Trong tháng 3, thị trường ôtô Việt Nam đã tăng trưởng đều trên các phân khúc. Những nỗ lực kích cầu của các doanh nghiệp và nhà sản xuất dường như cũng thu được kết quả khả quan khi mức tiêu thụ trong tháng 3 tăng đến 52% so với tháng trước, đưa tổng lượng xe bán được trong cả quý I lên đến 64.729 chiếc. Đây là một tín hiệu khá tốt của thị trường ôtô trong năm nay khi phải chịu nhiều tác động từ lộ trình giảm thuế nhập khẩu, sự thay đổi trong cách tính các loại thuế, phí và các chính sách liên quan đến xe nhập khẩu cũng như quy định về tiêu chuẩn khí thải mới.
Từ kết quả thống kê
Theo thống kê của VAMA, sau hai tháng đầu năm trầm lắng, trong tháng 3 đã có 26.872 xe được tiêu thụ, tăng 52% so với tháng 2 và tổng lượng xe bán ra trong quý I tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong bức tranh toàn cảnh thị trường quý I, xe nhập khẩu vẫn là gam màu nổi bật bởi mức tăng trưởng lên đến 114% trong tháng 3 so với tháng trước đó, giữ cho tốc độ tăng trưởng đạt 41% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, dòng xe lắp ráp nội địa chỉ tăng 35%, vì vậy tính chung cả quý thì dòng xe này bị sụt giảm nhẹ (1%). Nắm giữ năm vị trí dẫn đầu trong tháng 3 vẫn là những mẫu xe quen thuộc là Toyota Vios (bán được 1.415 chiếc), Toyota Innova (1.107 chiếc), Ford Ranger (1.014 chiếc), Kia Morning (1.002 chiếc) và Toyota Fortuner (982 chiếc). Có thể thấy sau chiến dịch thay đổi toàn diện chuỗi sản phẩm, thương hiệu Toyota đang lấy lại vị thế của mình ở phân khúc thị trường xe du lịch và thương mại. Tuy nhiên, dù chiếm giữ ba trong năm vị trí dẫn đầu về doanh số trong tháng 3, Toyota cũng chỉ tăng được 13% doanh số trong cả quý I so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm giữ 22,8% thị phần.
Xếp thứ hai về thị phần là Ford và Mazda với cùng mức 11,6%, còn Kia xếp thứ 3 với 10,2%. Điểm nổi bật trên biểu đồ thị phần của quý I năm nay lại là sự tăng tốc trở lại của GM khi đạt thị phần ngang bằng với Honda, ở mức 4,8%. Bên cạnh đó, Mercedes-Benz đã tiếp tục tăng thị phần chiếm giữ lên 2,6% trong khi Lexus lại lần đầu tiên bị sụt giảm, mà giảm đến 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thấp thỏm theo xe nhập khẩu
Khác với dự đoán rằng thị trường ôtô Việt Nam sẽ trầm lắng trong năm nay vì giới tiêu dùng có xu hướng chờ thuế suất nhập khẩu về mức 0% từ năm 2018, lượng xe nhập khẩu trong tháng 3 đã cho thấy tình thế đang diễn biến trái ngược với những gì đã xảy ra trong hai tháng trước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung ba tháng đầu năm, tổng lượng xe dưới chín chỗ ngồi nhập về Việt Nam là 19.000 chiếc, tăng 169% về lượng và 82% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ tính riêng nửa đầu tháng 3, có tới 4.800 chiếc được nhập về với mức giá trung bình trước thuế chỉ khoảng 189 triệu đồng/chiếc. Cùng với sự tăng đột biến về lượng hàng nhập, số xe nhập khẩu bán được trong tháng 3 cũng tăng vọt, tới 8.488 chiếc, tăng 114% so với tháng 2. Điều này cho thấy tác động của tâm lý chờ thuế giảm trong suy nghĩ của người tiêu dùng không lớn như dự đoán, đồng thời những nỗ lực kích cầu của các nhà kinh doanh xe hơi trong hai tháng đầu năm đã đạt kết quả mỹ mãn. Trong ba tháng đầu năm nay, hàng loạt thương hiệu, doanh nghiệp kinh doanh ôtô đã tung ra nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại hấp dẫn nhất từ trước đến nay nhằm lấn át tư tưởng chờ giảm thuế đang ngự trị trong đầu óc người tiêu dùng. Nhiều người cho rằng khi thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2018 thì chắc chắn giá xe nhập khẩu sẽ giảm và theo quy luật cạnh tranh, các dòng xe lắp ráp trong nước cũng phải giảm giá theo để giữ khách hàng. Tuy nhiên, theo phân tích chung của giới kinh doanh thì không có gì đảm bảo chắc chắn rằng giá xe tại Việt Nam sẽ giảm mạnh sau ngày 1-1-2018 vì theo nội dung của hiệp định ATIGA, mức ưu đãi 0% chỉ dành cho những dòng xe nhập khẩu có tỷ lệ nội địa hóa đạt 40% từ các quốc gia trong khu vực ASEAN, nhưng những dòng xe này chiếm tỷ lệ rất thấp trong số các mẫu xe nhập khẩu vào Việt Nam. Ngược lại, trong khi tác động của việc giảm thuế lên giá xe chưa thật sự rõ ràng thì những thay đổi về chính sách siết chặt nhập khẩu, sự gia tăng thêm các loại thuế, phí khác là yếu tố khiến giá xe có thể không giảm, mà còn tăng thêm!
Khi mà mức thuế nhập khẩu chỉ mới giảm thêm 10% thì nhiều chính sách quản lý siết chặt hơn đã được ban hành. Điển hình là Tổng cục Hải quan đã tăng cường kiểm tra việc đáp ứng các tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ (C/O) hàng hóa ASEAN đối với các ôtô nhập khẩu nguyên chiếc trong quá trình làm thủ tục hải quan để chống gian lận trong việc nhập xe về Việt Nam. Theo đó, trong khu vực ASEAN hiện nay, chỉ có hai nước Thái Lan và Indonesia có thể xuất khẩu ôtô nguyên chiếc vào Việt Nam để hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu 0% vào năm 2018 cùng với linh kiện ôtô được nhập khẩu từ Malaysia. Có hứa hẹn nhiều nhất về khả năng giảm giá là dòng xe bán tải với lượng nhập khẩu từ đầu năm đến ngày 15-3 là gần 3.900 chiếc và nhập chủ yếu từ Thái Lan, chiếm 99,6% trong tổng lượng xe bán tải nhập khẩu của cả nước (theo số liệu của Tổng cục Hải quan). Trong hai năm 2016 và 2015, lượng xe bán tải nguyên chiếc có xuất xứ Thái Lan luôn chiếm đến 99,9% tổng lượng xe bán tải nhập khẩu. Tuy nhiên, do mức thuế nhập khẩu đối với xe bán tải đang chỉ ở mức 5% nên việc giảm giá xe sau khi thuế suất nhập khẩu còn 0% là không đáng kể, chưa kể khả năng thuế tiêu thụ đặc biệt và nhiều loại phí khác đối với dòng xe này có khả năng sẽ tăng lên trong thời gian tới. Vì vậy, thị trường ôtô Việt Nam có thể thêm sôi động bởi sự gia tăng nhu cầu mua xe bán tải trước khi các loại thuế, phí của dòng xe này có thể sẽ được thay đổi.
Bên cạnh các nguyên nhân liên quan đến thuế suất, quy định mới về nâng cấp mức khí thải đối với ôtô cũng có ảnh hưởng không ít đến sự tăng trưởng của thị trường. Theo quy định trong Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg, từ ngày 1-1-2018, tất cả các loại xe ôtô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tại Việt Nam đều phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4. Điều này đồng nghĩa với việc một lượng lớn ôtô đạt tiêu chuẩn khí thải mức 2 và một số dòng xe sử dụng nhiên liệu diesel sẽ được “xả kho” trong năm 2017, tạo cơ hội giảm giá hấp dẫn cho người tiêu dùng.
Về tổng quan, thị trường ôtô Việt Nam đang thể hiện nhiều ưu thế để tiếp tục tạo nên nhiều đột phá mới về doanh số trong năm nay. Lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường đang rất dồi dào, sức mua đang tăng trở lại, nhưng vẫn khó có thể phác họa chính xác bức tranh thị trường này trong những tháng tiếp theo. Không chỉ bị tác động từ những yếu tố khách quan, sự tăng trưởng của thị trường còn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố chủ quan. Sự việc phải thu hồi xe của các thương hiệu như Hyundai, Honda hay Mercedes-Benz vì lỗi kỹ thuật gần đây tại thị trường Việt Nam là một trong những yếu tố có ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định mua xe của nhiều khách hàng trong thời điểm đầy nhạy cảm này.
- Huỳnh Khôi
Xem thêm:
Thị trường ôtô đầu năm 2017: Đã có dấu hiệu của một năm đầy chuyển biến
Bangkok International Motor Show 2017: Cú hích nhẹ cho thị trường Việt Nam
Giảm mạnh trong tháng đầu năm, thị trường ôtô Việt Nam đang đúng xu thế