Strasbourg là thành phố của Pháp được bao bọc bởi sông Ill; một phụ lưu của sông Rhein. Từ năm 1988, thành phố này được công nhận là Di sản thế giới với biểu tượng là Nhà thờ Đức Bà được xây theo phong cách Gothic.
Quảng trường Nhà thờ cũng là một trong những quảng trường đẹp nhất châu Âu, với các ngôi nhà cổ xây theo kiểu miền Nam nước Đức, thường có từ 4 đến 5 tầng với các mái ngói dốc. Đối diện với cổng phía Nam của nhà thờ là dinh cung điện Rohan; nơi ngự trị trước kia của các vị Tổng Giám mục Strasbourg đầy quyền uy của thế kỷ XVIII xuất thân từ dòng họ Rohan.
Trước đây, Strasbourg từng thuộc Đức và thuộc khu vực sông Rhein, nơi lễ Giáng sinh trở thành truyền thống ăn sâu vào cuộc sống của người dân. Khi Strasbourg thuộc về Pháp, thành phố giữ nguyên di sản này và tạo thành nét riêng của thành phố cũng như của vùng Alsace.
Lịch sử vùng Alsace cho biết, phiên chợ Giáng sinh đầu tiên được họp từ năm 1570. Hàng năm, mỗi khi Giáng sinh về, tại đây mỗi ngày thu hút hàng vạn người từ khắp nơi đến để chiêm ngưỡng ánh sáng lung linh của những ngôi nhà gỗ nhỏ, tận hưởng mùi hương ngọt ngào của rượu vang nóng. Từ 450 năm nay, Strasbourg vẫn luôn tự hào tổ chức chợ Giáng sinh truyền thống; phiên chợ cổ nhất nước Pháp.
Người ta tìm thấy vết tích của khu chợ đầu tiên liên quan đến Giáng sinh là vào cuối thế kỷ XII ở Strasbourg. Theo các tài liệu về lịch sử của thành phố, trước năm 1570, cứ khoảng vào ngày 06-12 hàng năm là có chợ Thánh Nicôla – Klausenm#rik. Nhưng từ khi vùng Alsace chuyển sang theo đạo Tin Lành, thì xuất hiện chợ Chúa Hài Đồng – Christkindelsm#rik như ngày nay.
- Xem thêm: Strasbourg vương vấn một mùi hương
Bấy giờ, chợ được tổ chức trong 3 ngày trước Giáng sinh và được thể hiện dưới một hình dạng khác. Đó là một Nữ thần mặc toàn màu trắng, đầu phủ một tấm khăn voan, trên là một vương miện có gắn ngôi sao và xuất hiện vào đúng tối Giáng sinh. Nữ thần cùng với chú lừa Peckersel với đầy quà và kẹo bánh trên lưng, đi đến từng nhà tặng quà cho trẻ nhỏ. Vì thế, từ đó xuất hiện truyền thống vào tối Giáng sinh, người ta đặt một bó cỏ khô trong nhà để chú lừa ăn lấy sức.
Vào thời kỳ đầu, chợ Christkindelsm#rik tập trung ở quảng trường Nhà Thờ Lớn (Place de la Cathédrale). Đến đầu thế kỷ XIX, chợ họp trong 6 ngày, thời gian sau kéo dài thành 36 ngày. Nhiều khu gian hàng mới cũng được mở rộng theo quy mô của thành phố.
Từ năm 1992, Strasbourg tự nhận là “Thủ phủ Giáng sinh” (la Capitale de No#l), theo ý tưởng của ông Jean-Jacques Gsell, lúc đó là trợ lý của Thị trưởng Catherine Trautmann, nhằm khôi phục truyền thống có phần bị phai mờ trong những năm 1970-1980 và để kích thích hoạt động thương mại của thành phố.
Giáng sinh ở Strasbourg gây ấn tượng nhất là cây thông huyền thoại. Cách đây gần 90 năm, tạp chí Grand’goule, chuyên về nghệ thuật phát hành tại Poitiers, trong số tháng 02-1931, từng viết: “No#l ở vùng Alsace là một ngày lễ vui nhộn đối với trẻ nhỏ. Trong mỗi gia đình có một cây Giáng sinh. Đó là một cây thông, trên đỉnh gắn hình Chúa Hài đồng. Cây thông được thắp sáng, được phủ đầy kẹo và những đồ vật trang trí xinh xắn… Vào đầu thế kỷ XVI, cây thông Noel đã được vinh danh ở thành phố Strasbourg…”.
Dịp Giáng Sinh năm 2019 vừa qua, có 3 cây thông lớn được dựng lên ở Strasbourg. Cây thông chính biểu tượng cho sự kiện dựng ở quảng trường Kléber được mang về từ cánh rừng ở Boersch, Vosges. Cây cao hơn 30 mét, nặng khoảng 10 tấn, trên 80 tuổi. Để có được cây thông này, đội ngũ phụ trách đã phải mất hơn 10 ngày, phân loại hơn 100 cây mới tìm ra được cây thông đáp ứng đủ tiêu chuẩn để thiết kế.
Có nhiều công đoạn để thực hiện việc trang trí cây thông, từ việc lựa chọn cây thông, vận chuyển và dựng cây ở quảng trường Kléber. Công việc này được phối hợp với Cục Lâm nghiệp Quốc gia. Chi phí cho công đoạn này vào khoảng 60.000 euro. Phần trang trí cây thông khoảng 150.000 euro. Khi công việc hoàn thành thì từ 17 giờ mỗi tối, cây thông được khoác lên mình tấm áo lung linh, huyền ảo.
Đồ vật trang trí trên cây cũng được thay đổi theo chủ đề hàng năm. Đồ chơi trẻ em là chủ đề của năm 2019. Đó là những chiếc ô tô bằng gỗ, mô hình những chiếc máy bay được treo trên cành, và cả những con quay… Nói chung, du khách có thể thấy những hình mẫu mới được vẽ trên đồ vật trang trí và treo trên cây, như những con ngựa gỗ bập bênh, những đoàn tàu nhỏ, hay những chú chó kéo xe. Để hoàn thành công việc này phải có 10 nhân viên làm việc liên tục trong vòng 2 tuần để treo khoảng 7km dây đèn nhấp nháy và 50 quả bóng trang trí cỡ lớn.
Những quả bóng tròn bằng thủy tinh cũng là đặc trưng của vùng Alsace và Đức. Ngay từ thế kỷ XVI, người dân trong vùng trang trí cây thông bằng hoa và quả tươi, đặc biệt là những trái táo, để liên tưởng đến cây trên Thiên đàng. Nhưng đến mùa đông 1858, mùa thu hoạch táo bị thất thu vì hạn hán, nên không có táo để trang trí cây thông. Một người thợ thổi thủy tinh ở vùng Moselle, sát vùng Alsace, liền nảy sinh ý tưởng làm những quả táo… bằng thủy tinh vì đây là một nghề thủ công truyền thống trong vùng. Thành công nhanh chóng được lan sang các vùng khác ở Pháp. Đến thập niên 1950, những quả bóng thủy tinh dễ vỡ dần được thay bằng bóng nhựa. Nhưng bóng trang trí thủy tinh vùng Alsace vẫn là mặt hàng thủ công chất lượng cao được ưa chuộng.
Bên cạnh đó, trong hơn một tháng cuối năm, cả khu phố cổ hóa thân thành thế giới cổ tích. Hơn 300 ngôi nhà gỗ nhỏ xinh xắn được dựng thành quầy hàng, hơn 30 km dây đèn được chăng khắp thành cổ. Mỗi khu mang một chủ đề riêng, với những hình trang trí và màu sắc đặc trưng. Những ngôi nhà xà gỗ đặc trưng của vùng Alsace, trở nền huyền bí hơn, lung linh hơn trong ánh đèn ấm cúng.
Mùi hồi, mùi cam, mùi hạnh nhân nướng, mùi rượu vang nóng thoang thoảng khắp các ngả đường tạo nên một không khí rất đặc trưng của mùa lễ hội. Tạp chí Grand’goule miêu tả:
“Tại đây, người ta có thể mua được bánh gừng và kẹo bánh để làm quà gửi tặng bạn bè. Họ cũng mua cả những cây thông về dựng trong phòng khách, hoặc những cành thông để gắn trên tường nhà. Trong không khí này, những nhà quý tộc tổ chức lễ hội tưng bừng; sau đó, để kể thúc buổi lễ, họ nhảy múa quanh một hình nộm có hai mặt. Một trong hai mặt này hướng về năm vừa kết thúc, còn mặt kia hướng đến năm mới”.
Những mặt hàng được bán ở chợ Strasbourg phải vượt qua vòng xét duyệt khắt khe của ban tổ chức để bảo đảm tính độc đáo của chợ với những quy định có từ năm 1927. Sản phẩm được ưu tiên là hàng thủ công, đặc sản trong vùng.
Từ truyền thống vùng Alsace, chợ Giáng sinh dần lan sang nhiều thành phố khác ở Pháp và đến cả các thành phố Tokyo, Matxcơva, Bắc Kinh, Đài Bắc và Seoul. Năm 2019, lần đầu tiên, chợ Giáng sinh Strasbourg được du nhập sang New York, ngay trung tâm Manhattan, từ ngày 6 đến 22-12. Mục tiêu chính là giới thiệu sản phẩm, kỹ năng, con người Strasbourg ra thế giới, nhưng cũng nhằm quảng bá cho du lịch của thành phố này.