Xe chúng tôi đi vào vùng thung lũng Calchaqui lúc giữa trưa. Dù đã trải qua bốn tiếng đồng hồ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước sự thay đổi nhanh chóng của phong cảnh hai bên đường, mọi người vẫn ồ lên khi dừng nghỉ chân tại thị trấn Cafayate. Dải thung lũng nằm ven dãy núi Andes dài dằng dặc ở Argentina có địa hình thật đa dạng, từ sa mạc đến rừng núi, và cả các khu rừng cận nhiệt đới hoang dã. Còn Cafayate lại có vẻ đẹp yên bình với những cánh đồng nho xanh ngắt trên vùng đất đỏ sỏi đá.
Phố cổ giữa cao nguyên vang
Nằm ở độ cao 1.683m trên mực nước biển, thung lũng Calchaqui có nhiều thị trấn xinh xắn mang kiến trúc thuộc địa Tây Ban Nha. Ăn trưa trong một nhà hàng nhìn ra quảng trường Cafayate, chúng tôi thích thú quan sát người dân đi lại trên những con phố nhỏ. Thị trấn Cafayate tọa lạc gần biên giới phía nam của tỉnh Salta và phía bắc San Juan. Nằm trong vùng khí hậu sa mạc với lượng mưa và độ ẩm thấp, những vườn nho ở Cafayate sống dựa vào nguồn nước băng tan qua suốt mùa hè khô hạn.
Phố nhỏ, quán xá cũng nhỏ. Trong không gian ấm cúng của ngôi nhà tuổi đời cả thế kỷ, cả nhóm nhâm nhi bánh xếp empanada nhân thịt bằm và món locro nổi tiếng của vùng núi Andes. Món hầm locro nguồn gốc bản địa với nguyên liệu gồm bắp, đậu, khoai tây, rau củ, thịt bò, heo, dê hay cừu…, ngày nay có thêm cả xúc xích. Có lẽ được nêm nếm bằng một số gia vị chế biến từ thảo dược Andes nên locro có hương vị khá đặc trưng và hấp dẫn.
Những năm gần đây, các tour thưởng thức vang Cafayate ngày càng được du khách biết đến. Vừa có cảnh sắc quyến rũ, vừa có nghề trồng nho làm rượu lâu năm, thị trấn này đang dần trở thành điểm đến quen thuộc của Argentina. Chỉ mất 15 phút, chúng tôi đã rời phố lên đến một xưởng sản xuất vang trên núi. Đường lên núi nằm giữa hàng cây sắc lá cam vàng rực rỡ. Bên đường, thỉnh thoảng một con chim ưng sà xuống những thân xương rồng cổ thụ, nơi có tổ chim gõ kiến, trong tổ đang có trứng và cả chim non… Từ nhà máy làm vang nhìn xuống thấy khung cảnh thật ấn tượng: vùng đất một màu nâu đỏ cằn cỗi được che phủ bởi những vườn nho 60-70 năm tuổi đời, xen kẽ vào đó là những vườn nho chỉ mới trồng 2-3 năm.
Sớm tinh mơ hôm sau, chúng tôi theo đường 40 để đến Cachi – một trong những dãy núi cao nhất rặng Andes với độ cao hơn 6.000m. Nằm ở độ cao trung bình khoảng 5.000m so với mực nước biển, đường 40 là con đường cao nhất Nam Mỹ, nên từ đây nhìn quanh đâu đâu cũng thấy núi non trập trùng. Có đoạn đi qua những ngọn núi mang hình dạng và màu sắc rất lạ mắt; anh bạn mê địa chất thao thao giảng giải cho cả xe về quá trình biến đổi địa chất đã làm nên màu sắc khác nhau của dãy núi. Giữa cái nền núi non màu sắc kỳ ảo đó, đỉnh Cachi tuyết phủ trắng xóa nổi bật, uy nghi như một vị thần.
Trekking trên dải Cachi
Càng đi xa khỏi những thung lũng trồng nho đường càng gập gềnh, những làng xóm hai bên càng thưa thớt, tiêu điều. Giữa muôn trùng sỏi đá, những ngôi nhà kiểu Tây Ban Nha bị bỏ hoang trông càng buồn bã. Những kiến trúc được xây từ thế kỷ 17 đã chứng kiến bước chân chinh phục của người châu Âu, làm đảo lộn cuộc sống của rất nhiều bộ tộc ngàn đời gắn liền với Andes. Xe dừng lại khi đến gần Cachi, mọi người nghỉ ngơi trong một trang trại ẩn mình giữa thiên nhiên hoang dã. Khí hậu nơi đây khá khắc nghiệt nhưng phong cảnh thì thật ấn tượng. Những hàng cây algarroba cổ thụ bao quanh trang trại rất đẹp mắt, thân cây to lớn ba bốn người ôm không xuể, nhánh cây tỏa rộng và có nhiều tổ ong mật kêu vo ve. Ngoài xa hơn là cánh đồng cỏ linh lăng với những loài chim bản địa màu sắc sặc sỡ hót líu lo.
Chiều xuống, trang trại thật yên bình. Đàn cừu trở về chuồng trong tiếng kêu be be ồn ã. Những con diều hâu gọi nhau về tổ trên ngọn cây cao chót vót. Ngồi đu đưa trên chiếc xích đu bên dòng suối nhỏ, chúng tôi tận hưởng không khí mát lạnh và nghe người địa phương kể chuyện về những chàng gaucho chăn bò kiêu hùng, về những cây xương rồng khổng lồ sống trên những hoang mạc ở độ cao 2.000m – 3.000m… Sau bữa tối với khẩu phần nhiều thịt nướng và rượu theo tinh thần “gaucho”, cả nhóm lần đầu được nếm cái lạnh buốt giá dưới 0oC. Chênh lệch nhiệt độ mùa này ở Andes lên đến gần 20oC. Buổi trưa trời nắng chang chang nhưng chiều tối, gió thổi qua những đỉnh núi tuyết tràn xuống khiến mọi thứ bị nhấn chìm trong giá lạnh.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi đi bộ băng qua sông Tin Tin nước ngang hông. Đây là một nhánh của sông Calchaqui, nằm trên đường đi vào một hẻm núi hẹp, hai bên là đá granite đỏ au. Chương trình trekking hôm nay của đoàn khá thử thách, mở đầu bằng tiết mục trèo lên vách núi đá khá dốc có độ cao khoảng 1.000m. Lên đến đỉnh núi thì mặt trời đã lên cao, nhìn xuống ai nấy đều ngỡ ngàng: Bên kia núi là thung lũng xanh tươi, giữa thung lũng là phế tích bằng gạch đỏ au của người bản địa thuở xa xưa. Cả nhóm đang đi vào vùng lõi của nền văn minh Andes. Từ đây trở đi, sẽ dễ dàng bắt gặp những di sản còn gần như nguyên vẹn của thổ dân.
Đến khu vực đèo Acai, chúng tôi men theo một tuyến đường từng thông dụng trong thế kỷ 19 với những người đưa gia súc qua lại hai thành phố Salta và San Pedro. Trên con đường cũ kỹ đầy bụi này, nhóm ghé vào nhà của Maria, một phụ nữ bản địa chuyên làm và bán phô mai dê cho khách qua đường. Ngôi nhà gỗ giản dị có hàng rào xương rồng, cổng nhà là cây alamo bám đầy dây leo. Đặc biệt, mấy con dê Maria nuôi leo cây rất giỏi, thấy khách lạ chúng tót lên ngọn alamo bằng bộ móng vuốt có khả năng bám chắc. Phô mai làm từ sữa dê không ngon lắm nhưng là thứ thực phẩm nhiều năng lượng, cần thiết cho lữ khách trekking qua tuyến đường này.
Cách “ngôi nhà dê” không xa lắm có một địa điểm khảo cổ không hàng rào che chắn. Chúng tôi tìm hiểu trên mạng nhưng chẳng thấy có thông tin gì. Ai nấy khá thích thú trước mấy bức tường đổ nát trang trí bằng gốm nung đất sét, những bức tranh đá vẽ hình lạc đà không bướu và cáo. Anh bạn địa phương cho rằng đây là tàn tích của một bộ lạc có trước cả thời Inca. Nếu đúng như vậy, ngôi làng có lẽ từng xinh đẹp này đã bị quên lãng đến gần cả ngàn năm.
Điểm dừng chân cuối cùng của chuyến trekking là ngôi làng thuộc vùng nông thôn Finca. Chúng tôi ghé xưởng thuộc da Maximo Roman Cruz. Chủ nhân của cái xưởng nhỏ là Maximo, một người đàn ông trung niên đã đều đặn thuộc da 10 con ngựa mỗi năm trong suốt 30 năm qua. Maximo chẳng quan tâm đến internet hay công nghệ mới. Những sản phẩm bằng tay tinh xảo của anh luôn được nhiều chủ cửa hàng ở thủ đô Buenos Aires tìm mua cho được bằng cách tự lặn lội đến làng nhỏ này. Maximo Roman Cruz không chỉ xem mình là một nghệ nhân mà còn là một nhà bảo tồn văn hóa bản địa thông qua nghề thủ công, lưu giữ một loại hình nghệ thuật đặc sắc của quê nhà còn tồn tại. Dù chúng tôi không đủ tiền mua ví và găng tay da ngựa do anh làm ra, Maximo vẫn tiếp đoàn bằng những câu chuyện đầy cảm xúc về tổ tiên của anh, về ngôi làng Finca lâu đời lặng lẽ trên dãy Andes xa vắng của vùng Nam Mỹ…