Nguyễn Thị Hoàng Hà, đồng sáng lập và hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Dược Hoàng Long. Đây cũng là một trong không nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn giữ được quyền phân phối, nằm ngoài mạng lưới phân phối của ba ông lớn nước ngoài đang thâu tóm 80% – 90% thị trường tân dược trong nước. Là một doanh nghiệp phân phối tân dược nhập khẩu, trong bối cảnh Chính phủ siết chặt kiểm soát giá thuốc, mua ngoại tệ không dễ, kinh tế vĩ mô gặp khó khăn… nhưng người phụ nữ này tỏ ra khá… thong dong. Không có những cuộc điện thoại xin ý kiến liên tục như thường thấy ở một số lãnh đạo doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng.
Xuất thân là một giáo viên toán nhưng sau mười năm đứng trên bục giảng, năm 1989, người phụ nữ này quyết định chia tay với sự nghiệp giáo dục. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi cũng bắt đầu từ mốc thời gian này.
____
Từ một giáo viên toán, đâu là lý do đưa bà đến với ngành kinh doanh sản phẩm dược?
Sau mười năm đứng trên bục giảng, tôi quyết định rời môi trường Nhà nước. Phần vì cần thời gian chăm sóc con thứ hai mới chào đời, phần vì đồng lương của hai vợ chồng, cùng là giáo chức, không đủ trang trải cuộc sống. Để mưu sinh, tôi phải làm thêm nhiều việc.
____
Vào thời điểm ấy, dứt khỏi môi trường Nhà nước được xem là một quyết định dũng cảm?
Trong gia đình, nhiều người cũng không bằng lòng, nhất là cha tôi. Ông cũng là một nhà giáo. Tôi khá bướng. Chồng tôi thỉnh thoảng vẫn nói: “Coi vậy thôi mà lâu lâu vẫn lòi ra cái bướng”. Về phần mình, sau khi chia tay bục giảng, tôi cũng hụt hẫng mất một thời gian. Tôi còn nhớ dịp 20/11 năm đó, trường mời tôi về dự lễ, dù mình không còn ở trong biên chế. Trong không khí náo nức, mọi người mời tôi phát biểu cảm tưởng. Tôi không nói được lời nào, bỏ về nhà, khóc hu hu như một đứa trẻ. Nhưng rồi việc chăm sóc con cái, nỗi lo cơm áo gạo tiền cũng không cho mình rảnh rang mà nghĩ ngợi. Không đóng góp trực tiếp cho ngành giáo dục thì đóng góp gián tiếp, bằng cách trở thành hậu phương vững chắc, khiến chồng tôi yên tâm công tác (Chồng bà Hà hiện là hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, một trong những trường chuyên có tiếng ở khu vực miền Đông Nam bộ – PV). Năm 1994, tôi cùng người em trai thành lập Công ty Hoàng Long, vừa khai thác đá, vừa phân phối tân dược, trong đó tôi phụ trách mảng tân dược. Năm 2007, chúng tôi mới quyết địch tách ra thành hai doanh nghiệp riêng. Trong gia đình, cả ba chị em tôi đều từng làm trong cơ quan nhà nước nhưng đến giờ thì đều ra ngoài làm.
____
Được biết phần lớn sản phẩm của Dược Hoàng Long là hàng đặc trị nhập khẩu. Bằng cách nào, bà thiết lập được quan hệ với các hãng dược phẩm nước ngoài?
Ông bà mình thường nói “ông thời đi khỏi ông giỏi cũng thua”. Trong sự thành công của tôi có yếu tố may mắn. Chính những đồng nghiệp của mẹ tôi, nguyên là Giám đốc Bệnh viện Thánh Tâm ở Đồng Nai, khi ra nước ngoài tham dự các hội thảo quốc tế, tiếp xúc với những công ty dược có nhu cầu tìm hiểu về thị trường Việt Nam đã giới thiệu tôi. Sau này, đối tác thấy mình làm được việc, nên giới thiệu thêm những công ty khác có nhu cầu thâm nhập thị trường Việt Nam. Họ tự tìm đến mình, chứ tôi ở… nhà quê, đâu có biết ai với ai.
Việc tôi tập trung phân phối hàng đặc trị trước hết vì công ty mình nhỏ. Nếu kinh doanh những mặt hàng bán đại trà thì về lâu dài không có lợi thế cạnh tranh, chưa kể những doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực tài chính và đội ngũ nhân lực chất lượng cao sẽ vào Việt Nam trong xu thế hội nhập. Từ suy nghĩ đó, chúng tôi mạnh dạn chọn một lối riêng, vừa đi, vừa mở đường.
____
Thực tế cũng đã có không ít những người mở đường trở thành viên gạch lót đường…
Đúng là thời gian đầu chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn. Thậm chí có giai đoạn nhiều người tưởng rằng Hoàng Long đã rút lui khỏi thị trường tân dược. Vì là dược phẩm đặc trị chất lượng cao, nên hàng chúng tôi phân phối chỉ có thể sử dụng trong bệnh viện theo chỉ định và sự giám sát của bác sĩ. Chất lượng cao nên giá cũng cao, là một trở ngại đối với nhiều bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo vì vậy kinh doanh những loại thuốc đặc trị rất khó, nhưng khi đã gầy dựng được niềm tin ở thầy thuốc và bệnh nhân thì thị phần khá ổn định.
Nên kiểm soát thật chặt vấn đề chất lượng thuốc bởi yếu tố này tác động trực tiếp đến sức khỏe con người về lâu dài.
____
Đã mắc bệnh hiểm nghèo thì bán thuốc giá nào người bệnh cũng mua?
Về chủ quan, lợi dụng hoàn cảnh người ta bị bệnh để bán hàng với giá cắt cổ là vô đạo đức. Lương tâm không cho phép mình làm như vậy. Về khách quan, nước ta còn nghèo, mà oái oăm là phần lớn những người mắc bệnh hiểm nghèo lại là người nghèo, bảo hiểm y tế cũng giới hạn mức trần chi trả, nên việc tùy tiện đẩy giá lên là tự loại mình ra khỏi thị trường. Thêm nữa, nhiều loại dược phẩm chúng tôi nhập còn quá mới mẻ đối với các bác sĩ. Chẳng hạn như ketoaxit, một dạng axit amin để cải thiện chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân suy thận mãn. Cách nay 15 năm, đây là một khái niệm khá mới. Để thuyết phục bác sĩ, chúng tôi phối hợp với các hội y học, tổ chức những hội thảo khoa học, mời các chuyên gia trong nước và quốc tế đến thảo luận, kết hợp với tài trợ cho các thử nghiệm lâm sàng tại một số bệnh viện lớn. Bây giờ, loại dược phẩm này phổ biến khắp đất nước.
____
Gần đây, dư luận khá bức xúc vì tình trạng nhiều loại thuốc tân dược tăng giá cao. Là người trong cuộc, bà nghĩ sao?
“Cao” theo tôi hiểu là sự không tương xứng giữa giá và chất lượng. Xét ở khía cạnh này thì đúng là có một số mặt hàng đang bị làm giá. Tôi có cảm giác dư luận dành nhiều mối quan tâm về vấn đề giá hơn là chất lượng. Thiết nghĩ nên kiểm soát thật chặt vấn đề chất lượng thuốc bởi yếu tố này tác động trực tiếp đến sức khỏe con người về lâu dài. Uống thuốc mà trong vòng một vài tuần lễ không bị tác dụng phụ là ổn. Nhưng làm sao biết được việc sử dụng những loại thuốc chất lượng kém ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người trong ba năm, năm năm hoặc mười năm tiếp theo. Có một thực tế là không ít trường hợp trẻ sơ sinh không bú được sữa mẹ. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ bị một số bệnh bẩm sinh hoặc sản phụ không có sữa. Tuy nhiên, có một thời kỳ khá dài, với những trường hợp này, trẻ chỉ được cung cấp dung dịch đường hoặc axitamin dành cho người lớn với liều lượng thấp. Nhưng các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng phương án này ảnh hưởng đến não và võng mạc của trẻ. Để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, thế giới đã tìm ra một loại axitamin có công thức tương tự như sữa mẹ. Để tiếp thị dòng sản phẩm này, chúng tôi đã đưa ra một thông điệp “trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ”, bởi các bộ phận trong cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn thiện như người trưởng thành. Ý nghĩa của thông điệp này là không phải tất cả dược phẩm dùng cho người lớn đều có thể sử dụng đối với trẻ em, cho dù thay đổi liều lượng, thí dụ người lớn truyền 500ml thì trẻ em rút xuống còn 200ml. Qua ví dụ này, tôi cho rằng chất lượng của sản phẩm là một tiêu chí quan trọng cho việc nói rằng giá của một loại thuốc là cao hay thấp. Tôi tin rằng trong tương lai cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân sẽ lựa chọn những sản phẩm chất lượng tốt.
____
Phải chăng tình trạng chất lượng vàng thau lẫn lộn là một trong những lý do khiến tân dược được xem là một trong những ngành kinh doanh siêu lợi nhuận?
Tôi nghĩ rằng hoạt động trong ngành này, tìm được sự cân bằng giữa việc đảm bảo kết quả kinh doanh và sự thanh thản trong tâm hồn là không dễ. Tôi chọn kinh doanh sản phẩm đặc trị chất lượng cao cũng là một cách để cân bằng lại. Tiêu chí hoạt động của Công ty Dược Hoàng Long là “vì sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Chúng tôi chú trọng cả chất lượng sản phẩm và chất lượng phục vụ. Mà chất lượng đâu phải là câu chuyện của riêng giành dược. Chất lượng trong giáo dục, thực phẩm, môi trường… cũng đang khiến dư luận bức xúc từ nhiều năm qua. Nói chung, bàn về chất lượng dược phẩm ở Việt Nam thật khó. Trong khuôn khổ của những Công ty vừa và nhỏ, chúng tôi luôn phấn đấu để mang đến những sản phẩm có chất lượng tốt cho cộng đồng. Chúng tôi tin rằng đó chính là cơ sở cho sự phát triển bền vững của Công ty.
____
Khó nói tốt hay khó nói xấu?
Nói tốt không được, mà nói xấu thì không phải lúc nào cũng đúng, vì vàng thau lẫn lộn. Người mua có thể lầm nhưng người bán thì không bao giờ sai. Đấy là vấn đề nhức nhối. Thành ra cứ làm thật nghiêm, thật chặt chẽ vấn đề chất lượng thì đã tốt lắm rồi.
____
Dư luận phê phán mạnh mẽ tình trạng độc quyền của doanh nghiệp trong nước. Nhưng trong ngành dược, có vẻ như chủ thể độc quyền không còn là những doanh nghiệp trong nước nữa?
Đúng vậy. Hiện nay phần lớn các nhà sản xuất lớn đều có xu hướng chọn các Công ty đa Quốc gia làm nhà phân phối. Vì vậy tôi có một niềm vui nho nhỏ là đến giờ, Dược Hoàng Long là một trong không nhiều doanh nghiệp tư nhân còn giữ được quyền phân phối một số sản phẩm đặc trị chất lượng cao.
Tôi có một niềm vui nho nhỏ là đến giờ, còn giữ được quyền phân phối một số sản phẩm đặc trị chất lượng cao.
____
Mặc dù đã vào WTO nhưng các doanh nghiệp nước ngoài chỉ được phép nhập khẩu, còn quyền phân phối là của các doanh nghiệp trong nước?
Đúng là các doanh nghiệp nước ngoài chỉ được phép nhập khẩu. Trong ngành này, cá lớn nuốt cá bé là chuyện bình thường. Chúng tôi cũng từng là đối tác cho một số nhà cung cấp nước ngoài. Khi đã có thị trường tương đối lớn thì nhiều nhà cung cấp tìm cách chấm dứt hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, nói trắng ra là “hất cẳng”, chuyển sang các Công ty đa Quốc gia. Lúc ấy, chúng ta chỉ còn biết tự trách mình trong quá trình soạn thảo hợp đồng đã không đặt ra những điều khoản ràng buộc chặt chẽ do thiếu tư vấn tốt.
____
Bà có lường trước kịch bản đến một lúc nào đó, nhà cung cấp hiện tại sẽ “nghỉ chơi” với bà?
Không. Vì hai lý do. Một, nhà cung cấp của tôi là Biotest AG, một công ty cỡ vừa ở Đức. Sau những bài học xương máu, tôi rất ngại chơi với những công ty lớn. Chính sách toàn cầu của họ là tôn trọng nhà phân phối địa phương. Trong những cuộc hội nghị khách hàng toàn cầu do hãng này tổ chức, tôi đã tiếp xúc với những nhà phân phối có thâm niên lên đến ba, bốn chục năm. Thực tế là ở Việt Nam, họ không có văn phòng đại diện. Thứ hai, sau mười năm hợp tác, có lẽ họ cũng hiểu rằng mình làm được việc. Một trong những thế mạnh của nhà cung cấp cho chúng tôi là chế phẩm từ huyết thanh người, sử dụng nhiều trong khoa hồi sức cấp cứu và cải thiện chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Đến nay, một số sản phẩm của nhà cung cấp này có công thức duy nhất trên thế giới. Điều khiến tôi lo lắng là mới đây, nhà cung cấp thông báo sẽ ngừng trợ giá dòng sản phẩm này đối với thị trường Việt Nam do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, dao động từ 40 – 50%.
____
Năm 2011 tiếp tục là một khoảng thời gian khó khăn với nhiều doanh nghiệp. Nhưng xem ra việc nắm giữ quyền phân phối sản phẩm đặc trị là một lợi thế khiến Dược Hoàng Long ít bị ảnh hưởng?
Sao lại không? Một trong những vấn đề đau đầu của tôi hiện nay là tỷ giá ngoại tệ vì chúng tôi là doanh nghiệp nhập khẩu. Như đã nói, ngoài việc thông báo ngừng trợ giá do việc giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nhà cung cấp của tôi còn yêu cầu chúng tôi tăng doanh số. Tôi trả lời rằng lãi suất khoảng 20%, lạm phát 13%, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng USD tăng gần 20% kể từ đầu năm, giá thuốc thì phải tuân thủ quy định đấu thầu nên chúng tôi không thể đáp ứng được yêu cầu từ đối tác. Tôi không bao giờ hứa chuyện mình không thể làm được.
____
Phản ứng đối tác của bà như thế nào?
Le lưỡi. Ông ấy nói “an toàn là trên hết”. Nói thực, doanh nghiệp Việt Nam quá giỏi. Tình hình khó khăn thế này mà vẫn… chưa chết.
____
Nhưng sức chịu đựng thì cũng có một giới hạn nhất định?
Đúng. Có lẽ vì doanh nghiệp Việt Nam, rộng ra là người Việt đã quen chịu đựng những khó khăn. Doanh nghiệp vừa trải qua một cơn bạo bệnh là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cơn bệnh 2008 khiến sức khỏe bị bào mòn khá nhiều. Vừa gượng dậy thì lại bệnh thêm lần nữa. Khi thể trạng chưa hồi phục mà bị thêm một cơn bệnh nữa thì đương nhiên sức chịu đựng phải giảm sút. Theo tôi, ngưỡng chịu đựng của nhiều doanh nghiệp đã đến mức báo động.
Sợ nhất là doanh nghiệp kiệt sức trước khi khủng hoàng đi qua.
____
Để giải bài toán sống còn này, theo bà, cần những điều kiện gì?
Cần sự phối hợp hài hòa từ hai phía, cả doanh nghiệp và Chính phủ. Chúng tôi chia sẻ với Nhà nước những khó khăn, ủng hộ chủ trương tăng tỷ giá, phù hợp với tình hình thực tế. Nhưng giá như Chính phủ thông báo trước thì doanh nghiệp sẽ chủ động hơn. Chẳng hạn, dự kiến sáu tháng nữa sẽ tăng giá một USD lên 22.000 đồng thì Ngân hàng Nhà nước công bố ngay với toàn dân từ bây giờ. Đã làm kinh doanh là phải có kế hoạch. Chỉ riêng việc thay đổi kế hoạch để phù hợp với chủ trương chính sách mới đã ngốn của doanh nghiệp phần lớn thì giờ, làm tăng chi phí. Mục tiêu của chúng tôi năm nay là cố gắng giữ được thị trường, bởi xây dựng thị trường là một quá trình dài hơi, có thể cắt giảm lợi nhuận nhưng vẫn phải đảm bảo thu nhập cho nhân viên để mọi người yên tâm làm việc. Sợ nhất là doanh nghiệp kiệt sức trước khi khủng hoảng đi qua. Ngoài việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân còn giải quyết nhu cầu việc làm của 70% lực lượng lao động, góp phần ổn định xã hội. Với những hành động quyết liệt trong thời gian qua, tôi tin rằng Chính phủ cũng đã nhìn ra những nguy cơ này. Hy vọng là sẽ có những chuyển biến tích cực vào quý III năm nay như mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.
____
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện.