Sự kiện thể thao Ironman 70.3 đã diễn ra tại Đà Nẵng từ tháng 5 năm ngoái nhưng đến nay, những người chơi thể thao trên cả nước vẫn nói về cuộc đua này một cách hào hứng. Hiếm có cuộc đua nào mới tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam mà thu hút hơn 1.000 vận động viên đến từ 54 quốc gia trên thế giới.Các vận động viên đã trải qua cung đường bơi 1,9km, đạp xe 90km và kết thúc với 21km chạy bộ qua những bãi tắm ven biển Đà Nẵng. Người đưa Ironman 70.3 về Việt Nam là ông Trịnh Bằng, Giám đốc Công ty Sunrise Events Vietnam, đã có những chia sẻ khá thú vị về sự kiện này.
Trước Ironman 70.3 tại Đà Nẵng, cuộc thi ba môn phối hợp vẫn còn lạ lẫm với phần lớn người Việt Nam. Vì sao ông vẫn quyết định đưa sự kiện này về Việt Nam?
Tôi và gia đình định cư tại Mỹ cách đây gần 40 năm. Khi trở về quê hương, tôi vui mừng khi thấy đất nước đã thay đổi nhiều. Việt Nam đang trở thành điểm sáng với nhiều tiềm năng về kinh tế, thu hút vốn đầu tư lớn từ nước ngoài. Cộng đồng người yêu thích thể thao cũng ngày càng lớn mạnh, tuy số lượng người biết đến cuộc đua ba môn phối hợp khá hữu hạn. Tôi luôn khát khao làm một điều gì đó để góp sức cho sự phát triển của quê nhà và cũng muốn phát triển cộng đồng thể thao trong nước. Tổ chức một sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế là lựa chọn thích hợp vì thể thao là sở thích của tôi, vừa truyền cảm hứng về rèn luyện sức khỏe đồng thời giúp phát triển kinh tế, xã hội.
Ironman đã ảnh hưởng tích cực đến kinh tế, xã hội ra sao?
Trước hết, sự kiện này giúp quảng bá về du lịch Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đến khách du lịch trên khắp thế giới. Các vận động viên khi đến tham gia giải đấu thường đưa cả gia đình đi cùng để du lịch và trải nghiệm. Những người này góp phần quảng bá về du lịch Việt Nam đến thế giới. Từ Ironman, nhiều thương hiệu Việt Nam cũng sẽ tiếp cận được các nhà đầu tư nước ngoài vì rất nhiều vận động viên tham gia cuộc đua là những doanh nhân.
Đại diện các tổ chức xã hội, từ thiện xem sự kiện này là cơ hội để quảng bá và gây quỹ. Năm ngoái, có một nhóm từ thiện người Anh tham gia cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức và gây quỹ hỗ trợ trẻ sơ sinh Việt Nam (Newborns Vietnam). Quỹ Phẫu thuật Nụ cười Việt Nam (Operation Smile) cũng tham gia để quảng bá cho các chiến dịch của họ.
Sự kiện đã tác động đến cộng đồng người chơi thể thao Việt Nam như thế nào?
Sân chơi Ironman dành cho tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên, từ người khuyết tật đến các vận động viên chuyên nghiệp, từ công nhân, nhân viên văn phòng đến doanh nhân, ai cũng có thể tham gia. Đến với sân chơi này, mọi người thoải mái thể hiện tinh thần, nghị lực và bản lĩnh mà không cần trải qua bất kỳ cuộc kiểm tra nào.
Các vận động viên tham gia Ironman đều được truyền cảm hứng “Không điều gì là không thể”. Có những lúc bạn cảm thấy kiệt sức trên đường đua, niềm tin “tôi có thể chiến thắng” sẽ tiếp thêm năng lượng để họ đến đích. Khi trở lại cuộc sống và công việc thường ngày, niềm tin “tôi có thể làm được” vẫn có giá trị khi bạn gặp thất bại, khủng hoảng. Sau sự kiện, một số vận động viên đã chia sẻ với tôi rằng cuộc đua đã thay đổi cuộc đời họ.Thể thao thật sự có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ.
Tinh thần “Không điều gì là không thể” đã đến với ông từ bao giờ?
Những ngày tôi còn bé, gia đình tôi sống ở Đà Lạt. Năm 1975, gia đình tôi đã bỏ lại tất cảở quê nhà để sang định cư tại Hoa Kỳ. Tôi đã học được từ họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, thất bại chỉ khiến cho tôi thêm mạnh mẽ chứ không nản lòng. Từ vài thất bại trong cuộc sống, tôi rút ra nhiều bài học quý giá để bước tiếp đến mục tiêu vì tôi tin “tôi có thể làm được”.
Lúc nhỏ, tôi đã chơi thể thao như chạy bộ, đạp xe và chơi đô vật nhưng tôi không biết bơi. Năm 25 tuổi, tôi đăng ký tham gia cuộc thi ba môn phối hợp Laguna Phuket Triathlon để buộc mình phải học bơi. Tôi mua một quyển sách tựa đề Total Immersion và bắt đầu hành trình tự tập bơi trong sáu tuần. Đến ngày thi, tôi hoàn thành 1,2km biển và 600m hồ với thành tích hạng trung bình. Đó là một thành tích gây bất ngờ cho những người từng biết tôi không biết bơi sáu tháng trước. Tôi cũng từng khiến không ít người ngạc nhiên khi tôi chinh phục Aconcagua – ngọn núi cao nhất khu vực Nam Mỹ dù chưa từng có kinh nghiệm leo núi trước đó.
Là một người đam mê thể thao, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình?
Cuộc đua nào cũng là một hành trình thú vị cho vận động viên nhưng cũng có những lần chơi ấn tượng.Trước khi biết bơi, tôi đã ước mơ mình sẽ được tham gia Ironman World Championship tổ chức ở Hawaii. Mãi đến năm 2013, tôi mới thực hiện được ước mơ thời niên thiếu của mình.Mặc dù trước đó tôi đã tham gia nhiều sự kiện thể thao nhưng với Ironman World Championship, tôi cảm thấy mình như mới bắt đầu. Năm 2014, tôi đứng trước cơ hội lọt vào top ở cuộc thi Ironman European Championship sau khi trải qua vòng loại tại Frankfurt, Đức. Tôi dẫn đầu trong phần lớn thời gian trong hạng mục thi đấu cuộc thi cho đến khi bị chuột rút. Bất chấp những cơn đau thắt do chấn thương bất ngờ, tôi vẫn quyết tâm và hoàn thành phần thi dù bị vượt qua vào phút chót. Tuy vậy, tôi rất vui vì giành được 15.000 USD cho các quỹ từ thiện, trong đó 5.000 USD dành tặng tổ chức Operation Smile Việt Nam.
Ironman là cuộc thi đã làm thay đổi cuộc đời của tôi. Từ hành trình này, tôi đã có cơ hội gặp nhiều bạn bè, đến thăm những vùng đất tuyệt vời và nhận thức về tầm quan trọng của sức mạnh tinh thần trong việc chinh phục những khó khăn trong các cuộc đua cũng như trong cuộc sống. Do đó, dù có chút do dự nhưng tôi vẫn quyết định đưa sự kiện ba môn phối hợp lớn nhất thế giới đến với người yêu thể thao Việt Nam.
Điều gì khiến ông do dự trước khi tổ chức Ironman 70.3?
Tôi chưa từng có kinh nghiệm trong tổ chức các sự kiện thể thao lớn trước đó. Tại thời điểm cách đây hai năm, cộng đồng người chơi ba môn phối hợp ở Việt Nam hầu như chưa có. Các loại xe đạp chuyên dùng cho cuộc đua cũng như nhiều loại dụng cụ thể thao khác cũng rất hiếm. Đó là những lý do khiến tôi phải cân nhắc, đắn đo trước khi đưa ra quyết định. Thật may, số vận động viên tham gia sự kiện vượt ngoài mong đợi của chúng tôi, đặc biệt là có đến 73 thí sinh đại diện cho nước chủ nhà tại cuộc đua. Sự ủng hộ và tạo điều kiện của chính quyền thành phố là một trong những yếu tố quan trọng để sự kiện thành công.
Trong thời gian tới, nhờ các thỏa thuận kinh tế mới được ký kết vào năm ngoái, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà việc mua sắm các dụng cụ thể thao chuyên dụng sẽ dễ dàng hơn. Theo đó, việc tổ chức các cuộc đua như Ironman cũng thuận lợi hơn và cộng đồng người chơi ba môn phối hợp trong nước cũng sẽ tăng lên nhanh chóng.
Từ kinh nghiệm của một vận động viên đã trải qua nhiều cuộc đua, ông có lời khuyên nào dành cho mọi người về cách ăn uống, luyện tập để nâng cao sức khỏe nhằm tham gia cuộc đua Ironman trong những năm tới?
Tôi không quá khắt khe trong ăn uống, chỉ cố gắng chọn chế độ ăn uống cân bằng. Tôi thường cố gắng dậy sớm để luyện tập đạp xe hoặc chạy bộ nhưng đôi khi tôi phải làm việc đến khuya. Vì vậy, tôi sẽ lên thời gian biểu để có thể dành thời gian tập luyện sáu ngày mỗi tuần với những buổi tập ngắn trong tuần và một buổi tập dài vào cuối tuần. Còn khi muốn tham gia các giải đấu lớn, tôi nghĩ vận động viên nên có một huấn luyện viên riêng. Trước đây, tôi nghĩ mình có thể tự luyện tập nhưng sau đó, tôi nhận thấy một huấn luyện viên là một sự đầu tư hợp lý và có thể giúp bạn phát triển rất hiệu quả.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
- Thanh Nhã