Gần 80 tuổi nhưng có tới 60 năm cuộc đời nguyện làm một kẻ dâng hiến tiếng hát toàn hảo trong sự bình thường và giản phác có thể. Một tiếng hát “không xa đời và cũng không xa loài người”. Khánh Ly đó. Chào tiễn khách dự họp báo xong, bà vẫn nán lại để kể nốt chuyện tình của một thời ly tao lửa đạn.
Người ta gọi bà là danh ca, bà chỉ nhận mình là ca sĩ, một kẻ “vâng phục” cuộc đời, hát lên hạnh phúc lẫn thương đau. 60 năm đi hát. Cuộc đời con người, có mấy lần 60 năm như thế?
Tôi sẽ không nói lời giải nghệ đâu!
____
Lần này ca sĩ Khánh Ly về nước để kỷ niệm 60 năm hát tình ca “như một lời chia tay” với khán giả. Có người nói, lần nào Khánh Ly về nước mà chẳng làm truyền thông “như một lời chia tay” để câu view, bán vé. Bà sẽ nói gì?
Khánh Ly chẳng cần phải câu view đâu. Mà câu view để làm gì nhỉ? 10 người đến với mình thì mình hát cho 10 người nghe. 100 người đến thì hát cho 100 người. Tôi không đòi hỏi phải 5.000, 7.000 người để “vòi” tiền người ta đâu. Khánh Ly không có nhu cầu đó. Ở bên Mỹ, cũng có những đêm nhạc nhỏ, đầm ấm tại tư gia, chỉ có khoảng 80 – 100 người, nhưng tất cả ngồi bên nhau suốt vài tiếng đồng hồ, chẳng ai ra về.
Tôi chợt hiểu, à, mọi người đến với tôi không phải vì tôi đẹp hơn, cũng chẳng phải vì tò mò giọng hát của một bà già 80 tuổi còn giống như ngày xưa hay không, mà vì những năm tháng cách xa, Khánh Ly đã trở thành kỷ niệm. Tôi nhìn khán giả, tôi nhớ tôi khi trẻ. Khán giả nhìn tôi, cũng nhớ lúc họ trẻ chứ! Vì thế, tôi sẽ không bao giờ nói rằng, Khánh Ly sẽ giải nghệ đâu. Khánh Ly cứ hát thôi, cho tới khi khán giả không còn muốn nghe tôi hát nữa.
Cũng có thể, đây là lần đi hát cuối cùng của tôi. Ai mà biết được. Sức khỏe của một người gần 80 tuổi, không ai nói trước được điều gì. Vì thế, cứ gặp nhau đi, như một lời chia tay, như ông Trịnh Công Sơn hay nói. Có nhiều khi, ta chẳng kịp nói lời chia tay, muốn mắng một tiếng, muốn nói yêu một người cũng không thể nói được nữa.
____
Người gần đây nhất mà bà không kịp nói lời chia tay là ai?
Là ca sĩ Lệ Thu… (Khánh Ly im lặng một lúc – PV)
____
Ngày xưa, Khánh Ly hát và sống trong một không khí sôi động với nhiều gương mặt ca, nhạc sĩ tiêu biểu, vàng son của Tân nhạc Việt Nam, nhưng rồi họ cũng lần lượt về với cát bụi. Khi nhắc đến thế hệ đó, chỉ còn Khánh Ly và vài người nữa mà thôi. Không biết cảm giác của bà ra sao?
Ừ ha. Em thấy chưa, mấy người đó ra đi (ông Trịnh Công Sơn, ông Phạm Duy, ông Anh Bằng, ông Ngô Thụy Miên, bà Lệ Thu…) có nói lời chia tay tôi đâu. Vì thế, mọi người thử suy ngẫm mà xem, đừng nghĩ Khánh Ly chiêu trò làm quảng cáo câu view làm gì cả. Cứ suy nghĩ thật kỹ, có đúng lời Khánh Ly nói hay không? Chẳng kịp đâu. Đời sống vô thường lắm.
Kỷ niệm làm lòng mình ấm lại
____
Đà Lạt là nơi bà chọn để mở đầu tour lưu diễn xuyên Việt lần này. Thành phố này chiếm một vị trí như thế nào trong cuộc đời của Khánh Ly?
Hết sức đặc biệt. Đó là nơi tôi và ông Trịnh Công Sơn gặp nhau, là nơi ông chọn Khánh Ly. Từ Đà Lạt, cuộc đời tôi đi qua nhiều khúc quanh. Là nơi đêm đêm tôi hát “đời ca hát ngày tháng cho người mua vui”, nơi tôi khóc ngày mới đến, tôi khóc ngày ra đi, là nơi biết bao lần tôi đã tiếc nuối không được trở lại để sống cho niềm mơ ước của mình một lần.
____
Nhưng trước khi ông Sơn chọn Khánh Ly, Khánh Ly đã chọn Đà Lạt mà?
Ở Sài Gòn, không ai biết tôi là ai cả. Tìm một chỗ kiếm tiền, nuôi con, khó lắm. Thành ra, tôi lên Đà Lạt năm 16 tuổi để đi hát, ít ra cũng có chút tiền. Và ít ra, người Đà Lạt còn thương tôi. Tôi coi tôi là người của Đà Lạt từ đó. Vì thế, tôi ở Đà Lạt 5 năm, ai kêu, ai rủ về Sài Gòn, tôi cũng lắc. Nhưng sau cùng tôi cũng phải cắn răng bỏ Đà Lạt ra đi, để bước vào một định mệnh khác. Một hạnh phúc, một bất hạnh khác.
Ai cũng nghĩ, nổi tiếng là cái gì đó ghê gớm lắm. Nhưng chẳng đúng đâu. Cuộc đời trao ta cả hạnh phúc lẫn thương đau. Đâu có cho ai một thứ gì trọn vẹn? Được cái này phải mất cái kia. Nhưng nếu được để rồi mất, cũng buồn. Nhưng phải như thế mới là cuộc đời. Bây giờ nghĩ lại, vui hay buồn, hạnh phúc hay thương đau cũng giống nhau, cũng là kỷ niệm làm lòng mình ấm lại.
____
Khánh Ly thời đôi mươi ở Đà Lạt khác với Khánh Ly sau này ở Sài Gòn rồi đi khắp nơi ra sao?
Tôi vẫn là mình thôi. Dù có gặp ông Trịnh Công Sơn hay không, dù được nhiều người biết đến hay không, thì Khánh Ly vẫn sống bình dị vậy thôi. Chẳng ở cái nhà 10 tầng lầu, cũng không đi một cái xe năm, bảy chục tỷ. Cũng ăn uống như thế, quần áo như thế. Không có gì thay đổi cả.
____
Lần cuối cùng bà về Đà Lạt, Đà Lạt có khác nhiều so với tưởng tượng của bà không?
Như tôi từng kể trong tự truyện Đằng sau những nụ cười, sau đó nhiều lần tôi trở về thăm Đà Lạt như đứa con xa về nhà, không xa lạ như một người khách bất chợt trên đường ghé qua. Lần sau cùng tôi và một người của Đà Lạt về thăm nhà nhưng cây cầu La Ngà đã gãy, chúng tôi phải trở về. Từ đó tôi không bao giờ thấy lại người đó của Đà Lạt và cũng không bao giờ hy vọng về nhà nữa.
Những đêm ngồi một mình đến 4 giờ sáng, nhiều lúc quạnh quẽ cô đơn, tôi nhớ Đà Lạt biết đến chừng nào. Nhất là quán cà phê Tùng, bến xe đò Minh Trung và con đường thông reo qua hồ Than Thở đến trường Võ Bị. Giờ về, Đà Lạt khác nhiều lắm với Đà Lạt thời mười tám, đôi mươi của tôi. Nhưng vì thế, mới có cái để gọi là kỷ niệm chứ! Có những điều, ta không bao giờ tìm lại được đâu, chỉ có thể tìm trong ký ức. Phải chấp nhận điều đó. Dòng đời thay đổi, núi non, sông biển, con người cũng đều phải thay đổi.
____
Từ cái ngày bà bắt đầu đi hát ở một phòng trà tại Đà Lạt vào ngày 25-11-1962 ấy, đến nay, cũng đã tròn 60 năm hát tình ca rồi. Trong kho tàng âm nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc tình hay nhạc Da vàng cũng đều là tình ca cả thôi. Nhưng xin hỏi ca sĩ Khánh Ly, giữa nhạc tình và Da vàng, bà thích hát loại nào hơn?
Người ta hay nói câu “chúng ta đi mang theo quê hương”. Không, mình không cầm được cái gì mang theo cả. Nó ở trong lòng mình, trong trí tưởng của mình. Dẫu mình có đi năm châu, bốn biển, có trở thành ông hoàng, bà chúa, có trúng số 2-3 trăm triệu đô la thì mình vẫn là người Việt Nam. Có lẽ vì thế, trong sáng tác của ông Sơn, giữa tình khúc và Da vàng, tôi vẫn thích hát nhạc Da vàng hơn. Bởi Da vàng lớn hơn. Bởi Da vàng có quê hương trong đó.
Tuổi này không nên buồn nữa!
____
Trong bộ phim Em và Trịnh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) mới ra mắt gần đây, nhân vật Trịnh Công Sơn (NSƯT Trần Lực đóng) có nói với Khánh Ly (Bùi Lan Hương đóng) một câu khiến nhiều người ám ảnh: “Anh e là âm nhạc đã rời bỏ anh rồi”. Sinh thời, ông Sơn có từng nói điều đó với bà không?
Chưa bao giờ ông Trịnh Công Sơn nói với tôi điều đó cả. Không bao giờ.
____
Tôi nhớ, Khánh Ly từng nói, đại ý, cuộc sống dễ biến bà thành một kẻ điên hoặc một kẻ bệnh hoạn. May mà Chúa cho bà giọng hát, dù nó chẳng ra gì. Nhưng Khánh Ly đã gần 80 tuổi, sẽ đến một thời điểm, giọng hát cũng rời bỏ bà… Khánh Ly có sợ điều đó không?
Chúa tạo dựng ra mình, cho mình tất cả mọi thứ, khi nào Chúa lấy đi thì mình xin vâng phục chứ.
____
Chẳng lẽ bà không buồn ư? Khánh Ly mà không còn giọng hát thì có còn gì nữa trong đời?
Em ạ, một đời người mà được nhiều quá như tôi, thì còn gì phải buồn nữa. Nếu buồn thì chứng tỏ mình tham lam. Không nên buồn.
____
Có mặt tại cuộc họp báo ở Hà Nội, bạn tôi hỏi: “Tuổi này rồi, sao tóc bà Khánh Ly lại đen như thế”?
Do nhuộm đấy. Nếu không nhuộm, thì bạc trắng hết cả rồi. Khánh Ly muốn để bạc tự nhiên nhưng quản lý của tôi (ca sĩ Quang Thành) không chịu. Dĩ nhiên, Quang Thành sợ trông tôi già nhưng tôi nghĩ bụng, tuổi của mình phải như thế mới đúng. Khánh Ly chả sợ mình trông già trong mắt khán giả đâu. Có lẽ, Quang Thành muốn giữ hình ảnh đẹp cho tôi khi đứng trên sân khấu. Nhưng giữ như thế là sai. Tôi có cho rằng đó là cái chuyện đúng đâu! Tôi già rồi, tóc tôi phải bạc, phải rụng. Đâu có ai trẻ mãi được đâu!
Nhưng mà ngẫm, người đứng trên sân khấu nhiều khi cũng khổ lắm! Là nghệ sĩ nên tôi biết. Họ có thể nhịn đói, nhịn ăn, nhưng trong mắt khán giả, họ muốn mình phải chỉn chu, chưa nói tới chuyện sang trọng, hàng hiệu. Vì khán giả bỏ tiền ra mua vé để đi nghe mình, xem mình, họ không muốn thấy người nghệ sĩ trở nên “rách rưới” trong mắt họ. Đó là cái khổ của người nghệ sĩ!
____
Bà hay nói, bà hát nhạc ông Trịnh Công Sơn cũng bình thường thôi, không phải hay đâu. Nhưng tới nay, có lẽ, chưa có ai vượt qua được sự bình thường ấy…
Do người ta không thèm vượt Khánh Ly thôi. Biết đâu, người ta nói thầm: “Chán cái bà này, hát mãi”.
____
Nhưng cũng là Khánh Ly từng nói, bà đi hát để giải tỏa “nỗi sầu thiên cổ”, hát để tìm và tặng người tri kỷ… Nỗi sầu muôn năm ấy đi đâu rồi?
Tuổi này không nên buồn nữa. Cũng không nên mơ ước nữa. Tuổi này, không có thời gian để làm lại hay làm bất cứ điều gì nữa. Chỉ xin ngồi yên đó, mong được bình an. Ngồi yên đó, chờ ngày cuối cùng đến trong cuộc đời. Cũng như cách đây mấy năm, khi trả lời phỏng vấn bạn, tôi có kể, ngày xưa, tôi hay ngồi chờ chồng tôi về nên khi chồng mất, tôi hay ngồi trong bóng đêm, với cái khoảng trống trước mặt. Giờ thì ít rồi. Tôi còn con gái và hai con chó. Ở tuổi này, tôi phải tự bình an với tất cả mọi điều.
____
Vậy với bà, điều tiếc nuối nhất ngay thời điểm chúng ta ngồi nói chuyện với nhau là gì?
Đó là Khánh Ly không còn biết tiếc nuối nữa.
____
Cảm ơn ca sĩ Khánh Ly đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này.
Tour diễn Khánh Ly “60 năm hát tình ca” sẽ bắt đầu tại Đà Lạt vào ngày 25-6, đánh dấu chặng đường 60 năm ca hát của Khánh Ly khi bà chính thức bắt đầu sự nghiệp của mình tại một phòng trà ở thành phố này vào năm 1962.
Sau đó, tour diễn tiếp tục ở TP.HCM ngày 1-7, Nha Trang ngày 3-7, Hà Nội ngày 8 và 9-7, Đà Nẵng ngày 3-8, và dự kiến sẽ nối tiếp qua các địa phương như Huế, Côn Đảo, Phú Quốc, Cần Thơ, Hội An, Buôn Ma Thuột, Tam Đảo, Hải Phòng, Hạ Long… Riêng tại TP.HCM, ngoài đêm diễn tại sân khấu Idecaf, bà còn một đêm diễn Mưa hồng tại quận 7.
Chia sẻ sau cuộc trà đàm gặp gỡ báo giới tại Hà Nội ngày 16-6, ca sĩ Khánh Ly nói, sau tour diễn xuyên Việt này, bà sẽ dành nhiều thời gian cho bản thân và cuộc sống riêng. Vẫn sẽ đến gặp gỡ và hát cho mọi người nghe, nhưng tần suất sẽ ít hơn và quy mô hẳn cũng sẽ nhỏ hơn nhiều.