Đã một lần tới Lyon – đô thị lớn thứ hai của Pháp hình thành thời cổ đại La Mã, nhưng người viết bài vẫn quyết định thăm lại nơi hợp lưu của sông Rhône và Saône, nơi tháng 6 có chương trình xiếc mới Việt Nam sang biểu diễn…
Nằm giữa hai đồi Fourvière và Croix Rousse, thành phố Lyon nổi danh trước hết từ di sản kiến trúc và đô thị – chiếm 10% diện tích – được UNESCO công nhận năm 1998. Ở chân đồi Fourvière là Vieux Lyon với hơn 500 tòa nhà thời trung cổ được duy tu, trong đó có La Tour Rose xây thế kỷ thứ XVI và nhà thờ Saint Jean xây thế kỷ thứ XIII.
Phải nói rằng cho đến các năm 1960, thành cổ này xuống cấp đến mức thị trưởng lúc đó, Louis Pradel, phải chủ trương phá hủy để xây đường cao tốc. Chính cuộc đấu tranh của xã hội dân sự, đứng đầu là hội Phục hưng Lyon cổ, đã thúc ép Bộ trưởng Văn hóa André Malraux, năm 1962, thiết lập tại Lyon khu vực bảo tồn đô thị đầu tiên của nước Pháp.
Trên sườn đồi Fourvière – còn mệnh danh “đồi cầu nguyện” vẫn tồn tại các nhà hát La Mã lộ thiên, mà nguy nga nhất là Nhà hát lớn hình bán nguyệt có sức chứa hơn 10.000 khán giả. Là địa điểm diễn ra Liên hoan quốc tế Fourvière, tháng 6 vừa qua nhà hát đã đón tiếp chương trình xiếc mới À Ố làng phố của các đạo diễn Tuấn Lê, Nhất Lý, Nguyễn Lân, Tấn Lộc.
Đối diện đồi Fourvière, đồi Croix Rousse được gọi “đồi lao động” bởi nơi đây là cái nôi của công nghiệp Lyon, đặc biệt những công xưởng dệt lụa đã khiến Lyon trở thành kinh đô tơ lụa thế giới trong thế kỷ thứ XIX. Kiến trúc tiêu biểu của Croix Rousse là những ngôi nhà tường cao, cửa sổ cao, trần gia cố gỗ để lắp đặt máy dệt.
Đặc thù nhất của khu là những lối đi tắt thông qua những sân trong của các ngôi nhà, trong đó La cour des Voraces nổi tiếng là nơi thợ dệt liên tiếp tổ chức các cuộc nổi dậy đòi quyền sống và nhân phẩm trong các năm 1831-1849. Nói đến di sản kiến trúc của Lyon không chỉ nhìn quá khứ hai nghìn năm mà còn hướng đến các công trình cận đại, đến quy hoạch đô thị mới và những cuộc “giao duyên” kim cổ kiến trúc trong thành phố.
Như nhà hát Opéra thế kỷ thứ XIX đã nhân ba diện tích bằng cách đặt thêm lên nóc năm tầng kính và bên dưới năm tầng âm! Từ trung tâm thành phố sẽ có tàu đưa bạn sang khu Confluence (Hợp lưu), nơi các bến cảng, kho hàng xưa nhường chỗ cho đô thị mới hiện đại. Những nhà máy được cải dụng thành trung tâm sự kiện, giải trí đêm cho giới trẻ mà lò đường La Sucrière là tiêu biểu. Những trụ sở công ty có tên Cube Orange, Cube Vert với các khối màu đặc sắc. Những trung tâm văn hóa có kiến trúc phá cách…
Nhưng thú vị nhất với người viết là hệ thống tranh tường đồ sộ của Lyon. Ngoài tính thẩm mỹ, đặc điểm của khoảng 150 bức rải rác khắp thành phố biến Lyon thành kinh đô tranh tường của châu Âu là sự hội nhập dân sinh. Tranh tường lịch sử đầu tiên rộng 1.200m2 của Lyon trên đồi Croix Rousse có tên Tường của thợ dệt lụa, do tập thể họa sĩ hợp tác xã Cité Création thực hiện năm 1987.
Đây là bức tranh tiến hóa đã được cập nhật năm 1997 và 2013 để thể hiện sự thay đổi của khu phố. Như trường hợp nhân vật thật Marc Carbonare trong phiên bản đầu tiên 28 tuổi vác xe đạp bước lên cầu thang. Phiên bản hai, ông có mặt với xe đạp mới, tay bồng con gái đầu lòng. Phiên bản ba, Marc 54 tuổi, đạp Velov – xe đạp công của thành phố – bên cạnh vợ, con gái lớn đôi mươi và con trai út 12 tuổi!
Tham quan tranh tường Lyon, tất nhiên không thể bỏ qua bảo tàng mang tên Tony Garnier, tác giả đề án Thị xã công nghiệp nổi tiếng – thị xã lý tưởng kết hợp hiện đại, nhân văn mà Garnier hiện thực hóa lý thuyết bằng 164 bản đồ chi tiết. Sinh ra trong gia đình thợ dệt ở Lyon, ngay từ nhỏ Garnier đã nếm trải cảnh nghèo khó của tầng lớp công nhân, nuôi mong muốn cải thiện cuộc sống của họ bằng kiến trúc.
Lấy cảm hứng bởi chủ nghĩa không tưởng, năm 1904 Garnier đưa ra mô hình thành phố công nghiệp khi dòng di dân từ nông thôn ra phố tạo nên vấn đề nhà ở. Được thị trưởng Lyon Edouard Herriot khi đó cử làm kiến trúc sư trưởng, Garnier đã thể hiện quan điểm quy hoạch đô thị qua nhiều công trình lớn như chợ súc vật, lò mổ, sân vận động, bệnh viện…; tiêu biểu nhất là các chung cư giá rẻ đầu tiên cho giới lao động. Gọi giá rẻ nhưng quan tâm hàng đầu của Garnier cho hơn 1.400 căn hộ xây những năm 1930 là chất lượng cuộc sống cư dân: thẩm mỹ, tiện nghi, hạn chế chiều cao, không gian xanh giữa các phố…
Sau nửa thế kỷ xây dựng, đầu những năm 1980, chính quyền Lyon quyết định chặn đứng sự xuống cấp vật chất cũng như sự suy thoái xã hội và xa rời cấu trúc đô thị ban đầu của khu chung cư lịch sử. Mặc nhiều nơi tương tự bị phá, Lyon chọn cách cư xử khác: Hàng loạt công tác khôi phục giá trị kiến trúc và giá trị di sản quy hoạch đô thị của khu vực được xúc tiến kiên nhẫn.
Song song với việc sửa chữa, Lyon đã biến khu chung cư thành bảo tàng mở tôn vinh tư tưởng đô thị lý tưởng của Garnier. Quy tụ trong hội dân cư mang tên Bảo tàng đô thị Tony Garnier, người dân chung cư cùng các họa sĩ của hợp tác xã Cité Création có sáng kiến phục hồi giá trị khu phố đang ở với 25 tranh tường chung cư có diện tích 230m2 mỗi bức. Không chỉ trình bày lại các công trình của Garnier về thị xã công nghiệp, Cité Création còn vinh danh nhà thiết kế đô thị bằng cách mời sáu họa sĩ quốc tế đến vẽ “thị xã lý tưởng” theo cách họ quan niệm.
Mô hình mơ ước của Tony Garnier không thành hiện thực, nhưng một phần trong tổng thể đã được xây dựng ở Lyon, trở thành di sản kiến trúc quy hoạch của nước Pháp; tư tưởng kiến trúc nhân văn của ông khởi xướng vẫn là nguyên tắc cơ bản trong quy hoạch hiện đại.
Đến đây, ngắm khu chung cư công nhân đẹp đẽ xây dựng 85 năm trước nay thành nơi lưu giữ ký ức của thành phố, người viết, như nườm nượp du khách tham quan mỗi năm, thật sự ngưỡng mộ bậc thầy kiến trúc sư “có phẩm hạnh sánh ngang với thiên tài” như Thị trưởng Edouard Herriot từng nói. Đến đây, ngưỡng mộ tình yêu di sản của thành phố kết nghĩa với thành phố mình đang sống, người viết thốt nhiên cứ so sánh…
Tháng 7-2015