Có nhiều vịnh biển và dòng sông đẹp, Việt Nam được coi là nơi lý tưởng để phát triển các môn thể thao trên mặt nước như lái xuồng hơi, chèo kayak… Vài năm gần đây, trên dòng sông Hương êm đềm ở Huế hay những kênh rạch ở Đồng bằng sông Cửu Long, dịch vụ này đã xuất hiện nhằm phục vụ khách nước ngoài. Tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu cũng đã xuất hiện những nhóm người Việt yêu thích thú chơi khám phá sông nước bằng xuồng hơi hay kayak.
Môn giải trí mới đang lan tỏa
Xuồng hơi có tên tiếng Anh là Inflatable Boat. Nhờ những ưu điểm gọn nhẹ, an toàn và đặc biệt là có thể “hạ thủy” ở cả ao hồ đến kênh rạch nên xuồng hơi đã được dân du lịch mạo hiểm dùng để chinh phục những cung đường sông, biển ngắn. Inflatable Boat có ba loại chính: kayak bơm hơi (chèo bằng tay, không gắn động cơ được), xuồng bơm hơi roll up và xuồng bơm hơi racing (có thể gắn động cơ). Hiện nay, hầu hết dân du lịch Việt Nam đều dùng loại xuồng bơm hơi roll up. Hội xuồng hơi Sài Gòn được thành lập do những thành viên yêu thích khám phá thiên nhiên và di chuyển bằng xuồng hơi cao su. Hội đã từng chinh phục những hành trình khám phá Trị An, Dầu Tiếng, Hà Tiên, Phú Quốc.
Chèo kayak ở Đồng bằng sông Cửu Long
Kayak có nhiều loại bằng nhựa composite, bằng cao su đúc hoặc thuyền bơm hơi… Tất cả đều luôn nổi trong mọi tình huống và sử dụng mái chèo hai đầu. Điểm đến đầu tiên của Việt Nam cung cấp dịch vụ kayak là vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ. Sau đó vài năm, chương trình du lịch bằng thuyền kayak cũng được đưa vào Huế để giúp du khách khám phá cuộc sống của người dân hai bờ sông Hương. Khách sạn Victoria Cần Thơ hiện có tour khám phá thành phố bằng xuồng kayak. Khách đi tour chèo xuồng ngang bến Ninh Kiều, vào sâu con rạch phường Hưng Phú, đổ ra Bùng Binh sông Cần Thơ, ngoằn ngoèo qua các con rạch mọc đầy những cây bần cổ thụ của cồn Ấu. Còn ở Nha Trang, Công ty MaiSon đã đưa hàng chục chiếc kayak đi vào hoạt động tại phường Ngọc Hiệp, Nha Trang góp phần giúp cho dòng sông Cái xinh đẹp được nhiều du khách biết đến.
Những thử thách để thành “tay chơi chuyên nghiệp”
Người chơi kayak phân biệt mức độ khó theo năm cấp. Cấp độ một là mặt nước lặng sóng chẳng hạn như đi trong hồ.Cấp độ hai là khi có dòng chảy (đi trên sông).Cấp độ ba là dòng chảy có ghềnh thác.Cấp độ bốn có nhiều ghềnh thác hiểm trở hơn.Cuối cùng, cấp độ năm là thử thách nhất với nhiều ghềnh thác đứt gãy.
Thông thường, những người mới tập chơi phải mất khoảng sáu buổi tập trên hồ sau đó rồi mới ra sông.Các bài tập thông thường là các kỹ năng chèo, kỹ năng phân phối sức và các cách xử lý trong các tình huống khác nhau. Có thể gọi đây là môn chơi công phu vì để tìm được một điểm chơi, những người chơi thường phải dành nhiều thời gian đi thực tế khảo sát các con sông, con thác. Đi đầu trong phong trào chơi kayak, nhóm Tây Bắc (taybacgroup.com.vn), một cộng đồng yêu thích du lịch khám phá ở Hà Nội đã tích cực luyện tập chèo kayak trên hồ Tây, sau đó khám phá sông Hồng rồi chinh phục sông suối ở Sơn La… Để thực hiện được kế hoạch trên, nhóm Tây Bắc đã phải trải qua chương trình rèn luyện kỹ năng bơi lội rất bài bản. Ngoài ra, nhóm luôn đặt ra những tình huống nguy hiểm thực tế để tìm các giải quyết. Chẳng hạn cách lật xuồng kayak khi bị ụp, cách leo lên xuồng khi bị ngã ra ngoài, cách thắt các nút dây buộc chắc chắn mà khi cần có thể tháo rất nhanh… Một thành viên cho biết: “Thú chơi kayak tuy rất thú vị, hấp dẫn nhưng khá nguy hiểm. Do vậy bất cứ người chơi nào cũng phải có sức khỏe và phải rèn luyện một cách nghiêm khắc”.
Do ẩn chứa nhiều rủi ro như vậy nên một trong những điều tối kỵ của dân chơi kayak là đi một mình. Lê Long, một thành viên nhóm Tây Bắc cho biết rằng môn này cần nhiều người tham gia và cần có tổ chức để lúc nguy cấp còn tương trợ lẫn nhau. Trong một chuyến đi trên sông La Ngà, con sông chảy giữa hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, Lê Long và người bạn đồng hành đã có kỷ niệm nhớ đời. Anh nhớ lại: “Hai chúng tôi đã có chuyến đi dài hơn 30km trên sông La Ngà nhiều ghềnh thác. Bình thường chúng tôi luôn phải khảo sát kỹ càng hành trình trước khi xuất phát, nhưng do đặc thù dọc sông La Ngà không có đường bộ, thế nên cả hai chỉ khảo sát trên bản đồ vệ tinh. Vậy là chúng tôi đi mà không biết trước mắt là gì, con thác nào đang chờ mình, chỉ biết nghe tiếng nước chảy để đoán thác lớn hay nhỏ. Không may, đến 4 giờ chiều, mưa lớn, trời tối nhanh, chúng tôi phải chèo trong bóng tối. Hai tiếng đồng hồ sau tôi là người đầu tiên chạm đến vị trí thác Mai.Ngay sau đó, người bạn đồng hành bị đẩy vào một bụi cây lớn và thuyền của anh ấy bị gãy đôi.Tôi liền kêu to nhưng tiếng thác chảy và tiếng mưa đã át mọi thứ.Mãi sau tôi mới phát hiện hóa ra trên đầu mình có một chiếc cầu treo và có hai người địa phương đã kéo chúng tôi lên bờ. Sau chuyến đó, chúng tôi rút ra là sẽ không bao giờ đi ít người thế này nữa!”.
Tuy từng phải đối mặt với nguy hiểm lớn đến thế nhưng Lê Long không từ bỏ thú chơi này mà còn đam mê hơn nữa. Anh còn mong muốn mở rộng môn chèo kayak cho nhiều người biết đến để cùng tạo nên một cộng đồng lớn mạnh.
Hà Trang