Tình hình chính trị tại Hongkong đến nay vẫn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp và ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực bán lẻ thời trang cao cấp của khu vực này.
Các hoạt động du lịch cũng như công tác đến Hongkong gần như bị trì hoãn trong thời gian dài, kéo theo nhiều thiệt hại kinh tế nặng nề trong đó có ngành bán lẻ thời trang cao cấp. Người khổng lồ của thế giới mỹ phẩm L’Oréal đã gửi thư khẩn cho toàn bộ nhân viên của mình từ đầu tháng 10 với nội dung hoãn những chuyến công tác đến Hongkong cho đến khi có sự bình ổn. Người dân thì không còn tâm trí mua sắm và cũng chẳng có du khách nào đến tham quan và sắm sửa trong những ngày cao điểm biểu tình. Thậm chí, nếu có ai đó muốn đến những boutique hay trung tâm thương mại cũng là một việc bất khả thi vì các nẻo đường khu trung tâm đều chật cứng đoàn người biểu tình. “Chúng tôi chưa từng thấy chuyện này diễn ra. Hongkong nổi tiếng với nhịp sống sôi động và hiện đại với những thiên đường mua sắm bậc nhất thế giới. Hình ảnh những người biểu tình xuất hiện trên báo chí đã ảnh hưởng đến hình ảnh về một Hongkong an toàn và thậm chí sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nếu tiếp tục diễn biến”, ông Ricky Tse, Chủ tịch của Hiệp hội Du lịch Hongkong cho biết trên tờWall Street Journal.
“Cuộc cách mạng những chiếc ô- The Umbrella Revolution” tạo ra báo động đỏ cho doanh thu của ngành bán lẻ thời trang. Chỉ trong vòng ba tuần kể từ ngày biến cố xảy ra, sàn chứng khoán Savigny Luxury (SLI) mất 4,2% so với sàn giao dịch chứng khoán MSCI. Trong tháng vừa qua, thương hiệu Brunello Cucinelli mất đến 13% lợi nhuận, Michael Kors giảm 11%. Duy chỉ có Burberry vẫn “sống tốt” trong tâm bão khi lợi nhuận tăng đến 6%.
Hongkong vốn dĩ là một trong những thị trường lớn nhất thế giới của các thương hiệu thời trang cao cấp. Cuộc biểu tình kéo dài làm ảnh hưởng không chỉ đến tình hình doanh thu của khu vực mà còn ảnh hưởng đến các công ty mẹ, làm xáo trộn những kế hoạch đầu tư và phát triển. Điển hình có thương hiệu Cartier phải cắt giảm giờ làm việc của hơn 230 nhân công tại một trong những xưởng chế tác đồng hồ của mình ở Thụy Sĩ bởi nguồn cầu đã sụt giảm mạnh.
Có thể nói những khó khăn mà Hongkong đang gặp phải lại là thuận lợi cho những nước khác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan. Tuy nhiên, xét cho cùng thì tình trạng trên không thể kéo dài mãi mãi. Chính quyền khu vực cùng với đại diện người biểu tình đang tìm kiếm giải pháp có tiếng nói chung, kết thúc giai đoạn không vui của kinh tế và du lịch Hongkong. Hơn nữa, những con số cho thấy các thương hiệu tên tuổi vẫn có doanh thu, chứng tỏ khách du lịch vẫn có thể đến đây tham quan, mua sắm và đồng thời còn có thể xem trực tiếp biểu tình.
- Khải Hoàng