu phố chỉ dành riêng cho người đi bộ và đi xe đạp, hoàn toàn không bị tiếng động cơ xe phá tan không gian trong lành và yên tĩnh.
May mắn cho tôi là đến York vào đúng dịp lễ hội ăn uống của thành phố (York’s Food and Drink Festival). Trên khu chợ Newgate ở trung tâm san sát những quầy hàng ăn với trái cây tươi đặc sản địa phương và những món rất lạ như yaourt đậu nành, cá hồi vị tỏi xông khói, cà ri tôm… và đặc biệt là món xúc xích thịt heo Yorkshire. Tôi cười bảo Fi: “Heo Yorkshire nổi tiếng ở Việt Nam lắm”. Cô bạn mở tròn mắt: “Thiệt hả? Xa vậy mà cũng nổi tiếng được ư?”. Rồi cô giới thiệu với người bán – một người đàn ông trung niên vui vẻ: “Bạn cháu nói ở Việt Nam heo Yorkshire nổi tiếng lắm” làm ông ta phá lên cười thích chí. Khác với những thành phố lớn, người địa phương ở đây rất mến khách và thân thiện. Những người bán xung quanh cũng ngoái nhìn chúng tôi cười “Hello, luv”. Thì ra người Anh, nhất là ở miền quê và những thành phố nhỏ, nói chuyện rất hay đệm “luv” vào cuối câu, giống như người Sài Gòn hay gọi người nhỏ tuổi hơn là “cưng” vậy.
Trước khi chú Andrew chở chúng tôi vào thành phố và lái xe đi thăm người bà con, ông đưa 30 bảng Anh: “Cho hai đứa đi chơi với đi ăn trưa. Nhớ phải ăn món gì tử tế đó. Tới York là không được ăn McDonald hay Burger King nhe!”. Vậy là chúng tôi hí hửng ăn trưa “xa xỉ” hơn thường lệ tại một nhà hàng gần bờ sông. Fi hài hước cho tôi hay rằng con sông này nổi tiếng vì năm nào nước lũ cũng… dâng lên ngập thành phố. Cô chọn giúp tôi món khoai tây nhồi tôm và mayonaise đặc trưng kiểu Anh rất ngon nhưng vì tôi nếm những món đặc sản York ở chợ đã no nên ăn mãi mới xong.
York được biết đến nhiều trên thế giới không phải nhờ thịt heo mà vì những sự kiện lịch sử thời cướp biển Viking tràn từ Scandanavia qua rồi định cư từ năm 876 trước Công nguyên. Chuyến đi đến York sẽ không trọn vẹn nếu không được ghé qua Jorvik (Jorvik theo ngôn ngữ Viking là York) để khám phá nơi những nhà khảo cổ đã từng khai quật được nhiều tàn tích thời Viking từ hơn ngàn năm trước. Thật ấn tượng khi tham quan Jorvik tour, được ngồi trên chuyến xe chạy chầm chậm qua cảnh vật giống y như thành phố cảng miền Bắc nước Anh thời xa xưa, với những túp lều rơm, thuyền gỗ lớn buộc thừng nằm gối lên bờ, những rổ mây đựng cá và những tấm lưới vắt phơi ngoài sân. Ðặc biệt hơn, khách đi tour không chỉ cảm nhận lịch sử bằng mắt và tai, mà bằng cả xúc giác, vì toàn bộ khu vực này tắm trong vị mặn của gió biển, của làng chài, thêm chút mùi gỗ, rơm và nền đất ẩm đặc trưng thời xa xưa. Ở Jovik, tôi còn học cách viết tên mình bằng “ngôn ngữ cướp biển” và khắc tên mới học lên đồng bảng Anh đem theo làm kỷ niệm.
Ở nhà Fi có treo một bức hình York tên là The Shamble, một trong những con đường xưa nhất châu Âu, có lối đi hẹp lát đá uốn lượn quanh co và những ngôi nhà cổ hai bên nghiêng mình xuống đường. Hóa ra The Shamble chỉ cách Jorvik có năm phút đi bộ. Con hẻm nhỏ làm tôi nhớ tới những ngôi nhà nép mình ở phố cổ Zurich, chỉ khác một điều là phố cổ Zurich nhiều màu sắc và nhộn nhịp hơn, còn The Shamble yên tĩnh với những shop nhỏ xinh bán đồ lưu niệm và những quán rượu đặc trưng kiểu Anh, đồng thời có nhiều hoa nở nghiêng nghiêng trên mái gác. Có nhiều chỗ nhà được xây nghiêng đến nỗi người đứng trên gác nhà này có thể bắt tay người đứng trên gác nhà bên kia đường. Gần The Shamble là con hẻm nhỏ và ngắn có tên Whip-Ma-Whop-Ma-Gate. Mọi người thường đùa rằng chưa kịp đọc hết cái tên lạ lùng đó thì đã đi hết hẻm!
Chúng tôi ra bãi đậu xe về lại Manchester. Trên đường đi, chú Andrew chỉ tôi một quán rượu rất xưa tên Golden Fleece. Phía trước quán có treo một chú cừu lông vàng bằng đá. “Quán rượu này là nơi dân nhậu York hay tới. Tụi nó uống rượu xong hay hát hò ồn ào lắm”. Ông kể vậy, nhưng tôi không tin. York đẹp và yên bình vậy mà, làm sao người ta “xỉn” tới mức khuấy động được?
York còn nổi tiếng về tour “Chuyến đi dạo ma” (Ghost Walk) gần bờ sông, vốn không dành cho người yếu tim. “Phải để dành để chuyến sau đi York còn có cái mà xem nữa chứ” – ba của Fi khuyên tôi.
Nhưng tôi biết dù có đi thăm hết tất cả những ngóc ngách của “thành phố Anh nhất” nước Anh này, lần sau, hay lần sau nữa đến đây, những cảm xúc về York trong tôi vẫn còn nguyên như trước.