Một bệnh viện tư đang chạy chiến dịch quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội giới thiệu kỹ thuật xét nghiệm kháng thể IgG trong huyết thanh giúp phát hiện sớm và điều trị khỏi hẳn vi khuẩn Helicobacter pylori (H.pylori) gây ung thư dạ dày. Thông tin này khiến nhiều bác sĩ lo ngại vì gây ra cách hiểu chưa chuẩn xác về mối nguy hiểm của H.pylori. Chúng tôi ghi nhận ý kiến chuyên môn để làm rõ.
TS-BS. Vũ Trường Khanh (Phó chủ tịch Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam; Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa gan – mật bệnh viện Bạch Mai), kể: “Nhiều người được chẩn đoán nhiễm H.pylori bằng các phương pháp khác nhau khi đến chúng tôi khám bệnh đã rất lo lắng. Trong số đó có những người từng nghe bác sĩ giải thích H.pylori gây loét dạ dày tá tràng, đặc biệt ung thư dạ dày. Thế nhưng, sau khi nhận đơn thuốc để diệt trừ H.pylori mà không hiệu quả, thì cũng chính bác sĩ đó lại nói “không sao đâu, cứ để vậy!”.
H.pylori gây bệnh gì?
Theo BS. Khanh, cho đến nay việc biết chính xác nhiễm H.pylori như thế nào vẫn chưa rõ.
Ghi nhận H.pylori lây truyền từ người này sang người khác qua con đường trực tiếp miệng – miệng và lây truyền qua phân, do thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm bẩn. Có trên 80% người nhiễm H.pylori không có triệu chứng cũng như không có biến chứng. Trong suốt cuộc đời một người nhiễm H.pylori mà không điều trị, khoảng 10 – 20% có khả năng bị loét dạ dày tá tràng và 1 – 2% có khả năng bị ung thư dạ dày. H.pylori có thể gây ra các bệnh sau:
Viêm cấp tính niêm mạc dạ dày: Phần lớn bệnh nhân khi mới nhiễm H.pylori không có triệu chứng, chỉ số ít người trong giai đoạn nhiễm cấp tính có biểu hiện lâm sàng như đầy bụng, buồn nôn, chán ăn… Trên hình ảnh nội soi có thể thấy viêm niêm mạc một phần hoặc toàn bộ niêm mạc dạ dày. Cũng có khi tự khỏi hoặc chuyển sang viêm mạn tính niêm mạc dạ dày.
Viêm mạn tính niêm mạc dạ dày: Sau giai đoạn viêm cấp lâu dài sẽ gây viêm mạn tính. Khi đó có thể viêm teo chủ yếu tại vùng hang vị dạ dày hoặc viêm teo từ hang vị lan lên thân vị và nếu viêm nặng có thể viêm teo toàn bộ niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên, viêm mạn tính niêm mạc dạ dày không chỉ do H.pylori mà còn có các nguyên nhân khác như viêm niêm mạc dạ dày tự miễn…
Ung thư dạ dày: Năm 1994 Tổ chức Y tế Thế giới chính thức xếp vi khuẩn H.pylori là nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Nhiễm H.pylori gây ra viêm mạn tính tại niêm mạc dạ dày. Viêm lâu ngày làm giảm và mất các tuyến bình thường của dạ dày, thay thế vào đó là tổ chức xơ hay còn gọi viêm teo; niêm mạc bình thường thay thế bằng biểu mô niêm mạc ruột hay còn gọi dị sản ruột. Tình trạng viêm teo niêm mạc dạ dày và dị sản ruột gặp khoảng 50% số trường hợp nhiễm H.pylori. Chính viêm teo mạn tính nặng và dị sản ruột dẫn tới ung thư dạ dày. Diệt H.pylori sẽ làm giảm nhưng không làm mất hoàn toàn nguy cơ ung thư dạ dày.
Một người nhiễm H.pylori có viêm teo hoặc dị sản ruột mà chủ quan nghĩ đã diệt H.pylori nên không cần soi dạ dày theo dõi thì vẫn bị ung thư dạ dày và thường phát hiện ung thư khi bệnh ở giai đoạn muộn. Mức độ viêm teo niêm mạc dạ dày và dị sản ruột phụ thuộc quá trình viêm hoạt động nhiều hay ít, mà mức độ viêm này phụ thuộc bản thân người bệnh và độc lực của H.pylori, có nghĩa là ung thư dạ dày còn phụ thuộc bản thân người bệnh và độc lực của chủng vi khuẩn H.pylori. Điều này lý giải tại sao không phải ai nhiễm H.pylori cũng bị ung thư dạ dày.
Loét dạ dày tá tràng: Là khi ổ loét có kích thước từ 0,5 cm trở lên. Loét dạ dày tá tràng hay gây biến chứng chảy máu, có thể tái phát nhiều lần. Điều trị diệt H.pylori giúp ngăn ngừa loét dạ dày tá tràng tái phát và chảy máu tái phát…
U lympho B lớp niêm mạc dạ dày: Nhiễm H.pylori có thể gây ra ung thư lympho bào B tại biểu mô niêm mạc dạ dày. Khoảng 60-80% ung thư loại này sẽ thoái triển và khỏi hoàn toàn sau diệt H.pylori…
Chứng khó tiêu chức năng: Do nhiều nguyên nhân gây ra với biểu hiện đau vùng thượng vị, có thể nóng rát vùng thượng vị, ăn nhanh no, đầy bụng vùng thượng vị sau ăn làm cho bệnh nhân có cảm giác nặng bụng hoặc ấm ách sau ăn…; các triệu chứng này giảm sau ăn khoảng 30 phút – 2 giờ. Trong một số bệnh nhân bị chứng khó tiêu chức năng mà có nhiễm H.pylori, các triệu chứng có thể giảm sau khi diệt H.pylori, tuy nhiên tỷ lệ không cao.
Một số bệnh ngoài đường tiêu hóa: Nhiễm H.pylori cũng làm tăng xuất hiện một số bệnh như giảm tiểu cầu chưa rõ nguyên nhân, bệnh lý mạch vành, đau nửa đầu…
Khi nào cần diệt H.pylori?
BS. Khanh cho biết có nhiều cách phát hiện nhiễm H.pylori: nội soi dạ dày (sinh thiết cấy tìm H.pylori, làm xét nghiệm giải phẫu bệnh tìm H.pylori, làm test nhanh urease,…); phương pháp không cần nội soi dạ dày (test thở C13, C14, xét nghiệm kháng thể IgG trong huyết thanh, xét nghiệm kháng nguyên vi khuẩn H.pylori trong phân…). Tổ chức Tiêu hóa Thế giới khuyến cáo dùng hai phương pháp trong khám và điều trị H.pylori: test thở C13, C14 và làm test nhanh urease.
“Hiện nay một số đơn vị khám chữa bệnh sử dụng xét nghiệm máu tìm kháng thể IgG trong huyết thanh để phát hiện nhiễm H.pylori là không chính xác, gây lãng phí. Vì nếu xét nghiệm thấy có kháng thể trong máu (dương tính) thì chỉ biết đã từng nhiễm chứ không chắc chắn hiện tại có nhiễm H.pylori hay không. Hơn nữa sau khi điều trị diệt hoàn toàn H.pylori thì kháng thể IgG vẫn tồn tại trong máu rất lâu nên không cho biết bệnh nhân còn hay hết vi khuẩn H.pylori”, BS. Khanh lưu ý.
Theo khuyến cáo của thế giới, những trường hợp nhiễm H.pylori sau đây cần điều trị diệt trừ: loét dạ dày; loét hành tá tràng; chứng khó tiêu (đầy bụng sau ăn, ăn nhanh no, nóng rát vùng thượng vị, đau vùng thượng vị); thiếu máu thiếu sắt; xuất huyết giảm tiểu cầu không rõ căn nguyên; ung thư dạ dày muộn đã phẫu thuật; ung thư dạ dày sớm được cắt hớt hoặc cắt tách niêm mạc qua nội soi; có bố, mẹ, anh em ruột bị ung thư dạ dày; khối u dạ dày (adenoma, polyp tăng sản, đã cắt hớt niêm mạc); viêm teo toàn bộ niêm mạc dạ dày; người làm ở môi trường có nguy cơ ung thư dạ dày (khai thác than, quặng…). Ngoài ra, mặc dù sau khi đã được bác sĩ giải thích kỹ mà người bệnh quá lo lắng về nhiễm thì cũng có thể cân nhắc diệt H.pylori.
Thận trọng khi chỉ định diệt H.pylori
BS. Khanh cho biết tỷ lệ nhiễm H.pylori của Việt Nam chiếm trên 70% dân số, tỷ lệ tái xuất hiện H.pylori cũng rất cao: trung bình 11 tháng sau diệt, H.pylori tái xuất hiện trong dạ dày khoảng 23,5%. Mặt khác, tình trạng H.pylori kháng kháng sinh tại Việt Nam cũng đang báo động.
Trước đây, H.pylori rất nhạy cảm với kháng sinh nên dễ tiêu diệt, vào những năm 1990 đến năm 2000 tỷ lệ diệt trừ thành công H.pylori với chỉ 2 trong 3 kháng sinh như: amocixillin, clarithromycin và metronidazol có thể cho hiệu quả trên 90% thậm chí > 95% chỉ với 7 ngày điều trị.
Ngày nay, tình hình kháng kháng sinh tại Việt Nam rất cao: trung bình amocixillin 24,9%, clarithromycin 34,1% (có nghiên cứu là 85,5%), metronidazole 69,4% (có nghiên cứu là 95,5%), levofloxacin 27,9%, tetraxycline17,9% và đồng thời kháng nhiều loại kháng sinh trung bình là 47,4%…
Ung thư dạ dày có hai loại: ung thư vùng tâm vị và đoạn cuối thực quản ít liên quan tới nhiễm H.pylori, còn loại ung thư không phải tâm vị (đây cũng là loại hay gặp hơn so với ung thư tâm vị) có liên quan đến nhiễm H.pylori. Mặc dù nước ta nhiễm H.pylori hàng đầu thế giới nhưng tỷ lệ ung thư dạ dày chỉ đứng thứ 10 thế giới. Ung thư dạ dày hình thành là hậu quả tác động giữa cơ thể con người và môi trường, không chỉ do vi khuẩn H.pylori mà còn do nhiều yếu tố tác động như chế độ ăn nhiều muối…
“Do đó, cần có chỉ định đúng với điều trị H.pylori, không nên lạm dụng. Chỉ diệt khi cần thiết để tránh lãng phí, đồng thời tránh gây tình trạng kháng kháng sinh chéo từ người này sang người khác, dẫn tới khi cần diệt trừ H.pylori thì kháng sinh không còn hiệu quả”, BS. Khanh khuyến cáo.