Những ngày vừa qua, không chỉ lãi suất tiết kiệm được các ngân hàng giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, mà lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm trong khoảng 3%/năm, còn lãi suất các kỳ hạn từ một tháng trở xuống cũng chỉ dao động trong khoảng từ 3,66 – 4,37%/năm. Điều này chứng tỏ thanh khoản của hầu hết các ngân hàng đang tốt, các ngân hàng đang chủ động được dòng tiền tiết kiệm – cho vay của mình. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung đã thực sự đi vào giai đoạn ổn định để phát triển.
Từng có giai đoạn lãi suất tiết kiệm của nước ta cao đến mức khó tin, trần lãi suất huy động lên đến 14%/năm mà các ngân hàng vẫn phải o bế người gửi bằng các khoản “thưởng” lên tới 2 – 3%/năm cộng thêm vào mức trần này thì người ta mới chịu gửi tiền. Giá cả đầu vào của đồng vốn cao ngất ngưởng như thế nên giá cả đầu ra (lãi suất cho vay) của các ngân hàng chỉ dành cho các doanh nghiệp cần tiền mặt để “cấp cứu”, một dạng “uống thuốc độc trị bệnh”. Doanh nghiệp nào phải vay ngân hàng thì chỉ riêng việc kiếm tiền trả lãi (lên tới 22 – 23%/năm) cũng đủ chóng mặt, nói gì đến trả nợ gốc. Lãi suất vay – cho vay khi ấy thực sự là nỗi ám ảnh của cả giới doanh nghiệp lẫn các ngân hàng thương mại.
Những tháng vừa qua, các ngân hàng huy động vốn và doanh nghiệp đi vay vốn ngân hàng đã được hưởng những mức lãi suất dễ chịu hơn nhiều. Lạm phát giảm giúp cho người gửi tiền được hưởng lãi suất thực dương, khiến cho việc gửi tiết kiệm vào ngân hàng trở thành một kênh đầu tư được nhiều người ưa thích. Ngoài ra, muốn đầu tư vào lĩnh vực khác thì phải có kỹ năng lẫn vốn lớn, chưa kể phải biết chấp nhận rủi ro. Đó là lý do mà dù lãi suất tiết kiệm đã giảm đi vài ba lần so với giai đoạn đỉnh điểm, chỉ còn 4 – 5,5%/năm cho các kỳ hạn ngắn, dòng tiền đổ vào ngân hàng vẫn chỉ có tăng mà không có giảm. Tại nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng lớn, tốc độ tăng trưởng của vốn huy động luôn cao hơn tốc độ tăng của tín dụng.
Tuy nhiên, với xu hướng lãi suất tiền gửi được điều chỉnh giảm mạnh thời gian gần đây, tiền gửi tiết kiệm từ khu vực dân cư vào hệ thống ngân hàng đã có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn so với tín dụng. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 20-3-2015, số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng chỉ tăng 0,94% so với thời điểm cuối năm 2014, xấp xỉ một phần ba mức tăng cùng kỳ năm ngoái (tăng 2,7%). Lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng cũng có xu hướng giảm, đối với năm lĩnh vực ưu tiên chỉ là 7%/năm đối với ngắn hạn, 8,5 – 11%/năm đối với trung và dài hạn. Nhờ vậy, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đối với nền kinh tế tăng 1,25% so với tháng 12-2014, trong khi cùng kỳ năm trước, con số này là -0,57%.
Theo các chuyên gia kinh tế, nguồn tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng có dấu hiệu chững lại dĩ nhiên là do lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm mạnh trong thời gian qua và điều này không có gì đáng ngại. Khi không gửi tiết kiệm, người dân sử dụng tiền để đầu tư, tiêu dùng, đặc biệt là mua sắm những khoản lớn như xe hơi, địa ốc… thì lại là cơ hội cho các ngân hàng. Bởi khi mua sắm lớn, họ thường cần thêm tiền và tìm đến ngân hàng để vay tiền, thêm cơ hội để các ngân hàng tăng trưởng dư nợ. Trong thời gian tới, khi các ngân hàng thương mại cân đối được dòng tiền vào – ra để giảm thêm lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn thì sẽ càng giúp ích cho doanh nghiệp và với cả nền kinh tế.
Minh Hằng (DNSGCT)