Sáng nay ra ngồi quán cũ, cà phê chồm hổm và hủ tiếu một ngón hằng ngày trên đường Mạc Đĩnh Chi. Nhìn hoài mà chẳng thấy vợ chồng anh bán hủ tiếu đâu. Nghĩ bụng, mình mới không ghé quán có một ngày mà đã khác. Hỏi thăm mới biết hôm qua hai vợ chồng đã tạm biệt mọi người để về quê làm đám cưới. Thì ra họ ở với nhau đã lâu, dịp này mới về ra mắt hai bên nội ngoại. Bỗng thấy vui vui.
Gọi là hủ tiếu một ngón vì khách ở đây đều quen với cách gọi món này. Đường Mạc Đĩnh Chi một chiều, cứ theo hướng từ Điện Biên Phủ về Nguyễn Thị Minh Khai, tới gần cửa hàng tơ tằm thì rề xe lại, tấp dần vào lề trái. Cà phê chồm hổm bên này đường nhưng xe hủ tiếu phía bên kia. Cứ tìm một chiếc ghế nhựa, quán sẽ tự pha cà phê mang ra theo khẩu vị của khách quen. Chị cà phê có trí nhớ đặc biệt, khách chỉ ghé uống vài hôm là nhớ ngay khách uống gì, đường đá nhiều hay ít. Còn hủ tiếu, cứ gọi một tiếng “Đào ơi” rồi giơ một ngón lên, thế là thông tin đã được phát và nhận nhanh chóng. Bạn cứ ngồi rung đùi đọc báo, sẽ có hủ tiếu. Gọi là hủ tiếu cho gọn, chứ thực đơn mỗi ngày mỗi đổi: bún bò, miến măng, bún măng… Khách không thích thì có thể kêu mì gói. Vợ chồng anh bán hủ tiếu rất tâm lý. Nhiều khi đã thấy “một ngón” giơ lên rồi, mình cũng đã gật đầu rồi nhưng đông khách quá, nên quên. Lúc nhớ lại và phục vụ thì tô hủ tiếu đặc biệt hơn hẳn, tất nhiên giá không thay đổi. Đó cũng là một kiểu xin lỗi.
Để ý thì thấy hầu như khách ngồi ở cà phê chồm hổm đều là khách của hủ tiếu một ngón. Ghé sớm nhất là một bác lớn tuổi, nghe giọng đoán là dân miền Trung, Quảng Nam hoặc Quảng Ngãi gì đó, chạy xe Cup 81. Bác hơi khó chịu. Có lần nghe bác gọi chị cà phê lại, dặn chờ bác ăn xong hãy pha cà phê. Pha sớm nhạt vị. Trông hình dung thì đoán bác đã qua tuổi hưu. Nhưng cách ăn mặc và giờ giấc hằng ngày thì rõ ràng còn đang đi làm. Vô tình nghe nói chuyện điện thoại thì hình như bác còn đang có con nhỏ. Bác làm tôi nhớ tới cặp vợ chồng già có con nhỏ tôi hay gặp trước đây khi đi lễ chiều Chủ nhật ở Nhà thờ Đức Bà thời còn là sinh viên. Người vợ thay đổi theo thời gian một cách ngoạn mục. Ban đầu nhìn họ thấy có gì đó lệch lệch, không phải về tuổi tác mà về phong thái, ăn mặc. Người chồng có vẻ công chức, khá chăm chút diện mạo bề ngoài nhưng vợ thì xuề xòa, nhìn là đoán ngay rằng mới ở một vùng quê nào đó phía Bắc chuyển vào. Nhưng chỉ sau vài tháng, cô ấy đã thay đổi hoàn toàn. Tóc uốn, váy dài và khuôn mặt trang điểm đơn giản, rồi cô ấy mặc áo bầu… vài năm sau đi lễ gặp lại họ với một đứa con trai bụ bẫm. Đặc biệt, ông chồng luôn bế và chăm con… Nhìn hai vợ chồng đã đứng tuổi và một đứa trẻ, ở họ toát ra niềm hạnh phúc viên mãn. Đứa trẻ ấy, bây giờ chắc cũng đã là sinh viên đại học. Sài Gòn thật lạ, cho tất cả những ai đến để mưu cầu hạnh phúc.
Khách thứ hai là tôi. Đã thành thói quen, tôi ngủ như gà, “lên chuồng” sớm và sáng dậy gáy sớm. Đi làm sớm cũng có nhiều cái lợi, đường vắng, ít kẹt xe; ngay cả khi vào công ty, ngồi một mình trước máy tính cũng thú, căn phòng và mọi thứ chung quanh như hoàn toàn thuộc về mình. Cữ cà phê đầu tiên trong ngày cũng muốn dành cho riêng mình, vừa cà phê, đọc báo và quan sát chung quanh… Khách thứ ba là một cậu sửa xe gắn máy, hay mặc chiếc áo thun xanh nhàu nhĩ và loang ố dầu mỡ. Rồi khách thứ tư, thứ năm, thứ sáu… Trong số đó là một bác làm giám đốc bộ phận của một công ty bảo hiểm có trụ sởở gần đó. Bác này hay chuyện, hơi “nổ” xíu nhưng cũng vui. Nhờ vậy mà tôi biết bác có một ông bố là nhà văn.
Rồi có một vị khách đặc biệt, không tăng doanh thu cho cả chị cà phê lẫn vợ chồng hủ tiếu một ngón nhưng được sự quan tâm của tất cả mọi người: một cô mèo hoang. Mỗi sáng, cô nàng đĩnh đạc từ trong hẻm đi ra, cọ cọ nhẹ vào chân chị cà phê, chị quát lên nhưng lôi từ gầm xe ra một cái tô sắt, trong đó sẵn vài mẩu xương từ phần ăn dư của khách. Chị đem cái tô để ở gốc cây bên đường. Cô mèo rất nhỏ nhẻ, từ tốn và… đúng chất mèo hoang, ăn nhưng thỉnh thoảng nhướng mắt nhìn đám người đang ngồi chung quanh, kiểu như chỉ ăn thôi mà, nhìn cái gì mà nhìn!
Ngồi đếm tới khách thứ mấy chục thì đến lúc vào công ty, cũng là lúc vợ chồng anh hủ tiếu phía bên kia đường bán được chừng đó tô. Nghĩ mà giật mình, vì cũng là chừng đó lần họ băng qua đường… một kiểu mưu sinh không ít rủi ro. Nhiều lúc cũng ngại khi gọi hủ tiếu, nhưng nếu không gọi có khi họ còn buồn hơn. Hủ tiếu xe đẩy, không thuê mặt bằng, không đóng hụi sống hụi chết nên giá cả cũng phải chăng, phù hợp với túi tiền của đủ mọi nhóm người. Để ý thấy dạo này chị cà phê và hủ tiếu một ngón ngày càng đông khách. Cũng vậy, dọc đường Điện Biên Phủ, đoạn từ cầu vượt Hàng Xanh về vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm cứ mươi, mười lăm mét lại có một xe bán đồ ăn mang đi: xôi mặn, bún xào, bánh mì, bánh cuốn… đủ các loại.. Khi người ta phải đổ ra vỉa hè nhiều hơn để mưu sinh, và khi “thượng đế” bớt ghé hàng quán sang trọng mà lựa chọn dịch vụ vỉa hè nhiều hơn thì đó cũng là những vấn đề của xã hội.
Còn tôi, vẫn thích không khí của cà phê vỉa hè và các món ăn đường phố như kiểu của vợ chồng hủ tiếu một ngón. Thi thoảng đọc báo thấy nói về khoản vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng hơi ngại. Nhưng nhìn cô vợ soạn đồ bằng bao tay và những móng tay sạch sẽ của anh chồng bưng bê, thấy yên tâm phần nào. Vả lại, ở xứ mình mà ăn gì uống gì cũng nghĩ đến chuyện vệ sinh thì chỉ có nước nhịn đói. Kệ, hên xui…