Louis Vuitton là thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới với những mẫu túi xách huyền thoại. Sở hữu được một chiếc túi Louis Vuitton là mơ ước của rất nhiều người. Theo danh sách 100 thương hiệu hàng đầu thế giới của Forbes, Louis Vuitton (LV) đứng đầu trong lĩnh vực đồ xa xỉ, vượt hẳn Chanel, Gucci, Prada và vô số những nhà mốt danh tiếng khác.
Sự nổi tiếng không hẳn đã có lợi cho Louis Vuitton. Việc quảng cáo quá mạnh cho những dòng sản phẩm thời trang mới cũng làm người hâm mộ quên mất giá trị cốt lõi của thương hiệu – có rất nhiều người chỉ biết mua đồ thời trang Louis Vuitton vì sự ganh đua, ghen tỵ hay khoe mẽ. Họ chưa hẳn đã hiểu tường tận về sự giá trị của một thương hiệu đã có 164 năm lịch sử này.
20 điều thú vị về thương hiệu Louis Vuitton:
1. Louis Vuitton thành lập năm 1854 tại Pháp, mang tên chính người sáng lập.
2. Tên đầy đủ của thương hiệu là Louis Vuitton Malletier.
3. Thời điểm ban đầu thành lập, Louis Vuitton chưa phải là một thương hiệu thời trang.
4. Ông Louis Vuitton bắt đầu sự nghiệp với tư cách thợ đóng rương hòm từ năm 16 tuổi. Trước đó, ông đã cuốc bộ gần 500km trong hai năm đến Paris để tìm kiếm cơ hội đổi đời. Sau khi học việc trong xưởng làm thùng gỗ, Louis tự mở xưởng đóng rương hòm cho riêng mình.
5. Nét đặc trưng của tất cả sản phẩm Louis Vuitton là họa tiết chữ LV lồng vào nhau và hoa bốn thùy cộp mác thương hiệu trên nền da hoặc vải canvas thượng hạng.
6. Chiếc rương có logo LV là hình ảnh quen thuộc của những giải thi đấu thể thao những năm gần. Louis Vuitton đã tài trợ cho ban tổ chức World Cup, Roland-Garros… những chiếc rương đựng cúp.
7. Ban đầu, dòng vải Damier của Louis Vuitton bị ăn cắp ý tưởng và làm nhái nhiều đến nỗi George Vuitton – con trai của nhà sáng lập đành “khai tử” nó để cho ra đời mẫu vải monogram huyền thoại với tên thương hiệu LV được in luôn lên bề mặt vào năm 1896.
8. Năm 1858, Louis Vuitton phát minh ra chiếc rương hình chữ nhật được làm bằng vải canvas Trianon, nhẹ và kín đến mức có thể nổi trên mặt nước. Trước đó, cả châu Âu hầu như chỉ dùng những chiếc túi du lịch có dạng tròn và không thể xếp chồng lên nhau. Rương Louis Vuitton ra đời đã tạo nên một cuộc cách mạng cho ngành phụ kiện du lịch.
9. Các mẫu rương hòm, vali xa xỉ vẫn được chế tác hoàn toàn thủ công tại xưởng của Louis Vuitton ở Pháp. Khung gỗ của chiếc rương Louis Vuitton cao cấp được làm từ thân cây 30 năm tuổi và phải phơi khô ít nhất bốn năm. Mỗi chiếc rương được làm trong 60 giờ và mang một mã số riêng.
10. Sau mỗi mùa, sản phẩm nào không được bán hết sẽ bị đốt cháy hoặc nghiền nát nhằm duy trì giá trị và đẳng cấp của thương hiệu. Tuy nhiên, hành động này cũng vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các nhà bảo vệ môi trường.
11. Tất cả túi xách Louis Vuitton đều được làm thủ công. Phải mất khoảng một tuần để tạo ra một túi xách tay.
12. Túi xách Louis Vuitton không thấm nước và chống cháy. Đây là một trong những lý do tại sao chúng rất đắt tiền.
13. Chiếc túi xách đắt nhất của Louis Vuitton từng được bán với giá 133.400 USD (tương đương hơn 3 tỉ đồng).
14. Túi Speedy của Louis Vuitton, ra đời vào năm 1930 nhưng mãi đến 30 năm sau, khi được Audrey Hepburn – một huyền thoại điện ảnh, mang theo khi du lịch, chiếc túi này mới được phụ nữ để ý tới.
15. Chiếc túi Louis Vuitton Alma ban đầu được thiết kế riêng cho Coco Chanel (người sáng lập thương hiệu Chanel, cũng là đối thủ cạnh tranh).
16. Series truyền hình Mỹ nổi tiếng Sex and the City đã tạo nên một cơn sốt và cũng vô tình làm bùng phát cả nạn hàng nhái cho thương hiệu này.
17. Louis Vuitton cũng là thương hiệu bị làm giả nhiều nhất trong lịch sử thời trang, với chỉ hơn 1% sản phẩm có logo LV là không bị làm giả.
18. Louis Vuitton là một phần của LVMH. Tập đoàn xa xỉ toàn cầu này sở hữu cả các nhà mốt Christian Dior, Donna Karan hay Givenchy.
19. Bao cao su do Louis Vuitton sản xuất từng được bán với giá 68 USD/1 hộp 12 gói (khoảng hơn 1,5 triệu đồng).
20. Louis Vuitton không bao giờ treo mác giá bên ngoài sản phẩm, thay vào đó, chúng được đặt khéo léo ở bên trong. Túi Louis Vuitton khi mua thường có thẻ với mã số riêng kèm hóa đơn được đặt trong phong bì nhằm tránh nạn làm giả.