Mùa Vu Lan năm nay, những độc giả yêu mến các bài viết của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc sẽ tìm thấy cho mình một món quà xinh xắn và ý nghĩa. Đó là Thấp thoáng lời kinh, cuốn sách vừa được xuất bản của bác sĩ. Trong lời ngỏ, tác giả chia sẻ: “Vào tuổi bảy mươi, một hôm giữa đêm khuya khoắt, loay hoay, bứt rứt, thấy phải nhanh tay ghi chép lại đôi điều thấp thoáng bấy nay… Sẵn cuốn tập bằng giấy dó trước mặt, rào rào viết không kịp thở, mỗi trang một lõm bõm, như một ghi chú cho riêng mình.
Lần kia, người bạn ở tòa báo đòi bài gấp, bí quá, thử trích vài đoạn, ai ngờ bạn kêu tiếp đi, nhiều người đang đợi. Vậy là Thấp thoáng lời kinh xuất hiện… lai rai. Đôi người bạn không quen từ phương xa tình cờ đọc được, khuyên in đi, làm một món quà nhỏ…
Thấp thoáng là những cảm nghiệm riêng tư, rất chủ quan của người thầy thuốc, bấy lâu tìm kiếm, thử nghiệm trên mình, rồi mới dám mà sẻ chia cùng bạn bè tương lân…”.
Dưới góc nhìn của một bác sĩ thích nghiên cứu về Phật giáo, trong kinh Phật quả là có nhiều vấn đề khoa học liên quan trực tiếp đến nghề y. Sách gồm 24 bài tản văn đã đăng trên các tạp chí Văn hóa Phật Giáo, Giác Ngộ về những điều được đề cập trong kinh Phật từ cảm quan của người làm nghề y. Bằng lời văn nhẹ nhàng, ngôn từ giản dị, ấn phẩm ngoài nói đến sự thực tập thiền, liên hệ giữa thiền và y học còn giải thích nhiều lời Phật dạy một cách rất thú vị. Chẳng hạn, kinh Phật dạy: “Buổi sáng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi trưa lại đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi chiều cũng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí…”. Thân mạng con người bao nhiêu mà “bố thí” nhiều vậy? BS Đỗ Hồng Ngọc giải thích bằng kiến thức y học rằng: “Cứ mỗi giây đồng hồ lại có vô số tế bào được… “bố thí” hay nói khác đi được hủy bỏ để thay thế bằng những tế bào khác, mới hơn, khỏe hơn”. Hóa ra, bố thí có thể được hiểu cả trong kinh Phật, trong y học và ở đời thường, nghĩa là: Chúng ta cho đi chẳng những không mất mát gì, ngược lại còn được nhiều thứ “mới hơn, khỏe hơn”. Hoặc trong kinh Phật có khái niệm “Tùng địa dũng xuất” (từ đất vọt ra), tác giả lý giải rằng: “Nhìn kỹ lại mới thấy thân xác con người cũng từ đất vọt ra đó thôi. Ít nhất cái thân tứ đại đất, nước, gió, lửa cũng từ đất, tạng đất. Bởi trong cơ thể con người đã có 60 – 70% thể trọng là nước, có 60 nguyên tố, khoáng chất đều từ đất mà ra như đồng, chì, sắt, kẽm… Một người nặng 70kg đã có 10kg là calci (vôi), 7kg phospho, 1kg muối (natri)… Không “tùng địa dũng xuất” ư?”…
Sách được trình bày đẹp với nhiều hình ảnh rất thiền, để dành cho độc giả trong những phút muốn lắng lòng, cùng chia sẻ và tìm về những cảm xúc nhẹ nhàng trong cuộc sống, tình yêu thương giữa người với người, giữa người với đời.
Thấp thoáng lời kinh do Công ty sách Phương Nam và NXB Hội Nhà Văn xuất bản, dày 132 trang, giá 50.000 đồng.
- C. Tú