Nhỏ gọn nhưng lại có sức mạnh như máy ảnh ống kính rời chuyên nghiệp, dòng máy ảnh không gương lật đang dần chiếm lĩnh thị trường máy ảnh số, không chỉ ở dòng chuyên nghiệp, mà còn khiến cho những loại máy ảnh du lịch phải “ngẩng cao đầu”.
Canon M
Chịu khó chờ đến khi thị trường máy ảnh không gương lật trở nên sôi động với sự tham gia của hầu hết các nhà sản xuất máy ảnh hàng đầu thế giới, Canon mới chính thức giới thiệu sản phẩm đầu tiên của họ: EOS M. Chữ M trong tên mã đó được hiểu là Mirrorless với ý nghĩa “không gương lật”.
Máy sử dụng cảm biến ảnh CMOS APS-C, độ phân giải 18MP, kết hợp cùng chip vi xử lý hình ảnh Digic 5 cho hình ảnh ấn tượng không kém các mẫu ống kính rời thông thường. Cảm biến này tích hợp các điểm nhận nét tự động theo pha cùng lấy nét theo tương phản truyền thống nên giúp máy có thể lấy nét trong khi quay và tốc độ cũng tăng lên đáng kể. Sử dụng loại ống kính với ngàm EF-M mới, EOS M hỗ trợ ISO từ 100 đến 12.800, mở rộng tối đa lên 25.600, có sáu mức cân bằng trắng, hỗ trợ chụp ảnh RAW, ống kính ngàm EF-M với hệ số nhân tiêu cự 1.6x. Tốc độ màn trập tối đa 1/4.000 giây, tối thiểu là 30 giây, tốc độ chụp liên tiếp 4,3 khung hình/giây, bù trừ sáng năm bước.
Bên cạnh đó, EOS M có thể quay video chuẩn Full HD tốc độ 30 hay 25 hoặc 24 khung hình mỗi giây, chuẩn HD 720p, độ phân giải 640×480 (pixel) ở tốc độ 60 hoặc 50 khung hình mỗi giây. Máy có khả năng lấy nét liên tục trong khi quay cũng như chọn điểm lấy nét trực tiếp trên màn hình cảm ứng 3 inch, độ phân giải 1.040.000 điểm ảnh. EOS M sẽ được bán ra vào tháng 10 tới với giá 16,6 triệu đồng (bao gồm ống kit EF-M 22mm F2 STM). Người dùng cũng có thể mua thêm ống EF-M 18-55mm F3.5-5.6 IS STM với giá 6,3 triệu đồng, còn ngàm chuyển để dùng với những ống kính cũ có giá 4,2 triệu đồng.
Thông số kỹ thuật:
• Cảm biến CMOS APS-C 18MP.
• ISO 100-12.800, mở rộng 25.600.
• Lấy nét lai Phase và Contrast.
• Chip vi xử lý: Digic 5.
• Màn hình cảm ứng: 3 inch, 1,04 triệu điểm ảnh.
• Tốc độ chụp liên tiếp 4,3fps.
• Tốc độ ăn đèn: 1/200; tốc độ màn trập tối đa: 1/4.000.
• Trọng lượng: 262g (thân máy).
• Kích thước: 66,5×108,6×32,3 (mm).
Sony Alpha NEX 7
NEX 7 là máy ảnh không gương lật cao cấp nhất của Sony, sở hữu cảm biến CMOS APS-C, độ phân giải 24MP, được lắp kính ngắm điện tử OLED EVF với độ phân giải 2,4MP, có độ chuẩn tương đương mắt người. Đây cũng là máy ảnh đầu tiên trên thế giới được gắn kính ngắm điện tử XGA OLED Tru-Finder™ giúp hiển thị toàn cảnh chụp với độ tương phản, độ rõ và độ chính xác của màu sắc. Không chỉ vậy, người dùng còn có thể dễ dàng đọc các thông số cụ thể ở độ phân giải cao XG trong bất kỳ điều kiện ánh sáng nào. Ngoài ra, NEX-7 được trang bị bộ điều khiển TRINAVI mới, cho phép quá trình cài đặt máy trở nên nhanh chóng và trực quan hơn. Nhờ có nút định vị và ba nút điều khiển, người dùng không còn phải tốn nhiều thời gian mò mẫm trong dãy trình đơn để tìm kiếm cài đặt.
NEX 7 được trang bị hệ thống lấy nét tự động 25 điểm, có khả năng phát hiện tương phản, hệ thống đo và đánh giá ánh sáng với 1.200 vùng đo, màn hình LCD 3 inch nghiêng, lật được, có độ phân giải 921.000 điểm ảnh, dải ISO 100-16.000 và độ trễ màn trập chỉ trong 0,02 giây. Máy cho phép chụp liên tục mười ảnh mỗi giây, giúp người dùng không bỏ lỡ bất cứ khoảnh khắc nào.
Bên cạnh đó, máy còn cung cấp những chế độ hiệu năng đặc biệt như Sweep Panorama, Auto HD, có thể quay phim Full HD 1.920×1.080 (pixel) với tập tin chất lượng cao AVCHD ở tốc độ 50fps hoặc 25fps. Có ngàm E nên máy có thể sử dụng mọi ống kính tương thích hoặc sử dụng các ống kính Sony Alpha thông thường nhờ bộ chuyển đổi LA-EA2 tùy chọn. Ngoài ra, máy còn được trang bị đèn flash pop-up cùng màn hình 3 inch, độ phân giải 921.000 điểm ảnh, có khả năng lật nghiêng. NEX-7 được bán với giá 27 triệu đồng (có kèm ống kính 18 – 55mm).
Thông số kỹ thuật:
• Cảm biến Exmor APS HD CMOS, độ phân giải 24,3MP.
• Bộ xử lý hình ảnh BIONZ.
• 25 điểm lấy nét.
• Dải ISO từ 100 tới 16.000.
• Quay phim Full HD định dạng AVCHD v2.0.
• Chụp liên tiếp 10 tấm/giây (ở chế độ ưu tiên tốc độ).
• Màn hình LCD Xtra Fine 3 inch, có thể nghiêng 90 độ.
• Ống ngắm OLED.
• 11 hiệu ứng hình ảnh.
• Tích hợp đèn flash.
• Hỗ trợ thẻ nhớ Memory Stick DUO Pro, SD, SDHC, SDXC.
Pentax K-01
K-01 là máy ảnh số không gương lật có ống kính rộng mỏng nhất thế giới Pentax DA 40mm F2.8 XS. Máy sử dụng cảm biến hình ảnh CMOS (APS-C), 23,7 x 15,7mm, 16MP và sử dụng tương thích với hầu hết các loại ống kính Pentax hiện có. Điều này giúp chủ máy không phải sắm ống kính mới hay ngàm chuyển như những dòng máy ảnh không gương lật khác.
Điểm nổi bật của K-01 là thiết kế độc đáo (do Pentax hợp tác với nhà thiết kế người Anh Marc Newson thực hiện), vừa có nét cổ điển, vừa bắt mắt nhờ sự phối hợp hài hòa giữa các đường nét và màu sắc đẹp. Tất cả các máy đều có gắn chữ ký của nhà thiết kế Marc Newson trên thân.
K-01 được trang bị cảm biến APS-C độ phân giải 16MP và được trang bị hệ thống chống rung nên rất thích hợp với những ống kính không hỗ trợ chống rung. Máy cũng được trang bị cảm biến ổn định hình ảnh, màn hình LCD 3 inch với khả năng hiển thị 920.000 điểm ảnh và có thể chụp liên tục sáu ảnh mỗi giây. Ngoài tính năng chụp ảnh thô RAW (định dạng .DNG), Pentax K-01 còn hỗ trợ chế độ chụp chỉnh tay hoàn toàn, chế độ ưu tiên khẩu độ hoặc tốc độ. Đặc biệt, các thiết lập chụp ảnh HDR được thiết kế ngay trên bánh xe chức năng ở mặt trên của máy, rất thuận tiện cho người dùng. Bên cạnh đó, Pentax K-01 còn hỗ trợ dải ISO từ 100 đến 25.600, khả năng chụp liên tục sáu khung hình mỗi giây ở độ phân giải tối đa, quay phim độ phân giải 1.080p (tốc độ tùy chọn 24 hay 25 hoặc 30 khung hình/giây) hay độ phân giải 720p (tốc độ 60 khung hình/giây).
Với ba màu vàng, đen và trắng, Pentax K-01(gồm thân máy và ống kính DA 40mm phiên bản XS) được bán với giá 18,5 triệu đồng.
Thông số kỹ thuật:
• Cảm biến CMOS, (APS-C), 23,7 x 15,7mm.
• Điểm ảnh hiệu dụng: 16.28MP.
• Ngàm ống kính: Tất cả ngàm ống kính ngàm K.
• Màn hình LCD: 3 inch, 921.000 điểm ảnh.
• Thẻ nhớ: SD, SDHC, SDXC.
• Pin: Lithium D-Li90.
• ISO: 100-12.800, hỗ trợ đến 25.600.
• Tốc độ chụp: 30s-1/4000.
• Chụp liên tiếp: 6 hình/giây.
Khải Minh