Như tên gọi, Homestay (HS) là loại hình du lịch ăn – ở chung nhà với người dân. Tiếng Việt gọi là du lịch Cộng đồng (DLCĐ). Mục đích là để du khách chủ động tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm với cư dân bản địa và giúp người dân làm kinh tế, có thêm thu nhập. Mô hình này phổ biến khắp thế giới. Ở Việt Nam, HS chưa đại trà nhưng gần như tỉnh nào cũng có.
Mô hình các nước
Ở các nước phát triển hơn, HS tương đối dễ dàng tổ chức. Ngành du lịch chọn những hộ dân có điều kiện để thực hiện. Chủ nhân những ngôi nhà rộng rãi sắp xếp gọn sinh hoạt gia đình, nhường phần còn lại cho du khách đến ở. Nhà nhỏ thì vài ba người. Nhà lớn thì cả chục. Hầu hết đều ngủ tập thể. Có thể ăn chung với gia đình. Thỉnh thoảng vẫn có những nhà dành riêng cho du khách trong khu dân cư, gọi là housestay, để phân biệt với homestay, là nhà khách ở chung với dân. Nhà vệ sinh cũng vậy, có thể biệt lập hoặc sử dụng chung.
Để tổ chức HS, ngoài lưu trú, điều cốt lõi là phải có các điểm du lịch vệ tinh gắn với ngành nghề của người dân tại chỗ để du khách trải nghiệm. Bên cạnh đặc thù về ngành nghề, khu dân cư phải có chợ, trường học, trạm y tế, cửa hàng… bình thường. Tốt hơn nữa là có các thắng cảnh tham quan, bán kính chừng vài chục km. Khách có thể đi bộ hoặc sử dụng xe đạp. HS chỉ kéo khách đến. Để giữ khách lại, cần các điểm vệ tinh nối kết, có thể có sẵn hoặc tự tạo tùy điều kiện và khả năng thực tế.
Thực tế ở Việt Nam
Ở Việt Nam làm du lịch HS cũng không khác bao nhiêu so với các nước. Tuy nhiên do sự chênh lệch về kinh tế và khác biệt về văn hóa nên hiệu quả lại cách xa. Ở phía Nam, HS chủ yếu là housestay. Trước kia là mấy nhà cổ do nhà nước quản lý. Gần đây thì có thêm những housestay mới, giữa vườn cây. Tây Nguyên thì sử dụng các nhà rông làm thành hostel, ở tập thể. Lưu trú là vài phòng bí rị trong nhà dân hoặc các housestay hay hostel ở tập thể như trại tỵ nạn.
Các vùng dân tộc ở phía Bắc thì khá hơn nhờ tận dụng những nhà sàn khang trang của người dân. Chỗ ngủ và ăn chung rất luộm thuộm. Việc rơi vãi thức ăn là tất nhiên nên thường xuyên có mùi. Chưa kể, các loài côn trùng như gián, thằn lằn và cả chuột có thể vào ngủ chung. Khách thường sử dụng chiếu, hoặc nệm mỏng, trải xếp lớp liền kề. Khi ăn hoặc ngủ xong thì cuốn lại. Ở phía Nam trước đây phổ biến là giường xếp (ghế bố), nay có giường hoặc ván trải nệm. Cả khu nhà mấy chục người ở chỉ vài ổ cắm điện. Ăn uống cũng giản đơn, dân ăn sao thì khách ăn vậy, có thêm vài món Tây cải tiến.
Điểm yếu nhất của HS Việt Nam là nhà tắm và WC. Thường là xây kín mít, vị trí không phù hợp, chật hẹp, sử dụng chung, không có nước nóng… Thiên hạ khá giả, nên chỗở và nhà vệ sinh của họ cũng tươm tất hơn, khách dễ dàng hòa nhập. Việt Nam thì khác. Đã nghèo mà còn thiếu vệ sinh nên khách sợ, dù rất mê văn hóa và cảnh quan Việt Nam. Càng ngày HS Việt Nam càng bộc lộ những bất cập, dịch vụ xuống cấp nên lượng khách giảm sút là đương nhiên.
Cấp bách đổi mới
Trưa ngày 24-4-2016, đoàn khảo sát mô hình HS CBT (Community Based Tourism) của thành phố Sa Đéc ghé bản Lác ở Mai Châu, Hòa Bình. Ai cũng lắc đầu, có người kinh ngạc đến sững sờ. HS bản Lác, từng là niềm tự hào của du lịch Việt, giờ nhếch nhác, xô bồ. Chỗ ở luộm thuộm như trại tỵ nạn, WC thì bí rị, nhà tắm chung bồn cầu hoặc không có nước nóng. Nhà nào cũng có dàn karaoke hoành tráng. Hàng quán, ăn nhậu thả giàn, xe điện tấp nập, hàng lưu niệm toàn đồ Trung Quốc… Giá ngủ qua đêm chỉ 20.000 đồng, bèo hơn cả ngủ lều dã ngoại thì lấy đâu ra chất lượng. Toàn Tây balô và ta balô. Các công ty lữ hành chẳng ai dám đưa khách đến.
Hoàn toàn đối lập với HS CBT cách đó không xa. Anh Tráng A Chu, 35 tuổi, chủ nhân HS CBT ở Hua Tạt (bản nổi tiếng buôn lậu thuốc phiện) ở Sơn La tâm sự “Nhờ làm du lịch bền vững kiểu HS CBT, thu nhập gia đình anh tăng gấp hơn 10 lần làm nông”. Toàn khách các tập đoàn lớn và những công ty lữ hành có tên tuổi. Dù nhà sàn ở bản Lác có giá trị gấp mấy lần nhà sàn CBT, nhưng dịch vụ thì một trời một vực… Một sự xuống cấp thê thảm và không thể nào thay đổi. Đó là hệ quả của việc làm du lịch HS tự phát, mạnh ai nấy làm, thiếu những chuẩn mực tối thiểu. Vai trò quản lý và điều phối của nhà nước hoàn toàn không có.
Gần đây, hầu như lãnh đạo tỉnh thành nào cũng muốn đẩy du lịch thành mũi nhọn kinh tế địa phương, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Ngoài việc chia sẻ lợi nhuận cho từng hộ gia đình, DLCĐ không cần nhiều vốn và dễ làm; cứ chủ nhà ăn ở sao, khách ăn ở vậy. Đây là quan niệm sai lầm về ăn – ngủ – vệ sinh – điểm đến của nhiều HS, dẫn đến những hệ lụy tai hại. Do nguồn khách không ổn định, bị các công ty lữ hành ép giá, phải qua trung gian, nên nhiều HS không dám đầu tư, cải tiến; nói chi đến phát triển.
Làm gì cũng vậy, phải có chuẩn mực tối thiểu và quy hoạch cụ thể. Xin đừng để những hệ quả của bản Lác lan rộng ra các nơi. Với lãnh đạo địa phương và người dân đang mong muốn làm du lịch cộng đồng, xin hãy tỉnh táo. Mô hình HS CBT chưa phải là hoàn hảo nhưng đó là cách làm độc đáo của Việt Nam. Có thể tham quan, tìm hiểu, cả HS CBT lẫn HS truyền thống, đối chiếu với điều kiện tại chỗ mà vận dụng. Chọn lựa những nhà tư vấn thực tiễn, đảm bảo nguồn khách thì mới triển khai.