Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018, một số kỹ năng cần thiết cho nguồn nhân lực trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 không chỉ có các kỹ năng về kỹ thuật như ngôn ngữ lập trình, tự động hóa, học theo dự án… mà còn phải có kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tư duy độc lập, tư duy phê phán, trí thông minh xúc cảm và ra quyết định cho những vấn đề phức tạp. Như vậy, vấn đề đặt ra là những người làm luật và các thầy cô giáo có biết về những kỹ năng cần thiết này để chuẩn bị cho các học sinh hiện nay và tương lai hay không?
Cách biệt giữa “trường học” và “trường đời”
Một trong những vấn đề mà chúng ta thường nghe từ những người lãnh đạo doanh nghiệp là đào tạo lại khi tuyển dụng nhân sự. Tại Diễn đàn Khai phá năng lực người trẻ vào tháng 9-2018, bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Giám đốc tuyển dụng và đào tạo thuộc phòng nhân sự Công ty Robert Bosch Engineering cho biết, hầu hết nhân sự mà doanh nghiệp tuyển dụng đều phải đào tạo lại. Trong năm 2017, Robert Bosch Engineering đã tốn hơn 20 tỉ đồng để đào tạo kỹ năng cho nhân viên. Thậm chí, khi tham gia khóa đào tạo lại, nhân viên vẫn đến trễ hoặc thiếu ý thức làm việc nhóm. “Tôi nghĩ vấn đề là các bạn trẻ cần phải thay đổi tư duy đã ăn sâu từ khi tuổi còn nhỏ. Lĩnh vực đào tạo đã không làm tốt vai trò của mình trong cách “làm nghề” đã đành, mà cũng chưa cho thấy trách nhiệm trong giáo dục về ý thức của nhân lực trẻ”, bà Thu Hiền nói.
Năm ngoái, tại một hội nghị giáo dục ở Malaysia nơi nhiều người lãnh đạo giáo dục và lãnh đạo doanh nghiệp cùng tham dự, chúng tôi đã trình bày về phương pháp học chủ động và kết luận rằng, nếu công ty muốn thuê người đã tốt nghiệp phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp phải cộng tác với nhà trường và đầu tư vào chương trình đào tạo cho học sinh những kỹ năng họ cần. Nhưng thật đáng ngạc nhiên là một số lãnh đạo giáo dục đã không đồng ý với kết luận của tôi vì họ không muốn trường của họ trở thành “trường hướng nghề”. Tôi phải giải thích rằng tôi đã không gợi ý các doanh nghiệp gây ảnh hưởng hay thay đổi lên hệ thống giáo dục mà chỉ khuyến nghị sự cộng tác giữa doanh nghiệp và nhà trường để cải tiến đào tạo và phát triển nhiều cơ hội việc làm hơn cho học sinh. Chúng tôi tin cách tốt nhất để cải tiến hệ thống giáo dục là phải có vai trò chủ động của doanh nghiệp trong đào tạo học sinh thể hiện bằng việc đầu tư vào nhà trường, nơi đang tạo ra những công nhân tương lai của doanh nghiệp.
Nếu nhìn vào chương trình đào tạo từ những đại học hàng đầu các nước, bạn có thể thấy cách họ đáp ứng cho nhu cầu của nền công nghiệp phát triển và điều đó giải thích tại sao nhiều công ty muốn thuê người tốt nghiệp của họ. Ngày nay, ở một số nước có tỷ lệ thất nghiệp cao trong thành phần tốt nghiệp đại học, đồng thời lại thiếu hụt công nhân có kỹ năng mà các doanh nghiệp cần. Giải quyết vấn đề này đòi hỏi cả hai bên đều phải sẵn lòng làm việc cùng nhau. Nếu không có hành động cụ thể, sẽ có hàng trăm nghìn người tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp mỗi năm, những người đáng ra có thể nhận được sự đào tạo hiệu quả nếu trường của họ sẵn lòng thay đổi.
Vấn đề đặt ra là: “Dù biết việc này, tại sao học sinh vẫn chờ đợi sự thay đổi từ trường học mà không tìm cách khác như học từ Các môn học trực tuyến mở cho đại chúng (MOOCs) hay các bài học trực tuyến khác để phát triển những kỹ năng giúp họ có được việc làm tốt”.
- Xem thêm: Lập kế hoạch nghề nghiệp
Kỹ năng học cả đời
Đâu là kỹ năng quan trọng của nguồn nhân lực trong thời đại 4.0? Đây là câu hỏi thường được đặt ra nhưng chưa có câu trả lời thấu đáo. Theo tôi, kỹ năng quan trọng nhất là “học cả đời”. Chừng nào các bạn trẻ còn sẵn lòng và có khả năng học hỏi những điều mới, thì sẽ không sợ vấn đề thay đổi nào phát sinh trong kỹ thuật hay thị trường việc làm. Tất nhiên, việc học cả đời phải xuất phát từ động cơ phải học và tự học, học với tâm thế tận hưởng việc học và luôn muốn biết thêm cái mới. Để việc tự học có hiệu quả, các bạn học bằng cách đọc, lắng nghe, thực hành và trải nghiệm. Có nhiều thông tin sẵn có như sách, báo, blog, và môn học trực tuyến. Chìa khóa là thu nạp thông tin có liên quan và xâu chuỗi rồi phát triển điều này thành tri thức và kỹ năng.
Các bạn trẻ cần phát triển khả năng suy nghĩ, phân tích, bao gồm khả năng so sánh, biết phản biện, đánh giá và tổng hợp tài liệu mà không có hướng dẫn nào. Các bạn phải học cách nhìn thông tin từ nhiều góc độ, không đơn giản một chiều. Có cách nhìn nhiều chiều sẽ cho thấy bức tranh tổng thể giúp chúng ta có thể tổ chức, phân loại và tổng hợp mọi thông tin và hiểu sự phức tạp của vấn đề trước khi đi tới giải pháp.
Ngày nay, phần lớn các bài học trong lớp đều đơn giản nhưng học sinh cần thách thức bản thân bằng việc tìm những vấn đề phức tạp hơn để giải quyết. Ví dụ có nhiều vấn đề phức tạp trên internet mà học sinh có thể tìm để học, thực tập. Không nên sợ phạm sai lầm mà học từ sai lầm để phát triển kỹ năng tốt hơn cho những bài toán phức tạp khác.
Các bạn trẻ cũng phải học cách trao đổi một cách hiệu quả và chia sẻ thông tin với người khác. Kỹ năng trao đổi cũng bao gồm khả năng lắng nghe người khác, hiểu cách nhìn của họ và kính trọng đóng góp của họ. Và phải học cách cộng tác với người khác trong môi trường làm việc theo tổ, nhóm.
Một trong những yếu tố chính của cuộc cách mạng 4.0 là phần lớn công việc sẽ được thực hiện bởi công nhân có kỹ năng sống. Khi các doanh nghiệp toàn cầu đang phát triển khắp các châu lục, công việc sẽ được phân bố trên khắp thế giới. Do đó, các bạn trẻ cần học ngoại ngữ để đáp ứng tốt nhất xu hướng này.