Cái vòng lẩn quẩn: để tránh nợ xấu, cần phải tìm được những khách hàng có khả năng trả nợ cao – điều không dễ trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay; mà khó tìm được người vay thì không thể tăng trưởng tín dụng cũng như chỉ tiêu lợi nhuận theo kế hoạch, vì tỷ lệ lợi nhuận từ hoạt động tín dụng thường chiếm 70 – 80% tổng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại. Vậy nên, thay vì đặt ra giới hạn tăng trưởng tín dụng như mấy năm trước, các nhà điều hành đang đốc thúc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay. Trong Chỉ thị 03/CT-NHNN về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2013 do Ngân hàng Nhà nước ban hành tuần qua, các tổ chức tín dụng được yêu cầu phải mở rộng cho vay để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay. Bên cạnh đó, các nhà điều hành cũng nhận thấy việc cào bằng chỉ tiêu cho các ngân hàng theo từng nhóm như trước kia là không hợp lý. Việc Ngân hàng Nhà nước có thể “xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng có khả năng mở rộng tín dụng trên cơ sở nguồn vốn lành mạnh, vững chắc” là một nét tích cực trong công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước thể hiện qua Chỉ thị 03.
Thực vậy, mỗi ngân hàng đều tự biết phải làm gì để vừa quản trị được rủi ro, vừa thu được lợi nhuận cao nhất từ hoạt động tín dụng. Đó là phân tán rủi ro trong cho vay, thẩm định kỹ khách hàng, bảo hiểm khoản vay, trích lập dự phòng… để có thể đảm bảo an toàn. Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể đánh giá hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại thông qua các chỉ số như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động… và có thể “tuýt còi” khi cần thiết. Để cho các ngân hàng được tự chủ trong khuôn khổ như vậy sẽ giúp tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, ngân hàng nào quản trị rủi ro tốt sẽ vượt lên, mở rộng quy mô hoạt động; ngân hàng yếu kém sẽ bị đào thải. Nếu các ngân hàng được tự chủ như vậy, thì những hướng dẫn cụ thể như trong Chỉ thị 03 – “xem xét miễn, giảm lãi vốn vay trên cơ sở khả năng tài chính của tổ chức tín dụng…” và “xem xét ấn định lãi suất huy động theo kỳ hạn hợp lý để ổn định mặt bằng lãi suất và cải thiện cơ cấu nguồn vốn; tiết kiệm chi phí để áp dụng lãi suất cho vay mới ở mức hợp lý; xem xét tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và hộ dân…” rõ ràng là khá lạc điệu.
Trong quá trình hoạt động, các ngân hàng thương mại đương nhiên phải rất năng động nếu không muốn bị thua lỗ. Như thời gian qua, khó khăn trong việc tìm doanh nghiệp tốt để cho vay, các ngân hàng đã đẩy mạnh việc cho vay tiêu dùng, sửa chữa nhà, mua nhà, mua ôtô… với lãi suất ưu đãi. Việc giảm lãi suất huy động và cho vay đã trở thành xu thế, thuận theo nhu cầu về vốn của thị trường. Chính vì vậy, con số tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay đạt 4,5% so với cuối năm ngoái là “chấp nhận được” nếu xét trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hiện nay. Mục tiêu 12% tăng trưởng tín dụng trong năm nay của toàn hệ thống ngân hàng có thể đạt được nhờ vào những nỗ lực tự thân đó.
Minh Hằng