Cách bờ biển thành phố Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận khoảng 120 cây số về phía đông nam là một quần thể hơn 10 hòn đảo lớn nhỏ, có tên gọi chung là huyện đảo Phú Quý.
Mỗi đảo lớn hay nhỏ đều có vẻ đẹp hoang sơ với núi non và những bãi biển cát vàng mịn, hay những dải đá san hô, những ghềnh đá đen có hình thù ngộ nghĩnh.
Sau nhiều thế kỷ cách biệt với đất liền, đời sống người dân tại đó có những nét sinh hoạt và tập tục riêng biệt chưa hề bị mai một.
Nơi không bao giờ có đám cưới
Trên các đảo có nhiều chùa, đa số là chùa cổ, tuổi đời đã mấy trăm năm. Điểm đặc biệt là không chùa nào có tăng ni.
Trông nom chùa và chăm sóc đời sống tâm linh, tinh thần của người dân chủ yếu là việc của các vị huynh trưởng trong những gia đình phật tử. Người dân trên đảo rất thật thà, chất phác. Ở đây cũng không có phong tục tổ chức đám cưới.
Từ thế kỷ 19, khi vùng đảo này trở thành nơi trú chân cho những người rời đất liền đi tìm vùng đất mới, đối mặt với cuộc sống khắc nghiệt trên đảo, nhiều nghi lễ ở đất liền được họ tối giản hóa.
Khi để ý một cô gái, người con trai chỉ cần trình bày với cha mẹ hoặc người thân rồi đợi khi nhà cô gái có tiệc tùng, giỗ chạp thì nhà trai sẽ sang đánh tiếng (trên đảo người ta gọi là “nói chừng”, cũng có nghĩa là đề cập đến việc dựng vợ gả chồng cho con cháu) mà không cần bất cứ lễ vật hay nghi lễ gì cả.
Cộng đồng cư dân trên đảo không đông nên các gia đình đều biết rõ về nhau. Nếu nhà cô gái đồng ý thì ngay sau đó, chàng trai đã có thể chính thức đến nhà cô gái làm rể, cũng chẳng cần thêm nghi lễ, thách cưới hay tiệc tùng gì, cứ như vậy là nên vợ nên chồng.
- Xem thêm: Say nắng Phú Quý
Trên thực tế, rất ít lời “nói chừng” của nhà trai bị từ chối. Từ đó, chàng rể ban ngày làm việc bên gia đình mình, tối về ngủ với cô dâu.
Nếu hai bên gia đình có công việc, giỗ chạp hay lớn hơn nữa là dựng nhà mới thì sang “mượn” cô dâu, hoặc chú rể sang giúp vài hôm.
Còn nếu nhà chồng cảm thấy cần có con dâu chung sống thì phải được cô con dâu đồng ý thì mới chọn dịp nhà bên gái có giỗ hay có tiệc vui mà sang xin đưa con dâu về.
Thời gian “ngủ bên nhà vợ” nếu xảy ra những mâu thuẫn, hay phát hiện sự rạn nứt, bất ổn nào đó trong hạnh phúc, người chồng có thể quyết định ly dị, không cần hòa giải.
Cũng không hiếm những trường hợp sau thời gian chung sống ngắn ngủi, vợ từ chối chồng vì những lý do không thể chung sống lâu dài.
Những hòn đảo xinh đẹp
Dù khí hậu khắc nghiệt, trên đảo có nhiều phong cảnh đẹp và nguồn hải sản rất phong phú. Sự hấp dẫn về tiềm năng du lịch Phú Quý còn phải kể đến quang cảnh đồi núi và các đảo nhỏ xung quanh.
Cách cảng chính ba cây số về phía tây là ngọn núi Cấm cao 108m so với mực nước biển, trên đỉnh núi có ngọn đèn hải đăng thuộc loại lớn nhất Việt Nam.
Cách núi Cấm chừng bốn cây số về hướng đông là núi Cao Cát, trên đỉnh có ngôi chùa Linh Sơn Tự, là một trong hai ngôi chùa xây trên núi của tỉnh Bình Thuận. Từ chùa có thể phóng tầm mắt nhìn ra cả vùng biển bao la.
Các đảo nhỏ của Phú Quý cũng có những vẻ đẹp rất đặc trưng. Hòn Tranh nằm phía bên trái của cảng, sau hơn chục phút đi canô là du khách có dịp được rảo bước dưới những tán cây tỏa bóng mát và tìm hiểu cuộc sống của ngư dân vốn có truyền thống lặn bắt tôm hùm.
- Xem thêm: Khám phá đảo Yến – hòn Nội
Đi tiếp sẽ tới hòn Hải – nơi xuất phát của những con thuyền làm nghề câu cá mập nổi tiếng ở Phú Quý và độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Hòn Hải cách đảo lớn gần ba giờ tàu chạy, được xác định là điểm ngoài cùng của quần đảo Phú Quý trên Biển Đông. Từ hòn Hải, thuyền câu cá mập phải trải qua một hành trình dài mới tới được điểm câu.
Thông thường, mỗi chuyến câu của ngư dân kéo dài chừng một tháng. Trên đường đến hòn Hải sẽ đi ngang qua nhiều đảo nhỏ, trong đó có hòn Bố.
Đó là một đảo đá đang trong quá trình phong hóa dữ dội, đá non đã ngả màu vàng đất, trên đảo không có dân sinh sống do không có nước ngọt, không một bóng cây, nhưng là nơi cư ngụ của các loài chim biển, vào mùa mưa có hàng ngàn con chim mố (một loài ó biển) về đây sinh sôi nảy nở.
Phú Quý trong một thời gian dài đã sống trong điều kiện khép kín, tự cung tự cấp bằng nghề trồng trọt, đánh bắt hải sản và một số nghề thủ công như dệt vải, đan võng, ép dầu…
Ngày nay, ngành du lịch ở đây đã bắt đầu được chú ý khi du khách từ đất liền thích kéo nhau đến đây tắm biển, đi du thuyền, câu cá, leo núi, sưu tầm các loài sinh vật biển.