Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II đang bước vào giai đoạn khởi đầu. Thông thường, trong giai đoạn này, những doanh nghiệp đầu ngành kinh doanh khả quan thường sẽ là những cái tên công bố kết quả kinh doanh (KQKD) đầu tiên. Ngành ngân hàng cũng không phải là một ngoại lệ.
Mới đây, trong hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh sáu tháng đầu năm, Vietcombank cho thấy các số liệu tích cực. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của VCB đạt 7.722 tỉ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ 2017. Các chỉ tiêu sinh lời của ngân hàng này đều được cải thiện. Kết quả trên không gây nhiều bất ngờ cho nhà đầu tư vì ngay từ quý I, Vietcombank đã báo lãi trước thuế gần 4.400 nghìn tỉ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ. Trong đại hội cổ đông năm nay, Vietcombank đã đặt ra kế hoạch lãi trước thuế cả năm 2018 sẽ ở mức 13.300 tỉ đồng tăng trưởng 17,3% so với năm ngoái. Báo cáo phân tích của nhiều công ty chứng khoán cho biết Vietcombank sẽ không gặp nhiều khó khăn để hoàn thành mức lợi nhuận trên.
Trong khi đó, Ngân hàng ACB cho biết: sau năm tháng đầu năm, ngân hàng này đã nỗ lực để đạt được kết quả kinh doanh ở mức khả thi và dự kiến hoàn thành hơn 50% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho cả năm. ACB đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2018 ở mức 5.669 tỉ đồng nhưng khả năng cao ngân hàng sẽ hoàn nhập khoảng 500 tỉ đồng từ việc xử lý nợ xấu nên có thể sẽ đạt được 6.000 tỉ đồng lợi nhuận trong năm nay. Trong khi đó, năm tháng đầu năm, Ngân hàng Quốc tế VIB cũng đạt doanh thu 2.187 tỉ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 918 tỉ đồng, đồng thời đạt gần 50% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2018.
Sẽ có sự phân hóa mạnh
Trên thực tế, đa phần các ngân hàng Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu tín dụng (có ngân hàng ở trên mức 80%; có ngân hàng ở mức 60 – 70%). Do vậy, tín dụng tăng trưởng tốt là cơ sở để các ngân hàng đạt kết quả kinh doanh khả quan. Số liệu mới nhất của Tổng cục thống kê cho biết tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm 2018 toàn nền kinh tế đạt 6,35%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (7,54%).
Mặc dù mức tăng trưởng chung của toàn hệ thống không cao nhưng lại có sự phân hóa rất rõ giữa các ngân hàng. Cụ thể như tính đến hết quý I, tại Vietcombank, tín dụng đã tăng 6,3% so với đầu năm; tại ACB, tín dụng đã tăng 6,6%; tại HDBank, tín dụng đã tăng 10,9% so với cuối năm 2017. Trong khi đó, kết thúc ba tháng đầu năm 2018, hoạt động tín dụng của Techcombank tăng trưởng khiêm tốn là 1,9%, còn VPBank chỉ mới tăng 3,5% so với cuối năm 2017. Thậm chí, một số ngân hàng còn có tín dụng tăng trưởng âm như ABBank (-4,7%); Eximbank (-4%). Trên cơ sở tăng trưởng tín dụng có thể dự báo KQKD sáu tháng đầu năm 2018 của các ngân hàng sẽ có sự phân hóa và tách tốp khá lớn.
Ngoài tín dụng thì cơ cấu nguồn thu của các ngân hàng cũng đang có sự dịch chuyển ngày càng nhiều về mảng dịch vụ và các hoạt động khác. Thống kê 13 ngân hàng cỡ lớn và trung bình trong quý I-2018 cho thấy, tổng thu nhập lãi thuần đạt hơn 43,4 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng tới 24,8% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, tỷ trọng thu nhập lãi thuần trong tổng thu nhập hoạt động của nhóm ngân hàng này đã giảm xuống còn 74,34%, so với mức 79,29% cùng kỳ năm trước.
Hơn 25% thu nhập còn lại của các nhà băng đến từ các mảng phi tín dụng. Trong đó, mảng dịch vụ đóng góp 4.598 tỉ đồng cho 13 ngân hàng, tăng trưởng 24,8% so với cùng kỳ và chiếm 7,78% tổng thu nhập hoạt động. Đứng tiếp sau là hoạt động khác, mang về 4.566 tỉ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ, chiếm 7,8% tổng thu nhập. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần đóng góp 1.923 tỉ đồng, gấp ba lần cùng kỳ. Với xu hướng này, sự bất ngờ trong KQKD có thể sẽ đến từ một số ngân hàng có mảng thu dịch vụ và các hoạt động khác chiếm tỷ trọng lớn như Techcombank, ACB…
Trên thị trường chứng khoán, với diễn biến khá tiêu cực của chỉ số Vn-Index thời gian gần đây, cổ phiếu ngành ngân hàng cũng không tránh khỏi xu thế giảm điểm chung. Đa phần các cổ phiếu ngân hàng như VCB, CTG, ACB, VPB… đều đã sụt giảm khá sâu (10 – 20%). Mùa báo cáo KQKD quý II hiện được xem là nhân tố có thể hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu ngân hàng, tất nhiên là chỉ xảy ra đối với các ngân hàng có KQKD tích cực vượt kỳ vọng. Tuy vậy, nhà đầu tư cũng không nên quá kỳ vọng vào yếu tố này một khi xu hướng chung của Vn-Index không sớm được cải thiện để thoát khỏi đà giảm ngắn hạn hiện nay.