Những năm qua, lãi suất ngân hàng ở nước ta tăng giảm theo nhịp đập của lạm phát. Khi lạm phát tăng với tốc độ phi mã, lãi suất cao ngất ngưởng. Như năm 2011, lạm phát lên đến 18,58%, trần lãi suất huy động cũng đạt đỉnh 14%/năm, lãi suất cho vay tương ứng lên đến 20 – 22%/năm, các doanh nghiệp phải gồng mình chịu mức lãi vay quá cao trong một thời gian dài. Nhiều đơn vị không chịu nổi, phải phá sản, tạm ngưng hoạt động, nhiều khoản nợ vay thành nợ xấu. Thời gian sau đó, lạm phát giảm dần, lãi suất cũng giảm theo. Năm 2014, mức lạm phát được dự báo thấp hơn cả năm ngoái (6,04%) – vốn là năm có lạm phát thấp nhất trong một thập niên qua. Lạm phát dù ở mức thấp nhưng vẫn đang được kiểm soát khá tốt và có xu hướng giảm. Nhiều tổ chức uy tín đánh giá lạm phát nước ta nhiều khả năng sẽ giảm trong khoảng 4,2% vào cuối quý III này. Chính vì lạm phát giảm mà dù lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn chỉkhoảng 5,5 – 5,7%/năm, dòng tiền tiết kiệm từ khu vực dân cư vẫn chảy vào các tổ chức tín dụng, do người gửi tiền vẫn có được lãi suất thực dương. Tốc độ huy động tiền gửi của nhiều ngân hàng vẫn đều đặn tăng lên.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng vốn huy động của toàn hệ thống trong bảy tháng đầu năm nay khoảng 7%, nhưng tốc độ tăng tín dụng chỉ tăng tương ứng 3,68%. Chính vì huy động được nhiều tiền trong khi không cho vay được nhiều tương ứng nên các ngân hàng phải tìm đầu ra khác cho dòng vốn, đó là tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và trái phiếu chính phủ, dù biết rằng đây chỉ là giải pháp tình thế và tỷ suất sinh lời không cao. Trên thị trường tài chính thời gian qua xảy ra tình trạng tăng trưởng tín dụng thì èo uột, còn giao dịch trái phiếu lại sôi động cả trên thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp và lợi suất trái phiếu ngày càng giảm ở các kỳ hạn. Một khi kinh tế vĩ mô dài hạn của nước ta vẫn được đánh giá là ổn định, thì lợi suất trái phiếu dài hạn sẽ còn giảm nữa. Các ngân hàng thương mại khi ấy có thểphải tiết giảm thêm chi phí đầu vào (giảm lãi suất huy động) hoặc cố gắng đẩy nhanh tốc độ cho vay. Các chuyên gia tài chính phân tích rằng từ nay đến cuối năm, mặt bằng lãi suất cho vay có thểsẽgiảm thêm khoảng 0,5 – 1%, trong khi trần lãi suất huy động có thể vẫn được Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên. Nếu đúng như vậy, quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho từng kỳ hạn, từng nhóm đối tượng khách hàng sẽ phụ thuộc vào khả năng cân đối nguồn vốn của từng ngân hàng. Với những khách hàng vay mới, việc họ được ngân hàng chào mời lãi suất cho vay bao nhiêu tùy thuộc vào bảng báo cáo tài chính của họ. Riêng với các khoản vay cũ, việc giảm lãi suất phải có một độ trễ nhất định.
Nhiều người hy vọng rằng lãi suất giảm sẽ là một thông tin tích cực đối với doanh nghiệp, cũng nhưgiúp các ngân hàng đẩy mạnh được hoạt động cho vay. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lại cho rằng lãi suất cao hay thấp không phải yếu tố quan trọng nhất đối với quyết định vay vốn của doanh nghiệp, mà quan trọng là mức cầu về vốn của mỗi doanh nghiệp. Mà mức cầu ấy phụ thuộc vào tình hình chung của nền kinh tế, vào tổng cầu của xã hội. Một khi sức mua của xã hội tăng lên, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh sản xuất, gõ cửa ngân hàng để vay vốn. Còn nếu sức mua kém, hàng tồn kho nhiều thì dù lãi suất có giảm nữa, doanh nghiệp cũng không dám vay. Cũng như ngân hàng, dù rất muốn đẩy mạnh nguồn vốn giá rẻ, vẫn phải “chọn mặt gửi vàng”, chọn doanh nghiệp đang hoạt động tốt, sản xuất và bán được hàng, có dòng tiền, để họcó khả năng thu được lãi vay và nợ gốc. Lãi suất giảm chưa chắc đã kích được cầu tín dụng là vì vậy.
Minh Hằng