Cung điện Versailles – nơi ở cũ của hoàng gia Pháp không nằm trong khu trung tâm Paris mà ở một địa điểm cách thủ đô khoảng 30km; tọa lạc tại thành phố cùng tên. Vì thế, khi đến tham quan cung điện, từ Paris chúng tôi khởi hành rất sớm bằng ô tô. Được biết cung điện lúc nào cũng rất đông người xếp hàng mua vé vào tham quan, nếu đến hơi trễ thì phải chờ đợi rất lâu. Sáng chủ nhật, các đường phố từ thủ đô tỏa ra rất đông xe cộ vì dân Paris có thói quen đi chơi xa vào ngày nghỉ cuối tuần. Nhiều giao lộ, cao tốc cũng có kẹt xe “cục bộ”!
Phải gần 1 tiếng đồng hồ xe của chúng tôi mới đến được cung điện, nhưng tìm được bãi đỗ xe thì thật gian nan! Tất cả các xe du lịch đều đổ trên các con đường bao quanh cung điện và đều có thu phí. Chúng tôi phải đỗ trên quảng đường cách cung điện cũng gần cả cây số rồi từ đó mới đi bộ vào.
Versailles quá rộng lớn! Có người cho rằng đây là một trong những tòa lâu đài lộng lẫy và tráng lệ nhất thế giới quả không sai. Cung điện này còn là biểu tượng của quyền lực tối thượng thời vua chúa nước Pháp, và được biết đến như công trình vĩ đại, xa hoa, cầu kỳ và quyền lực nhất. Nơi đây từng là cung điện hoàng gia và là nơi ở của 4 vị vua Louis XIII, Louis XIV, Louis XV và Louis XVI.
Để vào được cung điện, chúng tôi phải đi qua một khu công viên rất rộng. Những hàng cây thẳng tắp chạy dài vượt quá tầm mắt, những bãi cỏ xanh mượt được chế tác thành những hình dáng hết sức độc đáo. Dưới tiết trời mùa xuân se lạnh, tất cả tạo ra một không gian rất thoáng đãng nhưng không kém phần uy nghi. Điều đặc biệt của cung điện Versailles ở chỗ nó nằm giữa một khoảng không gian thông thoáng, không có thành lũy vây quanh. Điều này có thể cho ta biết các vị quân vương ngày trước muốn chứng tỏ quyền lực của mình nên không cần đến tường cao, hào sâu để bảo vệ.
Bước vào cổng, nhiều dòng người đang rồng rắn nối đuôi nhau để mua vé vào tham quan. Chúng tôi phải nhanh chóng xếp hàng chờ đợi vì càng lúc thì lượng khách đổ đến càng đông. Cũng phải gần 1 tiếng đồng hồ, anh em chúng tôi mới mua được vé!
Trong thời gian chờ đợi để xếp hàng, chúng tôi đọc qua những tờ giới thiệu dành cho khách tham quan để ở các lối ra vào. Được biết trước đây, thành phố Versailles vốn là một ngôi làng bé nhỏ, thưa thớt dân cư. Nhiều lần đi săn trong khu rừng của Versailles, vua Louis XIII rất thích thú với vùng đất an lành nơi đây, và ông đã quyết định mua lại khu vực này. Theo dự định ban đầu, vua muốn xây một lâu đài nhỏ để tiện cho việc nghỉ ngơi khi đến đây săn bắn. Sau đó, vào năm 1624, ông đã đổi ý và quyết định cho xây lâu đài Versailles.
Sau 10 năm, công trình tòa lâu đài đã được hoàn thiện (1634). Hai năm tiếp theo hình thành thêm vườn cảnh kiểu Pháp. Khi vua Louis XIII qua đời, Louis XIV kế vị. Vị vua này cảm thấy không thoải mái với bất kì cung điện nào, trừ Versailles. Kể từ đó, ông đã quyết định chuyển toàn bộ hoàng gia về đây sinh sống. Nơi này tiếp tục trở thành cung điện hoàng gia cho đến các đời vua Louis XV và Louis XVI.
Sau khi Cách mạng Pháp bùng nổ (1789), chế độ phong kiến dưới triều vua Louis XVI sụp đổ thì Versailles cũng mất đi vị trí vốn có của mình. Rất nhiều vật báu của lâu đài hoặc được đưa về Bảo tàng Louvre, hoặc bị bán sang cho triều đình Anh. Khi vương triều Bourbon trở lại, dưới thời vua Louis-Philippe I, Versailles được chuyển thành “Bảo tàng Lịch sử Pháp” (Musée d’Histoire de France).
Sang thế kỷ XX, cái tên Versailles rất quen thuộc với nhân dân thế giới, bởi đây là nơi chứng kiến việc ký kết Hòa ước Versailles, dẫn đến sự kết thúc của Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (1914-1918)…
Nhìn bao quát bên ngoài, lâu đài Versailles mang dáng dấp đặc trưng của phong cách kiến trúc của thời kỳ đó. Toàn bộ hệ thống gồm các cung điện, lâu đài lớn và nhỏ, khu vườn kiểu Pháp, công viên đi dạo… đã tạo nên một cảnh quan vô cùng kỳ vĩ. Những con số giới thiệu cho khách tham quan cho biết quần thể kiến trúc này bao gồm 700 phòng, hơn 2.500 cửa sổ, 352 ống khói, 67 cầu thang, 483 chiếc gương. Để hoàn thành công trình này, hoàng gia đã phải bỏ ra khoảng 100 triệu livre, với hàng chục nghìn người lao động tham gia làm việc.
Bấy giờ, giới học thuật Tây phương đã cho rằng cung điện Versailles là công trình ghi dấu những tinh hoa của nghệ thuật Pháp thế kỷ XVII và XVIII. Kiến trúc của nó tuân theo những quy tắc chuẩn mực của chủ nghĩa cổ điển như tính đối xứng của công trình, các hành lang nhiều cột, các công trình nghệ thuật lấy cảm hứng từ truyền thuyết và nghệ thuật cổ đại.
Lâu đài Versailles còn hấp dẫn nhờ có khoảng công viên rộng lớn với những vườn hoa rực rỡ, được điểm xuyến hơn hàng trăm bức tượng nghệ thuật. Quanh lâu đài còn có hàng chục hồ và bể chứa cùng rất nhiều đài phun nước và cả một con kênh lớn dài hơn cả cây số.
Do đã tìm hiểu trước, và cũng vì không có nhiều thời gian, hơn nữa do cảnh quan và kiến trúc của cung điện quá rộng, đi cho hết cả khu vực này rất mất khá nhiều thời gian và cũng do để tiết kiệm tiền phí hướng dẫn (!), nên chúng tôi chỉ đến những căn phòng dành cho nhà vua, hoàng hậu; phòng gương (nơi trưng bày hàng trăm tranh kính khổ lớn), phòng khiêu vũ và các cung điện nhỏ như Grand Trianon, Petit Trianon… Tất cả những nơi này được thiết kế rất tinh xảo, sang trọng và lôi cuốn rất đông khách tham quan.
Gây bất ngờ và tạo ấn tượng nhất là phòng gương Lebrun. Công trình này với hàng trăm miếng gương được ghép lại với nhau, tạo thành những tấm gương lớn, chúng được mạ vàng lấp lánh công phu. Những dàn đèn pha lê lung linh, rực rỡ được trang trí theo hàng; những bức tượng tay cầm nến thiếp vàng được bố trí xung quanh càng làm cho không gian nơi đây trở nên sáng chói, lộng lẫy hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, vòm trần của cung điện còn được trang trí bởi những tác phẩm hội họa đầy màu sắc được làm từ những tấm gỗ thiếp vàng, bên dưới là sàn được làm từ gỗ quý, điều đặc biệt là chúng được ghép thành từng mảng trang trí khác nhau. Căn phòng kéo dài khoảng 60-70 mét và là nơi nối giữa phòng của vua và hoàng hậu. Với diện tích lớn nhất trong cung điện, nhìn thẳng ra khu vườn Versailles rực rỡ, có thể thấy được đây là nơi để ngắm cảnh rất tuyệt đẹp, một góc vô cùng lãng mạn, nhẹ nhàng. Được biết trước đây, phòng gương được sử dụng để tổ chức một số sự kiện nổi tiếng trong cung đình, đón một số vị khách quan trọng. Nơi đây cũng là nơi hoan nghênh vua và hoàng tộc đi ngang qua để xin đặc ân của vua.
Hiện nay, phòng gương được sử dụng làm nơi đãi tiệc cho các nguyên thủ quốc gia đến Pháp.
Năm 1922, học giả Phạm Quỳnh trong dịp sang Pháp tham dự Hội chợ Đấu xảo đã có đến thăm cung điện Versailles, nhưng ông cũng chỉ tham quan được một số cơ sở như chúng tôi đã nói ở trên, khi về ông đã viết trên tạp chí Nam Phong như sau:
“Versailles là một tỉnh lỵ cũng khá lớn (sáu vạn người), nhưng thiên hạ đến xem là chỉ xem cung điện vua Louis 14 và vườn Ngự Uyển, là hai nơi thắng tích đệ nhất của nước Pháp. Chính thể quân chủ trong thiên hạ, đến đời vua Louis thứ 14 là cực thịnh, cổ kim Đông Tây không đâu có, không bao giờ bằng; nay đã thành lịch sử rồi, còn di tích lại đó, là nơi hoàng cung và chốn ngự uyển này, kể cái công kinh doanh kiến trúc của người ta đến như thế là cực kỳ trang nghiêm tráng lệ vậy” (Tạp chí Nam Phong – Avril 1923).
Hiện nay, cung điện Versailles là một trong những Di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận. Mỗi ngày có hàng ngàn du khách đến thăm. Họ đến đó không chỉ để ngắm nhìn một chứng nhân lịch sử, hay trầm trồ trước dấu ấn tinh hoa của nghệ thuật Pháp; họ còn muốn nhìn lại một hoàng gia xa hoa tột đỉnh, để đến cuối cùng, vẫn không thể ở lại mãi với thời gian…