Nếu có cơ hội là một trong 26 đại diện của 13 quốc gia tham gia chương trình huấn luyện từ tập đoàn tài chính hàng đầu của Vương quốc Anh, chắc hẳn bạn sẽ rất tò mò: “Chương trình huấn luyện từ tập đoàn chắc thú vị lắm, họ sẽ thử thách mình thế nào đây?”.
Thực tế, bạn trở thành một trong bốn người phải đứng ngoài trời, chờ nghe hiệu lệnh từ đồng đội phía trong nhà. Bạn phát hiện ra máy bộ đàm dùng để liên lạc bị hỏng, nên không nghe được tín hiệu gì. Trời càng lúc càng nắng nóng. Bạn thì không thể bước ra khỏi vạch trên sân. Bạn sẽ xử sự thế nào? Bạn im lặng hay nổi giận? Bạn có thể quản trị cảm xúc của mình không?
Chương trình “experiential learning” tuyệt vời từ tập đoàn đa quốc gia mà anh Lê Thiện tham gia khi còn là một quản lý cấp cao đa quốc gia với nhiều triển vọng phát triển đã thực sự dấy lên ngọn lửa đam mê – Đó là niềm đam mê về mô hình “học thực nghiệm” – Đưa lớp học vào cuộc sống thật!
Bắt đầu từ mục tiêu
Từ năm lớp 10, cậu thiếu niên Lê Thiện đã đặc biệt yêu nghề giáo. Cậu cũng đã sớm hình dung ra đích đến của đời mình. Anh đậu cả hai trường Đại học Sư phạm Cần Thơ và Đại học Ngoại thương TP. Hồ Chí Minh nhưng đã quyết định theo nghề sư phạm. Với thành tích học tập tốt, đáng lẽ đã có một chân giảng viên đại học nhưng anh nghĩ: “Mình đã ngồi trong trường 12 năm phổ thông, ngồi tiếp 4 năm đại học, chưa từng “thực chiến” thì làm sao dạy tốt và thật toàn diện cho học sinh?”. Vậy là anh quyết định lên Sài Gòn, hành trang mang theo là một chiếc xe đạp và 500 ngàn đồng cùng với niềm say mê được trải nghiệm cuộc sống thật, để sau này có kiến thức thật dạy cho học trò.
Nếu ví những bản tính tốt đẹp của con người là bộ rễ và những thành tích là cành lá thì một thầy giáo tốt cần biết chăm cho cả bộ rễ chứ không phải chỉ biết chăm lá, tỉa cành.
Hơn 20 năm trên thương trường, chấp nhận những vết sẹo cuộc đời, Lê Thiện đã đặt chân đến vị trí rất cao trong sự nghiệp, nơi mà nhiều người mơ ước. Nhưng anh đã quay về với lời hứa, với ước mơ trở thành một ông giáo làng giản dị, lốc cốc trên chiếc xe đạp quanh “ngôi làng” Phú Mỹ Hưng được nhiều thế hệ học sinh yêu mến.
Hành trình trở thành ông giáo làng “thực chiến” quả là lắm công phu nhưng rất xứng đáng. Bởi anh mong muốn những học sinh của mình không chỉ học giỏi Tiếng Anh và có những con điểm 10… “Nếu ví những bản tính tốt đẹp của con người là bộ rễ và những thành tích là cành lá thì một thầy giáo tốt cần biết chăm cho cả bộ rễ chứ không phải chỉ biết chăm lá, tỉa cành”, Lê Thiện chiêm nghiệm. Và trở thành một ông giáo làng đáng tin cậy chính là lẽ sống của đời anh.
Nông trại giáo dục thay thế cho trường học kín cổng
Nơi học sinh của “ông giáo làng” Lê Thiện học thực nghiệm là nông trại Walkie -Talkie Edu-farm rộng khoảng 2.000m2 được xây dựng ở huyện Bình Chánh. Đến đây, trẻ con được ôm gà con, đuổi theo đàn vịt, cãi nhau với ngỗng, cho dê ăn, trò chuyện với cá, tưới vườn rau, đổ bánh xèo, chơi trò chơi dân gian… Thay cho những bức tường của lớp học là những hàng cây và lá xinh tươi. Thay cho sách vở là nghe nghe ông giáo làng kể chuyện và những buổi thực hành tiếng Anh sinh động, hiệu quả. Hè đến, đám trẻ theo chân ông giáo làng và các cộng sự của ông “đi bụi” lên Bảo Lộc, Đà Lạt để “travel & learn” vừa vui chơi, vừa thực hành tiếng Anh lại vừa học kỹ năng tự lập, kỹ năng làm việc nhóm, cũng như học cách thích nghi với môi trường mới. Thiên nhiên tươi đẹp đã trở thành quyển sách giáo khoa tuyệt vời nhất mà ông giáo làng Lê Thiện và các cộng sự ngày ngày say xưa khám phá cùng các học sinh của mình.
Là người đã vất vả học Tiếng Anh theo phương pháp cũ, quá nhiều sách vở, ông giáo làng nói “Nếu dạy Tiếng Anh như một môn khoa học thì sẽ làm cho nhiều người thấy quá khó khăn mà bỏ cuộc. Thực chất, giáo viên nên dạy kỹ năng nghe – nói – đọc – viết giống như bơi lội hay đạp xe vậy. Cứ đi, chơi và học thực tế thì sẽ học rất nhanh”. Việc trẻ con được đi ra ngoài và nói chuyện bằng tiếng Anh trong môi trường thật thì khả năng phản xạ tốt hơn và chúng cũng dễ nhớ hơn. Điều quan trọng nhất là cho trẻ con được trải nghiệm năm tháng đầy ắp ký ức tuổi thơ, chứ không phải những ngày tháng nối tiếp trong bốn bứt tường của lớp học. “Tuổi thơ của dân quê nghèo như tôi chỉ có lội sình, bắt dế, bắt cá, ngã cầu khỉ… nhưng quá khứ “quê mùa” ấy lại cho con người một sức mạnh nội tại lớn, hơn rất nhiều so với bạn bè thành phố, quanh năm được bảo bọc, giữ kỹ ở trong phòng máy lạnh”, anh Lê Thiện chia sẻ.
Nhà khai sáng hàng đầu thế kỷ 19 John Dewey từng nói: “Giáo dục không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống, mà nó chính là cuộc sống”. Rõ ràng, giáo dục và cuộc sống không thể có khoảng cách. Nếu giáo dục tách rời khỏi cuộc sống, thì học không đi liền với “hành” nữa. Giáo dục trải nghiệm như cách của Walkie – Talkie Việt Nam, hiểu một cách đơn giản, là quy trình học thông qua thực tế cuộc sống, vượt ra khỏi phạm vi lớp học, từ đó giúp cho người học phân tích, củng cố kiến thức, phát triển các năng lực, kỹ năng, tiến đến cách tư duy mới, đặc biệt quan trọng trong hình thành nhân cách tốt đẹp.
Nếu dạy Tiếng Anh như một môn khoa học thì sẽ làm cho nhiều người thấy quá khó khăn mà bỏ cuộc. Thực chất, giáo viên nên dạy kỹ năng nghe – nói – đọc – viết giống như bơi lội hay đạp xe vậy. Cứ đi, chơi và học thực tế thì sẽ học rất nhanh
Như con ong chăm chỉ, Lê Thiện và những công sự đã dành 4-5 năm trời để hoàn thiện mô hình học tiếng Anh thực nghiệm hấp dẫn theo phương pháp “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” độc đáo. Niềm tin của anh đến từ nụ cười trẻ thơ cùng những phản hồi tích cực của phụ huynh. Tiếng lành đồn xa, đến nay, Walkie Talkie Viện Nam tại Phú Mỹ Hưng đang chào đón rất nhiều học sinh, nhưng giáo làng nói rằng anh vẫn chưa vội mở rộng. “Muốn có những bản sao tốt thì bản gốc phải thật sự chất lượng và vững vàng”.
Dễ thấy rằng, cuộc sống và thiên nhiên bên ngoài lớp học rất sống động và giàu chất liệu, dễ dàng truyền cảm hứng để đứa trẻ đặt câu hỏi về thế giới xung quanh. Trong thế giới phong phú ấy, học sinh sẽ thích học hỏi, khám phá thế giới một cách say mê và yêu thích học tập. Cùng với cha mẹ thầy cô sẽ tu bổ thêm cho các em sự can đảm, tính độc lập, trách nhiệm, lòng trắc ẩn là đủ để tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn rồi.