Sau một thời gian bác bỏ rằng chỉ tập trung vào kim cương tự nhiên, De Beers đã đi sâu vào thế giới kim cương nhân tạo với một thương hiệu mới đồ trang sức thời trang.
Lò sản xuất kim cương hiện đại nhất thế giới
Bên trong một tòa nhà công nghiệp màu trắng đặt trên một ngọn đồi thoai thoải ở vùng nông thôn Anh, cách thành phố Oxford 18 dặm là những cỗ máy màu bạc hình dáng giống như con tàu vũ trụ đặt bên trong những phòng thí nghiệm khổng lồ.
Chúng đang sao chép áp lực và nhiệt độ cực lớn của lõi trái đất để cho ra chỉ trong vài tuần những thứ mà tự nhiên phải mất hàng tỉ năm mới hoàn thành: những viên kim cương nhân tạo không một vết rạn.
Tòa nhà là Trung tâm phát minh Element Six Innovation Center, cánh tay công nghệ của De Beers, tập đoàn khổng lồ kim cương điều hành rất nhiều hầm mỏ từ Nam Phi đến Bắc cực và tạo nên (đồng thời kiểm soát trong gần hết thế kỷ 20) thị trường kim cương toàn cầu và ru ngủ thế giới với khẩu hiệu “kim cương là vĩnh cửu”, hay “đã là nhẫn cưới thì phải có kim cương”.
Nhưng nay, thay vì tập trung sản xuất những công cụ như máy khoan dầu khí, máy bắn tia laser mạnh và hệ thống loa tuyệt hảo, các nhà khoa học làm việc tại Element Six của De Beers đã di chuyển vào một lãnh thổ mới trong những tháng gần đây: tấn công vào một thị trường rất hấp dẫn mà nó từng quay lưng: sản xuất kim cương nhân tạo dùng làm đồ trang sức.
Mới đây, De Beers đã giới thiệu Lighbox, một thương hiệu đồ trang sức chuyên bán những viên kim cương giá tương đối thấp nhưng sức cầu lớn hơn nhiều so với kim cương thật.
Không chỉ là nhẫn đính hôn mà còn có thể dùng làm quà tặng để trong chiếc hộp màu sắc bắt mắt. Đồ nữ trang đính kim cương nhân tạo có giá bán từ 200 USD cho 1/4 carat đến 800 USD cho một carat bán tại các cửa hàng quà biếu và trên mạng internet.
Rẻ và đẹp hơn các đối thủ khác
Dù kim cương nhân tạo do các công ty như Diamond Foundry do sản xuất tại Mỹ hay New Diamond Tochnology sản xuất tại Nga tốn kém ít hơn kim cương thiên nhiên từ 30 – 40% nhưng vẫn cao hơn 25% so với kim cương nhân tạo của Lightbox.
Bằng chiến lược hạ giá mạnh, rõ ràng De Beers muốn chiếm ưu thế trong thị trường kim cương nhân tạo nhưng vẫn không xem nhẹ doanh nghiệp lõi của nó là kim cương thiên nhiên.
“Các công ty lớn khai thác kim cương đã quan tâm hơn đến thị trường kim cương nhân tạo phục vụ số đông trong vài thập niên trở lại đây khi chất lượng của kim cương nhân tạo ngày càng cải thiện và chi phí sản xuất giảm dần nhờ cải tiến công nghệ” – nhà phân tích và tư vấn kim cương độc lập Paul Zimnisky nói.
De Beers (hiện kiểm soát 30% lượng kim cương thiên nhiên khai thác của thế giới, giảm nhiều so với 2/3 của năm 1998 và là chủ nhân của hai thương hiệu kim cương mịn De Beers và Forevermark) cho biết việc đi vào thị trường kim cương nhân tạo là do yêu cầu của khách hàng.
“Nghiên cứu thị trường cho thấy nhiều người yêu kim cương muốn chúng tôi chế tạo thứ mà các công ty khác chưa làm: kim cương nhân tạo chất lượng cao và rẻ với màu sắc đẹp” – Bruce Cleaver, Giám đốc điều hành của De Beers nói trong cuộc phỏng vấn điện thoại.
Bước chuyển này của De Beers là điều không ai nghĩ đến vì cách nay hai năm công ty còn nêu cao khẩu hiệu: “Đồ thực mới hiếm!” và mở chiến dịch chống lại việc khuyến khích dùng kim cương nhân tạo thay thế kim cương thật.
“Chúng tôi nhận thấy khách hàng rất tò mò về kim cương nhân tạo và tin rằng thị trường này không thể biến mất một sớm một chiều” – Zimnisky nói.
Chỉ có 16% người được hỏi xem kim cương tổng hợp giống kim cương thật
Có thành phần hóa học giống kim cương thiên nhiên (không mô phỏng như các đá quý khác), kim cương nhân tạo đã được dùng trong công nghiệp từ lâu.
Chính De Beers cũng nghiên cứu loại kim cương này trong 50 năm tại Element Six trước khi sản xuất thành công loại kim cương giả rẻ bằng hỗn hợp khí hydrocarbon trong lò phản ứng áp lực và nhiệt độ cực cao.
Hãy tưởng tượng trọng lượng tháp Effel đè lên một lon coca. Nhưng chỉ đến khi các đối thủ ở Silicon Valley kiếm được quá nhiều tiền từ thị trường kim cương tổng hợp, De Beers mới bắt đầu dòm ngó đến nó một cách nghiêm túc dù vẫn duy trì các mỏ kim cương thiên nhiên như Rio Tinto và Alrosa ở Nga.
Công ty cũng dùng phương pháp xử lý mới hơn gọi là C.V.D chỉ cần áp lực thấp trong lò chứa khí hydrocarbon để tạo ra kim cương.
Phương pháp mới rẻ hơn và dễ kiểm tra hơn phương thức cũ, đáp ứng được yêu cầu “sản xuất nhanh và rẻ” của thị trường.
“Tuy nhiên, đầu tư của chúng tôi vào kim cương nhân tạo vẫn còn nhỏ bé so với đầu tư vào kim cương thiên nhiên. Chúng tôi có thêm lợi thế về kiến thức và cơ sở hạ tầng như Element Six” – Cleaver nói.
Hiện De Beers đang xây dựng nhà máy sản xuất kim cương tổng hợp mới tại Gresham, bang Oregon với năng suất hơn nửa triệu carat kim cương hằng năm khi nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2020.
Vấn đề còn lại là sự chấp nhận của người dùng khi một cuộc thăm dò 2011 người lớn do hội các nhà sản xuất kim cương đặt hàng cho thấy có đến 68% người được hỏi không xem kim cương tổng hợp là kim cương tthật, chỉ có 16% đồng ý.
16% khác không chắc chắn lắm. De Beers hy vọng sản phẩm mới của nó sẽ thay đổi suy nghĩ này. Ngoài ra, sản xuất kim cương tổng hợp là vô giới hạn.
Sally Morrison, cầm đầu tiếp thị của Lightbox nói: “Sản phẩm của chúng tôi được nhiều khách hàng đánh giá cao”. Steve Coe, giám đốc điều hành Lightbox, nói thêm: “Kim cương tổng hợp không tốn kém như kim cương thiên nhiên”.
Nhà khoa học này đầu quân cho Lightbox cách nay 18 tháng và phụ trách bộ phận sáng tạo của Element Six.
- Xem thêm: 6 tuyệt tác mới của thế giới kim hoàn
“Mục tiêu của chúng tôi là trong vòng 5 năm nữa sẽ chiếm được sự hài lòng cao nhất của khách hàng đối những đồ trang sức dùng kim cương tổng hợp xuất xứ từ các lò chế tạo kim cương của chúng tôi” – ông nhấn mạnh.
Năm 2002 sau khi các hãng sản xuất thời trang như Dior và Chanel bắt đầu quan tâm nghiêm túc đến thị trường kim cương nhân tạo, De Beers hợp tác với LVMH thành lập liên doanh De Beers Diamond Jewelry (De Beers bị cấm bán hay phân phối trực tiếp kim cương đến Mỹ vì luật chống độc quyền). Năm 2017, De Beers mua 50% cổ phần do LVMH sở hữu để kiểm soát hoàn toàn liên doanh này.