Hai năm sau cú hit Born to Die đầy thổn thức, tháng 6 vừa qua, Lana trở lại với Ultraviolence ma mị, ảm ảnh hơn gấp bội!
[soundcloud]https://soundcloud.com/lana-del-rey[/soundcloud]Con đường nổi tiếng của Lana
Cô gái vô danh Elizabeth Grant đã sử dụng YouTube, “cây đũa thần” của thế kỷ XXI để giúp mọi người đến với sự nổi tiếng nhanh hơn bao giờ hết. Video games, ca khúc đầu tiên cô up lên YouTube đã dậy sóng cư dân mạng chỉ trong vòng một tuần. Video clip của ca khúc do chính cô nàng đạo diễn, chủ yếu là ghép các cảnh lãng mạn từ các bộ phim cũ kỹ của thập niên trước, xen lẫn vào những cảnh cô nàng tự quay mình đang hát ca khúc này. Nội dung chỉ đơn giản có thế nhưng đã nhanh chóng trở thành hiện tượng trên trang chia sẻ video lớn nhất thế giới này. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ indie (nghệ sĩ hoạt động vì nghệ thuật, không phải doanh thu) cũng dành sự quan tâm đặc biệt với cô ca sĩ trẻ này. Không lâu sau, Elizabeth Grant được hãng đĩa danh giá Interscope tìm đến và nghệ danh Lana Del Rey bắt đầu tung hoành ở Hollywood.
Tuy Video games đã cho Lana một nền tảng, nhưng cô nàng nhận thấy nó chưa vững chắc, và thế là, hàng loạt chiêu trò được tung ra để tên tuổi của cô tỏa sáng thật sự ở showbiz. Khởi đầu là nghi án “dao kéo” của Lana. Cộng đồng mạng đã nhanh chóng tìm ra bằng chứng cô nàng có từng bơm môi qua những bức ảnh từ thời còn chưa nổi tiếng của cô. Chuyện phẫu thuật thẩm mỹ ở showbiz ngày nay đã là chuyện thường, chẳng có gì đáng nói nếu như Lana không chối bay chối biến. Hơn thế nữa, cô nàng còn mạnh dạn chia sẻ: “Tôi đã từng phải sống chui nhủi ở những bãi đỗ xe suốt nhiều năm liền. Thậm chí, tôi không có tiền để mua cà phê, người như tôi thì làm sao có tiền để đi phẫu thuật thẩm mỹ?!”. Một lần nữa, phát ngôn “lộ liễu” này của cô nàng đã khơi gợi khả năng “đào bới” của anti-fan và kết quả là: Lana là con của một tay triệu phú chuyên cung cấp tên miền trên internet. Ông ta giàu sụ và liên tục vung tiền ra để đánh bóng tên tuổi con gái trên mạng. Thế là cộng đồng mạng mới vỡ lẽ ra cô nàng không hẳn là một hiện tượng YouTube, mà là một kiểu “Rebecca Black”, nổi tiếng nhờ vào một gia đình lắm tiền nhiều của, sẵn sàng chi trả mọi thứ để nâng con cái lên hàng ngôi sao. Tuy nhiên, công bằng mà nói, đánh đồng Lana với Rebecca Black là hoàn toàn sai lầm. Rebecca chỉ nổi tiếng chưa đến 10 phút vì MV Friday quá tệ, ngay sau đó cô nàng cũng chìm nghỉm vì không có thực lực. Lana thì khác, cô được tạp chí phê bình âm nhạc nổi tiếng Pitchfork tán tụng lên tận mây xanh, điều này chứng tỏ cô nàng không hề bất tài như dư luận phê phán.
Giọng hát và phong cách, định hướng của Lana được đánh giá là lạ và khác hẳn với đa số các nghệ sĩ hiện tại. Khi thế giới đang quay cuồng với việc “điện tử hóa” âm nhạc, Lana lại quay về quá khứ, sử dụng chất liệu nhạc của những thập niên 50-60, khi mà TV vẫn còn hai màu trắng đen. Hơn thế nữa, nhận ra Beyoncé, Lady Gaga, Katy Perry đã quá thành công trong việc hát về nữ quyền, Lana lại tiếp tục đi ngược lại với họ, trở thành người phụ nữ hy sinh, cam chịu, chờ đợi người yêu trong những mối tình vụng trộm. Điều này được thể hiện qua ca từ u ám, sướt mướt, đậm màu cổ điển trong những bài hát đình đám của cô:
– It’s you, it’s you, it’s all for you, everything I do (Video games)
– I will love you ‘till the end of time. I would wait a million years (Blue jeans)
Hoặc trong Old money, ca khúc mới nhất từ album Ultraviolence, lấy nền nhạc của ca khúc A time for us bất hủ làm cảm hứng:
– If you call for me, you know I’ll run. I’ll run to you.
Nhưng chiêu trò của Lana vẫn chưa kết thúc. Màn trình diễn ca khúc Video games của cô nàng trên chương trình Saturday Night Live (SNL) được bình chọn là màn trình diễn tệ hại nhất trong lịch sử của chương trình. Đơn giản là vì cô nàng hát hụt hơi, sai tông, lạc nhịp, không thể lên được những nốt cao… Tất nhiên đây là dịp để anti-fan càng “bới lông tìm vết” và dìm cô nàng xuống đáy. Tuy nhiên, họ đã vô cùng thất vọng khi Lana trả lời phỏng vấn về vụ việc trên như sau: “I’m a studio artist!”. Đó là một câu trả lời rất ngắn gọn và không thể nào bắt bẻ được! Thế nhưng, những màn trình diễn live tiếp theo của Lana tại David Letterman hoặc gần đây là tại đám cưới của Kanye West và Kim Kardashian, giọng hát của Lana không hề tệ, nếu không muốn nói là khá tốt. Và thế là, người ta bắt đầu nghi ngờ rằng, liệu sự cố thảm họa trên SNL phải chăng là một sự sắp đặt? Rõ ràng là âm nhạc của Lana khá êm đềm, chậm rãi, không có nhạc điện tử sôi động, không có vũ công minh họa, như vậy để ghi dấu trong lòng khán giả, một là cô phải hát xuất sắc như một diva, hai là phải hát thật tệ, tệ đến mức anti-fan sẽ mãi dùng đó làm bằng chứng để chê cô hát dở, báo giới phải “tôn vinh” lên hàng thảm họa… Dù là chiêu trò gì đi chăng nữa thì Born to die của Lana vẫn giữ hạng 2 trên Hot Billboard 200 và hạng 1 trên bảng xếp hạng ở Anh, đúng như những gì cô nàng mong muốn khi dấn thân vào showbiz.
Ultraviolence = (Born to die)2
Phát hành ngày 13-6 vừa qua, Ultraviolence đã nhanh chóng leo lên hạng nhất trên Billboard 200, bảng xếp hạng dành cho các album ở Mỹ. Album thứ 3 của Lana là sản phẩm hợp tác với nhà sản xuất Dan Auerbach. Ông là một nhà sản xuất nổi tiếng đến từ miền quê Nashville nước Mỹ, người đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trong những năm 50 của thế kỷ trước.
Ultraviolence lấy cảm hứng từ bờ Tây nước Mỹ cùng không khí ở Brooklyn, New York. Hòa trộn nhịp điệu jazz bên những đoạn guitar solo kéo dài, album tiếp tục phong cách âm thanh đơn giản nhưng gợi hình của Lana từ thời Born to die với sức công phá dữ dội hơn. Phần lời và nhạc đều chủ yếu do Lana sáng tác và bản thân cô nàng đang chịu sự đả kích không nhỏ từ sự đổ vỡ trong mối tình ba năm với bạn trai. Cảm hứng sáng tác của Lana đều bắt nguồn từ sự rạn nứt từ trước đó và sẽ không khó để bắt gặp chúng trong Shades of cool, Westcoast… Nếu trong Born to die vẫn còn Summertime sadness với một chút up beat (nhịp trống nhanh) khiến cho ca khúc dễ nghe hơn thì trong Ultraviolence, sự ma mị và màu sắc u tối sẽ đánh bật bạn ra khỏi thế giới hiện tại và chìm trong nỗi buồn của Lana. Cô nàng vẫn thường gọi mình là Nancy Sinatra phiên bản gangster và trong album thứ 3 này, Lana đã thể hiện xuất sắc điều đó.
Điểm yếu của Ultraviolence là thiếu sự đầu tư về mặt PR. Cho đến hiện tại, số lượng MV tung ra còn khá ít và chậm trong khi số track có khả năng tung ra thành single khá nhiều. Đĩa đơn West coast không đạt được hiệu ứng cao như mong đợi nên Lana phải tung ra Shades of cool cứu vãn cuộc chơi. Đặc biệt là một ca khúc có khả năng công phá như Old money lại bị đẩy xuống làm single thứ 3. Bên cạnh đó, quan trọng là Ultraviolence không có scandal để tăng sức nóng dù xét về mặt nghệ thuật, album vượt trội hơn hẳn so với Born to die. Dù thế nào đi chăng nữa, những nhược điểm trên chỉ là cản trở nhỏ so với những điểm mạnh tuyệt đối của album. Chúng không ảnh hưởng quá nhiều đến thành công hiện tại của cả Lana và Ultraviolence. Album đã bán ra hơn 182.000 đĩa ngay từ tuần đầu tiên và nghiễm nhiên trở thành album bán chạy nhất trong sự nghiệp của Lana tính đến thời điểm hiện tại. Có một điều chắc chắn là dù các nghệ sĩ khác như Kylie Minogue, Coldplay… trở lại khá chóng vánh trong 2014, thì cũng sẽ không có chuyện Lana chịu chung số phận với “quả bom hẹn giờ” Ultraviolence!
Phương Phi