Câu chuyện cô gái nghèo trở thành kỹ sư phần mềm hợp đồng của Google với mức lương 115.000 USD/năm truyền cảm hứng trên internet.
Sun Ling sinh ra trong gia đình nghèo ở Hồ Nam, Trung Quốc. Họ nghèo đến mức mẹ cô phải bán máu để duy trì cuộc sống. 13 tuổi, cô suýt thất học. Tốt nghiệp trung học, Sun đi làm công nhân thay vì vào đại học.
Thế nhưng, ở tuổi 29, cô trở thành kỹ sư phần mềm cho Google tại New York, Mỹ, nhận lương 115.000 USD/năm để tạo mã trong những ngày làm việc và chơi ném đĩa dịp cuối tuần.
Hành trình khó tin ấy thu hút truyền thông Trung Quốc với những tiêu đề như “câu chuyện truyền cảm hứng nhất mọi thời đại”. Người dùng internet khen ngợi cô “có năng lượng tích cực”.
“Tôi không xem mình là người thành công, cũng không có ý định trở thành tấm gương cho ai cả. Tôi chỉ chia sẻ câu chuyện để mọi người thấy dù có xuất phát điểm thấp, bạn vẫn còn cơ hội trong cuộc sống”, kỹ sư 29 tuổi trả lời South China Morning Post.
Làm công nhân thay vì vào đại học
Câu chuyện của Sun Ling được biết đến ở Trung Quốc sau khi cô trả lời câu hỏi “Làm thế nào để du học nếu như bạn quá nghèo?” trên Zhihu (phiên bản Quora của Trung Quốc). Để giải đáp thắc mắc này, Sun mô tả chi tiết hành trình 10 năm của mình để biến điều dường như không thể thành có thể.
“Đây không phải là cách du học chính thống”, Sun viết trong bài đăng nhận được gần 35.000 lượt yêu thích trên mạng. Câu trả lời của cô cũng được đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội khác và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Với Sun, câu chuyện không phải cuốn sách giáo khoa về trải nghiệm “giấc mơ Mỹ” hay “giấc mơ Trung Quốc trở thành hiện thực”. Nó đơn thuần là hành trình được thúc đẩy bởi ước muốn tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân.
Khi Sun được sinh ra vào năm 1990, bố mẹ cô là nông dân trong ngôi làng nhỏ, cách thủ phủ của tỉnh Hồ Nam 2,5 giờ lái xe. Lớn lên ở vùng quê với quan niệm con gái chỉ cần học hết trung học, Sun phải tạm bỏ giấc mơ đến trường khi mới 13 tuổi để giảm bớt gánh nặng tài chính, dồn tiền cho anh trai học tiếp.
“Tôi cầu xin mãi cho tới khi bố cho phép trở lại trường. Nhưng thành thật mà nói, mong muốn mạnh mẽ được đến trường của tôi vào lúc đó chủ yếu bởi vì việc đồng áng quá nặng nhọc. Việc làm nông để lại vết chai sạn trên bàn tay”, Sun Ling chia sẻ.
Trong số 11 bạn cùng làng, cô là người duy nhất tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhưng kiến thức nhận được từ ngôi trường nông thôn hẻo lánh không đủ để cô bước vào bất cứ trường đại học nào. Vì vậy, giống như bạn bè cùng trang lứa, nữ sinh đến Thâm Quyến, trở thành công nhân nhà máy.
Những ca làm việc chỉ lặp đi lặp lại việc kiểm tra chất lượng pin khiến cô chán nản. “Tôi không hề biết muốn sống như thế nào, kể cả bây giờ cũng vậy. Nhưng tôi chắc chắn đó không phải cuộc sống mình mong muốn”, Sun nói.
Cô bỏ công việc ở nhà máy sau tám tháng, đăng ký theo học chương trình đào tạo máy tính vì xem đây là kỹ năng cần có nếu muốn thoát khỏi cuộc sống lao động chân tay. Để có tiền hoàn thành khóa đào tạo trở thành kỹ sư phần mềm hạng không chuyên, cô làm việc bán thời gian, bao gồm phát tờ rơi quảng cáo, bồi bàn tại các nhà hàng và sống nhờ ba thẻ ghi nợ.
Sau hơn một năm, với khoản nợ 10.000 nhân dân tệ, tháng 9-2011, Sun Ling được thuê làm kỹ sư phần mềm tại một công ty ở Thâm Quyến, chuyên về phát triển hệ thống bảng lương trực tuyến.
Một căn phòng nhỏ cho riêng mình, mức lương 4.000 nhân dân tệ/tháng và ngày nghỉ cuối tuần, công việc này đáp ứng tất cả kỳ vọng của Sun về cuộc sống nữ nhân viên văn phòng. Song sự hưng phấn cho cuộc sống mới không kéo dài bao lâu. Cô bắt đầu cảm thấy nhỏ bé trong một thành phố lớn, nơi “mọi người xung quanh đều rất tài giỏi và có bằng cấp cao”.
Để vượt qua bất lợi về học vấn, cô đăng ký chương trình đào tạo tiếng Anh và chương trình học từ xa của Đại học Thâm Quyến. Cô vừa đi học vừa duy trì công việc kỹ sư phần mềm.
Để luyện tiếng Anh, năm 2014, cô chơi ném đĩa – trò chơi phổ biến của người nước ngoài sống tại Thâm Quyến lúc bấy giờ. Với nhóm bạn mới hầu hết từng làm việc ở nước ngoài, Sun bắt đầu mơ về một cuộc sống ngoài Trung Quốc.
60 cuộc phỏng vấn xin việc
Đầu năm 2017, Sun Ling biết về chương trình thạc sĩ tại Đại học Quản lý Maharishi ở Fairfield, Iowa, Mỹ. Cô nộp đơn và được nhận vào chương trình Khoa học Máy tính của trường.
Chương trình học rất phù hợp. Nó cho phép sinh viên có cơ hội thực tập hoặc đi làm dựa trên visa vừa học vừa làm sau vài tháng tham gia lớp học tại trường. Phần còn lại của chương trình học có thể hoàn thành từ xa.
Sau chín tháng học và 60 cuộc phỏng vấn xin việc, cuối năm ngoái, Sun nhận lời mời làm việc từ EPAM Systems, nhà cung cấp bán lẻ cho Google.
Chia sẻ về công việc của kỹ sư phần mềm hợp đồng tại trụ sở Manhattan của Google, Sun cảm thấy may mắn vì nhiều đồng nghiệp là tiến sĩ hoặc từng học tại trường đại học danh tiếng.
“Không ai đối xử với tôi theo kiểu không xứng đáng với tất cả điều này. Đó là điều tôi thích ở Mỹ. Họ đánh giá cao việc bạn có thể làm hơn là nơi bạn đến”, kỹ sư 29 tuổi nói.
Hành trình khó tin ấy chắc chắn gây tranh cãi trên mạng. Những người ủng hộ liên tục gửi tin nhắn cảm ơn Sun Ling vì câu chuyện truyền cảm hứng và tìm kiếm lời khuyên cho quyết định quan trọng trong cuộc sống. Những người hoài nghi cho rằng cô chỉ gặp may. Một vài người còn chỉ trích cô là công cụ quảng cáo cho Đại học Quản lý Maharishi.
“Ban đầu, tôi rất tức giận. Tôi không nghĩ mình đáng phải nhận chỉ trích vì chia sẻ trải nghiệm sống thực tế. Nhưng sau đó, tôi nhận ra không phải ai cũng có thái độ giống nhau trong cuộc sống”, Sun cho biết.
Cô nói thêm bản thân không có điều kiện và rất ít lựa chọn. Cô hiểu tâm lý của nhiều người khi cho rằng việc đổi đời như vậy rất khó hoặc không thể làm được. Nhưng thực tế, với cô, chỉ cần không ngừng học hỏi và thử những điều mới mẻ từng bước, từng ngày, nó sẽ thành hiện thực.
Hành trình của Sun Ling vẫn tiếp tục. Sun đang trau dồi tiếng Anh và cố gắng hòa nhập cuộc sống tại Mỹ bằng việc thực hiện những cuộc phỏng vấn ngắn trên đường phố New York. Cô cũng tham gia khóa học trực tuyến về trí tuệ nhân tạo.
“Mục tiêu tiếp theo của tôi là trở thành kỹ sư phần mềm nội bộ của Google. Nó không hề đơn giản. Nhưng cuộc sống có thể bắt đầu ở phía cuối vùng an toàn của bạn”, Sun Ling chia sẻ.