Khi lòng tham thống trị ở những lĩnh vực, những cấp mà người dân mong đợi sự trong sạch, sự tận tâm phục vụ lợi ích công thì chẳng những niềm tin vào thể chế bị hủy hoại mà ngay cả niềm tin vào con người nói chung cũng bị hủy hoại, ít nhất là suy giảm đi nhiều.
Khi, ở một thành phố giữa rừng mà từng cây thông bị đầu độc cho đến lúc cả cánh rừng thông chết nhằm giúp cho những kẻ có dã tâm chiếm đất, phân lô bán, thực hiện được ý đồ của họ. Khi một hòn đảo giữa biển khơi lại bị ngập lụt nhấn chìm vì các nhà đầu tư đua nhau xây kín mặt tiền biển với cốt nền cao hơn phía bên trong đảo. Khi người ta cạo trọc những đỉnh núi xanh để xây trên đó những khối bê tông giả cổ, giả ngoại, xa lạ với khung cảnh xung quanh nhằm hút khách và tiền. Khi cả một rừng bê tông cao nghễu nghện được dựng bên bờ sông, lấy tài nguyên chung của toàn bộ cư dân đô thị là đất, không khí, cảnh quan chung phục vụ cho một số ít người “có điều kiện” thụ hưởng.
Khi những dự án du lịch gắn thêm hai chữ tâm linh chiếm hàng chục, hàng trăm hécta đất tạo ra dòng tiền chảy vào túi nhà đầu tư và vài vị khoác áo nhà tu. Khi trong bộ máy chính quyền cấp cao có những bộ trưởng thay vì tận tụy phục vụ nhà nước và nhân dân lại đi bán rẻ lương tâm con người và lương tâm chức nghiệp, bắt tay với doanh nghiệp biển thủ tiền nhà nước qua một dự án gian dối hòng nhận hối lộ đến cả triệu đôla. Khi trong bộ máy lãnh đạo lực lượng bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ an ninh trật tự xã hội, hàng chục nhân vật cấp tướng tá dính chàm vì buôn đất, vì câu kết với tội phạm làm hại cuộc sống của người dân.
Khi trong “ngôi đền thiêng” giáo dục, có những quan chức giáo dục cúi đầu phục tùng ý muốn của những kẻ có quyền không chỉ muốn đời mình hưởng đặc quyền mà còn muốn truyền lại đặc quyền cho con cháu, bắt tay với quan chức chính quyền phản bội lại chính lý tưởng giáo dục, cùng nhau gian lận thi cử trên quy mô lớn chưa từng thấy trong lịch sử giáo dục nước nhà, qua đó tước đi cơ hội của những thí sinh xứng đáng để trao cho những kẻ không xứng đáng, v.v…
…thì có thể nói lòng tham đã thống trị xã hội, từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới trong hầu hết lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực vốn được xã hội xưa nay tôn kính như giáo dục và nhà giáo.
Nếu trong kinh doanh, lòng tham là một động lực thúc đẩy nhà kinh doanh không ngừng nỗ lực mở rộng công cuộc kinh doanh của mình, thì ngay cả trong kinh doanh, lòng tham cũng không thể nào được chấp nhận như vô hạn.
Luật pháp và không chỉ luật pháp mà cả đạo đức và những giá trị cộng đồng cũng như giá trị nhân loại là những rào chắn ngăn chặn lòng tham vượt quá giới hạn, làm tổn hại đến các giá trị đã được xã hội thừa nhận.
Nếu làm ăn gian dối, lừa đảo, phá vỡ hợp đồng… lòng tham sẽ bị luật pháp chế tài. Không giữ chữ tín, đi ngược với đạo đức kinh doanh, sẽ bị cộng đồng lên án.
- Xem thêm: “Trả lại em yêu”: Bùng binh cây liễu
Và về mặt các giá trị cộng đồng và giá trị nhân loại, doanh nghiệp kinh doanh bất chấp tổn hại cho môi trường, thậm chí tàn phá môi trường là đi ngược lại những giá trị nhân văn của xã hội và cũng sẽ bị công luận lên án hoặc đánh giá thấp, ảnh hưởng đến chính thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp.
Khi những quan chức thường hay đao to búa lớn rao giảng đạo đức, rao giảng lý tưởng vì nước vì dân để rơi chiếc mặt nạ của mình sau khi bị phát hiện tham nhũng, còn ai tin vào con người, khi chính những con người được xã hội đặt niềm tin lại phản bội họ, để cho lòng tham vô độ dẫn dắt và hành động ngược với lợi ích chung?
Đó là trong kinh doanh, còn trong những lĩnh vực khác như chính trị, công quyền, giáo dục, y tế… là những lĩnh vực lấy người dân làm đối tượng phục vụ, trên nguyên tắc không có chỗ cho lòng tham lộ liễu.
Vậy nhưng trên thực tế, lòng tham đã làm mục ruỗng không ít cơ quan công quyền và đưa nhiều chính khách, cán bộ cao cấp vào tù.
Nếu chỉ là vài vụ lẻ tẻ, khó thể nói lòng tham đã thống trị, nhưng như vừa kể, lòng tham như một cơn lũ đã nhấn chìm nhiều thứ, nhiều giá trị.
Khi lòng tham thống trị thì lương tâm, lòng tự trọng, ý thức công bằng, sự hướng thiện và hướng thượng bị triệt tiêu.
Tất cả còn lại chỉ là tiền, là vật chất, là sống chết mặc bây, dù đôi khi nó được che đậy bằng những ngôn từ giả dối hòng che mắt công luận.
Khi lòng tham thống trị ở những lĩnh vực, những cấp mà người dân mong đợi sự trong sạch, sự tận tâm phục vụ lợi ích công thì chẳng những niềm tin vào thể chế bị hủy hoại mà ngay cả niềm tin vào con người nói chung cũng bị hủy hoại, ít nhất là suy giảm đi nhiều.
Khi những quan chức thường hay đao to búa lớn rao giảng đạo đức, rao giảng lý tưởng vì nước vì dân để rơi chiếc mặt nạ của mình sau khi bị phát hiện tham nhũng, còn ai tin vào con người, khi chính những con người được xã hội đặt niềm tin lại phản bội họ, để cho lòng tham vô độ dẫn dắt và hành động ngược với lợi ích chung?
Vậy thì làm gì khi lòng tham thống trị xã hội, chi phối hầu như mọi mối quan hệ? Câu trả lời thật không dễ dàng.
Nhưng gì thì gì, ngoài việc ủng hộ sự chế tài của pháp luật đối với những kẻ được xã hội trao trách nhiệm quản lý nhưng vì không kìm được lòng tham mà xâm phạm của công, lợi ích công; ngoài việc phê phán, lên án những gì đi ngược lại các giá trị đã được thừa nhận của cộng đồng và nhân loại, thì không thể không tìm mọi cách phục hưng, nuôi dưỡng, bồi bổ các giá trị tinh thần đã có, đang có của xã hội – như sự thiện lương – ở từng tế bào của nó. Một xã hội phát triển lành mạnh là một xã hội không chỉ sung túc về vật chất mà còn phải giàu có về tinh thần.
Một xã hội như vậy không thể để cho lòng tham thống trị.