Một sự kiện chấn động gây tổn thương tâm lý cho toàn xã hội diễn ra trong mùa thi Trung học phổ thông quốc gia (THPT) năm nay, đó là tệ nạn gian lận điểm với quy mô lớn liên quan đến uy tín của ngành giáo dục và dấy lên nghi vấn từ nhiều địa phương.
Sự việc nghiêm trọng đến mức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cuối tuần qua đã giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) rà soát, xác minh kết quả thi để xử lý nghiêm minh các sai phạm. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn rà soát, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, gửi đến ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kỳ thi năm nay cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học. Mùa thi tồi tệ này bắt đầu từ việc phát hiện tình trạng nâng điểm thi tại Hà Giang, một tỉnh biên giới phía Bắc.
Ngày 7-7, lãnh đạo Hội đồng thi phát hiện ông Vũ Trọng Lương – Phó trưởng Ban thư ký của Hội đồng thi, có hành vi di chuyển các hòm đựng bài thi trắc nghiệm đã quét xong và một số thiết bị phục vụ công tác chấm thi trắc nghiệm (gồm máy tính và hai máy quét bài thi) về Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, khi chưa được sự cho phép của Chủ tịch Hội đồng thi.
Trước tình hình trên, Chủ tịch Hội đồng thi đã chỉ đạo tổ chức thu hồi ngay các hồ sơ, tài liệu, thiết bị nêu trên về khu vực chấm thi và tiếp tục niêm phong, lưu giữ theo chế độ bảo mật. Đồng thời ban hành quyết định đình chỉ nhiệm vụ trong kỳ thi đối với ông Vũ Trọng Lương. Toàn bộ những bất thường trên đã được báo cáo về Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018, Trưởng ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, Thanh tra Bộ GD-ĐT.
Ngày 12-7, lãnh đạo Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hà Giang đã quyết định mở một thùng đựng túi bài thi trắc nghiệm để kiểm tra thực tế.
Kết quả ghi nhận, năm trên tổng số sáu túi đựng bài thi trắc nghiệm trong thùng có nhãn niêm phong không phải là niêm phong do tổ xử lý bài thi trắc nghiệm mà Ban chấm thi thực hiện khi bàn giao cho Ban thư ký Hội đồng thi.
Căn cứ kết quả kiểm tra, rà soát sơ bộ, Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hà Giang đã ban hành quyết định đình chỉ thực hiện nhiệm vụ liên quan tới kỳ thi đối với ông Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng – Sở GD-ĐT, Phó trưởng ban chấm thi, Trưởng ban Thư ký Hội đồng thi.
Hai ngày sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia đã thành lập tổ công tác đến Hà Giang rà soát toàn bộ quá trình chấm thi khi có dấu hiệu điểm cao bất thường. Kết quả chấm thẩm định cho thấy, có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm công bố chênh hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Cụ thể, môn Toán có 102 bài chênh từ 1 đến 8 điểm (chấm thẩm định là 1; công bố là 9). Môn Vật lý có 85 bài chênh từ 1 đến 7,75 điểm. Môn Hóa có 56 bài chênh 1-8,75 điểm. Môn Sinh có tám bài chênh 1-4,25 điểm (chấm thẩm định là 4,75; công bố là 9).
Ở tổ hợp Khoa học Xã hội, có chín bài thi Lịch sử chênh 1-7,25 điểm (chấm thẩm định là 2,5; công bố 9,75). Ba bài thi Địa lý chênh 1,25-3 điểm. Ba bài Giáo dục công dân có điểm chấm thẩm định cao hơn 5,75 so với công bố.
Với môn tiếng Anh, có 52 bài chênh từ 1,4 đến 7,8 điểm (chấm thẩm định là 1,2; công bố là 9).
Tổ công tác xác định người trực tiếp can thiệp vào kết quả bài thi là ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng – Sở GD-ĐT Hà Giang, sau khi nhận được tin nhắn qua điện thoại đề nghị sửa điểm đã nhập các số báo danh, file excel bài làm của thí sinh vào máy tính, mở ổ khóa niêm phong, tẩy xóa và sửa bài thi theo đáp án đã chuẩn bị trước.
Trả lời câu hỏi trong số thí sinh được nâng điểm, có bao nhiêu con em quan chức tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết: “Kỳ thi có rất nhiều đối tượng, trong đó có cả con lãnh đạo”.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định việc điều tra những người liên quan ở Hà Giang “chưa kết thúc, phải tiến hành tiếp và không có vùng cấm”. Công an Hà Giang đã khởi tố vụ án sửa điểm thi tại Hà Giang.
Sự việc điểm thi bất thường không chỉ có ở Hà Giang mà cũng đã phát hiện nhiều nghi vấn ở các địa phương khác. Trên mạng xã hội lan truyền bảng điểm của thí sinh thi THPT quốc gia 2018 tại Lạng Sơn, trong đó có 35 thí sinh là cảnh sát cơ động. Theo đó, môn Lịch sử có bốn thí sinh được 9 điểm, 21 thí sinh được 8. Môn Ngữ Văn có năm thí sinh điểm 9 và 23 thí sinh được 8-8,75. Không thí sinh nào trong danh sách có tổng điểm ba môn Ngữ Văn, Toán, Lịch sử và điểm ưu tiên dưới 24.
Thế là đoàn thẩm tra Cục An ninh Chính trị nội bộ – Bộ Công an và Bộ GD-ĐT hôm 19-7 đã phải vào cuộc, xác minh nghi vấn điểm thi tại Lạng Sơn. Không chỉ với 35 thí sinh, đoàn sẽ làm rõ tất cả quy trình thi, điểm thi của các thí sinh khác trong diện nghi vấn có điểm thi cao bất thường.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Lạng Sơn cho biết, điểm thi THPT chuyên Chu Văn An là nơi có hơn 100 thí sinh tự do thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 2, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Bắc, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Các thí sinh này được sắp xếp ngồi tập trung vào một số phòng.
Cùng thời gian này tại Sơn La, đại diện Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83) – Bộ Công an cho biết sau hai ngày làm việc, tổ công tác của Bộ Công an và Bộ GD-ĐT bước đầu phát hiện ra những sai phạm trong quy chế thi THPT quốc gia. Theo đó Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La chưa thực hiện nghiêm quy trình chấm thi, bảo quản, niêm phong bài thi. Các bước chuẩn bị cho công tác coi thi, chấm thi đều có vấn đề. Để làm rõ ai sai phạm, can thiệp vào quy trình này, tổ công tác vẫn đang rà soát cả quy trình, các khâu canh giữ bài thi, chấm thi… Tổ công tác phải làm xuyên đêm cả hai ngày cuối tuần.
Trước đó, tỉnh Sơn La gây xôn xao dư luận khi có tỷ lệ thí sinh được điểm 9-10 môn Toán, Vật lý vượt xa “đất học” là Hà Nội, Nam Định, TP.HCM, trong khi điểm trung bình các môn thuộc loại thấp nhất cả nước.
Tỉnh có 13 thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên môn Vật lý, chiếm 0,97% trên tổng số gần 1.340 thí sinh dự thi. Trong khi đó, với số bài thi nhiều hơn 37 lần (49.680), tỷ lệ thí sinh của TP.HCM đạt mức điểm này chỉ là 0,08%, kém Sơn La 12 lần.
Ở môn Toán, Sơn La có 30 em được 9 điểm chiếm gần 0,3% tổng số thí sinh dự thi. Tỷ lệ này ở TP.HCM, Hà Nội và Nam Định lần lượt là 0,04; 0,1 và 0,06.
Trong khi đó đề Toán THPT quốc gia năm nay được đánh giá khó và dài, một số giáo viên dạy Toán cho biết không thể giải hết trong 90 phút. Cả nước chỉ có hai điểm 10 Toán, điểm 9 có 640.
Hiện nay nghi vấn gian lận điểm thi THPT đang diễn ra ở nhiều địa phương khác như Hòa Bình, Nam Định, Bạc Liêu… mà kết quả sẽ được công bố trong thời gian tới đây.
Nhằm đảm bảo công bằng, khách quan, kiên quyết nói không với tiêu cực, gian lận trong tổ chức thi và tuyển sinh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trong công văn gửi đến Sở GD-ĐT các địa phương chỉ đạo triển khai các nội dung sau đây:
– Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến những sai phạm để xử lý theo đúng quy định của quy chế và pháp luật.
– Triển khai công tác phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo theo kế hoạch tổ chức kỳ thi, đảm bảo đúng quy định của quy chế và quyền lợi chính đáng của thí sinh.
– Phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tốt nhất để triển khai công tác chấm thẩm định theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT.
– Không để việc lợi dụng những sai phạm trong kỳ thi làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, làm tổn thương đến đội ngũ nhà giáo cũng như gây tâm lý hoang mang trong học sinh, phụ huynh và xã hội.