7g30 sáng, đoàn chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá đảo Yến – hòn Nội tại cảng du lịch Sannest, TP. Nha Trang.
Nằm trong vịnh Cam Ranh, cụm đảo Yến – hòn Nội (gồm nhiều đảo) được biết đến bởi là nơi quần cư của hàng ngàn con chim yến, cũng là nơi khai thác tổ yến. Những năm gần đây, các tour tham quan cụm đảo này được tổ chức do phong cảnh các đảo rất đẹp.
Có hai loại tàu được đưa vào sử dụng cho tour này, một là tàu gỗ với sức chứa 50 khách và hai là tàu composite với sức chứa 20 khách. Tàu composite chạy nhanh hơn nhưng chỉ dùng để phục vụ khách đoàn, còn khách lẻ thì đi tàu gỗ khoảng 90 phút.
Trước khi lên tàu, hành khách phải đi qua hai khay nhôm có chứa một loại dung dịch khử trùng màu hồng nhạt để tránh mang mầm bệnh lên đảo.
Hai phần ba quãng đường đầu, biển khá êm nhưng một phần ba quãng cuối tàu bắt đầu lắc lư mạnh bởi lúc này đã ra khỏi khu vực vịnh Nha Trang, không còn các đảo nhỏ bao quanh để chắn bớt gió và sóng, những ai không quen đi biển sẽ dễ bị say sóng.
- Xem thêm: Hòn Nghệ non nước hữu tình
Lúc này trên bầu trời xanh trong đã bắt đầu xuất hiện chim yến và hải âu bay liệng. Tàu tiến sát cụm đảo, thẳng hướng hòn Sam, nơi du khách dừng chân để tham quan yến sinh sống và làm tổ.
Xa hơn đó một chút là hòn Ngoại có hình chóp nón với hang yến tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Tuy vậy không thể đưa đảo này vào khai thác du lịch vì rất khó tiếp cận, chỉ có nhân viên canh đảo và nhân viên thu hoạch yến mới có thể vào.
Gần hơn, sát bên hòn Sam là hòn Nội có bãi tắm đôi đẹp trứ danh và quanh đó còn có nhiều đảo đá nhỏ rải rác trên biển.
Hang Yến ở hòn Sam không lớn nhưng là hang lộ thiên và có đường đi vào nên du khách dễ dàng quan sát và chụp ảnh. Hang hẹp nên du khách phải lần lượt vào từng nhóm năm người để xem những tổ yến bám vào đá. Ngắm chim yến rồi ngắm hải âu.
Những bầy hải âu rất dạn, cứ bay lòng vòng xung quanh như trêu ngươi, hoặc đứng ngóc mỏ cho khách thoải mái chụp hình.
Để nhân viên và du khách di chuyển thuận tiện, trên đảo có hệ thống tháp canh và cầu thang bằng tre vừa đẹp mắt, vừa thân thiện với môi trường lại thật hài hòa với khung cảnh.
Nước biển ở đây với nhiều độ sâu tạo nên những cung bậc của sắc xanh: nơi thì xanh ngọc, nơi thì xanh lam, chỗ lại xanh lục… và không có tí rác nào.
Từ tàu gỗ lớn chúng tôi di chuyển vào bến tàu hòn Sam bằng tàu đáy kính, rồi cũng bằng con tàu này di chuyển sang hòn Nội ngắm san hô. Sau gần 10 phút, tàu đáy kính cập bờ hòn Nội.
Bãi biển đôi nằm ở phía tây hòn Nội, còn khu vực phía đông là các vách đá cheo leo, dựng đứng với vài hang yến và tháp canh.
Toàn đảo có hai cầu tàu, một cầu tàu đối diện với hòn Sam dành cho các tàu nhỏ và một cầu tàu nằm trong hẻm núi sâu hơn để neo đậu các tàu gỗ cỡ lớn và tàu composite.
- Xem thêm: Non thiêng Bạch Mã
Để ngắm nhìn toàn cảnh khu du lịch, nhất là bãi biển đôi, du khách phải leo 220 bậc thang chinh phục núi Du Hạ cao 90m so với mặt biển. Trên đỉnh Du Hạ có một tháp nhỏ và cột mốc tọa độ quốc gia.
Nhìn từ đỉnh Du Hạ, hòn Nội đẹp đến ngỡ ngàng! Ngoài đỉnh Du Hạ, du khách có thể thăm đền thờ Tổ nghề khai thác yến ở bên kia bãi biển đôi.
Nhìn từ trên cao, dễ đinh ninh bãi biển đôi là một dải cát trắng dài chia đôi mặt nước biển, tạo thành hai bờ nhưng thật ra đó là một con đường được hình thành bởi cát và xác san hô do sóng biển đánh dạt vào, chia bãi biển làm hai, bên phải được gọi là bãi ngắn, bên trái là bãi dài.
Bãi dài khá nông, bơi ra xa nước cũng chỉ cao ngang ngực, bãi ngắn nước sâu hơn và có san hô nên có thể lặn xuống để ngắm. Cả hai bãi đều có đá ngầm nên sau khi bơi ở cả hai bên, chúng tôi quyết định sẽ “đóng đô” ở bãi dài để đảm bảo an toàn cho đôi chân, thêm nữa bãi ngắn lại có nhiều cầu gai và sứa.
Bữa trưa tại nhà hàng trên đảo với tôm biển rim thịt ba chỉ, mực hấp gừng, canh chua cá bè, cá dìa nướng giấy bạc, rau cải xào tỏi. Cá dìa ướp gia vị, bọc trong giấy bạc nướng, thịt không bị khô và thơm ngon. Nhưng tuyệt nhất là món canh chua cá bè.
Cá bè ngon không kém gì cá mú, thịt mềm và béo nấu chua với thơm, cà chua, bạc hà, giá, rau muống chẻ sợi, đậu bắp, nêm nếm gia vị đậm đà vừa miệng, đúng kiểu miền Trung.