Đặt chân lên Kingston – thành phố lớn nhất Jamaica, chúng tôi được anh hướng dẫn người địa phương chào đón bằng nụ cười hết cỡ và lời giới thiệu rộn ràng: “Chào mừng mọi người đến với hòn đảo có thiên đường nằm sát bên trần thế!”.
Jamaica được mệnh danh là thiên đường cảnh đẹp trong vùng biển Caribe, cái đó thì ai cũng biết. Còn khía cạnh trần thế – những mảng màu sáng tối trong đời sống có nền văn hóa pha trộn cũng bắt đầu thu hút trí tò mò của nhiều người trong đoàn.
Vùng đất của những dòng suối
Hình ảnh đầu tiên trên đảo đập vào mắt du khách là những hàng đu đủ cao hơn chục mét được trồng trải dài suốt bờ biển. Bên cạnh các đồn điền chuối, dứa, dừa bạt ngàn, ở Jamaica đi đâu cũng thấy giống cây đu đủ cao sừng sững.
Có khí hậu và thổ nhưỡng được ưu đãi, cây trái khắp nơi trên đảo đều tươi tốt, mơn mởn đến lạ. Địa hình của đảo quốc rộng hơn mười ngàn cây số vuông này chủ yếu là đồi núi thấp, nơi nơi đều có sông xanh suối mát chảy êm đềm. Chả thế mà cái tên Jamaica trong ngôn ngữ của người da đỏ bản xứ có nghĩa là “Vùng đất của sông suối”.
- Xem thêm: Saint Lucia, thiên đường du lịch
Nổi tiếng nhất Jamaica có lẽ phải kể đến vịnh Montego, nơi có những dãy đá ngầm bao quanh vịnh và nước biển luôn xanh mát. Kế đến là bãi biển nhiệt đới phía tây Seven Mile trải dài với bờ cát trắng mịn và những hàng cọ cao vút.
Vừa đẹp vừa trù phú như thế, theo dòng lịch sử Jamaica đã lần lượt lọt vào tay người Tây Ban Nha rồi lại qua tay người Anh. Từ đó, trên thiên đường hoang sơ này dần mọc lên những đồn điền cà phê, đồn điền mía mênh mông. Nhiều biệt thự cổ xinh đẹp hiện nay còn lại trên đảo được xây nên nhờ nguồn nông sản dồi dào.
Theo chân thực dân, người từ các nước Anh, Ấn Độ, Tây Ban Nha, châu Phi, Trung Đông, Trung Quốc kéo đến đây lập nghiệp. Sau vài thế kỷ liên tục pha trộn, đời sống Jamaica bây giờ thật nhiều màu sắc và cũng lắm cung bậc cảm xúc vui buồn. Sự đa văn hóa của đảo quốc thể hiện ở những bộ trang phục truyền thống nhiều màu sặc sỡ.
Theo lời anh hướng dẫn thì màu sắc tươi sáng, sống động của trang phục thể hiện tinh thần vô ưu của người dân nơi đây, đồng thời nhằm bày tỏ sự kính trọng của họ đối với khung cảnh thiên nhiên đầy màu sắc nên thơ.
Dù là thành phố đứng đầu Jamaica về tội phạm, bạo lực và nghèo đói nhưng không vì thế mà những hoạt động nghệ thuật, thể thao lại vắng bóng ở Kingston. Jamaica nổi tiếng với nhiều vận động viên điền kinh lập kỷ lục quốc tế. Trên đường phố Kingston náo nhiệt, chỗ nào có đất trống là có những thanh thiếu niên hăng say chạy theo quả bóng.
Kingston mang đậm phong cách thành thị Trung Mỹ với những dãy phố mua sắm, các nhà hàng quán cà phê được trang trí bằng gam màu rực rỡ. Thị hiếu thẩm mỹ của người Jamaica đầy ngẫu hứng và rất sáng tạo. Chúng tôi đặc biệt khâm phục cách dân địa phương biến một túp lều tranh xập xệ giữa bãi biển Treasure thành quán bar kiểu dân dã thu hút nhiều khách quốc tế.
- Xem thêm: Curaçao – Viên ngọc xanh vùng Caribê
Bên cạnh Treasure, một số bãi biển ở Kingston đã được đưa vào danh sách những bãi biển sôi động nhất Trung Mỹ với nhiều hoạt động thể thao, giải trí trên biển và trên bờ biển. Một điểm nổi bật khác của đất nước này là âm nhạc.
Người dân nghe và nhún nhảy theo nhạc gần như mọi nơi, mọi lúc. Giai điệu dân ca của Jamaica trộn với phong cách nhạc của Cuba (Jamaica chỉ cách Cuba 160km về phía Nam) tạo nên một dòng nhạc hiện đại khá đặc trưng.
Dunn, thác nước lạ lùng
Ngày hôm sau chúng tôi đến Ocho Rios, điểm tập kết của những con tàu du lịch năm sao. Sở dĩ những con tàu cao cấp đi dọc biển Caribe chọn Ocho Rios làm chỗ dừng chân vì nơi đây không những có nhiều bãi biển tuyệt đẹp mà có hang động đá vôi, thác nước, sông suối và nhiều khu sinh thái độc đáo.
Bên cạnh mấy chiếc tàu hiện đại vô cùng đồ sộ và sang trọng, cả cảng biển này phủ đầy sắc màu tươi tắn của những con tàu chế tác thủ công. Nghe đâu dân đảo cho rằng con thuyền càng nhiều màu sắc càng chứng tỏ tinh thần dân tộc cao!
Hầu hết du khách khi đến Ocho Rios đều ghé thăm thác Dunn nằm trong một khu rừng nhiều cây xanh mát rượi. Điểm đặc biệt của Dunn là độ dốc thấp và dòng nước đổ thẳng ra biển. Từ độ cao 55 mét, dòng nước trong veo theo một triền dốc đá dài 180 mét để chảy ra ngay mép vịnh. Trong lòng thác có những gờ đá làm nước đọng lại như cái hồ nhỏ, mấy hồ này chỉ sâu khoảng một mét.
Dọc theo hai bờ thác có nhiều khung cảnh núi rừng rất thi vị. Lần theo thác để xuống thật sâu, nhiều người reo lên khi thấy nơi dòng nước gặp gỡ biển lớn là một bãi cát trải rộng, trắng tinh và mịn màng. Nhiều nữ du khách mặc bikini đi chơi thác giờ đây thoải mái vùng vẫy trong làn nước biển xanh như ngọc.
Xuôi bè từ sông ra biển lớn
Một sản phẩm du lịch đặc sắc nữa của Jamaica là thú đi bè từ con sông nhỏ hướng ra Frenchman’s Cove, cửa biển kín gió với những ngọn núi vươn dài chắn sóng. Những bè tre dài khoảng bốn mét vốn là phương tiện giao thông rẻ tiền của dân địa phương bỗng trở nên hấp dẫn du khách từ dăm năm trở lại đây.
Đã nhàm chán với các phương tiện di chuyển tối tân, nhiều khách Âu, Mỹ thấy sảng khoái khi được khám phá thiên nhiên bằng chiếc bè giản dị, thân thiện với môi trường. Sau khi đẩy chiếc sào ba, bốn lần thì người lái bè cũng đưa được chúng tôi ra giữa sông, tiếp đó công việc của anh là luôn chân luôn tay điều khiển bè để mọi người yên tâm trôi trên con sông liên tục thay đổi hướng dòng chảy, độ sâu và vận tốc dòng chảy.
Mặc dù đi bè không mấy mạo hiểm nhưng không ai cảm thấy nhàm chán. Quãng đường hơn mười cây số từ bến cho đến nơi cửa sông đổ ra biển phong cảnh rất thơ mộng. Hai bên bờ sông là một màu xanh mướt, đôi chỗ có dân cư thì phô bày phần nào lối sinh hoạt của người địa phương.
Thi thoảng có thể nhìn thấy một vài chú heo đang ủn ỉn kêu bên những căn nhà kiểu truyền thống Jamaica. Đang tưởng mình được trở lại với thời xa xưa, bất ngờ trước mắt chúng tôi xuất hiện một chiếc bè đi ngược hướng.
- Xem thêm: Quốc gia bí ẩn trong vùng biển Caribe
Trên bè là một thanh niên tóc tết thành hàng chục bím bán bia lon, nước ướp lạnh rao hàng rộn rã. Rồi cứ thế chiếc bè luồn lách trên con sông giữa những mảng xanh tưởng như bất tận hai bên bờ. Đôi chỗ lòng sông khá cạn và bè chạm nhẹ vào đá. Nghe nói đã có trường hợp bè va mạnh vào đá rồi vỡ tan…
Chúng tôi cứ tưởng mình đi dạo bằng bè là đã thong thả lắm rồi, ai ngờ trên đường đi còn gặp nhiều du khách nằm trong những chiếc phao lớn ngửa mặt lên trời để trôi tự do trên sông. Đi kiểu như thế không biết đến bao giờ họ mới ra đến cửa biển.
Nhưng có lẽ chuyện khi nào đến nơi đã không còn quan trọng với những du khách này. Dường như khi đặt chân lên Jamaica, lối sống thoải mái, không quan tâm đến thời gian của người dân nơi đây đã bắt đầu thấm dần vào họ.