Bùi Thị Thục Anh, Giám đốc VietchamExpo tốt nghiệp ngành thông tin thư viện và cao học ngoại thương ở Nga, bắt đầu công việc của một cán bộ nhà nước tại Bộ Ngoại giao, nhưng rốt cuộc Bùi Thị Thục Anh, Giám đốc Công ty tổ chức triển lãm VCCI (VietchamExpo) lại dấn thân vào thương trường. Con đường kinh doanh của người phụ nữ gốc Hà Nội này gắn liền với sự phát triển của ngành dịch vụ hội chợ – triển lãm ở TP. Hồ Chí Minh từ thời kỳ thị trường còn khá sơ khai. VietchamExpo đã có những đóng góp tích cực trong quá trình xúc tiến thương mại, đưa thiết bị, máy móc công nghệ phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong nước, trong đó có nhiều ngành công nghiệp quan trọng như dệt may, công nghiệp phụ trợ…
Ấn tượng ban đầu về người phụ nữ này là phong thái nhẹ nhàng, sự khiêm nhường và tiếng cười giòn tan, như không có tuổi. Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi diễn ra tại văn phòng của chị vào một buổi trưa cuối tuần. Như đọc được sự tò mò của chúng tôi về những tập hồ sơ chất thành chồng, xếp kín bàn làm việc, chị nói như phân bua: “Công ty tôi đang kiểm toán, thành ra mọi người phải đi làm cả ngày thứ Bảy”. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ dòng hồi ức của chị về những ngày đầu làm việc ở Bộ Ngoại giao. Chị nói:
Sau khi tốt nghiệp đại học ở Nga, tôi về nước và trúng tuyển trong cuộc thi vào Bộ Ngoại giao. Công việc đầu tiên tôi được phân công là làm thủ thư trong thư viện của Học viện Quan hệ quốc tế. Suốt ngày ngồi vắt vẻo bên những giá sách, đọc hết quyển nọ đến quyển kia mà thực tình cũng chẳng biết làm gì… Sau một thời gian ngắn, tôi được điều chuyển sang Ban nghiên cứu của học viện, làm chuyên viên nghiên cứu theo các chuyên đề, chủ đề của bộ. Chân ướt chân ráo đi làm, thực tình tôi cũng đã biết gì đâu mà nghiên cứu. Các sếp đưa tài liệu, bảo đọc rồi cho ý kiến. Mình cũng đọc, cũng cho ý kiến mặc dù cũng chẳng biết ý kiến của mình có sử dụng được hay không. Năm 1990, tức là sau chín năm công tác tại Bộ ngoại giao, tôi chuyển công tác sang Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh.
____
Việc chị rời ngành ngoại giao phải chăng là không biết “những ý kiến của mình có được sử dụng hay không”?
Nói một cách công tâm thì công việc ở Bộ Ngoại giao khá thú vị. Tôi biết rằng nếu làm lâu dài thì mình cũng có cơ hội thăng tiến. Thời điểm đó công tác quy hoạch cán bộ ở Bộ Ngoại giao đã chuẩn mực lắm rồi. Về phần mình, cũng đã trở thành một chuyên viên “cứng”, được đào tạo cao học, đưa vào diện quy hoạch phát triển cán bộ. Khi tôi ra đi cũng là thời điểm doanh nghiệp tư nhân bắt đầu phát triển mạnh. Bạn bè nói tôi nhạy bén, bắt đúng xu hướng, nên động viên tôi “cứ tư nhân mà làm”, vì VCCI là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận… Nhưng thực ra quyết định của tôi đơn giản là theo gia đình chuyển vào Nam. Mình là phụ nữ, phải lấy gia đình làm trọng. Tuy nhiên, theo con đường ngoại giao thì không còn chỉ tiêu. Đang bơ vơ, chưa biết bấu víu vào đâu thì VCCI đồng ý tiếp nhận. Vị trí của tôi là nhân viên thuộc Phòng Thông tin – Hội trợ Triển lãm. Cũng như những ngày đầu làm việc tại cơ quan cũ, các sếp kêu gì làm nấy.
____
Nếu làm việc ở bộ phận quan hệ quốc tế thì gần gũi với kinh nghiệm của chị?
Đúng là lúc đó nhiều người thích làm việc ở phòng Quan hệ Quốc tế. Hồi đó, các đoàn khách nước ngoài vào TP. Hồ Chí Minh qua hai ngả. Cửa thứ nhất là Ủy ban nhân dân thành phố. Cửa thứ hai là VCCI, nên phòng quan hệ quốc tế rất nhiều việc. Bộ phận này có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với khách nước ngoài, cơ hội mở rộng các mối quan hệ, giao tiếp bằng tiếng Anh… Nhưng nếu có quá nhiều người cùng muốn làm một việc thì những việc khác ai sẽ làm. Vả lại, cũng do sự phân công của tổ chức, phòng Thông tin – triển lãm lúc đó ít người, thì mình tham gia. Những năm đầu thập niên 1990, ngành dịch vụ tổ chức triển lãm còn khá sơ khai. Thị trường hầu như vẫn chưa có gì. Công việc khá vất vả. Không có người nên việc gì mình cũng qua tay mình, từ làm thủ tục tạm nhập tái xuất đối với hàng hóa khách nước ngoài mang đến trưng bày, mướn địa điểm, dọn dẹp mặt bằng, cùng đối tác trang trí gian hàng… cho đến ngồi vào bàn đàm phán phương án hợp tác làm ăn. Cũng có một số trường hợp, sau khi triển lãm xong, bị khách hàng xù tiền. Nhưng vẫn phải cảm ơn họ, vì nhờ họ mà chúng tôi mới tổ chức được triển lãm. Thêm nữa, tính tôi cũng thích làm những cái mới và khó khó.
____
Trong giai đoạn thị trường còn sơ khai, theo chị, vấn đề gì là khó nhất?
Khó nhất là thuyết phục đối tác, nhất là những thương hiệu nổi tiếng, tham dự hội chợ – triển lãm. Câu hỏi phổ biến nhất của khách hàng là tại sao nên mang một thương hiệu đang phát triển thuận lợi ở nhiều nước trong khu vực, vào Việt Nam? Để trả lời câu hỏi này một cách thuyết phục đòi hỏi chúng tôi phải thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ. Phải làm nghiên cứu thị trường, trên cơ sở đó đưa ra định hướng phát triển, thuyết phục đối tác tin tưởng vào tiềm năng phát triển của nước ta trong tương lai mặc dù ấy thị trường của chúng ta quá nhỏ, doanh nghiệp yếu cả về chất và lượng, không có vốn đầu tư cho máy móc thiết bị… Bên cạnh đó cũng phải chứng minh được khả năng tổ chức, cam kết hợp tác và khả năng giúp họ thâm nhập thị trường.
____
Khó khăn này kéo dài có lâu không, thưa chị?
Thực ra, mỗi năm lực lượng doanh nghiệp của chúng ta đều có những cải thiện cả về chất và lượng, một số chỉ tiêu kinh tế cũng có những thay đổi theo chiều hướng tích cực. Thêm nữa, việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường của chúng ta cũng là một tín hiệu tích cực, khiến nhiều doanh nghiệp khác tin tưởng hơn. Thế nên việc thuyết phục chỉ trong vài ba năm đầu. Công việc đang tiến triển thì xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Vừa hồi phục được chút xíu, thì thế giới đón thêm cơn bão khủng hoảng tài chính năm 2008 và đến bao giờ thì kinh tế hồi phục vẫn còn là một dấu hỏi.
Nghề tổ chức dịch vụ triển lãm liên quan mật thiết đến biến động của thị trường. Nói rõ hơn là sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp. Là đơn vị cung cấp dịch vụ, nên doanh nghiệp “hắt hơi sổ mũi” là có thể mình bị “cúm” liền. Tham gia hội chợ, triển lãm là một hình thức làm tiếp thị. Khi gặp khó khăn thì chi phí dành cho hoạt động này thường dễ bị cắt giảm hơn cả. Ngay trong giai đoạn này, một số khách hàng truyền thống thông báo từ chối tham gia những chương trình triển lãm thường niên, khiến chúng tôi phải hủy bỏ một số chương trình.
Nghề tổ chức dịch vụ triển lãm liên quan mật thiết đến sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp “hắt hơi sổ mũi” là có thể mình bị “cúm” liền.
____
Vậy theo chị, sức khỏe của doanh nghiệp đang ở mức độ nào?
Tôi chỉ có thể đánh giá trong một phạm vi rất hẹp thuộc lĩnh vực kinh doanh của mình, nên e rằng khó có thể hình dung về một bức tranh toàn cảnh. Các doanh nghiệp hiện nay khá năng động, xây dựng vị thế bằng cách đầu tư vào công nghệ, vận dụng linh hoạt chính sách để tồn tại, nhưng về dài hơi thì gặp khó khăn, đặc biệt là vốn. Với mặt bằng lãi suất như hiện nay, chưa tính đến các biến số lạm phát, tỷ giá thay đổi… thì doanh nghiệp tồn tại được đã là giỏi. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì doanh nghiệp sẽ hụt hơi.
____
Bên cạnh những khó khăn thì trong những năm 90 của thế kỷ trước, việc VCCI là một trong hai cửa ngõ vào TP. Hồ Chí Minh đối với doanh nghiệp nước ngoài cũng là một lợi thế?
Nếu nhìn từ góc độ cung cấp dịch vụ tổ chức triển lãm thì một số doanh nghiệp nhà nước lúc đó còn có nhiều lợi thế hơn chúng tôi, có thể kể đến Vinexad của Bộ Thương mại, VEFAX của Bộ Văn hóa – Thông tin , Công ty hội chợ – triển lãm trực thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh… Việc VietchamExpo ra đời cũng là để tuân thủ luật pháp chứ không xuất phát từ lợi thế. Năm 1999, Luật thương mại ra đời, quy định chỉ có doanh nghiệp mới được cấp phép tổ chức những cuộc hội chợ triển lãm có tính chất kinh doanh. Tình thế buộc tôi đề xuất với lãnh đạo VCCI thành lập công ty.
Lợi thế của chúng tôi có lẽ là bắt đầu tham gia ngành dịch vụ này khá sớm, chưa có nhiều người làm. Những đối tác làm với mình từ thuở hàn vi thì đến giờ vẫn tiếp tục giữ quan hệ hợp tác, dù giá mình đưa ra chưa chắc đã phải thấp nhất. Thí dụ, triển lãm máy móc thiết bị phụ liệu ngành may mặc chúng tôi đã làm được 21 năm.
____
Chị giữ chân khách hàng bằng cách nào?
Tôi vẫn duy trì thói quen tổng hợp và cung cấp thông tin về thị trường như thời kỳ mới vào nghề. Khi họ cần mình tham gia thuyết trình, trao đổi thông tin về thị trường Việt Nam là tôi luôn sẵn sàng. Có lẽ nhờ vậy mà khách hàng vẫn tiếp tục công việc với mình. Mỗi chuyến đi như vậy là phải chuẩn bị tài liệu khá công phu, đầu tư không ít thời gian và chất xám.
____
Chị có tính phí không?
Không. Tôi chỉ cần họ lo chi phí đi lại và ăn ở. Với tôi, đấy là cơ hội để nói về đất nước của mình.
____
Công việc mang lại cơ hội tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp nước ngoài, theo chị, đâu là những rào cản khiến họ e ngại nhất khi tham gia vào thị trường Việt Nam?
Khi đã quyết định vào Việt Nam thì trước đó họ đã thực hiện những nghiên cứu, từ đó có những chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Nói cách khác là đã vào làm ăn thì về cơ bản, họ không còn ngần ngại. Nhưng điều khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại, không riêng gì doanh nghiệp nước ngoài, là sự thay đổi của những quy định, chính sách…. Đương nhiên, cũng có những thay đổi (chính sách) là cần thiết, để phù hợp với tình hình thực tế nhưng quá trình triển khai nên có một lộ trình chuẩn bị đủ để doanh nghiệp kịp “trở tay”, hạn chế tối đa những tổn thất không đáng có.
Có những thay đổi (chính sách) là cần thiết, để phù hợp với tình hình thực tế nhưng quá trình triển khai nên có một lộ trình chuẩn bị đủ để doanh nghiệp kịp “trở tay”.
____
Ngoài việc thuyết phục các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam, nghe nói chị còn thường xuyên tổ chức cho nhiều doanh nghiệp trong nước “mang chuông đi đấm xứ người”?
Đây là mảng kinh doanh mà chúng tôi cố gắng duy trì, mặc dù doanh thu không đáng kể, có khi còn lỗ. Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ, cung cấp các mặt hàng truyền thống, hàng thủ công mỹ nghệ…
____
Việc tập trung vào mặt hàng thủ công mỹ nghệ là…
Lý do chủ yếu là công tác tổ chức cho doanh nghiệp ngành tham gia hội chợ ở nước ngoài thường do các hiệp hội ngành hàng tổ chức theo các quy định về xúc tiến thương mại. Chẳng hạn, hội chợ dệt may là do Hiệp hội dệt may tổ chức, thủy sản thì có Hiệp hội Thủy sản, ngành gỗ , trang trí nội thất thì có Hiệp hội gỗ… Thành ra, chúng tôi chỉ nhắm đến những doanh nghiệp có các sản phẩm tổng hợp, hay không thuộc hiệp hội nào, không thể đi ra nước ngoài qua con đường hiệp hội…
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được ưa chuộng. Chẳng hạn như Hội chợ Quốc tế Marseilles (Pháp), một trong những chương trình chúng tôi tham gia, các gian hàng Việt Nam thường xuyên nhộn nhịp khách tham quan. Mặc dù đóng góp cho xuất khẩu không lớn, nhưng tham gia hội chợ giúp doanh nghiệp mở rộng đầu ra, góp phần đáng kể vào việc giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động phổ thông. Tiếc là một vài năm gần đây, số lượng mặt hàng trưng bày của nhiều doanh nghiệp không còn đa dạng như trước nữa. Kinh tế trong nước và thế giới đều gặp khó khăn khiến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, chỉ tập trung vào những mặt hàng mà mình có thế mạnh. Tôi cho rằng sức chịu đựng và sự linh hoạt của nhiều doanh nghiệp Việt Nam rất tốt mới tồn tại được đến hiện nay, tuy nhiên thêm một thời gian nữa thì không ai dám nói trước điều gì. Theo tôi, Chính phủ nên có một cơ quan thực hiện một cuộc tổng điều tra đánh giá năng lực của doanh nghiệp, xem trong tình hình lãi suất, lạm phát, khó khăn về vốn, về thị trường… như hiện nay, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ làm ăn thực sự có lời bao nhiêu, có thể tái đầu tư bao nhiêu, có thể cầm cự bao lâu hay có thể phát triển được hay không?
____
Người ta thường nói “thương trường như chiến trường”. Chị nghĩ sao về nhận xét này?
Tôi chưa từng ra chiến trường. Những cảm nhận của tôi về sự khốc liệt của chiến tranh cũng chưa đủ để có thể đưa ra những so sánh, nên chỉ có thể nói rằng trong ngành hội chợ triển lãm, cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Cách nay hơn bốn năm, thống kê cho thấy thị trường Việt Nam đã có đến 174 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tổ chức hội chợ – triển lãm, cạnh tranh hoàn toàn bình đẳng. Con số đó bây giờ có thể đã tăng lên rất nhiều… Cũng như nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khác, khả năng tiếp cận các nguồn lực của chúng tôi, ví dụ như vốn, cũng hạn chế.
____
VietchamExpo là doanh nghiệp Nhà nước kia mà?
Công ty do VCCI thành lập, nhưng từ khi thành lập công ty, chúng tôi tự lo vốn. Hoạt động kinh doanh hoàn toàn theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng , Tuy tôi thích làm những việc khó khó, nhưng thành thực, có những lúc khó quá thì mệt mỏi lắm. Thời gian mới thành lập công ty, doanh thu có khi không đủ, phải xoay xở để có tiền phục vụ kinh doanh, trả lương nhân viên và chi phí thuê văn phòng. Thành ra, nhiều khi phải quên đi quyền lợi của cá nhân mình để lo cho việc chung. Những lúc như thế lại tự vấn rằng sao không an phận, làm công việc của một nhân viên.
____
Nhưng làm “nhân viên ” thì đến bao giờ mới giàu?
Tôi nghĩ rằng làm ăn chân chính trong thời buổi hiện nay thì khó mà giàu nhanh được. Tôi cũng không phải mẫu người dám làm kinh doanh bằng mọi giá. Thành ra, đối với những doanh nhân bươn chải, theo đúng nghĩa của từ này, thì luật pháp cần bảo vệ, để họ vững tâm mà tiếp tục… bươn chải.
Đối với những doanh nhân bươn chải, theo đúng nghĩa của từ này, thì luật pháp cần bảo vệ, để họ vững tâm mà tiếp tục… bươn chải.
____
Hướng đi của ViethchamExpo trong những năm tới sẽ như thế nào, nếu chị rời nhiệm sở theo quy định nghỉ làm việc của cán bộ nhà nước?
Kế hoạch kinh doanh cụ thể tôi đã xây dựng đến 2015, dù có hay không có mình thì người lao động trong công ty vẫn có công việc để làm .
____
Tại sao lại là cột mốc 2015?
Là người tham gia gầy dựng doanh nghiệp từ những ngày đầu, cho đến nay, VietchamExpo cũng đã có tên tuổi trên thị trường, có phân khúc và có chiến lược kinh doanh tốt , hơn ai hết, tôi mong muốn doanh nghiệp tiếp tục phát triển. Nhưng ngành dịch vụ này gắn chặt với thị trường, mà thị trường thì biến động không ngừng. Việc lựa chọn cột mốc này vì tôi căn cứ vào định hướng chiến lược phát triển của một số ngành công nghiệp quan trọng đã được công bố. Làm lãnh đạo nên biết đâu là giới hạn. Không thể ôm mãi được. Tôi có niềm tin vào thế hệ kế nhiệm. Mấy năm gần đây, tôi bắt đầu quan tâm đến mình nhiều hơn, yêu mình nhiều hơn, tìm cách cân bằng lại giữa cuộc sống và công việc, để cuộc sống cá nhân có chất lượng hơn.
____
Với chị, thế nào là cuộc sống chất lượng?
Có sức khỏe và sinh hoạt lành mạnh. Làm việc quá nhiều là không lành mạnh. Có một thời gian khá dài, tôi thường xuyên làm việc 12 – 16 tiếng/ngày. Bảy giờ sáng đến công ty và hiếm khi nào trở về nhà trước bảy giờ tối. Chuyện ăn uống cũng vậy, thiếu khoa học. Bữa sáng qua quýt, có gì ăn nấy, trưa kêu cơm hộp… Bây giờ thì khác. Cố gắng về nhà sớm hơn, dành thời gian tập yoga, chạy bộ… và nấu bữa tối theo khẩu vị của mình.
____
Tiêu chuẩn của chị khá đơn giản?
Đơn giản thế mà đến giờ mới tôi mới có thể thực hiện được.
____
Có vẻ như so với các đồng nghiệp nam, doanh nhân nữ chịu nhiều áp lực hơn?
Giới tính nhiều khi là một hạn chế. Khi bị stress, nam giới có nhiều cách, nhiều thú vui để giải tỏa phần nào, còn giải pháp của phụ nữ thường là tự chịu đựng. Tôi vẫn luôn nghĩ thành công lớn nhất của người phụ nữ là một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Nhưng đã làm kinh doanh thì cuộc sống cá nhân bị chi phối rất nhiều.
____
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.