Sau 30 phút trên chiếc máy bay phản lực, chúng tôi đến với Coonawarra – vùng trồng nho làm vang không lớn lắm nhưng khá nhiều điều thú vị của nước Úc.
Do chỉ cách Adelaide, thủ phủ văn hóa miền Nam nước Úc khoảng 380km nên các nhà làm rượu vang lớn trong vùng thường thuê bao nguyên chuyến máy bay loại hơn 10 chỗ chở khách đến tham quan. Nhờ tầm bay ngắn và máy bay hạng nhẹ nên trần bay khá thấp, chỉ khoảng 300m- 500m so với mặt đất nên ai cũng thích thú ngắm cảnh bên dưới.
Coonawarra nằm ở phía đông nam của Nam Úc, tiếp giáp với ranh giới của bang Victoria. Tuy nơi đây đã bắt đầu canh tác nho từ thế kỉ 19 nhưng phải đến những năm 1950 mới nhận được sự chú ý nhờ sự xuất hiện của nhà máy rượu nổi tiếng Wynns.
Không bị ù tai, không cách âm hoàn toàn với bên ngoài, đã vậy hành khách luôn nhìn rõ cảnh vật bên dưới qua cửa sổ khá to hai bên thân máy bay. Suốt hành trình hình nhiều đàn chim chao lượn quanh chúng tôi chẳng chút e dè. Trong phút chốc, những vườn nho nói đúng hơn là các đồi nho, các cánh đồng nho bao la bát ngát hiện ra ra báo hiệu đã vào không phận Coonawarra. Máy bay từ từ giảm độ cao. Quan sát từ trên cao, tôi chẳng thấy sân bay đâu cả trừ một bãi đất trống nhìn không được bằng phẳng cho lắm. Đã vậy, đường băng chỉ là một vệt đất cỏ không mọc, được san ủi cho phẳng hơn và có lẫn đá sỏi. Máy bay hạ cánh hơi dằn xóc chút nhưng không vấn đề gì.
Rồi chiếc máy bay, chúng tôi lên chiếc xe bus đậu sẵn cách đấy tầm 30m và lên đường đi thăm các cánh đồng nho. Địa chất chính là cái đáng nhớ nhất của Coonawarra. Xung quanh là cả vùng đầm lầy bỗng nổi lên một dải đất ngang khoảng 2 km và dài hơn 20 km, đất chắc và màu đỏ do quá trình phong hóa của đất đá vôi. Nơi đây không chồng gì khác ngoài nho, hai bên đường là các cánh đồng nho bao la bát ngát và thật thú vị khi rất nhiều thương hiệu nổi tiếng của vang Úc đều đến đây xí phần đất để trồng nho. Bây giờ là cuối tháng 10, những cành nho đã có nhiều chum nụ nhỏ mới hình thành, để qua năm sau vào tháng 3 tháng 4 sẽ thu hoạch.
Và rồi xe dừng lại chỗ một cái hố to có độ dốc lài là để mọi người có thể đi xuống tận đáy hố, hóa ra cái hố này là để du khách khám phá các tầng đất của Coonawarra. Lớp phía trên cùng là đất đỏ dài khoảng nửa mét, kế đến là lớp đất vôi có pha đất đỏ và xuống dưới nữa sẽ là đất vôi.
Tham quan địa chất mới thấy cây nho vùng này phải cắm rễ khá sâu xuống dưới để hút nước khi mạch nước ngầm cũng khá sâu.
Coonawarra nằm trên vùng đá vôi cách vùng biển Southern Ocean khoảng 60km, nhờ vậy nơi đây có khí hậu khá giống vùng nho Bordeaux của Pháp, mùa hè nóng bức phần nào được xoa dịu bởi các đợt gió mát thổi vào từ biển. Thời tiết mát mẻ này rất quan trọng với các vựa nho bởi chúng giúp kéo dài thời gian chín cây của trái nho, góp phần làm phát triển đa dạng các hương vị, từ đó khiến rượu vang Coonawaro thêm đậm đà và sở hữu cấu trúc hương vị phức tạp hơn.
Các chuyên gia nhận định rằng điều làm nên những chai Cabernet Sauvignon ngon của Coonawarra là sự hôn phối của đất đỏ, đất vôi, nguồn nước ngầm sâu mà cây nho phải thọc rễ xuống hút nước và thời tiết khi mùa nho chín khá lạnh và kéo dài.
- Xem thêm: Nhà sưu tập rượu vang Nguyễn Mỹ Giáng Hương – Sưu tập vang không nhất thiết phải có nhiều tiền
Tại vùng rượu vang Coonawarra, Cabernet Sauvignon là giống nho được ưa chuộng nhất để làm ra những chai rượu vang Úc hảo hạng. Giống nho này thành công tại Coonawarra đến mức mà nơi đây đã khai sinh ra ngày lễ Coonawarra Cabernet Celeberation. Ngoài ra, Coonawarra còn sản xuất những dòng vang đỏ từ nho Shiraz, Malbec, Petiti Verdot và Merlot. Rượu vang trắng Coonawarra chủ yếu làm từ nho Chardonnay và Riesling.
Sau khi thăm các đồng nho, chúng tôi được mời thưởng thức thức đến 9 chai rượu vang San Hugo gồm các niên vụ vụ 1998, 2001, 2002, 2003, 2004, 2005, 2006, 2007, 2008. Quả thực, đối với dân sành vang và đam mê sưu tập thì nếu có trọn bộ gần 10 niên vụ này thôi thì cũng đã là niềm tự hào nho nhỏ rồi. Mọi người thích thú ngắm nhìn các chai vang của 10 năm khác nhau ngay ngắn xếp hàng chờ được khám phá. Đậm đà và rất tinh tế, mỗi niên vụ đem đến một sự khác biệt nho nhỏ trong một tổng thể đồng nhất của mùi hoa quả chín kỹ, hương gỗ sồi và vani thơm nồng.
Buổi chiều sau bữa trưa chúng tôi được đi một vòng tham quan các địa danh xưa của Coonawarra như đường tàu sắt (hiện nay không còn sử dụng) các lò ép vang và hầm ủ vang. Dọc theo con đường chính giữa vùng đất này là các lò vang luôn mở cửa cho bất cứ ai muốn vào nhấm nháp một chút vang.
Và rồi chúng tôi lên xe để chỉ mất 10 phút là gặp lại bác phi công già kiên nhẫn ngồi đợi chúng tôi ngoài sân bay để đưa mọi người về lại Adelaide. Được hỏi thăm có mệt không thì với một nụ cười sảng khoái, bác phi công 70 tuổi trả lời rằng không mệt đâu: “Tối nào cũng uống một ly vang nên tôi thấy mình khỏe lắm. Có lẽ tôi còn làm cái công việc yêu thích này thêm được 10 năm nữa!”.
- Xem thêm: Cuộc “Trò chuyện” với những ly rượu vang
Coonawarra hiện nay vẫn thế, đơn giản yên bình và đều đặn mỗi năm cho ra lò những chai vang ngon Cabernet Sauvignon chinh phục khắp thế giới.