Trong hơn 10 năm qua, giải thưởng INSEE Prize không chỉ đơn thuần là sân chơi mang các sinh viên ngành xây dựng trên khắp cả nước đến với lĩnh vực ngành nghề mà họ mơ ước mà còn là “vườn ươm” cho những ý tưởng đột phá. Nhiều ý tưởng sáng tạo từ cuộc thi này đã được hiện thực hóa với tầm ảnh hưởng đáng kể đến xã hội.
Một thập niên ươm mầm ý tưởng
Khi nhắc đến INSEE, nhiều người nghĩ đến xi măng và các loại vật liệu xây dựng khác, nhưng thực tế sinh viên các trường kỹ thuật thì lại quen thuộc hơn với cuộc thi sáng tạo thường niên lần đầu tổ chức vào năm 2009. Như nhiều ngành khác cũng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, vòng thi năm nay cũng được tổ chức dưới hình thức hội nghị trực tuyến, nhưng không vì thế mà mất đi nét hấp dẫn của chương trình.
Theo ông Bruno Fux, Giám đốc Ecocycle và Phát triển bền vững, dù không có cơ hội tương tác trực tiếp, nhưng các phần dự thi đều diễn ra suôn sẻ. “So với những năm trước, tôi đánh giá cao chất lượng của cuộc thi năm nay. Các bạn sinh viên đã giải quyết các vấn đề then chốt của phát triển bền vững một cách toàn diện, đổi mới và mang tính khả thi”, ông Bruno nhìn nhận.
Theo đó, 5 dự án lọt vào chung kết được đánh giá cao đó là Dự án Cung văn hóa Thiếu nhi – Xóm Xào Xạc (Đại học Bách khoa TPHCM); Dự án Mơ – Không gian thư viện kết hợp sân chơi (Đại học Bách khoa TPHCM); Nhà trọ kiểu mới – Giải pháp nhà trọ dành cho sinh viên (ĐH Văn Lang); A Cosy Life – Mái ấm cho những người có thu nhập thấp (Đại học Kiến trúc Đà Nẵng); Gốm – Không gian văn hóa tại trường tiểu học Bát Tràng (Đại học Kiến trúc Hà Nội).
Khởi điểm vào năm 2009, INSEE Prize (trước đó tên là Holcim Prize) là sân chơi cho thế hệ trẻ được thử sức, tiếp cận, học hỏi liên quan đến bền vững và qua đó có thể tìm kiếm đươc những ý tưởng hay mang lại lợi ích cho xã hội.
Theo đại diện Ban tổ chức, các tiêu chí đánh giá tập trung vào việc các dự án có thể giải quyết vấn đề phát triển bền vững một cách toàn diện. “Chúng tôi sử dụng nhiều tiêu chí đánh giá theo ba điểm mấu chốt là đóng góp về môi trường, xã hội và kinh tế của dự án”, đại diện Ban tổ chức chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng theo ông Bruno, ngoài những tiêu chí trên, ban tổ chức còn đánh giá dựa trên khía cạnh đổi mới và dự án liệu có thể triển khai trên thực tế được hay không. “Trong một thế giới mà biến đổi khí hậu và sự khan hiếm tài nguyên đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, tôi có thể nói rằng khía cạnh môi trường của công trình xây dựng ngày càng được quan tâm và là một trong những nhân tố tối quan trọng trong thiết kế và xây dựng”, ông Bruno nói.
Đây cũng là vấn đề lớn mà các sân chơi ý tưởng sáng tạo cho sinh viên đang phải đối mặt, đó là tính “mộng mơ” hay “hiện thực”.
Bà Trần Hải Ninh, Giám đốc nhân sự của INSEE, nhớ mãi trường hợp các sinh viên ở đại học Cần Thơ vì tham gia không chỉ một mà tới ba lần và có cơ hội hiện thực hóa các ý tưởng của mình.
Theo đó, nhóm sinh viên này lần đầu tiên vào đến vòng chung kết năm 2017 và đạt Giải Ba, đã trở lại mạnh mẽ hơn để đạt Giải Nhất vào năm 2018 với đề tài Seen House và có hơn 6 tháng làm việc tại INSEE để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Seen House được bàn giao cho chính quyền địa phương vào tháng 12-2018. Sau đó, các bạn còn hướng dẫn đàn em của mình vào đến Chung kết INSEE Prize 2019, bà Ninh nhớ lại.
INSEE Prize là một nền tảng lý tưởng để sinh viên trình bày những ý tưởng đang thay đổi rõ ràng cách xây dựng hiện nay. “Những gì chúng ta cần là những ý tưởng bền vững và sáng tạo, có thể triển khai trên thực tế”, ông Bruno nói.
Sáng tạo vs Hiện thực
Ranh giới giữa một dự án mang tính sáng tạo cao nhưng không khả thi trên thực tế ngày nay rất khó đoán định. Chăng hạn như một vài năm trước, năng lượng tái tạo là ngành “xanh” nhưng rất tốn kém để thực hiện, còn giờ đây chúng trở nên cạnh tranh về chi phí và được thực hiện trong nhiều dự án khác nhau.
“Tôi tin rằng một số ý tưởng được đề xuất trong cuộc thi năm nay có thể bị coi là khó thực hiện hiện nay nhưng sẽ trở thành “bình thường mới” trong một vài năm tới”, ông Bruno bình luận.
Tương tự, bà Ninh cũng cho rằng tất cả INSEE chưa bao giờ nghĩ đến khía cạnh sinh viên Việt Nam sáng tạo quá mức dẫn đến “mơ mộng”.
“Tất cả các dự án và ý tưởng đều được ghi nhận và trân trọng. Thực tế trên thế giới đã chứng minh có những ý tưởng dường như không tưởng tại một thời điểm đều có thể trở thành hiện thực. Cốt lõi vấn đề ở đây là các bạn trẻ có một sân chơi để thỏa sức suy nghĩ, sáng tạo đưa ra những ý tưởng hay cho phát triển bền vững”, bà Ninh nhìn nhận.
Theo đại diện của INSEE, lĩnh vực xây dựng trên toàn cầu và ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để đổi mới phát triển. Bản thân INSEE cũng tiên phong trong xu hướng này, chẳng hạn như công ty đầu tiên đạt Nhãn Xanh (Green Label) từ Hội đồng Công trình Xanh Singapore; hoặc các giải pháp vật liệu xây dựng chuyên biệt như xi măng chống phèn mặn INSEE Extra Durable cho môi trường ảnh hưởng bởi hạn mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhắc đến khả năng hiện thực hóa dự án của “vườn ươm” INSEE Prize không thể không nhắc đến dự án đạt giải đầu tiên vào năm 2009, với chủ đề “Thu gom và xử lý triệt để bao bì thuốc bảo vệ thực vật” do sinh viên trường Đại học Cần Thơ triển khai.
Sau khi triển khai thành công dự án ở Cần Thơ, INSEE tiếp tục nhân rộng mô hình đến huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang, và chỉ sau một mùa vụ, địa phương đã thu hồi được hơn 3 tấn bao bì và toàn bộ được xử lý triệt để trong hệ thống đồng xử lý của Nhà máy Xi măng Hòn Chông.
Dự án cũng là một trong những tiền đề để INSEE nói chung và Ecocycle nói riêng cùng đồng hành trong các dự án bảo vệ và nâng cao nhận thức của cộng đồng về môi trường, trong đó có thể kể đến chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” mà chúng tôi cùng tham gia đồng hành cùng các đơn vị đối tác triển khai thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại khắp 22 tỉnh thành khu vực phía Nam”, bà Ninh chia sẻ.
Trên thực tế trải qua 10 năm hoạt động, “vườn ươm” INSEE Prize được thống kê có 8 dự án được triển khai thực tế, được “chắt lọc” từ hơn 3.156 ý tưởng đến từ 43 trường đại học và hơn 5.000 người trong xã hội được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ các dự án.
Tuy đạt được nhiều thành tựu nhưng nhà tổ chức “vườn ươm” vẫn còn nhiều điều băn khoăn vì hiện INSEE Prize mới chỉ là “sân chơi” dành cho sinh viên ngành xây dựng.
“Chúng tôi mong muốn được mở rộng ra với tất cả các bạn sinh viên ở các trường và ngành khác nhau, đồng thời kêu gọi sự hợp tác của các đối tác công ty để giúp coaching/ mentor cho các bạn sinh viên đồng thời tăng cường khả năng hiện thực hóa các dự án”, bà Ninh chia sẻ.