Hiệp định mở cửa bầu trời khu vực Đông Nam Á theo ký kết ban đầu đã có hiệu lực thi hành từ ngày 31-12-2015, nhưng sau hơn bốn tháng, dường như vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi lớn tại thị trường hàng không tại các nước trong khu vực.
Điều này được nhận định là do còn nhiều nút xoắn cần được tháo gỡ từ một số thị trường của các quốc gia thành viên để tiếp nhận một môi trường kinh doanh mới, rộng lớn và cạnh tranh hơn rất nhiều. Là bản sao của hiệp ước mở cửa bầu trời của Cộng đồng châu Âu, Asean Single Aviation Market cũng được kỳ vọng sẽ tạo nên nhiều lợi nhuận hơn cho ngành hàng không của các quốc gia thành viên trong khu vực. Tuy nhiên, có lẽ kỳ vọng này cần thêm thời gian để tháo bớt rào cản tại nhiều quốc gia.
Ngành hàng không tại Đông Nam Á đã đạt được những kết quả tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm qua. Tổng mức cung ứng ghế của các hãng hàng không ASEAN đã chạm mức tăng trưởng hai con số trong vòng bốn năm 2009-2013 và thị phần của phân khúc hàng không giá rẻ (LCC) trong khu vực cũng tăng từ 13% (năm 2003) lên đến 57% (năm 2014).
Sự nâng cấp kết nối trên bầu trời cũng đóng góp cho sự tăng trưởng vững chắc của ngành du lịch của các nước ASEAN ở mức trung bình gần 10% trong suốt một thập niên qua. Đóng vai trò quan trọng cho ngành công nghiệp này chính là khung quy định hoạt động khai thác của việc mở cửa các vùng trời tại Đông Nam Á đã hoàn tất.
Đạt được hiệp ước mở cửa vùng trời trong khu vực là một phần quan trọng của một kế hoạch lớn hơn để thiết lập nên một thị trường hàng không ASEAN duy nhất – ASEAN Single Aviation Market (Asam), hướng tới mục tiêu mở rộng và thống nhất sâu rộng trên tất cả các khía cạnh của lĩnh vực hàng không, bao gồm sự tự do hóa các dịch vụ hàng không, an toàn – an ninh hàng không và quản lý không lưu.
Những vấn đề kinh tế đặc biệt cũng được chỉ định theo khung thực thi của Asam, bao gồm chủ sở hữu và điều khiển hãng hàng không cũng như đối tượng kinh doanh khác liên quan đến công nghiệp hàng không, tự do hóa các dịch vụ phụ trợ vận chuyển hàng không, luật cạnh tranh và các vấn đề liên quan đến quyền lợi của khách hàng như bảo vệ khách hàng, thuế quan và phí dịch vụ tại sân bay.
Asam là một trong những trụ cột quan trọng trong việc hỗ trợ sự thiết lập nên cộng đồng kinh tế ASEAN, vì vậy mọi quốc gia thành viên đều có những nhận định, kế hoạch phát triển dành cho ngành hàng không để thích nghi với hoàn cảnh mới.
Philippines là quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện những mục tiêu của Asam, loại bỏ những quan ngại về sự thay đổi lớn về nhân sự trong chính phủ cầm quyền từ tháng 6 năm nay. Kế hoạch phát triển ngành hàng không của Philippines mang tên Vision 2020 cho thấy quốc gia này đang có những nỗ lực để thích nghi hơn với Asam mà nhân sự kỹ thuật là một trong những nguồn lực cần tập trung phát triển nhiều nhất hiện nay đối với ngành hàng không của nước này.
Nắm giữ vị trí dẫn đầu trong khu vực, ngành hàng không Singapore nhận thấy Asam có nhiều lợi ích hơn là trở ngại đối với sự tăng trưởng. Ngoài việc gia tăng giao thương giữa các quốc gia từ khả năng đẩy mạnh dòng chảy của hàng hóa và dịch vụ, đồng thời xóa bỏ những sự ngăn cản, Asam cũng tạo cơ hội đẩy mạnh nhu cầu du lịch giữa các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, Singapore cũng nhận thấy nhiều thách thức khi thực hiện hiệp định tự do này, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an ninh tại các cửa khẩu của từng quốc gia và năng lực đảm bảo chất lượng cơ sở hạ tầng ở cả mặt đất lẫn trên không. Sự lớn mạnh của thị trường hàng không giá rẻ trong khu vực cũng là một thách thức lớn đối với ngành hàng không các nước ASEAN khi các hãng hàng không truyền thống giờ đây không chỉ phải đối mặt với làn sóng các hãng hàng không giá rẻ trong nước, mà còn phải cạnh tranh với các hãng hàng không từ các quốc gia khác ngay trên bầu trời của mình.
Tuy nhiên với bề dày kinh nghiệm khi đã ký nhiều hiệp ước về dịch vụ hàng không với hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, trong đó có đến 60 hiệp định mở cửa bầu trời tương tự như Asam, Singapore là quốc gia mong muốn hiệp ước tự do mới mau chóng được thực thi nhất thông qua việc đưa ra dự báo đến năm 2023 khu vực ASEAN sẽ tiếp đón khoảng 145 triệu lượt khách du lịch, riêng Singapore hằng năm sẽ đạt trung bình khoảng 14-16 triệu lượt khách du lịch.
Indonesia với sự vượt trội về thị trường hàng không giá rẻ cũng đánh giá Asam là một cơ hội mang lại lợi nhuận. Hãng hàng không Garuda Indonesia hy vọng Asam sẽ giúp gia tăng sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không dẫn đầu trong khu vực, đồng thời giảm khoảng cách giữa các hãng hàng không truyền thống và giá rẻ.
Trong khi đó, Malaysia được dự báo sẽ là thị trường đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong năm năm tới với mức 10,3%/năm.Ưu thế này có được là nhờ vào sự tăng cao về thu nhập của tầng lớp trung lưu tại Malaysia cũng như tại các nền kinh tế láng giềng trong khu vực. Philippines và Việt Nam cũng được dự báo sẽ đạt được mức tăng trưởng cao từ Asam, trong khi thị trường hàng không non trẻ của Myanmar dường như cần phải nỗ lực rất nhiều trong môi trường cạnh tranh mở đầy thuận lợi nhưng cũng rất khốc liệt.
Mặc dù được đánh giá là một điểm sáng trong việc hợp tác cùng nhau phát triển trong Cộng đồng kinh tế Đông Nam Á nhưng Asam dường như vẫn chưa hoàn toàn được thông qua bởi tất cả thành viên của ASEAN (gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) khi vẫn còn sự chênh lệch khoảng cách phát triển khá lớn giữa ngành hàng không của các quốc gia thành viên.
Vì vậy, khi thời hạn thực thi có thể bị dời lại sau năm 2016 – thời điểm mà theo nhận định là ngành hàng không trong khu vực chắc hẳn đã sẵn sàng cho sự cất cánh thì các hãng hàng không cũng cần có những chiến lược kinh doanh phù hợp để thoát khỏi sự bao bọc và đủ sức tồn tại, tăng trưởng trong hoàn cảnh mới. Còn đối với hành khách, một thị trường rộng lớn với sự gia tăng gấp nhiều lần các lựa chọn cũng như khả năng thụ hưởng nhiều hơn những quyền lợi từ môi trường cạnh tranh cao giữa các hãng hàng không vẫn là điều còn nằm ở phía trước.