Chuyến tàu từ Athens đi Kalambaka của chúng tôi khởi hành vào đầu buổi sáng. Đi tàu ở Hy Lạp thật dễ chịu so với tàu của Ý vì dân tình lịch sự, yên ắng hơn hẳn. Gần sáu giờ đồng hồ của mọi người trôi qua trong bức tranh trải dài từ miền Bắc xuống miền Nam đất nước Hy Lạp xinh đẹp.
Ấn tượng nhất là những đoạn tàu chạy trên núi nhìn xuống thung lũng thấy làng mạc với nhà thờ cổ kính, vườn ôliu cổ thụ xen giữa cánh đồng bông đang mùa thu hoạch và đồi núi trập trùng. Quá trưa, thị trấn Kalambaka hiện ra giữa một thung lũng dày ken những khối đá khổng lồ. Vách đá cổ nhẵn bóng đủ hình thù lô nhô nổi bật trên nền trời xanh ngăn ngắt càng làm phố xá bên dưới trở nên nhỏ xinh như đồ chơi.
Tu viện giữa trời xanh
Chúng tôi thuê phòng trong một ngôi làng cổ nằm lọt thỏm giữa thung lũng đá kỳ vĩ này. Làng thật râm mát vì ánh nắng Địa Trung Hải không lọt qua nổi những phiến đá sừng sững. Nhà cửa ở đây phần nhiều là hai tầng, tường đá ngói đỏ có sân rộng với giàn nho và vườn hoa hồng phía trước, tất cả xóm làng xúm xít quanh ngôi nhà thờ trắng xóa. Ra khỏi làng đi ngược lên núi vào thung lũng đá thấy nhà cửa thưa hơn nhiều, cây cối um tùm, đang mùa thu nên màu lá đẹp rực rỡ: xanh, vàng, đỏ, nâu chen lẫn hoa dại nở vàng bên đường. Không khí yên bình, người dân thân thiện và chất phác nhìn thấy du khách là vẫy chào tươi cười, đứng nói chuyện với nhau í ới từ hàng rào. Giờ đã là buổi chiều nên dê và cừu được chó lùa về sân các nhà. Tiếng lục lạc, tiếng be be, tiếng chó sủa, gà kêu nghe thật thanh bình vui vẻ.
Từ gần 30 năm nay, dân chúng trong các ngôi làng ở Kalambaka sống nhờ nhiều vào du lịch khi quần thể tu viện Meteora giữa thung lũng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Chúng tôi đi theo con đường mòn chừng 10 phút đã tới tu viện đầu tiên, đứng từ đây cũng thấy cả các tu viện khác cheo leo trên các mỏm đá. Hoàng hôn đã nhuộm màu hồng trên bầu trời và mặt trời từ từ hạ xuống sau những vách núi tỏa ánh sáng rẽ quạt khắp thung lũng. Mọi người chốc chốc lại dừng chụp ảnh vì cảnh quá đẹp.
Vào thế kỷ XIV, đế quốc Byzantine trên đà suy yếu và các cộng đồng tu sĩ ở bán đảo Athos ngày càng bị những tên cướp biển Thổ Nhĩ Kỳ bao vây. Họ buộc phải rời bỏ tu viện Iviron trên bờ biển phía tây của bán đảo để tìm kiếm một ngôi nhà mới an toàn hơn. Họ đã chuyển tới vùng đất mới, nơi có những rừng đá ngoạn mục gần sông Pinios và núi Pindus này để làm nơi trú ẩn. Các tu sĩ bắt đầu xây dựng những tu viện đầu tiên tại Kalambaka. Quá trình xây dựng gặp rất nhiều khó khăn vì tất cả kiến trúc đều nằm trên những đỉnh núi đá, có ngọn cao đến 400 mét so với mặt đất. Nhưng với đức tin mãnh liệt, các tu sĩ đã miệt mài xây dựng được hơn 20 tu viện tráng lệ có tên Meteora (theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “lơ lửng trong không trung”).
Cho đến gần một thế kỷ trước, người ta vẫn chỉ có thể lên tu viện bằng cách trèo lên những thang dây mỏng manh hay ngồi trong một cái giỏ treo lỏng lẻo. Không có phương tiện tiếp cận tu viện nào khác ngoài mạng lưới dây thừng móc vào vách núi đá, đóng vai trò như một chiếc thang dây để lên và xuống. Cho dù vậy, những tu viện trên núi đá này đã quy tụ một cộng đồng dân cư sinh sống sầm uất vào cuối thế kỷ XIV. Tiếc là cuộc sống thanh bình của cộng đồng dân cư nơi đây không được kéo dài lâu khi những thế lực bạo động nổi dậy chống phá, cướp đoạt của cải khiến cho vùng đất rơi vào sự hỗn loạn, suy giảm trầm trọng. Trải qua nhiều thăng trầm và biến cố, hiện tại Meteora chỉ còn lại sáu tu viện nguyên vẹn là nơi sinh sống cho các nam nữ tu sĩ. Ngày nay, những lối đi lên xuống tu viện Meteora đã được cải tiến, đã có cầu thang chạm khắc vào đá và không còn dùng thang dây nữa nên vấn đề đi lại không còn là mối bận tâm đối với nhiều du khách tham quan.
Kỳ vĩ thung lũng đá
Đầu mùa thu, trời Hy Lạp tối rất nhanh. Chẳng mấy chốc các tu viện đã lên đèn vàng và mùi hương trầm tỏa thơm ngát. Nhìn từ xa, sáu tu viện được xây dựng trên đỉnh những khối sa thạch trông như các trụ cột khổng lồ sáng lập lòe giữa trời đêm. Quả thật, địa thế cheo leo hiểm trở này chính là nơi lý tưởng để cho những ai mộ đạo được tĩnh tâm, thiền định và cầu nguyện. Còn chúng tôi về nhà nghỉ ngơi một chút rồi đi ăn tối ở nhà hàng có món thịt heo nướng souvlaki và món khai vị tzadtziki là đặc sản nổi tiếng của vùng. Tzadtziki gồm kem phô mai trộn dưa leo muối, ăn ngon tuyệt, thơm ngậy mà không quá béo. Du khách thích nhâm nhi món khai vị này với rượu vang trong lúc chờ souvlaki chín tới. Món chính souvlaki làm từ heo nuôi trong thung lũng. Thịt heo tươi rói săn chắc, cộng với gia vịướp “bí truyền” đặc trưng nên tỏa mùi thơm phức rất quyến rũ, ăn kèm khoai tây chiên và muối tiêu chanh thì thật không còn bụng đâu cho món tráng miệng.
Sáng hôm sau chúng tôi đi bộ vào khám phá thung lũng đá. Chặng đầu tiên từ Kalambaka lên tu viện Holy Trinity là khó đi nhất vì chỉ có một con đường đi bộ dốc ngược hơn hai cây số rất hẹp. Đường đi qua những vườn ôliu và hạt dẻ sai trĩu quả. Leo lên đến cổng tu viện rồi còn phải leo cầu thang một chặp nữa mới vào được bên trong. Các tu viện ở đây thuộc đạo Chính thống nên phụ nữ muốn vào phải mặc váy dài hơn đầu gối. Còn khoản phí viếng thăm tu viện là không bắt buộc, tùy lòng hảo tâm của mỗi du khách. Tu viện này có sân ngắm cảnh tuyệt vời, từ đây chụp được toàn bộ thung lũng đá với bốn tu viện phía nam và nhìn được cả thị trấn Kalambaka dưới chân.
Từ tu viện Holly Trinity tới các tu viện khác du khách chỉ việc đi men theo đường xe hơi vừa rộng rãi, lại không dốc, dọc đường có các ghế đá nghỉ chân. Không chỉ tham quan tu viện mà đa số mọi người đến đây còn dành nhiều thời gian ngắm cảnh và chụp hình vì “rừng đá” chen lẫn rừng cây xanh tạo thành phong cảnh rất nên thơ. Mỗi khoảnh khắc trong ngày ở Kalambaka các nhiếp ảnh gia đều có thể chụp được những bức hình độc đáo không đâu có. Một điều đáng tiếc là du khách không được phép chụp hình trong các gian thờ, mặc dù nhà thờ kiểu Byzantin có nhiều tranh đẹp, đồ vàng bạc cổ tinh xảo hiếm thấy. Bù lại, các kiến trúc này đều có những sân ngắm cảnh để nhìn xuống thung lũng. Có lẽ đây cũng là cách giải trí duy nhất với các tu sĩ nổi tiếng khổ hạnh tại đây. Không hiểu các tu sĩ mà chúng tôi được nhìn thấy trong tu viện ngày nay có gì khác với ngày xưa. Chỉ thấy rằng họ cao lớn hơn hẳn người thường với chiếc mũ đen cao trùm đầu và áo choàng đen rộng, người nào cũng để râu tóc dài, trông phong thái thật uy nghi đĩnh đạc…