Tôi như cánh chuồn chuồn lạc phố… mãi gọi tìm… Thầy đang ở đâu… bỏ quê lên phố… dường là… Bỏ quê lên phố thì nhiều… nhưng hồ dễ ai lại giống ai. Nhớ lại ngày nào, trong hoàn cảnh cực khó khăn, Trương Vĩnh Ký trở về quê dạy học tại trường làng – nơi mình đã từng học hồi còn để chỏm. Ngồi chưa ấm chỗ, người trí thức trẻ ấy phải trốn về Sài Gòn để tránh nguy cơ bị quan quân vây bắt. Vậy mà ngay trong tình huống ấy, chẳng loay hoay biện minh giải thích, tạo bước ngoặt chọn đường cho mình – cả đời giàu khát vọng sáng tạo tinh thần, để lại cho đời bao suy ngẫm ưu tư, lý thú, hữu ích cho khoa học xã hội nhân văn. Trên bình diện văn hóa giáo dục, Người là tấm gương lao động lỗi lạc và sáng tạo mẫu mực, bền lòng. Thanh bạch ra đi. Tang Người… bao học trò thương tiếc tiễn đưa Thầy.
Người mãi mang tâm trạng khắc khoải đã đi về thế giới người hiền hơn một trăm năm. Bao thế hệ lắng lòng trước Cuốn sổ bình sanh công với tội… Nghiêng lòng đảnh lễ trước một nhà bác học, một nhà giáo dục, một nhà văn hóa lớn dung hòa nhân cách với chân tài. Có những ngôi trường, những con đường mang tên Trương Vĩnh Ký. Ấy chính là tinh hoa văn hóa, lòng tự hào và tự tôn dân tộc. Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa…
Giờ mở cửa, phố đông vui bỗng chật ồn ào. Phố thị phát triển thì mừng… nhưng liệu có còn mấy nếp hòa hợp tự nhiên. “Trong suốt lịch sử loài người của chúng ta, con người đã hiểu rằng chúng ta là một phần của tự nhiên, trong đó mọi thứ được kết nối với mọi thứ khác và không có gì tồn tại trong sự cô lập” (David Suzuki). Nói theo nhà khoa học môi trường và lãnh đạo về sinh thái bền vững, con người và tự nhiên không thể tách rời trong quá trình sinh tồn và phát triển. Vậy trường lớp – Thầy Trò kết nối với những gì, những ai… để có một môi trường giáo dục trong lành phát triển, tương thông… Trường lớp phố thị giờ gắng gượng trong cơ chế xin – cho… mong trụ vững giữa bao dự án, công trình, biệt thự, công nghệ lập trình, điện tử, game over game… Liệu bảng đen phấn trắng, giáo án sáng hoa nắng trong lành, trang giấy thơm dòng chữ học trò… khuếch tán những đâu đâu… Cách chúng ta nhìn thế giới sẽ định hình cách chúng ta đối xử với nó. Cách chúng ta đối xử với thế giới – trường lớp – Thầy Cô – dạy học – vui chơi… sẽ cho ta những kiểu người… ta có thể hiểu, mà chẳng biết, lòng đau… Đối diện với tai họa sinh thái, ta chẳng những ngẫm lại vấn đề sinh thái tinh thần, mà cả vị trí – vai trò – chức năng – đặc trưng của con người trên trái đất này. Và Thầy Trò là những Con Người viết hoa tự nhiên đúng nghĩa. Thầy ơi… giờ Thầy đang ở đâu, làm gì… Lỡ chân phố thị… chợt nhớ quê. Chợt nhớ quạ đầu tường kêu trong nắng chiều của Mạc Đĩnh Chi. Ủ ê buồn lữ khách – Mượn rượu say chếnh choáng. Người đỗ Trạng nguyên, thăng quan tiến chức… về trí sĩ mở trường dạy học, một đời sống thanh liêm ngay thẳng.
Sống ở phố mà giản dị chân quê. Dạy ở trường đô thành mà lòng bút hoa – phấn trắng bình yên. Sau 1975, vui đất nước thống nhất, lo cuộc sống vất vả gieo neo. Chấp nhận tháng ngày cơm độn bo bo, mì, bắp… Thầy Giản Chi với Bên sông gieo lại vần nghèo (24-4-1988) mà giàu tâm an bần lạc đạo. Không biết Đại học Văn khoa Sài Gòn – Đại học Sư phạm Sài Gòn… có còn lưu dấu… mà dường nghe giọng ngâm vang của nhà giáo – nhà nghiên cứu – nhà thơ Giản Chi mang đầy nỗi niềm tâm sự, năm Cụ tròn 90… cảm tác bên bến Nhà Rồng, giữa bao hơn thua phố thị, thân già cô độc… vẫn giữ tâm thế ung dung. May có duyên thơ khuây tóc bạc – Sông quen gió dịu nguyệt long lanh.
Về thăm Thầy phố thị… tấp nập… chợt dạt trôi. Tri thức sách vở bộn bề, giọng giảng bài vang vang, miền phấn trắng bay bay… có mang đến cho Người hạnh phúc. Ngày Nhà giáo… có chút nắng vàng… chợt đau xót mắt. Phố chật, người đông… sao chợt thấy bơ vơ. Giữa dòng người… chợt thèm ai gọi, gọi ai. Cầm tay mình… cứ ngỡ tay ai. Náo nhiệt ồn ào… sao lòng mình hoang hoải. Bình thường thôi… chứ chẳng tầm thường. Nụ cười lặng giữa tường trắng lặng câm. Buồn thức tỉnh… chứ chẳng buồn mê muội. Tự cân bằng mình trong nỗi chênh vênh. Tím phố bằng lăng nắng. Giấc mơ phai gầy trăng.
1.
Đưa Người về nhé quê ơi. Ngõ trường vườn lớp sao trời hoa bay. Về lại quê xưa, trường cũ, ấm nghĩa Thầy Trò. Tìm lại lối sống hòa hợp tự nhiên, thuận theo tự nhiên, cốt cách thanh đạm. Truyền thống văn hóa dân tộc gắn liền với làng nước. Làng xã Việt là nơi kết tinh các giá trị nhân sinh, nhân văn và có vai trò quan trọng trong lịch sử nước nhà, trong truyền thống Tôn sư trọng đạo. Tâm thức Việt, căn tính Việt nằm trong lòng Mẹ Đất nâu nhân hậu, vòm trời Cha cao xanh rộng lượng, bay trong con chữ Thầy hóa sáng những vì sao. Học bao đời cho hết chữ làng quê. Dạy bao kiếp mới thấm chữ chân trần. Sống bao vòng mới thấu cõi trăm năm.
Đậu Thái học sinh (Tiến sĩ) mà lại không ra làm quan, mở trường dạy học tại quê nhà, thu hút nhiều học trò, đào tạo nên nhiều danh sĩ. Một bề tôi không nguôi thời cuộc, lại nhẹ nhàng thanh thản làm bạn với cỏ cây, mây nước. Sĩ phu đời sau xem Chu Văn An như người thầy tiền bối đáng kính trọng, một nhà thơ Việt đáng quý thương ở phong cách thơ “rất trong sáng u nhàn” (Phan Huy Chú). Thi đỗ, làm quan cao chức trọng, vậy mà Trịnh Hoài Đức – một trong ba nhà thơ nổi tiếng ở Gia Định, thơ miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên gắn liền với công việc dân cày, bộc lộ cảm xúc gắn bó thân thiết với quê hương, đất nước, đồng bào... Trong sương, trò nhỏ, lối cầu cong… Đêm khuya, gió qua cửa sổ hoa – Đọc sách, nước chảy… tiếng hòa thanh. Dầu hành phương Nam, lần lượt dạy học ở Nha Trang, Cần Thơ, Pétrus Ký (Sài Gòn)… vẫn là một giáo sư tận tâm, có trách nhiệm với học trò, được học trò kính trọng, dồn lực tự học và viết sách – Việt Nam văn học sử giản ước tân biên – cuối đời tự mình tổng kết một cuộc sống trong sạch, ung dung thanh thản. Thế sự bách niên, mọi mối tơ vương bay đi cùng mây gió – Văn chương thiên cổ, một mảnh hồn thơm ở lại với trăng sao (Phạm Thế Ngũ). Dù sau này sống ở Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, nhưng vốn sinh ra và sống thời thơ ấu ở miền quê vùng U Minh, nên tình quê vẫn bát ngát trong lòng nhà văn Sơn Nam. Mấy độ phong sương qua đường phố – Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.
- Xem thêm: Khoảng trống đời Thầy
Về thăm quê nhà, ngồi vòm cây cao, trong màu mắt lá, xanh thương mắt Thầy. Liệu có còn không… những làng quê yên ả, xanh bóng cây chờ chim về đậu. Đồng quê trong lành, trường làng ấm áp, người yêu thương hồn hậu… là có thực hay chỉ giấc chiêm bao. Không chỉ làng quê Việt, mà ở đó, bạn còn hiểu thêm tâm hồn Việt… với bao trăn trở về số phận con người, dân tộc qua những biến động lớn của thời đại. Những nỗi đau đang giày vò nhân loại nói chung, nước Việt nói riêng, bao thân phận người… là có thật, chẳng riêng ai. Ngồi một mình… rót bóng mình vào đáy cốc. Giọt sương nắng… rơi trống trắng Blue Drops. Miền phấn bay… phiêu tán tận chân trời.
Người trẻ thích lao ra phố thị, lao động tự do, cạnh tranh tìm cơ hội. Vườn không nhà trống… gió cỏ lay. Xóm vắng chiều đông – dưới chân lạnh buốt – con đường bê tông (Lưu Đức Trung). Phụ huynh nông dân tay cuốc tay cày lưng mỏi… Cả thầy cô tay phấn bay, tay gieo tay trồng… Ai ai cứ hở ra là “địa ốc đứng lên” lấy đất ruộng làm chung cư, resort… Cười cho hả bên mâm rượu, chén trà… Đêm trở mình, tiếng thở dài lắng sâu lồng ngực. Những vì sao bay… đom đóm đang bay… Đọc ba vạn sách thành vô dụng – Bạc đầu luống phụ lòng thương dân (Trần Nguyên Đán). Dù sao… phải sống… Thôi về nhà mình ở quê… quê nhà chở che. Về lại quê nhà, về lại trường xưa. Lối cỏ mọc mòn in dấu chân ai. Tóc Thầy trắng màu thời gian mây trắng.
Mấy giờ rồi, còn chút gió heo may. Hơi thu hòa ngọn cô đăng, mờ nhòa ánh ban mai. Giọt sương mưa gõ run tàu lá chuối xanh. Ôm lòng đêm tiễn canh tàn lặng lẽ. Khi tỉnh rượu lúc tàn canh – Giật mình mình lại thương mình xót xa (Kiều). Biết thương mình… bất chợt thương người… Cuối Đông rồi, chợt thấy bóng xuân sang. Kẻ hành khất – du xuân – quẩy đầy hoa trái (Lưu Đức Trung). Từ bục giảng đến văn đàn… thu mình trong mắt lá. Tôi thương Thầy… lòng tôi tự thương tôi. Lòng trắc ẩn chữa lành cảm xúc. Tâm tĩnh lặng, miệng mỉm cười, hoa nắng nở mưa đêm. Lặng thầm đá đổ mồ hôi. Chữ Thầy ươm nắng rằng thôi thế thì… Tinh khôi những cọng rơm vàng. Những trang giáo án mùa này lan xa. Chữ ấm nắng chữ nhòe mưa. Đồng xanh hạt chữ sáng trưa miên trường… Ôm lòng tịch tĩnh nguyên sơ. Hoa sứ ngàn xưa vừa nở miền thương.
2.
Tôi – người học trò nhỏ của Thầy… giờ đã tốt nghiệp ngành Sư phạm… dường như muốn bước theo đường Thầy. Ý nguyện là vậy, mà biết đâu… Tất nhiên, nếu được quyền lựa chọn, tôi xin được về trường phố thị. Trẻ như tôi, thích đông vui, cơ hội cạnh tranh, phát triển… Biết là khó, và chắc chẳng đến lượt mình. Về trường lớp, phố núi cao… thôi thì lộng gió, về làng quê lặng buồn… thôi thì ấm xanh mắt lá… Đâu cũng được, miễn có chỗ… được định danh mình cũng là Thầy. Không khéo, mới tốt nghiệp… đã chuốc tiếng… trong vùng… “mất dạy”… Trên đời này, không có điều tốt hay xấu. Có chăng, do chúng ta nghĩ như vậy mà thôi. Đó là Hamlet – vở bi hài kịch cuộc đời giàu giá trị nhân văn, vẻ đẹp, niềm tin, tuổi trẻ, tình yêu… của W. Shakespeare thời đại Phục hưng trong lẽ sống To Be or Not To Be… Có phố thị nào mang màu hoa núi. Tôi xin về… dạy… năm tháng… không lương…
Vui mừng thay nếu được làm Thầy. Nhưng cũng đầy lo lắng. Tình cờ duyên may, đọc được sách của Tanaka Yoshitake – thành viên của đoàn chuyên gia Nhật Bản hoạt động ở Việt Nam trong nhiều năm – Cải cách giáo dục Việt Nam – Liệu có thực hiện được “lấy học sinh làm trung tâm”. Vừa mừng trong tính gợi mở, lại vừa lo bao thực trạng, tiếng kêu, yêu cầu, cải cách, tiếp cận, thay đổi… Giữa cái gọi là toàn cầu hóa… bỗng thấy mình bơ vơ. Thôi thì… bình yên sống… mong phước lành… Không khéo thì mình như con sóng – phận người. Con sóng mới sinh ra, con sóng đã bạc đầu. Người ta bảo Thầy là tất cả… Thầy không là gì cả… Còn tôi, người học trò của Thầy và mai kia mốt nọ cũng làm Thầy – thật giản dị, Thầy là Thầy… thế thôi.
- Xem thêm: Làm người thầy hạnh phúc
Tháng 11, bàn tay ai thân thiết. Chỉ có lặng im – Trên đỉnh núi túi – Giữa ngàn cây lá – Cảm một hơi thở – Chim đậu trong rừng – Lặng im và đợi – Một lát nữa thôi – Rồi ban mai cũng vậy – Rồi sẽ bình yên (J. W. von Goethe). Ai đã – đang và sẽ ở lại trong miền phấn bay. Từ nốt lặng này… bàn tay ánh sáng… Hoa vẫn nở bên trời. Thầy ơi Thầy đâu là… Cỏ nghiêng xanh hoàng hôn tĩnh lặng…
Đường trăng nắng trập trùng. Giăng thung thương thung nhớ. Như ai gọi tìm ai. Nghe hiu hắt lơ ngơ. Vọng ngậm ngùi lắng đọng. Cung đàn tơ thời gian. Người Thầy không bục giảng. Dạy học trong im lặng. Hơi thở hóa thinh không…