Gần 6 năm sau ngày GS. Trần Văn Khê qua đời, mới đây Quỹ Học bổng mang tên ông đã chính thức được thành lập. Sự kiện này càng thêm ý nghĩa trong bối cảnh năm 2021 diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố GS-TS. Trần Văn Khê (24/7/1921 – 24/7/2021)
Cuối cùng thì sau gần 6 năm kể từ ngày GS. Trần Văn Khê từ giã cõi tạm, mới đây quỹ học bổng mang tên ông đã chính thức được UBND TP.HCM cấp phép thành lập và hoạt động. Việc này càng có ý nghĩa hơn khi năm 2021 đánh dấu 100 năm ngày sinh vị giáo sư tài ba, người con ưu tú đã làm rạng danh đất nước.
Hiện thực hóa di nguyện của GS. Trần Văn Khê
Trước khi mất (ngày 24/6/2015), GS. Trần Văn Khê đã để lại di nguyện, trong đó có việc thành lập quỹ học bổng để khuyến khích những học sinh, những nhà nghiên cứu và nghệ sĩ có thành tựu xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, phát huy giá trị nghệ thuật dân tộc truyền thống Việt Nam.
Sau một thời gian dài tìm kiếm nguồn lực, từ năm 2019, Nhóm thân hữu Trần Văn Khê (TS. Trần Quang Hải, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà báo Nguyễn Thế Thanh, ông Hồ Thủy Tinh, TS. Nguyễn Nhã, doanh nhân Lê Quốc Ân, ông Trần Bá Thùy, bà Lê Ngọc Hân) đã nhận được sự hợp tác tâm huyết và mạnh mẽ của Ban lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang. Theo đó nhà trường chịu trách nhiệm thành lập Quỹ Học bổng theo di nguyện của cố GS. Trần Văn Khê.
Sau 4 lần điều chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan chức năng, tháng 3/2021, Quỹ Học bổng Trần Văn Khê đã danh chính ngôn thuận ra đời trong sự vui mừng của những người yêu quý ông. Dù muộn nhưng đây là một việc làm rất có ý nghĩa.
Đáng nói, dù điều kiện đi lại khó khăn cách trở, lại thêm dịch bệnh, song các hoạt động của Quỹ Trần Văn Khê từ khi khởi động cho đến nay luôn có sự đồng hành của GS-TS. Trần Quang Hải, con trai ông (đang sinh sống tại Pháp). Nhân dịp Quỹ được chính thức thành lập, GS-TS. Trần Quang Hải đã có thư gửi Ban lãnh đạo Quỹ bày tỏ lòng cảm ơn đối với tất cả những người đã quan tâm góp sức hình thành Quỹ, thực hiện được di nguyện của thân phụ ông là GS. Trần Văn Khê.
Giữ hồn dân tộc qua âm nhạc, văn hóa
GS. Trần Văn Khê trọn một đời theo đuổi việc nghiên cứu và phát huy sâu rộng ra thế giới giá trị quý báu của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Các chuyên đề nghiên cứu và đào tạo của ông về đờn ca tài tử, về cải lương Việt Nam trong đối sánh với các loại hình âm nhạc, kịch nghệ của các quốc gia châu Á (pansori của Triều Tiên, kinh kịch của Trung Quốc, noh và kabuki của Nhật Bản) đã được giới âm nhạc quốc tế đánh giá rất cao.
- Xem thêm: Nhớ tết cuối cùng của GS Trần Văn Khê
Từ sự đánh giá đó, nhiều bộ môn văn hóa – nghệ thuật dân tộc của Việt Nam với sự góp sức trực tiếp và gián tiếp của ông đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của thế giới như nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử Nam Bộ…
Cách đây gần một năm, nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của GS. Trần Văn Khê, trong buổi tọa đàm “Những bài học văn hóa từ giáo sư Trần Văn Khê”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân gọi ông là “di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam”. Còn TS. Nguyễn Nhã cho rằng “ông là người có tâm giữ hồn dân tộc qua âm nhạc, văn hóa”.
Trong sự nghiệp hoạt động âm nhạc dài hơn 60 năm của mình, GS. Trần Văn Khê đã được nhận nhiều sự vinh danh cao quý: Huy chương Bội tinh hạng nhất của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (trước năm 1975), Giải thưởng Âm nhạc của UNESCO (1981), Huân chương Nghệ thuật, Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp (1991), Viện sĩ Thông tấn của Viện hàn lâm Khoa học, Văn hóa, Nghệ thuật châu Âu (1993), Huân chương Lao Động hạng Nhất do Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng (1999), Giải thưởng Đào Tấn (2005), Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu (2011)…
Nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS. Trần Văn Khê
Hai hoạt động chính của Quỹ Trần Văn Khê là trao giải thưởng cho các cá nhân có đóng góp xuất sắc cho hoạt động âm nhạc truyền thống và trao học bổng cho học sinh – sinh viên học tập, nghiên cứu về âm nhạc truyền thống dân tộc. Bà Nguyễn Thế Thanh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, cho biết lễ trao Giải thưởng Trần Văn Khê lần thứ Nhất sẽ diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS. Trần Văn Khê (24.7.2021). Việc xét tặng giải thưởng cho các cá nhân được thực hiện luân phiên theo từng khu vực Nam, Trung, Bắc. Riêng năm 2021 sẽ xét tặng giải cho các cá nhân hoạt động âm nhạc truyền thống Nam bộ.
Tại lễ trao giải thưởng sẽ có nhiều hoạt động tưởng niệm công đức của GS. Trần Văn Khê, ra mắt Ban Sáng lập và Hội đồng Quản lý Quỹ, tri ân các mạnh thường quân, biểu diễn nghệ thuật của các thế hệ học trò của GS. Trần Văn Khê. Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 100 ngày sinh của ông, năm 2021 còn nhiều hoạt động khác như trao học bổng Trần Văn Khê lần thứ nhất cho học sinh – sinh viên chuyên ngành âm nhạc truyền thống (tháng 11), hội thảo “Trần Văn Khê với các giá trị truyền thống và đương đại” vào dịp Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11.
Cũng trong dịp này, Quỹ Trần Văn Khê sẽ tiến hành vận động đóng góp gây quỹ, trong đó có việc phát hành quyển sách “Trần Văn Khê – Tâm và Nghiệp” (của nhiều tác giả). Bạn đọc có thể liên hệ mua sách qua số điện thoại (zalo, viber) 0782782828 (Ngọc Hân). Email: tranvankhefoundation@gmail.com. Giá mỗi quyển 110.000 đồng.
Ban Sáng lập Quỹ Trần Văn Khê:
- Kỹ sư Bùi Quang Độ, nhà sáng lập và nguyên Chủ tịch Đại học Văn Lang.
- Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân.
- Doanh nhân Lê Quốc Ân.
Hội đồng Quản lý Quỹ Trần Văn Khê:
- Kỹ sư Bùi Quang Độ, Chủ tịch.
- Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, Phó Chủ tịch.
- Nhà báo Dương Trọng Dật, thành viên Hội đồng Quản lý kiêm Giám đốc Quỹ Trần Văn Khê; Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo Văn hóa Nghệ thuật và Truyền thông Đại học Văn Lang.
- Tiến sĩ Nghệ thuật Mai Mỹ Duyên, thành viên.
- Ông Hoàng Sơn Điền, Giám đốc điều hành Đại học Văn Lang, thành viên.