Trong chuyến đi Nam Mỹ của chúng tôi, Bolivia là điểm đến khiến mọi người ban đầu khá e ngại vì đất nước thuộc hàng nghèo nhất khu vực này luôn gắn với những bài học cảnh báo du khách về tai nạn giao thông, nạn cướp bóc, các cuộc biểu tình… Chỉ khi đến đây rồi, chúng tôi mới thấy mình may mắn vì đã được ghé thăm một vùng đất có quá nhiều điều đáng nhớ. Quốc gia nằm ở vị trí địa lý thuộc hàng cao nhất thế giới này có nhiều dân tộc hơn bất kỳ nước nào ở Nam Mỹ, đời sống văn hóa và cảnh quan thiên nhiên ở đây cũng hết sức đặc sắc.
Phố cổ trong thung lũng
Một điều đặc biệt khi xin visa vào Bolivia là du khách không phải mất tiền, chỉ phải tiêm chủng ngừa sốt vàng da trước khi nhập cảnh. Điều đó làm chúng tôi bắt đầu có thiện cảm với đất nước “nghèo mà chơi đẹp”. Đến La Paz, thiện cảm lại càng tăng lên vì giá cả sinh hoạt ở đây còn dễ chịu hơn các thành phố lớn ở Việt Nam, hệ thống taxi và xe bus cũng khá tiện lợi và rẻ. Mặc dù thủ đô chính thức của Bolivia là thành phố Sucre nhưng La Paz mới là nơi tập trung mọi cơ quan đầu não, các trụ sở ngoại giao và là trung tâm kinh tế văn hóa của cả nước. Thành phố nằm trong một thung lũng lòng chảo lớn, đáy của thung lũng gồm toàn bộ khu trung tâm nằm ở độ cao 3.600m, men theo lòng chảo là đường phố nhỏ hẹp dốc đứng, nhà cửa xếp lớp chênh vênh. Lên đến vành trên cùng của thung lũng thì độ cao đã là 4.060m, sân bay La Paz cũng nằm ở độ cao này. Vào những lúc nắng đẹp, du khách có thể nhìn thấy được đỉnh núi Illimani cao 6.400m phủ đầy tuyết nằm phía sau làm nền cho khung cảnh thành phố.
Khu trung tâm của La Paz rất đẹp, trong không khí mát rượi của vùng núi cao, những kiến trúc cổ kính và sang trọng được bao phủ bởi vẻ tĩnh lặng, yên bình khác hẳn với những khu phố bình dân ồn ào ngoài kia. Đầu thế kỷ XVI, Bolivia với những mỏ vàng, mỏ bạc trữ lượng lớn bị rơi vào tay người Tây Ban Nha. La Paz khi đó là điểm trung chuyển để đưa kim loại quý từ mỏ trên núi xuống vùng duyên hải Lima. Vậy là kế hoạch xây dựng thành phố được bắt đầu với các công trình như quảng trường Murillo và hệ thống dinh thự công quyền. Ở vùng ngoại ô, người Tây Ban Nha cho lập những đồn điền lớn. Cũng trong thời gian đó xã hội La Paz dần biến đổi với lớp người mestizo (người thổ dân lai người da trắng) hình thành và lần hồi chiếm đa số. Những dinh thự tráng lệ nay còn thấy ở thành phố là chứng tích sót lại của cuộc sống chủ điền giàu sang.
Vùng đất của cảm giác mạnh
Dù người da trắng đã ra sức xóa bỏ nền văn minh da đỏ ở Bolivia nhưng văn hóa thổ dân vẫn cứ tồn tại len lỏi trong từng ngóc ngách của đời sống La Paz. Thổ dân xưa vốn yêu thích những yếu tố tâm linh pha chút rùng rợn nên chính điều đó đã làm nên màu sắc huyền bí đặc trưng cho thành phố. Hằng năm, cứ đến ngày 9-10, khu vục nghĩa trang trung tâm La Paz lại trở thành nơi tổ chức một lễ hội truyền thống có nguồn gốc từ xa xưa mang tên Dia de los Natitas. Vào sáng sớm ngày này, các cô gái trẻở đây sẽ mang theo những sọ người thân đặt trong chiếc hộp được trang trí sặc sỡ tập trung ngoài nghĩa trang để trưng bày. Những hộp sọ này thường được trang trí bằng hoa hồng và mũ len. Trong suốt ngày lễ, người ta sẽ đem xì-gà, lá coca và rượu đặt trước các hộp sọ và ban nhạc đường phố sẽ đàn hát ca ngợi những hộp sọ này.
Hấp dẫn nhất đối với du khách là khu phố cổ lát đá, nơi tập trung những chợ bán đồ đạc mang đậm màu sắc địa phương. Đặc biệt, đời sống tâm linh của thổ dân xưa còn thể hiện rõ ở chợ phù thủy (hay còn được người bản địa gọi là Mercado de Hechiceria hoặc Mercado de las Brujas). Đó không chỉ là nơi thu hút du khách mà còn có rất đông người mua địa phương. Đến chợ, người ta có thể dễ dàng tìm thấy những món đồ có một không hai như bào thai lạc đà không bướu, ếch khô để phục vụ các nghi lễ cổ xưa, những bức tượng nhỏ có hình thù kỳ quái hoặc các loại thảo dược, các loại thuốc tác động tới các linh hồn cư trú trong Aymara (thế giới tâm linh theo quan niệm của người Bolivia xưa). Những loại thuốc huyền bí này được người xưa dùng trong các nghi lễ mang tính huyền bí, ma quái.
Tuy nhiên, thứ nổi tiếng nhất được bán trong chợ phù thủy La Paz là các bào thai lạc đà không bướu sấy khô. Chúng có kích thước khá lớn và dễ gây sốc cho những du khách nước ngoài đến đây lần đầu. Các bào thai khô này thường được người bản địa tới chợ tìm mua về để chôn bên dưới các công trình xây dựng hoặc các cơ sở kinh doanh giống như vật hiến tế dâng lên nữ thần Pachamama. Thường chỉ những người Bolivia nghèo mới tìm tới chợ phù thủy mua bào thai về hiến tế, bởi những người giàu có sẽ phải hiến tế cả một con lạc đà không bướu sống cho nữ thần Pachamama. Khu chợ này sầm uất, nhộn nhịp một phần cũng nhờ các phù thủy, thầy mo, nhà chiêm tinh, thầy bói… thường lui tới để cung cấp các thứ như bùa cóc, lông cú làm bùa hộ mệnh. Những người này thường đội những chiếc mũ tối màu, đem theo những chiếc túi đựng lá coca. Lá coca giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống Bolivia, ngay giữa khu chợ có một bảo tàng nhỏ về loại lá này. Bên cạnh chợ phù thủy, phố cổ La Paz cũng bán hàng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là đồ da thuộc, đá điêu khắc rất đẹp, giá cả phải chăng. Người bán hàng ở đây rất lịch sự và không nói thách nhiều.
Cung đường Chết
Du khách đến với Bolivia có lẽ đa số đều là những người yêu thích cảm giác mạnh. Vì thế mà cung đường nguy hiểm nhất đất nước này đã trở thành tuyến du lịch nổi tiếng. Với nhiều khúc ngoặt hiểm trở giữa một bên là núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm, con đường đá dăm Yungas trở thành nơi thử thách sự gan dạ của những tay lái lão luyện nhất. Đường Yungas còn được mệnh danh là đường Chết vì trước đây, mỗi năm tai nạn trên đường khiến khoảng 200-300 người thiệt mạng. Yungas chỉ dài hơn 60km nhưng đỉnh cao nhất của con đường là 4.700m và điểm thấp nhất là 1.185m, chỉ sự chênh lệch về độ cao đó thôi cũng đã làm nhiều người chóng mặt. Từ khi có con đường song hành mới được xây dựng, Yungas được đưa vào khai thác du lịch. Du khách có thể tham quan cung đường bằng xe bus hoặc phổ biến nhất là xe đạp. Tour đi xe đạp khá tốn tiền vì du khách được trang bị an toàn rất kỹ lưỡng và có đến hai hướng dẫn viên đi kèm. Đi xe bus thì được thoải mái ngắm cảnh nhưng cảm giác mạnh thì có lẽ không bằng. Tuy nhiên chúng tôi cũng nhiều lần thót tim khi qua những đoạn cua hình chữ V rất ngoặt. Nhiều nơi trên đường chiều ngang chỉ có hơn 2,5m, chưa kể có những đoạn có thác nước từ trên núi trút thẳng xuống đường. Thỉnh thoảng khi đi đến trạm kiểm soát ma túy bên đường, du khách cũng phải xuống xe cho đúng thủ tục nhưng không bị khám xét.
Dù chào đón du khách bằng những điều có vẻ thử thách thần kinh như thế, Bolivia vẫn thu hút ngày càng nhiều khách nước ngoài hơn. Đời sống văn hóa nhiều màu sắc và thiên nhiên hùng vĩ nơi đây chính là phần thưởng cho những ai có quyết tâm đi đến một trong những nóc nhà của thế giới.
Nguyễn An
Ảnh Thu Hòa