Việt Nam là quốc gia đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng tại thị trường trong nước, người tiêu dùng thường phải uống cà phê trộn phụ gia. Trong khi các loại hàng chất lượng nhất được doanh nghiệp gom bán ra nước ngoài thì mỗi năm, Việt Nam phải nhập khoảng 60.000 tấn cà phê đã qua chế biến từ Brazil, Mỹ, Trung Quốc…
Tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 02-10-2018 vừa, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh sở hữu K Coffee đã chia sẻ những trăn trở xoay quanh câu hỏi “Tại sao những hạt cà phê ngon nhất lại chỉ dành cho người nước ngoài?”. Với Phan Minh Thông, cà phê tốt nhất phải phục vụ cả người trong nước. Muốn có chất lượng cà phê tốt nhất theo tiêu chuẩn UTZ (tiêu chuẩn cà phê được toàn cầu chấp nhận và áp dụng), nông dân không chỉ thực hiện những nguyên tắc trong trồng trọt như không sử dụng phân bón và thuộc bảo vệ thực vật quá ngưỡng mà còn phải chú ý công đoạn thu hoạch và sau thu hoạch. Chất lượng cà phê mà người tiêu dùng đang sử dụng cao hay thấp tùy thuộc vào tỷ lệ trái chín, ít nhất là 90%.
Bằng nhiều cách, Phúc Sinh đã thuyết phục được nông dân trồng cà phê theo tiêu chuẩn UTZ tại Buôn Hồ. Theo ông Phan Minh Thông, đến nay vùng cà phê Buôn Hồ sản xuất theo những tiêu chuẩn mới có sản lượng là 2.748,48 tấn. Phúc Sinh có các trưởng nhóm giám sát các nông hộ tham gia dự án này để quy trình đồng bộ theo đúng quy định khắt khe của bộ tiêu chuẩn UTZ.
K Coffee cũng đã đạt bộ tiêu chuẩn toàn cầu của hiệp hội bán lẻ Anh Quốc (BRC – British Retail Consortium), hay còn được gọi là bộ tiêu chuẩn BRC. So với chứng nhận UTZ, bộ tiêu chuẩn BRC quy định rõ các tiêu chí về an toàn thực phẩm, lưu trữ và phân, bao bì và nguyên liệu bao bì, đại lý và môi giới toàn cầu… Sản phẩm đạt bộ tiêu chuẩn BRC sẽ được các nhà bán lẻ, các công ty dịch vụ thực phẩm và các nhà sản xuất trên toàn thế giới công nhận.