Những người trẻ tuổi đang mất dần tình yêu với kim cương khai thác vì vấn đề môi trường và nhân đạo. Nhưng liệu những viên kim cương trồng trong phòng thí nghiệm có thể thay thế được kim cương khai thác trong tự nhiên?
Bên trong một cỗ máy
Billy Porter là một người đàn ông biết cách ứng phó với thời trang. Đến với sự kiện Met Gala 2019, ngôi sao “Pose” hóa trang thành thần Pharaoh Ra và được 6 người đàn ông cởi trần khiêng lên thảm đỏ, trong khi bộ quần áo đồng phục tại sự kiện Grammy 2020 của Porter bao gồm một chiếc mũ có viền màn pha lê đóng mở.
Sau đó, tại Lễ trao giải Oscar 2020, Porter đeo một chiếc vòng cổ đính 500 viên kim cương của nhà kim hoàn Anh Lark & Berry, trong khi biểu diễn hòa tấu với Janelle Monae. Nhưng những viên kim cương – hoàn mỹ như bất kỳ viên kim cương nào khác được đeo tại sự kiện đó – không được đào lên khỏi mặt đất mà chúng được trồng trong phòng thí nghiệm. Porter không phải là người nổi tiếng duy nhất đeo kim cương trồng trong phòng thí nghiệm.
Nữ công tước xứ Sussex được chụp ảnh đeo một đôi hoa tai từ thương hiệu Kimai của Hà Lan, Lady Gaga đeo hoa tai của nhà thiết kế Anabela Chan ở London tới buổi công chiếu A Star is Born (Một ngôi sao chào đời) ở Anh vào năm 2018, và những món trang sức của Chan cũng được Zo Kravitz chọn khi tham dự Met Gala 2019. Vào một buổi sáng tháng 1-2019, Meghan Markle xuất hiện trên đường phố London trên đường đến một cuộc họp.
Markle mặc một chiếc áo khoác và đi giày cao gót thông minh, nhưng không phải trang phục của cô khiến cả thế giới chú ý mà đó là một đôi bông tai nhỏ đính kim cương lấp lánh được “trồng” trong phòng thí nghiệm. Theo Sidney Neuhaus, chỉ mất 5 ngày để tạo ra những viên kim cương nhân tạo trang sức cho Markle. Có trụ sở tại Antwerp, thủ đô kinh doanh kim cương của thế giới, cả Markle và người đồng sáng lập Jessica Warch đều lớn lên trong “gia đình kim cương”.
Cha của Nauhaus sở hữu một cửa hàng trang sức kim cương và ông nội làm việc cho De Beers, tạo dựng sự nghiệp về kim cương sau Thế chiến thứ hai. Bất chấp lịch sử gia đình lừng lẫy của họ trong lĩnh vực thương mại, Neuhaus và Warch đã chọn loại bỏ kim cương tự nhiên vì lý do nhân đạo và môi trường khi khai thác chúng. Mua một viên kim cương không có tác động tiêu cực đến con người hoặc môi trường thường liên quan đến khai thác mỏ là điều hấp dẫn đối với bất kỳ ai quan tâm đến nguồn gốc của các mặt hàng xa xỉ.
Tuy nhiên, cũng như nhiều lĩnh vực, bao gồm cả thời trang, nơi mà những ý tưởng về những gì có và không có đạo đức ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng, tình hình không phải lúc nào cũng rõ ràng. Nhà kim hoàn từng đoạt giải thưởng Anabela Chan đã đến thăm một khu mỏ ở Sri Lanka cho biết: “Đó là một trải nghiệm thay đổi cuộc đời đối với tôi. Tôi bị sốc và đau buồn khi thấy điều kiện làm việc của mỏ, những rủi ro và sự bất bình đẳng liên quan đến việc khai thác những thứ quý giá như vậy. Tôi không thấy niềm vui cũng như sự lãng mạn, và là một nhà thiết kế trẻ, trải nghiệm đó thật đau lòng”.
- Xem thêm: Yêu kim cương nhân tạo vì môi trường
Sau đó, Chan quyết tâm tìm ra những vật liệu thay thế để làm ra những món đồ trang sức tuyệt đẹp của mình lấy cảm hứng từ thế giới tự nhiên. Chan là một trong số ít các nhà thiết kế tạo ra những món đồ trang sức đẹp mắt nhưng tránh xa những viên đá được khai thác trong tự nhiên vì chúng có thể có ý nghĩa đạo đức. Đồng sáng lập công ty Kimai, Sidney Neuhaus, giải thích: “Chúng tôi đã nghe nói về những viên kim cương giống hệt nhau được làm trong phòng thí nghiệm và coi đó là cơ hội của chúng tôi để mang lại sự minh bạch và đạo đức cho một ngành công nghiệp lâu đời”.
Kim cương trồng trong phòng thí nghiệm không phải là mới. Chúng xuất hiện từ thập niên 1940, mặc dù bước đột phá lớn là vào ngày 16.12.1954, khi General Electric (GE) sản xuất viên kim cương tổng hợp thành công về mặt thương mại đầu tiên – cho các ngành sản xuất và công nghệ. Những viên đá này có tất cả độ cứng và mức độ dẫn điện cao của kim cương được khai thác, nhưng vì chúng không được tạo ra để trang sức nên sự hoàn mỹ và màu sắc không phải là ưu tiên.
Chỉ trong thập niên 1970, các phòng thí nghiệm kim cương mới bắt đầu quan tâm đến việc cố gắng tạo ra những viên đá trông giống đá tự nhiên hơn. Cuối cùng, vào thập niên 1980, các quy trình trong phòng thí nghiệm đã trở nên đủ tinh tế để đầu ra có thể cạnh tranh với đá khai thác khi nói đến 4 tiêu chuẩn nổi tiếng để định giá và lựa chọn một viên kim cương: cắt, độ trong, màu sắc và carat.
Thế hệ Millennials (thế hệ Y, sinh từ năm 1980 đến 1998, chiếm 32% dân số thế giới) và bây giờ là Thế hệ Z – những người mua kim cương để làm nhẫn đính hôn – đang rời xa kim cương tự nhiên, với gần 70% thế hệ millennials đang cân nhắc mua một loại thay thế được “trồng” trong phòng thí nghiệm. Thế hệ Z là những người trẻ sinh ra giai đoạn 1996-2005, còn được gọi là thế hệ kết nối, sẽ quyết định tương lai tiêu dùng của nền kinh tế.
Vậy kim cương được “trồng” trong phòng thí nghiệm là gì và chúng có thực sự là một giải pháp thay thế bền vững hơn cho kim cương khai thác truyền thống? Đầu tiên, viên kim cương được trồng trong phòng thí nghiệm – về mặt hóa học, vật lý và quang học – giống hệt viên kim cương được khai thác trong tự nhiên. Đương nhiên kim cương tự nhiên được hình thành từ 1 tỷ đến 3 tỷ năm trước vào thời điểm hành tinh của chúng ta nóng hơn hiện nay. Kim cương trồng trong phòng thí nghiệm cũng được tạo ra bằng cách sử dụng áp suất và nhiệt độ cực cao, nhưng bên trong một cỗ máy chứ không phải ruột Trái đất. Có 2 cách để trồng một viên kim cương.
Cả 2 đều liên quan đến việc bắt đầu với “hạt giống” của một viên kim cương tự nhiên khác. Viên kim cương phòng thí nghiệm đầu tiên được tạo ra bằng kỹ thuật áp suất dưới nhiệt độ cao (HPHT) – 1 tinh thể hạt carbon được đặt bên trong 1 thiết bị áp suất đặc biệt cùng với 1 dung môi kim loại khác. Dưới áp suất lớn với nhiệt độ khoảng 1.500 độ C, tinh thể kim loại sẽ nóng chảy và hòa tan vào tinh thể carbon để tạo thành kim cương. Mới đây, dự án khởi nghiệp Diamond Foundry tại Santa Clara tuyên bố họ có thể trồng được kim cương trong phòng thí nghiệm với chất lượng cao tương đương kim cương tự nhiên – một cách khác để nuôi cấy kim cương được gọi là lắng đọng hơi hóa học (CVD).
Điều này liên quan đến việc đặt hạt giống vào một buồng kín chứa đầy khí giàu carbon và hydro rồi gia nhiệt đến khoảng 800 độ C. Trong những điều kiện này, các chất khí bắt đầu “dính” vào hạt, tạo ra một nguyên tử carbon trong kim cương. Công nghệ đằng sau kim cương trong phòng thí nghiệm đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong những năm gần đây, cho phép các công ty phát triển kim cương chất lượng cao hơn nhanh hơn và rẻ hơn.
Nó có nghĩa là sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các công ty kim cương trong phòng thí nghiệm và kim cương khai thác. Ngày nay, chi phí từ 300 đến 500 USD mỗi carat để sản xuất một viên kim cương CVD được trồng trong phòng thí nghiệm, so với mức 4.000 USD mỗi carat vào năm 2008 – theo một báo cáo do Trung tâm Kim cương thế giới Antwerp (AWDC) ủy quyền. Kim cương được trồng trong phòng thí nghiệm đang là xu hướng phát triển nhanh chóng trong ngành.
Những người mua kim cương trẻ bị thu hút bởi giá cả, tính minh bạch và vì lý do bảo vệ môi trường, với phân khúc thị trường này tăng từ 15% đến 20% hàng năm – theo báo cáo của AWDC. Sự tăng trưởng dự kiến sẽ tiếp tục khi nhiều nhà kim hoàn bắt đầu bán kim cương trong phòng thí nghiệm và nhiều phòng thí nghiệm hơn được đưa vào hoạt động. Mặc dù giống hệt kim cương tự nhiên nhưng kim cương nhân tạo lại có giá thấp hơn kim cương tự nhiên tới 30-40%.
Kim cương trồng trong phòng thí nghiệm vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường, lại đảm bảo môi trường tự nhiên không bị ô nhiễm trong quá trình khai thác. Công ty Heyaru Engineering (có trụ sở tại Lommel, Bỉ) đã phát triển thành công công nghệ cho phép sản xuất kim cương tổng hợp có cấu trúc tương tự kim cương tự nhiên.
Theo Giáo sư vật lý Ken Haenen Đại học Hasselt (Bỉ), kim cương tổng hợp do Heyaru Engineering sản xuất không khác gì kim cương tự nhiên và ngay cả nhiều chuyên gia về kim cương cũng không thể phân biệt được hai loại kim cương này. Giáo sư cho biết các thành phần hóa học cũng như đặc tính quang học của kim cương nhân tạo do Engineering sản xuất tương tự kim cương tự nhiên. Hiện kim cương nhân tạo chiếm chỉ chiếm 2% thị trường trang sức thế giới, song kim cương còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau.
Vấn đề môi trường
Nhưng kim cương trong phòng thí nghiệm không phải là không có lỗi. Sự thiếu minh bạch rõ rệt khiến việc tìm kiếm nguồn dữ liệu chính xác trở nên khó khăn để so sánh dấu vết carbon của kim cương khai thác và kim cương trong phòng thí nghiệm, nhưng năng lượng cần thiết để tạo ra một viên kim cương trong phòng thí nghiệm là rất đáng kể.
Một báo cáo về chủ đề này, được ủy quyền bởi Hiệp hội các nhà sản xuất kim cương (DPA), cho thấy rằng lượng khí thải nhà kính do khai thác kim cương tự nhiên tạo ra ít hơn 3 lần so với lượng khí thải tạo ra khi trồng kim cương trong phòng thí nghiệm. Điều đáng chú ý là DPA đại diện cho 7 công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới – bao gồm De Beers, Alrosa và Rio Tinto.
Tuy nhiên, một số công ty sản xuất kim cương trong phòng thí nghiệm được Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cảnh báo rằng hãy cẩn thận khi tự thể hiện mình là “thân thiện với môi trường” mà không có bằng chứng để chứng minh những tuyên bố này. Các công ty bao gồm Ada Diamonds và Diamond Foundry ở San Francisco bang California (Mỹ) cũng nằm trong số đó. Tuy nhiên, Diamond Foundry nói rằng công ty được chứng nhận là không có carbon bởi đối tác bên thứ ba Natural Capital Partners và chỉ sử dụng năng lượng tái tạo.
Số liệu do Diamond Foundry công bố cho rằng tổng lượng dấu vết môi trường trong kim cương được khai thác trong môi trường cao hơn nhiều so với kim cương trong phòng thí nghiệm. “Để khai thác một viên kim cương dưới lòng đất cần nhiều năng lượng hơn so với việc tạo ra một viên kim cương trên mặt đất… Trên hết, năng lượng được sử dụng trong khai thác mỏ nói chung là dầu diesel bẩn so với năng lượng tái tạo sử dụng trong sản phẩm trên mặt đất của chúng ta”, một blog trên trang web của công ty cho biết. Ước tính có khoảng 250 tấn đất được dịch chuyển cho mỗi carat kim cương.
Nói chung, 148 triệu carat đã được khai thác vào năm 2018. Thật vậy, một số mỏ hiện nay khổng lồ đến mức chúng có thể được nhìn thấy từ không gian bằng vệ tinh Terra của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). Một báo cáo năm 2014 của công ty tư vấn Frost & Sullivan cũng chỉ ra rằng kim cương được khai thác cần gấp đôi năng lượng trên mỗi carat so với những viên kim cương được trồng trong phòng thí nghiệm.
Người ta ước tính rằng 57kg carbon thải vào khí quyển cho mỗi carat được khai thác, nhưng những viên kim cương được trồng trong phòng thí nghiệm được tuyên bố chỉ giải phóng nhiều hơn vài gram, nhưng số người trong ngành đã nghi ngờ về độ tin cậy của báo cáo. Các nhà nghiên cứu tại Anglo American, công ty mẹ của De Beers, cũng đang thực hiện một dự án nhằm giảm lượng khí thải carbon của kim cương khai thác bằng cách thu giữ carbon dioxide bên trong một loại đá có tên là kimberlite (tên loại đá này được đặt theo tên thị trấn Kimberley ở Nam Phi, đây là nơi phát hiện ra viên kim cương có kích thước 83,5 carat năm 1871).
Được dẫn dắt bởi nhà địa chất học Evelyn Mervine của công ty, họ đã và đang phát triển một quy trình được gọi là “carbon hóa khoáng” như một cách để giảm thiểu lượng khí thải nhà kính phát sinh từ quá trình khai thác. Nhưng tác hại môi trường do khai thác kim cương còn đi xa hơn và không chỉ đơn giản là lượng khí thải carbon của nó. Khai thác kim cương có liên quan đến ô nhiễm nguồn nước của người dân địa phương do hệ thống thoát nước của mỏ axit.
Điều này xảy ra khi các khoáng chất từ đá được khai thác thấm vào nguồn nước. Đại học Waterloo ở Canada mô tả nó là “một trong những ngành công nghiệp khai thác có trách nhiệm môi trường hàng đầu”. Mặc dù hệ thống thoát nước mỏ axit không phải là vấn đề riêng đối với ngành công nghiệp kim cương – nó cũng xảy ra ở nhiều mỏ kim loại và than – các nhà nghiên cứu Đại học Waterloo đã làm việc với mỏ đá quý kim cương Diavik ở Lãnh thổ Tây Bắc của Canada để giảm ô nhiễm từ đá thải.
Khai thác cũng đã gây ra sự phá hủy môi trường sống ở Canada và hơn thế nữa. Vào năm 2016, tờ The Wall Street Journal đưa tin rằng De Beers đã giết chết hơn 18.000 con cá khi rút hết nước một con hồ Canada để khai thác kim cương. Tại Ấn Độ, các mỏ kim cương được cho là nguyên nhân khiến các quần thể hổ có nguy cơ tuyệt chủng cao chịu thêm áp lực.
Vì vậy, trong khi cả ngành công nghiệp kim cương trong phòng thí nghiệm và kim cương khai thác đều không hoàn hảo, cái giá môi trường lớn hơn từ công nghiệp khai thác kim cương trong tự nhiên. Thật vậy, cựu giám đốc điều hành của Tiffany, Michael J. Kowalski, đã viết trong một bài báo trên tờ New York Times năm 2015, “rất ít ngành công nghiệp trên thế giới có dấu ấn về môi trường và xã hội lớn hơn khai thác mỏ”.
Vấn đề nhân đạo
Thật vậy, những tác hại về môi trường và nhân đạo từ việc khai thác kim cương gắn bó chặt chẽ với nhau. Một số mỏ kim cương thuê thợ mỏ với mức lương thấp trong điều kiện không an toàn. Ngay cả những viên kim cương được khai thác theo Quy trình Kimberley, (được thiết lập vào đầu những năm 2000 để giảm việc buôn bán kim cương xung đột) cũng có thể có nguồn gốc không rõ ràng.
Một nữ thành viên trong nhóm xử lý xung đột tại tổ chức phi chính phủ Global Witness tuyên bố có nhiều lỗ hổng trong quá trình này. Người này nói: “Định nghĩa về một ‘viên kim cương xung đột’ như Quy trình Kimberley nhìn nhận thì nó là một viên kim cương đang tài trợ cho một nhóm vũ trang đang cố gắng lật đổ một chính phủ hợp pháp. Nhưng trong những năm qua, mối liên hệ giữa kim cương được khai thác và việc vi phạm nhân quyền đã phát triển vượt xa định nghĩa đó.
Quy trình Kimberley đã không theo kịp”, bà nói thêm. Người này đưa ra một ví dụ về một phát hiện ngoạn mục về kim cương ở Zimbabwe vào giữa thập niên 2000 đã dẫn đến cái chết của hàng trăm thợ mỏ. Theo báo cáo của Global Witness, những viên kim cương được tìm thấy ở đây được giao dịch ở Antwerp và Dubai, “lưu hành tự do trên thị trường quốc tế”.
Xa hơn nữa trong chuỗi cung ứng, mọi thứ vẫn còn tồi tệ hơn, vì một khi một viên đá được cắt và đánh bóng, nó không còn được theo dõi bởi Quy trình Kimberley. Kim cương đi qua nhiều trung tâm giao dịch trên hành trình của chúng từ mỏ đến cửa hàng và thường bị trộn lẫn với kim cương từ các quốc gia xuất khẩu khác. Kết quả là ngay cả trong số những viên kim cương có chứng nhận Quy trình Kimberley, nhiều công ty không thể tìm được quốc gia gốc của những viên kim cương.
- Xem thêm: 6 tuyệt tác mới của thế giới kim hoàn
Một báo cáo năm 2018 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nơi đã điều tra các công ty kim hoàn lớn bao gồm Buglari, Pandora, Cartier và Tiffany & Co, cho biết: “Không công ty nào có thể xác định chính xác nguồn gốc xuất xứ mỏ khai thác kim cương của họ”. Nhưng cũng có lo ngại rằng nhu cầu về kim cương trong phòng thí nghiệm có thể tước đoạt việc làm của các nước đang phát triển giàu tài nguyên.
Brad Brooks-Rubin, cố vấn đặc biệt trước đây về kim cương xung đột của Bộ Ngoại giao Mỹ (DOS) và hiện là giám đốc điều hành tại Dự án Sentry/Enough (một tổ chức nhằm mục đích chấm dứt hành động tàn bạo hàng loạt ở các khu vực xung đột chết người nhất ở châu Phi) đặt câu hỏi, “Liệu có phải là đạo đức khi điều hướng mọi người tránh xa việc mua kim cương khai thác từ các nước đang phát triển, những nơi mà hơn triệu người trở lên kiếm sống nhờ vào khai thác tài nguyên?” Các câu hỏi nhân đạo xung quanh kim cương trong phòng thí nghiệm và kim cương được khai thác vẫn còn bí ẩn.
Kim cương làm đồ trang sức chỉ chiếm 30% thị trường, phần còn lại được bán để sử dụng trong việc khoan, cắt và mài. Trong lĩnh vực này, kim cương trong phòng thí nghiệm thực sự có thể được sử dụng vì lợi ích môi trường. Một trong những công dụng công nghiệp của chúng là khử trùng các nguồn nước ô nhiễm. Điều này được thực hiện bằng cách bổ sung khoáng chất boron trong quá trình nuôi cấy kim cương để tạo ra “kim cương pha tạp boron” có thể dẫn điện.
Bằng cách tác động dòng điện vào kim cương, nó sẽ oxy hóa các hợp chất hữu cơ độc hại trong một quá trình gọi là “khoáng hóa” biến chúng thành dạng phân hủy sinh học. Jason Payne, giám đốc điều hành Ada Diamonds, lập luận rằng kim cương trồng trong phòng thí nghiệm cũng có thể làm giảm đáng kể dấu vết carbon trong hệ thống thông tin liên lạc và vận tải. Lý do khiến kim cương trong phòng thí nghiệm có lợi thế hơn kim cương khai thác ở đây là do độ tinh khiết và độ cứng của chúng – những viên kim cương trồng trong phòng thí nghiệm được tìm thấy có độ bền gấp 10 lần kim cương tự nhiên.
Payne nói: “Một viên kim cương là chất bán dẫn cuối cùng được biết đến… vượt trội hơn nhiều so với silicon hoặc các vật liệu khác. Sử dụng kim cương phòng thí nghiệm trong các bóng bán dẫn làm giảm năng lượng bị mất do nhiệt khi điện được dẫn từ nhà máy điện đến các thiết bị như điện thoại di động khi nó được sạc. Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) báo cáo rằng các thành phần làm từ kim cương giúp giảm những tổn thất này lên đến 90%.
Một lớp kim cương mỏng cũng được chứng minh là có thể giảm ma sát trong các bộ phận cơ khí chuyển động, từ cối xay gió đến ô tô. Hãng ô tô Nhật Bản Nissan báo cáo mức giảm ma sát giữa các bộ phận động cơ khoảng 40% khi sử dụng màng kim cương. Ngược lại với kim cương trong phòng thí nghiệm, kim cương khai thác trong tự nhiên “không có độ tinh khiết cần thiết cho nhiều ứng dụng này”, Payne lập luận.
Ảo ảnh kim cương
Lý do khiến nhiều người trong chúng ta vô cùng yêu thích kim cương bắt nguồn từ một chiến dịch quảng cáo thông minh do De Beers tung ra vào năm 1947. Công ty đã thay đổi văn hóa mãi mãi khi thuyết phục chúng ta rằng “một viên kim cương là mãi mãi”, và một chiếc nhẫn kim cương là một sự tinh túy. Ý tưởng rằng kim cương rất hiếm cũng là một ảo tưởng tiếp thị được tô vẽ cẩn thận. Trên thực tế, nguồn cung kim cương quá mức gần đây đã dẫn đến suy đoán rằng De Beers sẽ giảm số lượng người mua theo hợp đồng.
Nhưng khi kim cương trong phòng thí nghiệm ngày càng phổ biến, nỗ lực đổi thương hiệu thông thường dường như không hiệu quả đối với kim cương đã khai thác. Ngành công nghiệp này phải đối mặt với các vấn đề về cung vượt cầu và sụt giảm nhu cầu trên toàn cầu – đặc biệt là ở Trung Quốc, thị trường kim cương lớn thứ hai thế giới, nơi doanh số bán hàng giảm 5% trong năm 2019. Người khổng lồ kim cương De Beers gần đây đã tuyên bố cắt giảm sản lượng 15% từ cuối năm 2019 do mức tiêu thụ quá yếu.
Khi tính bền vững về môi trường và phúc lợi xã hội tăng lên trong chương trình nghị sự của người tiêu dùng, Neuhaus đã nhận thấy sự thay đổi trong bầu không khí ở Antwerp. “Khi tôi còn trẻ [Antwerp] rất năng động. Kinh doanh phát đạt cho tất cả mọi người. Bây giờ khi tôi quay lại, bạn có thể cảm thấy tâm trạng khác… có ít tiền hơn trước”.
Câu chuyện của Neuhaus về việc tách khỏi công việc kinh doanh truyền thống của gia đình mình để sang thế giới công nghệ cao hơn của những viên kim cương trồng trong phòng thí nghiệm là biểu tượng cho sự thay đổi này. Với những khách hàng như Meghan Markle, công việc kinh doanh kim cương trong phòng thí nghiệm của Neuhaus đang phát đạt. Khi nói đến đồ trang sức, Neuhaus nói rằng giá trị thực của những viên kim cương, được khai thác hoặc trồng trong phòng thí nghiệm, không thực sự nằm ở giá cả hay độ hiếm mà “nó còn có giá trị cảm xúc”.