Thích sự mạo hiểm, ưa khám phá, đam mê điều mới lạ và ước muốn chinh phục bầu trời, đó là lý do những người Việt trẻ năng động chọn môn thể thao dù lượn. Những người Việt trẻ năng động mà chúng tôi đang nhắc đến là Vũ Tuấn Anh, Trần Minh Tú và Nguyễn Thùy Dương – thành viên câu lạc bộ dù lượn VietWings Hà Nội.
“Cất cánh” cùng VietWings
Có mặt tại quán cà phê nằm trọn trong khuôn viên của Siêu thị Big C Thăng Long. Đây là nơi các thành viên VietWings thường “hò hẹn” nhau để chuẩn bị cho các chuyến đi bay. Có một thoáng bất ngờ nhỏ khi tôi phát hiện “người bạn đồng hành” cùng họ hôm nay là EcoSport – chiếc xe nhỏ nhắn, linh hoạt của Ford mới được ra mắt tại Việt Nam.
Chúng tôi đến điểm bay và hạ cánh Đồi Bù (Kim Bôi, Hòa Bình) khi đồng hồ mới điểm 9 giờ sáng. Đây là địa điểm lý tưởng để được “phiêu” cùng những cảm giác khám phá trên bầu trời.
Tuấn Anh – phi công cứng nhất trong nhóm ba người mà chúng tôi đi cùng kể: “Dù lượn là loại hình thể thao đơn giản và dễ chơi nhất trong lĩnh vực thể thao hàng không được phổ biến trên thế giới. Nói là “dễ chơi” nhưng bạn cũng cần tuân thủ một loạt những quy tắc nghiêm ngặt về an toàn”.
Cũng theo Tuấn Anh, khi bắt đầu đến với môn thể thao này, người chơi cần phải trải qua hai quy trình cơ bản: tập luyện ở mặt đất để tìm hiểu về khí động học và các kỹ thuật cất cánh – hạ cánh. Tiếp đến là học cất – hạ cánh ở những triền dốc nhỏ và kết thúc bằng một chuyến bay đơn. Tưởng như đơn giản nhưng môn thể thao này đòi hỏi người tham gia phải thực sự đam mê, có kiến thức về hàng không vững vàng”.
- Xem thêm: Chèo thuyền mạo hiểm trên sông Đạ Đờn
“Tập luyện rồi, tốt nghiệp khóa huấn luyện bằng hàng chục chuyến bay rồi nhưng việc có bay thành công hay không lại còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nữa như thời tiết, gió và những quyết định đưa ra trong tình huống cụ thể của từng chuyến bay” – Trần Minh Tú, một thành viên kinh nghiệm khác trong câu lạc bộ VietWings chia sẻ.
Đây là môn thể thao mạo hiểm và chứa đựng không ít rủi ro. Bản thân Tú đã có hàng chục giờ bay nhưng vẫn vấp phải cú “ngã đau nhớ đời” khi trong một lần bay, anh bị mất độ cao, va vào núi và nhập viện với bốn cái xương sườn bị gãy. Tai nạn đó không khiến những người như Tú hay Tuấn Anh thôi đam mê được bay lượn trên bầu trời.
Bên cạnh kỹ thuật tốt, để bay một cách chủ động và an toàn, người tham gia còn cần phải trang bị cho mình một số thiết bị điện tử như GPS giúp dẫn đường, định vị, Vario (thiết bị dùng để xác định độ cao), Wind Meter (thiết bị đo vận tốc gió) cho phép biết chính xác tốc độ gió tại nơi cất cánh và bộ đàm để liên lạc.
Trước khi bay, nhóm Tuấn Anh, Tú và Dương phải lái xe đến một bãi đỗ gần điểm hạ cánh, khảo sát đường băng, đo gió. Sau đó, cả nhóm lên xe leo dốc khoảng 2 cây số lên đỉnh núi, trải dù rồi mới “tung cánh lên bầu trời” khi đáp ứng đầy đủ những điều kiện cho phép.
Để điều khiển dù lượn đúng cách thì ngoài hiểu biết về kỹ thuật, các vận động viên còn phải nắm rõ nguyên lý hoạt động của gió cũng như các cột khí nóng. Có hai kiểu cất cánh là xuôi gió và ngược gió. Khi ít gió hay khi không có gió, phi công phải cất cánh xuôi, có nghĩa là phi công phải chạy về phía trước, mặt nhìn về nơi xuất phát của gió để có thể bơm căng cánh dù và chạy lấy đà. Khi gió vừa đủ mạnh, phi công có thể cất cánh ngược, mặt của phi công nhìn vào dù rồi dùng động tác đưa dù lên đỉnh đầu và xoay người lại để lấy đà cất cánh.
Sau khi đã cất cánh, dù lượn dựa vào những dòng không khí để tạo lực nâng. Giống như cánh của một chiếc máy bay không khí thổi qua mặt trên và mặt dưới của cánh dù tạo sự chênh lệch áp suất, từ đó tạo nên lực nâng khí động lực học giúp dù lượn bay trong các dòng không khí.
Chinh phục bầu trời
Mất gần 1 giờ đồng hồ khảo sát đường băng, lên điểm cất cánh, đo tốc độ gió và cất cánh thành công. Thời khắc bay trên bầu trời là những phút giây tuyệt vời nhất.
Thùy Dương – cô bạn gái trong nhóm dù lượn chia sẻ: “Đó là lúc “sướng” nhất. Anh sẽ được chao cánh dọc những sườn núi, phóng tầm mắt ra xa, thu vào tâm trí những khung cảnh xanh mướt mát của cỏ cây phía dưới, của những ngôi nhà thấp lè tè mà từ đó mọc lên những cột khói lam dựng đứng. Sẽ được bay qua những hồ nước, những ô ruộng vuông vắn như bàn cờ hay những khu trang trại lợp mái xi măng ngăn nắp”.
“Lúc này, nhiều người sẽ thắc mắc tại sao tụi em lại bay lượn như chim và làm chủ được “đôi cánh” của mình để mà thoải mái tận hưởng những góc nhìn ít ai có được như thế. Thực tế, dù lượn có điểm khác biệt là bay dựa vào các cột khí giống như loài chim, nhờ đó người bay có thể ở trên không hàng giờ đồng hồ và bay những quãng đường hàng trăm cây số chứ không chỉ là hành trình bay ngắn như bọn em thực hiện ngày hôm nay” – Thùy Dương nói.
Nếu gặp nhiều cột khí nóng, những người có kỹ thuật tốt như Tuấn Anh hay Tú có thể dùng kỹ thuật soaring (kỹ thuật dùng để bay dọc theo sườn các dãy núi lớn) mà chao lượn trên không hàng giờ đồng hồ.
“Khoái lắm anh ạ, việc làm chủ “đôi cánh” chẳng khác nào thuần phục thành công một chú ngựa. Anh có thể cầm cương điều khiển nó, cưỡi gió và khám phá mọi thứ từ trên cao” – Tuấn Anh tâm sự.
Phiêu lưu cùng tốc độ gió và có cảm giác của một chú chim tự do chao lượn bằng “đôi cánh” của riêng mình, được ngắm nhìn vẻ đẹp của núi non, sông hồ ở một vị trí đặc biệt, rồi cũng đến lúc phải tiếc nuối mà trở lại mặt đất. Nhưng cái thứ cảm xúc ấy thì vẫn còn vương vấn mãi, vẫn cứ lâng lâng như đang bay theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Cảm xúc đọng lại
Sự hấp dẫn đặc biệt của dù lượn là khả năng linh hoạt gọn nhẹ của các thiết bị sử dụng khi bay. Chỉ đơn giản là một chiếc cánh làm bằng vải mỏng, không có động cơ nhưng mang lại cho người tham gia cảm giác được bay lượn trên bầu trời, hòa mình với thiên nhiên, tâm hồn tự do, và dường như thoát khỏi mọi gánh nặng về cuộc sống, công việc.
Khi trở lại mặt đất, cảm xúc về sự tự do và thoải mái dường như vẫn còn vẹn nguyên khi nhóm bạn trẻ lại được ngồi sau tay lái của EcoSport. Họ là những người thích làm chủ cuộc chơi và chiếc xe mới của Ford rất hợp “gu” với họ.