Khi không lại ngồi nhớ lụt, nhớ con nước bạc tràn về cánh đồng làng tháng Chín, tháng Mười Âm lịch mỗi năm. Thì câu hát da diết “Trời hành cơn lụt mỗi năm…” khi nói về xứ Huế không chỉ nói đến cái khó, cái khổ mà còn là nỗi nhớ nữa. Và cũng như một ai đó đã sống quen với ruộng đồng, sông nước, mình vẫn thấy thiếu thiếu một “khách quen” khi mùa mưa đến mà lụt chẳng về…
Nửa đêm, cả nhà đang ngon giấc bỗng nghe tiếng gọi rất to của bác Chiu hàng xóm: “Dậy mà dọn dẹp nhà cửa để đón nước lụt vô thăm nhà bà con ơi!…”. Ba mẹ tôi choàng tỉnh giấc thắp đèn dầu lên thì thấy nước lụt đã lấp xấp trước sân nhà. Cả mấy anh em tôi cùng dậy nhưng chẳng cảm thấy nét mặt lo lắng của người lớn mà lại hí hửng ngày mai được nghỉ học, được chơi trò thả bè, được lội nước lụt… Nhưng cơn lụt năm đó không phải là một cơn lụt thường thường như mọi năm. Đến tờ mờ sáng nước đã bò vô nhà và mấy anh em tôi được một trận cười khi thấy cảnh hai con heo nhà bác Toàn hàng xóm bơi qua bơi lại trước sân khi nước đã ngập chuồng. Ba tôi lo lắng: “Gió nồm thổi to kiểu này nước còn lên nữa, thôi cả nhà chuẩn bị mà lên nhà bà Sô tránh lụt…”. Nhìn ra đường thì mấy nhà hàng xóm của chúng tôi cũng đã chất chồng đồ đạc để đi tránh lụt. Cảnh tôi nhớ nhất là chú Túy đẩy cái lu sành to chở từng người một trong nhà. Thằng Oi em út chú Túy ngồi trong lu thi thoảng nhỏm cái đầu dậy, nhe răng cười một cách thích thú…
Điểm tập kết để tránh lụt là mấy nhà ở sát chân độn cát – nơi cao nhất của xóm tôi như nhà bà Sô, chú Phương… Nhưng nước lụt cứ tiếp tục dâng, đến trưa thì sân của mấy nhà cao nhất xóm cũng đã ngập lụt. Ngặt một nỗi, trong tình thế nước đang lên thì o Vầy vợ của chú Phương chuyển dạ. Nước ập vô tới hiên nhà thì o kêu đau bụng dữ dội. Thế là mấy người đàn ông của xóm phải lên độn cát cao dựng lều bạt tạm để o sinh. Tôi cũng có mặt lúc đó và nghe tiếng trẻ sơ sinh oe oe. Chú Phương nói: “Con gái tui đặt tên Lụt, con trai đặt tên Độn”. Bây giờ thì thằng cu Độn đang sống ở Hà Nội làm công nhân may. Bữa trước đi công tác Hà Nội tôi gọi, hắn nhanh nhảu “Chiều em nghỉ việc chở anh đi uống bia hơi”. Buổi tối Hà thành đô hội ngồi với cu Độn uống nhiều nhưng không thấy mệt. Giữa muôn trùng giọng Bắc thánh thót, hai thằng nói giọng quê xứ Huế ôn lại kỷ niệm mùa lụt ở làng thấy thật vui. Thằng cu Độn nghe tôi kể chuyện hắn ra đời đúng khi lụt dâng cao năm nào cười ngặt nghẽo: “Anh nhớ ghê hí, chuyện ni em mới nghe kể lần đầu…”.
Lụt là khi hiện lên rõ nhất cái tình làng nghĩa xóm. Người quê chung sức, chung lòng nhường cho nhau từng nắm cơm, hột muối để cùng chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Cũng cơn lụt năm 1983, cả xóm thổi cơm chung, con nít được ưu tiên ăn trước, người lớn ăn sau; cũng là cơm với thứ ruốc kho mỗi khi mẹ vắng chợ nhưng thấy ngon lạ lùng… Lại nhớ chuyện ăn ngày lụt; khi con nước bắt đầu rút, những chiếc đò của bà con xóm vạn chài len lỏi vào tận các đường làng khi đó đã thành những con sông nhỏ để bán các sản vật đặc trưng mùa nước lũ. Nhớ món lệch roi con nào con nấy đầy bụng trứng nấu cháo. Mùa lụt loài lệch từ trên núi trôi hàng đàn về sông về ruộng cứ thế giăng lưới mà vớt. Nước rút dần, hàng chục cái rớ của dân làng giăng đầy trên các con khe. Những loài cá lăn tăn, li ti, cá cấn, cá mại về theo con nước. Món cá rớ kho với riềng hay nấu canh với khế chua cũng là đặc sản của mùa nước lụt ở quê mình… Nhưng nhớ nhất vẫn là món cột đu đủ kho. Những cây đu đủ yếu ớt bị mưa gió làm bật gốc, sau khi ăn hết trái, mẹ tôi lấy đoạn gốc dưới cùng và bào ra thành từng nhát nhỏ trắng tinh. Cái món ăn mà ngày thường ít ai nghĩ đến lại thấy rất ngon miệng. Hay ngày trước thiếu thốn quá ăn cái gì cũng ngon…
Khi không lại ngồi nhớ lụt… Cơn lụt lịch sử năm 1999 tôi đã xa nhà nên không biết nó hung hãn đến mức nào. Chỉ nhớ rằng, lụt vừa qua, điện thoại mới được nối thì thằng em trai từ Sài Gòn điện thoại cho tôi mếu máo: “Trong này mấy đứa người làng mình đang ôm nhau mà khóc khi chưa biết tin ngoài làng ra sao hết anh ơi!”. Tôi khi ấy đang ở Huế cũng nóng ruột nóng gan vì chưa liên lạc được với nhà ở quê. Phải mấy ngày sau mới điện thoại được cho ông chú hàng xóm và nghe: “Mi về mà coi, làng mình toành hoanh ra rồi, may mà không ai bị lũ cuốn cả…”. Mấy ngày sau nữa về làng, nghe ba tôi kể: “Cả nhà mình ngồi trên tra(*) tưởng an toàn rồi ai ngờ nước dâng lên chấm cả tra. Mấy đứa em của con bật khóc cũng là lúc thằng Hiệp tấp ghe vô ứng cứu, ui chao ba hồn chín vía…”. Không hiểu sao cứ mỗi khi nghe ai đó nói đến chuyện tình làng nghĩa xóm là tôi cứ nghĩ đến chuyện anh Hiệp tấp mũi ghe qua khe cửa hẹp để cứu cả nhà tôi trong cơn lũ dữ và cả chuyện mấy đứa ở Sài Gòn chỉ biết ôm nhau mà khóc khi nghe thiên tai ập đến ở quê nhà.
Nhưng những cơn lụt mỗi năm cũng là quy luật của tự nhiên khi lụt mang tôm cá về cho người, mang phù sa bồi đắp ruộng đồng để “thau chua, rửa mặn”. Lụt đã làm cho cái làng quê nhỏ bé của tôi mang một hình hài khác khi đường làng là những dòng sông uốn quanh với từng đàn cá lội ngay dưới chân người. Là cả lũ con nít trong xóm chặt chuối đóng bè chèo đi loanh quanh trên mênh mông nước lụt cả ngày quên cả bữa ăn. Rồi lại nhớ lời tếu táo của mấy đứa bạn quê: “Bây ơi quê mình vui nhứt là tết, vui nhì là lụt đúng không…”.
(*) Tra như một cái gác bằng gỗ được làm sát trần nhà, đủ để một gia đình ngồi, là nơi để tránh lụt của người Huế