Năm 2016 đang đi qua khá thành công, với gần nửa năm VN-Index duy trì ở vùng giá cao hơn 15% so với thời điểm cuối năm 2015 (580 điểm). Không những thế, chỉ số này còn thiết lập đỉnh mới sau hơn tám năm (gần 690 điểm) và vẫn đang ở trên mốc 660 điểm. Nhiều phân tích lạc quan trước đó mạnh dạn dự báo VN-Index sẽ vượt qua 700 điểm trong năm nay, nhưng thực tế đang cho thấy không dễ để có kết quả tốt đẹp như vậy.
Lần gần nhất mà VN-Index tăng điểm mạnh trong tháng 12 xảy ra cách nay bốn năm. Còn thì đa phần giao dịch của thị trường chứng khoán trong tháng cuối năm khá trầm lắng, cùng với sự đi xuống của điểm số. Hoạt động mua bán cũng như tâm lý “giãn ra” nhà đầu tư trong nước thường là nguyên nhân chính cho tình trạng này của thị trường. Dù cuối năm thường là mùa cao điểm cho vay của các ngân hàng thương mại, thì lượng tiền chủ yếu chỉ đổ vào khu vực tiêu dùng và hoạt động sản xuất – kinh doanh, chứ không tập trung cho thị trường chứng khoán. Đặc biệt, năm nay Tết Âm lịch đến sớm, càng khiến cho nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân cũng như doanh nghiệp trở nên cấp bách hơn, dòng tiền đầu tư bị chia sẻ, có thể khiến cho “điệp khúc buồn” giảm điểm lặp lại trên thị trường chứng khoán.
Áp lực cho thị trường trong năm nay còn đến từ phía nhà đầu tư nước ngoài, khi ngay từ nửa cuối tháng 11, trạng thái của khối ngoại đã nghiêng hẳn về bán ròng. Sau một tuần bán ròng mạnh (hơn 610 tỉ đồng) là một tuần cuối tháng 11 bán còn mạnh hơn (trên 810 tỉ đồng) trên cả hai sàn. Nhiều cổ phiếu từng được khối ngoại ưa thích trước đó đã bị bán ra, từ “cổ phiếu vua” VNM cho đến HPG, VIC, DPM, PVD… Cũng có thể đó là hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư ngoại nhằm “gom tiền” chuẩn bị cho những hàng hóa mới hấp dẫn sắp lên sàn. Nhưng có khả năng động thái bán ròng của khối ngoại là do phòng ngừa khả năng lãi suất của đồng USD sẽ tăng vào cuối năm nay. Sức ép này cộng thêm với việc chứng khoán Mỹ tăng giá khiến cho đồng USD trở nên hấp dẫn, tạo sức hút dòng vốn từ bên ngoài chảy về nước Mỹ. Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đã có tuần tăng mạnh thứ ba liên tiếp, càng tạo động lực cho hoạt động rút vốn của khối ngoại tại các thị trường mới nổi trong đó có nước ta. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chính thức nâng lãi suất đồng USD trong cuộc họp vào tháng 12, áp lực bán ròng của khối ngoại sẽ lớn hơn nữa. Còn nhớ, trong lần lãi suất đồng USD tăng gần nhất vào cuối năm ngoái, dòng tiền ngoại đã bị ảnh hưởng mạnh, với tổng giá trị bán ròng trong giai đoạn này lên tới hơn 200 triệu USD, cũng là lúc chỉ số VN-Index giảm mạnh.
Sự cộng hưởng không tích cực của dòng tiền từ cả trong lẫn ngoài nước khiến cho nỗ lực tăng điểm của VN-Index trở nên khó khăn. Không chỉ vì dòng tiền thiếu hụt, bởi theo đánh giá của nhiều người, nguồn tiền chưa vào cuộc vẫn còn rất đáng kể, mà ở đây là vấn đề tâm lý nhà đầu tư. Một khi có nhiều người cùng nhận định rằng thị trường có thể gặp khó, không nên mở rộng vị thế mua, ưu tiên nắm giữ tiền mặt…, thì thị trường rất có khả năng đi xuống. Dòng tiền bắt đáy có thể giúp chỉ số không giảm quá sâu ở những phiên điều chỉnh, nhưng cũng khó giúp thị trường bật mạnh ở những phiên giao dịch hào hứng. Cũng có một số cổ phiếu, nhóm cổ phiếu nhận được thông tin hỗ trợ có thể đi ngược xu hướng này. Chẳng hạn, nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ tăng điểm nếu kết quả từ cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) diễn ra trong tuần 28-11 đến 2-12 có lợi cho giá dầu thế giới. Vấn đề là nhà đầu tư có sẵn sàng để mạo hiểm?
- Ngọc Khang