“Đô thị hóa” nghĩa là phố hóa những làng mạc, núi non, và “thị dân hóa” cư dân. Con người tự đưa mình vào sống trong không gian bê tông, cùng lúc đó trí não tự vỗ về mách bảo một ảo giác: “Hãy tin đi, đây là văn minh!”.
Bản chất của mọi điều dưới vòm trời này thật ra cũng chỉ đơn giản vậy thôi. Không sinh vật nào có thể ngủ trên hai cái giường cùng một lúc, và không ai sống được hai lần đời. Ta biết đây là thời của “Nàng” Kiến trúc – Nghệ thuật, nhưng làm ơn đừng tự đề cao hay tự đắc mà rất dễ thành kệch cỡm, ảo tưởng, lạc lối…
Nàng có bao giờ dành thời gian đứng nhìn con ong làm tổ không? Rất tỉ mẩn, tài hoa và đầy học thuật tự nhiên. Nó tính kết cấu chính xác đến từng phân tử, “tế bào”. Sự đồng đều của từng ô để chứa ấu trùng bên trong, đến cái khối kiến trúc vỏ bọc bên ngoài. Một công trình xây dựng lớn lắm đó, đối với một thân thể bé tẹo của nó.
Tất cả đều là “kiến trúc sư’, đều là “nhà thầu”, “chủ thầu”, người kết tập vật liệu và thợ xây. Chúng phối hợp nhịp nhàng như dàn hòa xướng kiến trúc. Đẹp ngây ngất từ ý tưởng đến hình thái kiến trúc, rồi cả phối màu, phối cảnh. Sự lựa chọn chỗ để xây dựng tổ đã là bậc thầy trong cái mà con người chúng ta gọi là “phong thủy”, tránh được thiên địch, chống chịu được thiên tai, nắng mưa, giông gió.
Đã thế, mỗi loài ong có kiểu dáng kiến trúc tổ khác nhau. Sinh động rực rỡ. Đẹp và hoàn hảo đến độ con người không biết góp ý chỗ nào. Thứ kiến trúc mà loài người bất khả. Tất cả diễn ra trong im lặng, nhẹ nhàng.
Nàng có biết con anur (dúi) – một loài động vật bộ gặm nhấm, ăn cây le, lồ ô trong rừng – nó đào hang để tạo một “căn nhà” thế nào không? Nhà (hang) của nó đi vòng bên dưới qua những gốc le, lồ ô, rồi tụ về một mép đất cao hơn bên trên để làm chỗ hội tụ “gia đình”, sinh con đẻ cái, và kiến trúc đó đủ thông khí với bên ngoài, tránh được nước ngấm xuống, ngập nước khi mùa mưa sang và đảm bảo phòng thủ an toàn khi trốn trú, thoát nạn.
Và Nàng có thấy con tằm làm nhà của nó chứ? Cái kén đó là kiến trúc đấy. “Căn nhà” một người làm. Phù hợp với dáng thể chính nó. Lạ thật, trí óc ở đâu trong tấm thân côn trùng ấy mà tạo ra “căn nhà” khoa học, chắc chắn, hoàn mỹ như thế không biết!
Có bao giờ Nàng ngồi nhìn lũ chim mía, chim sâu, chim dòng dọc làm tổ chưa? Nó chẻ lá cây ra từng sợi mang về bện lại. Thoăn thoắt, cần mẫn, bền bỉ. Cứ thế bện suốt ngày này qua ngày khác cho đến lúc hoàn thành một cái tổ. Cái chỗ trên thân thể để nó ăn – mỏ – cũng chính là “bàn tay” của nó. Bện như con người lát gạch, đổ bê tông, tô vữa. Nó đòi hỏi về mỹ thuật đến độ đầu một sợi lá thò ra nó cũng uốn vào cho đến lúc mượt mà mới chịu.
Nó thiết kế thêm cái vòng đai bên trên để treo cái tổ, và những cái đai khác làm dây văng để kéo cái tổ bám chặt vào những cành cây nhỏ xung quanh. Bên trong ấm áp, che chở được trứng, con, và sinh hoạt của đôi vợ chồng. Cửa để vào ra căn nhà linh hoạt, tiện ích, dễ thương, và chắt chiu trau chuốt. Cái loài gì mà yêu kiến trúc đến độ say đắm và khắt khe. Cứ luôn thành tâm và mới thì mới thơm, mới đẹp, mới tử tế với đất trời. Đừng tưởng chỉ bản năng mà cả một trời tâm hồn ở đấy…
Con giun con dế cũng biết “làm nhà”, tìm cách để sống, sinh tồn.
***
Để có cái đẹp, con vật phải có tâm hồn chạm đến trời đất, nhạy cảm, tinh tế rốt ráo. Để có căn nhà chân chính, con vật phải lăn lộn, vật vã, đổi từng khắc lao lực. Cuộc đời nó ngắn. Một vài mùa nắng, mùa mưa là nó “ra đi”, rệu rã tấm thân sinh học. Nhưng chính trực tuyệt đối. Yêu cuộc sống là xả thân, và làm nhà là để cùng dâng hiến, cộng sinh, thủy chung. Mái ấm và tình thương yêu đúng như ý thanh khiết của tạo hóa.
***
Tư tưởng kiến trúc có sẵn trong thiên nhiên rồi. Những lý luận, hội thảo, trường phái hoặc xu hướng kiến trúc nào cũng chỉ là sự cóp nhặt, học lại, loay hoay, hay sự cơi nới từ thiên nhiên thôi. Kiến trúc cổ điển, tân hình thức, biểu hiện, lập thể, hậu hiện đại, sinh thái, xanh… cũng nằm trong cái lẽ cuối cùng là phù hợp, hài hòa và chan hòa với thiên nhiên thôi mà. Mất cái chân đế đó kiến trúc sẽ lạc đường; không trôi trong hãnh tiến thì cũng trở thành hung hăng, cao ngạo, hợm hĩnh. Và chẳng bền trong văn hóa, văn minh.
Kiến trúc thiên về vật chất chỉ là thứ kiến trúc của lý trí, thực dụng, cơ hội. Nó hơ hớ mà thiếu cái tình, tâm tư, và trên nữa là tư tưởng. Chao ôi, kiến trúc, thứ nghệ thuật cổ xưa nhất của loài người, từ thuở ban sơ, khi vượn biết đi bằng hai chân, thành Homo Sapiens – con người hiện đại, tìm hang động, tổ ấm và biết kiến tạo không gian để sinh hoạt, sinh tồn và hưởng thụ sự êm ả cuộc sống nơi dương thế. Là cách tổ chức không gian trong hang đá. Là những cái lều, chòi lá đầu tiên. Là nhà gỗ, nhà gạch, rồi cao ốc chọc trời. Cao ốc có chọc trời thì cũng nằm dưới bầu trời. Và thành phố nào thì cũng nằm dưới vòm trời.
Không có cái gì mới lạ dưới ánh mặt trời, nơi mặt đất này.
Nghệ thuật kiến trúc nó thiết tha, cao quý và gần gụi sát rạt với muôn loài, mà con người chúng ta chỉ là một loài trong đó. Nó như là “hơi thở” đó Nàng. Nó là mạch máu, sợi dây để các sinh vật “trao đổi chất” với sự sống, lắng nghe mùa màng, thời tiết, cỏ cây, sinh vật, và đâu đó có những khoảnh khắc đối thoại với trời xanh. Nàng cứ nương theo thiên nhiên mà làm kiến trúc. Tạo hóa, là tinh hoa. Càng gần gũi càng chuẩn xác, nhân tâm mến phục, lắt lay lòng người. Chắc chắn không bao giờ lạc đường. Thiên nhiên là một “nhà máy” vô hạn của sáng tạo, tâm hồn, ý tưởng, đường đi, phương sách, giải pháp. Tự thiên nhiên đã minh triết. Cái bể minh triết mênh mông bất tận. Cái bể minh triết sâu xa và lạ là cứ tươi mới mãi, tràn đầy sinh lực, sức sống.
Cõi người là chốn ta bà, nhưng thiên nhiên vẫn cứ điềm tĩnh…
***
Rằng có anh bạn nuôi yến sào. Người này tâm sự nhiều khi thấy trên tổ yến đầy máu, thứ máu tứa ra từ cổ họng nó. Đi tìm kiếm chất liệu trong thiên nhiên, có khi bay nghìn trùng đến tận biển khơi, nuốt vào bụng dự trữ, trao đổi chất trong kia, rồi ói chất dịch tiết ra từ cổ họng đó. Quặn ói ra để xây cất, làm thành cái tổ. Đâu đó có những lần anh bạn thấy mình tội lỗi vì sống dựa vào sức lao động miệt mài và tinh huyết của một giống vật nhỏ bé: “Nhiều khi thấy có những con kiệt sức mà chết sau khi nhả ra cho hết thứ nước dãi cốt nhục kia. Nghiệp tôi sẽ rất nặng. Bất nhẫn. Tôi biết!”.
Chắc bởi vậy mà bạn nói “Kiếm một ít vốn nữa sẽ thôi, không nuôi nữa, vì nuôi thì phải nhìn thấy nó làm tổ, và phải khai thác. Chắc sớm thôi!”. Người nuôi chim, ăn tươi nuốt sống tổ chim, rồi một ngày cũng biết thương “công trình” xây dựng xương máu, cái nhà của giống loài khác. Kẻ có lòng trắc ẩn thì không tìm giàu sang vô độ!
Tinh tế như con chim, con ong, con anur, con mối, con tằm… hoàn toàn tập trung vào làm kiến trúc trong cuộc sinh tồn, mà chúng còn biết giới hạn của mình trước thiên nhiên. “Nhà” làm từ thiên nhiên thì trả lại cho thiên nhiên, rời đi khi con biết bay, biết chạy, tự kiếm sống. Hình như tính nghiêm túc, sự duy mỹ trong kiến tạo cái “nhà”, và tính “chịu chơi” của con vật cũng đã là một tư tưởng. Đâu đó nó đứng “trên” người. Nó chưa “mất gốc”. Nó còn thiện lương, chính trực.
Nếu loài người với tâm trí cùng lối sống ngập ngụa trong vật chất và bất động sản, thì cứ sống thế đi. Còn những gì con vật nó ứng xử với thiên nhiên chỉ mong thấp thoáng như là sự nhắc nhớ thật có ở trên đời.
Bởi con người cũng chỉ là một loài trong muôn loài.
Hỡi em yêu, Nàng Kiến trúc – Nghệ thuật của tôi, những người vẽ ra tổ ấm, căn nhà cho thế gian, người đời, mặt đất! Con người và không gian sống chỉ “Như con sâu làm tổ trong trái vải cô đơn…” (*) thôi mà.
________
(*) Lời thơ Phạm Văn Bình, Phạm Duy phổ nhạc.
- Xem thêm: Cái ‘tổ’ của loài thượng đẳng